Lạm dụng mạng xã hội có dẫn đến trầm cảm?

23/02/2022 04:03 GMT+7

Một nghiên cứu mới được công bố trên chuyên san JAMA Network Open đã khảo sát các cá nhân từ 18 tuổi trở lên trong số 50 bang của nước Mỹ để đánh giá mối liên hệ giữa việc sử dụng mạng xã hội và các triệu chứng trầm cảm.

Từ kết quả khảo sát, các nhà nghiên cứu nhận định với Medical News Today rằng việc sử dụng mạng xã hội TikTok và Snapchat có mối tương quan với các triệu chứng trầm cảm ở những người từ 35 tuổi trở lên, còn các triệu chứng trầm cảm xuất hiện ở những người dưới 35 tuổi thường liên quan đến việc sử dụng Facebook.

Việc giới hạn thời gian tham gia mạng xã hội chỉ 30 phút mỗi ngày sẽ giúp bạn có sức khỏe tâm thần tốt hơn

shutterstock

Thạc sĩ giáo dục Sara Makin, người sáng lập kiêm giám đốc điều hành của Trung tâm tư vấn, trị liệu sức khỏe tâm thần Makin Wellness (Mỹ), cho biết việc sử dụng mạng xã hội để tìm kiếm kết nối có thể có tác dụng ngược và dẫn đến các triệu chứng trầm cảm. Khi sử dụng mạng xã hội quá mức, nhìn thấy quá nhiều những hình ảnh chải chuốt, bóng bẩy, thành công…, một số người hình thành cảm giác mình không bằng người khác và bắt đầu có những suy nghĩ tiêu cực về bản thân.

Tạp chí Self dẫn lời bác sĩ tâm thần Christine Moutier, Giám đốc y tế tại Tổ chức phòng chống tự tử (AFSP), nhận định: “Việc dành quá nhiều thời gian xem những hình ảnh được chỉnh sửa của người khác về những khoảnh khắc hạnh phúc trên mạng xã hội có thể tạo ra kỳ vọng phi thực tế về bản thân, hoặc trở nên áp lực, tiêu cực hơn khi liên tục so sánh bản thân với người khác”.

Lưu ý, bạn không nhất thiết phải xóa bỏ mạng xã hội vĩnh viễn. Bạn có thể tạm dừng sử dụng mạng xã hội mỗi tuần một lần hoặc xóa một số ứng dụng khỏi điện thoại, hay chỉ cần đặt điện thoại ở chế độ máy bay trong một giờ hoặc lâu hơn mỗi tuần. Nếu cảm thấy đã nghỉ ngơi đủ, chúng ta có thể tải lại các ứng dụng khi đã sẵn sàng, theo tạp chí Self.

Vì vậy, việc tạm để đầu óc tách biệt khỏi các ứng dụng mạng xã hội sẽ mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe tâm thần đã được các nhà khoa học kiểm chứng dưới đây:

Ngủ ngon hơn: Theo tạp chí Self, ánh sáng từ điện thoại có thể cản trở quá trình sản xuất melatonin (hormone chịu trách nhiệm điều hòa chu kỳ thức - ngủ của cơ thể). Nhìn vào màn hình điện thoại để lướt mạng xã hội liên tục với ánh sáng chiếu trực tiếp vào mặt có thể làm gián đoạn khả năng đi vào giấc ngủ. Do đó, việc tạm ngưng hoặc ngưng sử dụng các ứng dụng mạng xã hội sẽ giảm bớt được thời gian dùng điện thoại, nhất là trước khi ngủ, giúp chúng ta dễ ngủ và ngủ ngon hơn.

Giữ kết nối thật: “Mạng xã hội có thể là một công cụ hữu ích để giữ liên lạc với bạn bè và gia đình. Tuy nhiên, dành quá nhiều thời gian cho mạng xã hội sẽ ảnh hưởng đến các hoạt động tương tác trực tiếp, gây tác động tiêu cực đến mối quan hệ, làm giảm cảm giác hạnh phúc thật sự”, tiến sĩ tâm lý học lâm sàng Jacqueline Nesi, Đại học Bắc Carolina (Mỹ), nhận định với Self. Vì vậy, thay vì chỉ liên lạc qua mạng, chúng ta nên tăng cường các hoạt động gặp gỡ, trò chuyện ngoài đời trực tiếp với nhau.

