[Kỳ 3] Kinh hoàng với pháo tự chế: Phải ngăn chặn triệt để hiểm họa này

Thanh Nam
Thanh Nam
08/01/2023 08:07 GMT+7

Trước những hệ lụy đau thương từ pháo tự chế gây ra, nhiều kiến nghị cho rằng cần phải nhanh chóng chặn đứng hiểm họa này, không để “tiền mất tật mang”, thậm chí là mất mạng và gieo rắc khiếp sợ trong xã hội.

“Dọn sạch” trên mạng xã hội

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Bình, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội), những tổn thương, hệ lụy do pháo nổ gây ra vô cùng nguy hiểm. Tùy vào lượng nổ và tính chất quả pháo mà có thể gây ra đa chấn thương sọ não, ngực, bụng, gãy xương tay chân, xé toang nhãn cầu, để lại hậu quả dai dẳng, thậm chí tàn phế suốt đời.

Nhiều thanh thiếu niên tự chế pháo và bị cơ quan chức năng xử lý

CTV

“Quá nhiều vụ pháo nổ tự chế do những người trẻ làm theo video hướng dẫn trên mạng rất nguy hiểm đến tinh thần, sức khỏe và cả tính mạng. Thế nên hơn lúc nào hết, gia đình và nhà trường cần chung tay giáo dục trẻ em, học sinh không được tự chế và sử dụng các loại pháo. Với những người trẻ ở độ tuổi trưởng thành, hãy nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng pháo nổ, không tự ý chế tạo thuốc nổ, pháo nổ đe dọa đến tính mạng của bản thân và những người xung quanh”, bà Bình chia sẻ.

Chuyên gia tâm lý Đỗ Thu Sương, Trung tâm tư vấn tâm lý Việt Tâm, TP.HCM, nhận định ở độ tuổi học sinh THCS trở lên, thường có tâm lý tò mò, thích khám phá, thế nên dễ học theo những video có nội dung độc hại trên mạng, mà những video hướng dẫn cách chế tạo pháo nổ là một ví dụ.

“Vì thế, tôi mong các cơ quan chức năng cần có biện pháp loại trừ, gỡ bỏ những nội dung độc hại trên YouTube, nhất là những video hướng dẫn cách chế tạo pháo. Ngoài ra, các bậc phụ huynh hãy coi trọng việc quản lý, nhắc nhở con em để tránh nguy cơ con em mình trở thành nạn nhân của pháo tự chế. Các trường học cũng tăng cường giáo dục, quản lý học sinh một cách sát sao hơn trong vấn đề này”, chuyên gia tâm lý Đỗ Thu Sương cho biết.

Ông Nguyễn Thanh Minh, Tổng phụ trách Đội Trường THCS Bình Hải (Quảng Ngãi), cho biết ở địa phương chưa xảy ra vụ việc liên quan đến pháo tự chế. Tuy nhiên, với sự nguy hiểm của nó, đặc biệt là trong thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ việc thương tâm và đau lòng liên quan đến pháo tự chế mà nạn nhân hầu hết là học sinh, nên trường cũng thường tổ chức các buổi sinh hoạt tuyên truyền về cấm chế tạo, mua bán, sử dụng pháo nổ. Qua đó, giúp học sinh nói không với pháo tự chế nhằm tránh những hậu quả đáng tiếc.

Đại diện Sở Thông tin và Truyền thông một tỉnh khu vực Bắc Trung bộ cho biết sẽ rà soát thật kỹ những thông tin trên mạng xã hội, đặc biệt là YouTube trong thời gian này, khi tết đã cận kề. Nếu có những nội dung về hướng dẫn cách thức tự chế pháo, mua bán pháo tự chế, hay phát hiện những video mà chủ sở hữu kênh YouTube là người trong tỉnh, sẽ lập tức vào cuộc để ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Một bệnh nhân 12 tuổi bị đa chấn thương khi tự chế pháo

BVCC

Hướng dẫn làm pháo tự chế coi chừng bị phạt

Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn luật sư TP.HCM), cho biết tại điều 5 Nghị định 137/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo đã có quy định nghiêm cấm các hành vi như: nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ (trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, cung cấp, vận chuyển, sử dụng pháo hoa nổ theo quy định tại Nghị định 137/2020/NĐ-CP)…

“Theo đó, tùy thuộc vào tính chất và mức độ vi phạm thì hành vi tự ý chế tạo pháo nổ trái phép có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật”, luật sư Bình nói.

Cụ thể, nếu hành vi chế tạo pháo nổ có tính chất nghiêm trọng thì sẽ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ” (điều 305) hoặc tội “sản xuất, buôn bán hàng cấm” (điều 190) bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi, bổ sung bởi Luật sửa đổi bộ luật Hình sự 2017.

Tuy nhiên, trong rất nhiều vụ việc, các đối tượng vi phạm là học sinh dưới 14 tuổi, chưa đủ độ tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc chịu trách nhiệm hình sự, nên luật sư Bình cho biết: “Do đó, không thể áp dụng các chế tài hành chính và hình sự mà cần phải có những biện pháp giáo dục và quản lý phù hợp với độ tuổi và mức độ nhận thức của các em”.

Đối với những người trẻ ở độ tuổi có thể chịu xử phạt, căn cứ Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội…, hành vi tự chế pháo là hành vi sản xuất pháo và bị xử phạt vi phạm hành chính. Theo điều 10, có thể phạt tiền 5 - 10 triệu đồng đối với hành vi sử dụng các loại pháo, thuốc pháo trái phép, phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với các hành vi như: chế tạo, trang bị, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng trái phép phụ kiện nổ; vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo, thuốc pháo hoặc nguyên liệu, phụ kiện để sản xuất pháo…

Ngoài ra, Bộ Công an, Viện KSND tối cao và TAND tối cao cũng đã ban hành Thông tư liên tịch 06/2008 hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo nổ và thuốc pháo. Theo đó, người nào sản xuất pháo nổ, chế tạo thuốc pháo thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép, hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ quy định tại điều 305 bộ luật Hình sự 2015, với khung hình phạt cao nhất là tù chung thân.

Nói về việc trên các mạng xã hội như: Facebook, TikTok, YouTube… xuất hiện hằng hà sa số những người hướng dẫn cách thức làm pháo tự chế, luật sư Bình cho biết pháp luật cũng quy định rõ về vấn đề này. Cụ thể, sẽ phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với những trường hợp hướng dẫn, huấn luyện, tổ chức huấn luyện trái phép cách thức chế tạo, sản xuất, sửa chữa hoặc sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và pháo dưới mọi hình thức. Còn theo Nghị định số 15/2020 của Chính phủ, tại điểm e, khoản 1, điều 101, thì những người có hành vi hướng dẫn chế tạo pháo, sau đó đăng video lên mạng xã hội có thể bị xử lý hành chính từ 10 - 20 triệu đồng.

Kinh hoàng với pháo tự chế

Kỳ 1: Kinh hoàng với pháo tự chế

Kỳ 2: Dạy làm pháo tràn lan trên mạng xã hội

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.