Lãnh đạo TP.HCM làm ‘bà đỡ’ cho sự đổi mới và báo chí phải đồng hành

Trung Hiếu
Trung Hiếu
04/09/2019 16:15 GMT+7

Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM, đề nghị lãnh đạo chính quyền TP. phải là “bà đỡ” của sự đổi mới và báo chí đồng hành trong quá trình đổi mới.

Sáng 4.9, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM phối hợp với Sở TT-TT, Hội Nhà báo TP.HCM tổ chức chương trình tọa đàm “Báo chí - xuất bản đồng hành cùng TP.HCM trong đột phá cải cách hành chính” với sự tham dự của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân.

Đầu buổi tọa đàm, bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM, đề nghị lãnh đạo chính quyền TP. phải là “bà đỡ” của sự đổi mới và báo chí đồng hành trong quá trình đổi mới.

“TP.HCM là nơi có thực tiễn sinh động. Nhiều bài toán khó đều có lời giải trong thực tiễn. Nếu báo chí đồng hành đưa tin vào những việc tốt sẽ tạo sự lạc quan và thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ hơn nữa”, bà Phạm Phương Thảo nói và đề xuất báo chí nên đồng hành, ủng hộ TP. thúc đẩy sự bứt phá ngoạn mục và xử lý những yếu kém tồn đọng.

Bà Phạm Phương Thảo mong báo chí cần đồng hành nhiều hơn nữa với TP.

Ảnh: Trung Hiếu

Nói về chủ đề báo chí đồng hành với công cuộc TP.HCM thực hiện cải cách hành chính, ông Phan Xuân Biên, Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, kể lại mới đây ông được Thành ủy TP.HCM mời dự buổi họp cán bộ cao cấp thành phố, T.Ư về hưu. Tại buổi họp này, một cán bộ phát biểu TP. đang triển khai xây dựng đô thị thông minh, công nghiệp 4.0 nhưng bản thân đại biểu này cũng không hiểu rõ lắm.

“Một cán bộ cao cấp cũng chưa hiểu hết được đô thị thông minh thì người dân làm sao rành rẽ được. Vậy báo chí bằng những bài viết, nhập cuộc nhiệt thành và phải truyền tải tất cả nội dung, chỉ tiêu liên quan đến cải cách hành chính, đô thị thông minh cho người dân biết. Ngoài ra báo chí cần vào cuộc xem cách làm đó tác động như thế nào, có ích cho người dân không”, ông Phan Xuân Biên nói và cho biết muốn những chính sách đó đi sâu vào lòng độc giả thì cần thiết cách thể hiện, truyền tải của cơ quan báo chí.

Cần xử lý nghiêm việc cản trở nhà báo tác nghiệp

Liên quan đến sự phản hồi về cải cách hành chính, PGS Nguyễn Văn Trình, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, cho hay viện cũng đang làm một cuộc khảo sát, đánh giá sự hài lòng của cải cách hành chính và đang xin ý kiến TP. công bố kết quả cuộc khảo sát này.

Từ đó PGS Nguyễn Văn Trình kiến nghị báo chí nên có một kênh để tiếp cận ý kiến người dân, doanh nghiệp liên quan cải cách hành chính song song với kênh của chính quyền và các tổ chức khác. Các báo làm những kênh phản hồi, thu thập thông tin và thường xuyên thông báo cho cơ quan chức năng nhà nước, lãnh đạo TP.HCM để điều chỉnh chính sách cho phù hợp.

Tại cuộc hội thảo, đại diện một số đơn vị báo chí cũng phát biểu về sự đồng hành của báo chí với cải cách hành chính của TP; đề xuất các sở ngành cần tạo điều kiện cho báo chí thực hiện vai trò giám sát, phản biện bằng cách sẵn sàng chia sẻ, cung cấp thông tin quá trình triển khai cải cách hành chính ở đơn vị.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại chương trình tọa đàm

Ảnh: Trung Hiếu

Kết luận hội nghị, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho hay cơ quan nhà nước phải nhận trách nhiệm trong trường hợp báo chí hỏi mà không trả lời.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Thiện Nhân giới thiệu ông Hà Phước Thắng, tân Chánh văn phòng UBND TP. Ông Nguyễn Thiện Nhân cho hay với công cuộc cải cách hành chính của TP.HCM, báo chí là “người trong cuộc” và là lực lượng rất quan trọng để thúc đẩy cải cách hành chính. Nhận thức được điều này TP đã thành lập trung tâm báo chí và nơi này phải có trách nhiệm đứng ra cung cấp thông tin về TP mỗi khi cơ quan báo chí cần.

“Mong báo chí phản ánh sâu sắc hơn nữa về chủ trương cải cách hành chính của TP, trong đó tập trung vào những khó khăn, giải pháp và những bước đột phá. Từ đó thúc đẩy TP.HCM sáng tạo, phát triển vì cả nước và cùng cả nước”, ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.