Giảm căng thẳng: Một phân tích tổng hợp năm 2017 được công bố trên chuyên san Cyberpsychology, Behavior & Social Networking (tạm dịch: Tâm lý học mạng, Hành vi & Mạng xã hội) đã xem xét 61 nghiên cứu để nhận định việc bị phụ thuộc vào công nghệ và lạm dụng mạng xã hội quá mức có liên quan đến nỗi cô đơn và trầm cảm. Tiến sĩ Jacob Barkley, Giáo sư tâm lý học Đại học Kent State (Mỹ), cho biết tạm dừng sử dụng mạng xã hội dù chỉ trong một ngày, có thể giảm tải được áp lực phải liên lạc, trả lời tin nhắn, bình luận, giúp chúng ta thoát khỏi những căng thẳng không cần thiết.

Tránh hội chứng FOMO: Hội chứng tâm lý FOMO còn gọi là hội chứng sợ bỏ lỡ, có thể hiểu như nỗi sợ hãi việc bản thân bỏ lỡ những điều thú vị hoặc hấp dẫn trong cuộc sống mà người khác đang trải nghiệm. Tạp chí Self dẫn lời tiến sĩ Andrew Lepp, nghiên cứu về hành vi và sử dụng phương tiện truyền thông tại Đại học Kent State (Mỹ), nhận định trong quá trình theo dõi các hoạt động trên mạng xã hội, bạn dễ rơi vào cảm giác nơi người khác đang có mặt thú vị hơn chỗ của mình. Do đó, chủ động tránh mạng xã hội có thể tránh được hội chứng FOMO.

Giải phóng thời gian: Hạn chế thời gian sử dụng mạng xã hội sẽ giúp chúng ta tiết kiệm được khá nhiều thời gian để chăm sóc bản thân. Hiệp hội Lo âu và trầm cảm Mỹ khuyến cáo chúng ta có thể đi dạo hoặc tập thể dục để giảm bớt lo âu, căng thẳng. Đi chơi, gặp gỡ bạn bè, tham gia các hoạt động tình nguyện, nấu ăn… cũng là những hoạt động giúp tăng tính kết nối với cuộc sống thực.

Sử dụng mạng xã hội bao lâu là nhiều ?

Theo chuyên san Journal of Social and Clinical Psychology (Tâm lý Xã hội và lâm sàng), nếu dành hơn 3 giờ mỗi ngày cho các mạng xã hội, bạn có nguy cơ phát triển một số tác động xấu đến sức khỏe.

Một nghiên cứu đăng tải trên Forbes cho biết, những người tương tác với mạng xã hội thường xuyên và thường dành quá nhiều thời gian trước màn hình, có nhiều khả năng bị tăng cân và có nguy cơ cao mắc một số tình trạng sức khỏe như bệnh tim và tiểu đường. 3 giờ mỗi ngày là lượng thời gian tối đa tuyệt đối bạn có thể dành cho mạng xã hội để tránh những vấn đề nói trên. Tuy nhiên, các chuyên gia tâm thần học vẫn khuyến cáo, lượng thời gian thực tế sử dụng các ứng dụng này cần thấp hơn rất nhiều.

Việc giới hạn thời gian tham gia mạng xã hội chỉ 30 phút mỗi ngày sẽ giúp bạn có sức khỏe tâm thần tốt hơn và tác động tích cực đến sức khỏe tổng thể. Một nghiên cứu đăng trên chuyên san Journal of Social and Clinical Psychology đề xuất mỗi ngày chúng ta chỉ nên dành tổng cộng khoảng 30 phút trên 3 ứng dụng mạng xã hội khác nhau để vẫn duy trì sự tương tác mà không tác động xấu đến sức khỏe.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.