Làm sao để vượt qua stress?

05/04/2017 14:01 GMT+7

Khi một người nào đó bị stress, vì bất cứ lý do gì mà không vượt qua được hoặc vượt qua ở một mức độ nào đấy, thì thật sự căng thẳng vẫn còn đó và những khó chịu bên trong sẽ biểu hiện ra ngoài bằng một số triệu chứng điển hình.

Dấu hiệu dễ nhận thấy khi bị stress
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Minh Mẫn, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, khó chịu biểu hiện ở những người bị stress có nhiều mức độ khác nhau. Nếu mức độ cấp tính (stress xảy ra đột ngột, như: ngay sau khi ly hôn hoặc người thân mất), về mặt thể chất, người bệnh sẽ có những biểu hiện như: xỉu, mất ngủ, đau đầu, cảm thấy không thể làm bất cứ việc gì hoặc có những hoảng loạn nhất định.
Trong trường hợp những người có sẵn một số bệnh lý, thì stress làm cho các bệnh đó nặng thêm, chẳng hạn như tăng huyết áp, loét bao tử nếu bị đau bao tử, và lâu hơn có thể sẽ bị rối loạn về trí nhớ. Còn về mặt tâm lý, stress khiến cảm xúc trở nên khô lạnh. Người bệnh cảm thấy không thích thú với bất kỳ điều gì, cảm giác buồn phiền, chán nản triền miên, thậm chí cảm thấy không thiết sống nữa, dễ nảy sinh ý định tự tử, nóng nảy, phản ứng rất dữ dội, dễ bị kích thích.
Điển hình như trường hợp của anh Đ.N.M (43 tuổi, ở Q.12, TP.HCM) bị stress nặng và phải mất gần 2 năm mới lấy lại thăng bằng cuộc sống. Anh M. cho biết nguyên cớ khiến anh sốc nặng và lâm vào tình trạng u uất, trầm cảm nặng là do vợ mất đột ngột.

tin liên quan

Tôi bị vậy... liệu có bình thường?
Mặc dù các công cụ tìm kiếm trên internet không thể thay thế cho một bác sĩ, nhưng đôi khi nó lại rất hữu ích đối với chúng ta, nhất là trong trường hợp 'không biết tỏ bày cùng ai'. 

Thuật lại quá trình vượt qua cú sốc lớn ấy, anh M. kể: “Lúc đầu khi nghe hung tin vợ đột ngột ra đi vì căn bệnh nhiễm trùng máu, phản ứng đầu tiên của tôi là không chấp nhận sự thật. Thời điểm đó, trong đầu tôi lúc nào cũng ám ảnh bởi các câu hỏi: Tại sao lại như vậy? Tại sao lại là vợ mình? Cô ấy vốn khỏe mạnh mà? Có phải bác sĩ hay một ai đó gây ra chuyện này?... Vì không chấp nhận sự thật nên tôi quay sang tự vấn lương tâm, như: có phải do mình không tốt? Nếu mình quan tâm vợ hơn thì có lẽ mọi chuyện sẽ khác đi... Tự vấn lương tâm chừng hơn 1 tháng, tôi bắt đầu thấy mệt mỏi nên cuối cùng đành phải hòa hoãn với những câu hỏi đại loại như: Tại sao việc đó lại xảy ra với tôi? Mặc dù lúc này thật ra mà nói, tôi vẫn chưa chấp nhận thực tế là mình đã mất vợ. Mãi đến gần 1 năm sau, khi mọi chuyện nguôi ngoai, tôi mới bình tâm lại và chấp nhận thực tế để tìm cách vượt qua”.
Gian nan vượt qua stress
Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Minh Mẫn, trung bình một buổi tham vấn tâm lý mất khoảng 1 tiếng đồng hồ. Đầu tiên, nhà tham vấn sẽ đặt các câu hỏi để tìm ra vấn đề của người bệnh nhằm xác định vấn đề nào là chính, và đâu là lý do gây ra stress. Bước thứ hai, nhà tham vấn sẽ cùng với thân chủ xác định mức độ stress đó ảnh hưởng như thế nào đến thân chủ (nặng, nhẹ, cấp tính hay mãn tính), cũng như tìm hiểu xem stress đã ảnh hưởng như thế nào trên cả 3 mặt: thể chất, tinh thần và xã hội, đặc biệt là xem thân chủ có nguy cơ tự tử hay không để phòng ngừa và cuối cùng nhà tham vấn sẽ đặt những câu hỏi để cùng với thân chủ xác định phương pháp nào thích hợp để vượt qua stress.
Người làm tham vấn không phải là chỉ cho người bệnh nên làm cái gì, mà qua cách đặt câu hỏi để họ tìm ra vấn đề và tìm ra hướng giải quyết. Mà muốn đặt được những câu hỏi đi sâu vào vấn đề, người tham vấn buộc phải hiểu cặn kẽ về trình độ văn hóa, thói quen, các yếu tố liên quan đến văn hóa của người bệnh, bởi đó chính là nền tảng giúp bệnh nhân bộc lộ các yếu tố tâm lý ra ngoài.

