“Giết” hàng thật
Không chỉ nói bán hàng chính hãng mà giao hàng dỏm, các sàn thương mại điện tử hiện nay công khai bán hàng nhái, dỏm dù giữa tháng 4 vừa qua, 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất tại VN gồm Adayroi.com, Lazada.vn, Sendo.vn, Shopee.vn, Tiki.vn đã tham gia ký kết “Nói không với hàng giả trong thương mại điện tử” với Cục Thương mại điện tử - Kinh tế số phối hợp cùng Cục Cạnh tranh - Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương). Thế nhưng, khi phóng viên Thanh Niên dạo một vòng các sàn thương mại điện tử lớn, hiện tượng bán hàng giả, hàng nhái, hàng dỏm vẫn phổ biến. Thậm chí, các hàng hóa bị cấm kinh doanh mua bán cũng được rao trên các sàn này. Nhiều cá nhân, doanh nghiệp cũng ngang nhiên lập nhiều website khác nhau để bán hàng nhái, giả.
Nhiều bạn đọc (BĐ) Thanh Niên rất bức xúc trước tình trạng này. Họ cho rằng ngoài chuyện người tiêu dùng bị thiệt hại trực tiếp thì việc hàng nhái, hàng dỏm ngập “chợ” điện tử sẽ “giết” hàng thật, trong đó có hàng Việt. BĐ Phương Thảo (TP.HCM) bức xúc: “Đây là con đường ngắn nhất để giết chết các doanh nghiệp Việt làm ăn chân chính”.
Cùng quan điểm, BĐ Minh Anh (TP.HCM) cho rằng: “Hàng nhái, hàng dỏm ngập “chợ” điện tử ngoài ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi cũng như sức khỏe người tiêu dùng thì đây cũng chính là tác nhân gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển thương mại điện tử của VN”.
Chủ sàn phải chịu trách nhiệm
Trong khi người tiêu dùng thiệt hại vì mất tiền mua phải hàng nhái, hàng giả, lừa đảo trên mạng thì các đơn vị nhà nước vẫn giậm chân tại chỗ trong việc quản lý. Công tác kiểm tra còn lơ là, dù các cơ quan truyền thông đại chúng nhiều lần lên tiếng.
Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú, nguyên Phó giám đốc Sở Công thương Hà Nội, nói thẳng thời gian qua việc quản lý hoạt động kinh doanh qua mạng vẫn còn buông lỏng. Điều này khiến người tiêu dùng phải gánh chịu tất cả rủi ro, thiệt hại. Các chủ sàn thương mại điện tử, cũng giống như siêu thị, khi cho các gian hàng thuê chỗ để bán trong khu vực, trên chợ của mình thì khi chủ hàng gian dối, lừa đảo người dùng, chủ sàn cũng phải chịu trách nhiệm liên đới. Điều này đã được nêu rõ trong các quy định liên quan.
“Cơ quan quản lý phải xử nặng, công khai thông tin các nơi vi phạm để người dân biết và không giao dịch với những nơi đó. Luật phải theo hướng răn đe để các đơn vị không dám làm sai như các nước. Bởi nếu phạt nhẹ như kiểu phạt 5 triệu đồng mà họ lời 40 triệu đồng thì các hành vi đó vẫn sẽ tiếp tục xảy ra”, ông Vũ Vinh Phú nhấn mạnh.
Đồng tình với ý kiến của ông Vũ Vinh Phú, BĐ Ngọc Trâm (TP.HCM) cho rằng: “Các sàn thương mại điện tử được doanh nghiệp mở ra thì không thể nói là không kiểm soát được những gì đang diễn ra trên ''chợ'' của mình. Hàng hóa muốn bày bán trên ''chợ'' thì phải được duyệt và tuân theo các quy định của sàn. Bên cạnh đó, những cá nhân, công ty khi đăng ký đưa hàng vào ''chợ'' đều có pháp nhân, địa chỉ cụ thể. Phải gắn trách nhiệm của các chủ sàn trong việc để hàng gian, hàng giả lọt lên các “chợ” điện tử này”.
“Phải công khai quy định truy phạt các cửa hàng, cơ sở bán hàng cấm, hàng nhái, hàng giả. Ngoài ra còn truy cứu trách nhiệm cán bộ quản lý thị trường quản lý các cửa hàng đó trong địa bàn của họ”, BĐ Hoàng Sơn (Hà Nội) nêu ý kiến.
* Hiện hàng cấm, hàng nhái, hàng dỏm ngập "chợ" điện tử nhưng có lẽ các cơ quan quản lý nhà nước chưa nhìn thấy mức độ nghiêm trọng sẽ ảnh hưởng đến cả người dùng lẫn các ngành sản xuất trong nước nên còn lơ là. (Trọng Nguyên, Hải Phòng)
* Phải có chế tài thật mạnh, không thì vấn nạn này sẽ giết chết hàng thật, các doanh nghiệp làm ăn chân chính. (Thành Đạt, TP.HCM)
|
Bình luận (0)