tin liên quan

Hãy là một bệnh nhân thông thái
Y học là một ngành nghề đặc thù trong việc chữa trị và chăm sóc sức khỏe cho con người và cộng đồng. Ngày Thầy thuốc VN 27.2 đã trở thành một ngày hội lớn trên cả nước, tôn vinh những đóng góp của ngành y tế VN cho xã hội. 

Thời gian chữa lành mọi vết thương
Thạc sĩ tâm lý Minh Mẫn cho biết một nghiên cứu ở Massachusetts (Mỹ), phát hiện trong 100 người bị stress sau khủng hoảng mất người thân, có khoảng 85% người đau buồn rất nặng và khoảng 15% người chỉ đau một ít. Sau 1 năm được trị liệu, con số này có chiều hướng đảo ngược, tức chỉ khoảng 15% người vẫn còn bị nỗi đau đeo đẳng trong khi 85% người đều đã vượt qua. Thời gian chính là yếu tố quyết định việc bệnh nhân có thể vượt qua cơn khủng hoảng hay không. Nếu điều trị tích cực, với mỗi đợt trị liệu thông thường từ 8 - 15 lần tiếp cận, trong khoảng 1 năm, người bị stress sẽ có thể hòa nhập lại cuộc sống một cách bình thường.
Một điều cần lưu ý, việc điều trị bằng thuốc chỉ giải quyết được phần ngọn, muốn điều trị phần gốc thì phải kết hợp cả hai, tức là vừa dùng thuốc vừa áp dụng các biện pháp điều trị về mặt tâm lý.

tin liên quan

Bác sĩ trò chuyện: Đừng để xét nghiệm rồi… lo!
Không ít lần tôi nhận các câu hỏi từ bạn bè, những thắc mắc về kết quả các xét nghiệm nhận được cũng như phương thức điều trị mà bác sĩ đưa ra, và bỗng dưng 'lợn lành thành lợn què' sau khi được điều trị. 

Đôi khi chỉ cần có người nghe là đủ
Ở một số nước trên thế giới, khi chuẩn bị có bất cứ sự thay đổi nào trong cuộc sống, người ta thường đến gặp bác sĩ tâm lý để phòng trường hợp biến cố xảy ra đột ngột, chẳng hạn như: chuyển việc, chuyển chỗ ở hay chuẩn bị đối phó với những khó khăn sau khi ly hôn…
Ở VN chúng ta chưa có thói quen này, vì vậy, lời khuyên là nếu bạn cảm thấy mình đang gặp những rối rắm hay gặp phải những vấn đề nào đấy khó giải quyết, hoặc xuất hiện những suy nghĩ tiêu cực về bản thân hay những người xung quanh, thì cách tốt nhất là nên gặp bác sĩ tâm lý, bởi sự chia sẻ kịp thời rất quan trọng, giúp cho sự việc không bị rối ren thêm. Đôi khi chỉ cần có người nghe là đủ. Nhiệm vụ của bác sĩ tâm lý là chia sẻ để tìm hiểu nguyên nhân, ý nghĩa của những triệu chứng đó, để sau đó cùng với bệnh nhân tìm ra giải pháp. Tùy theo mỗi bệnh nhân mà có các phương pháp trị liệu khác nhau, chẳng hạn trong trị liệu tâm lý có phương pháp hành vi, nhận thức hành vi, tâm vận động hay yoga, thiền để củng cố sức khỏe tinh thần.
Điều quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề tâm lý là người bệnh phải hợp tác với bác sĩ, bởi khi hợp tác họ sẽ trung thực với cảm xúc, với suy nghĩ của họ, với những thông tin mà họ đưa ra. Giữa bác sĩ và và bệnh nhân phải thiết lập được một mối quan hệ tin tưởng chia sẻ, đó là điều vô cùng cần thiết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.