Lễ tốt nghiệp ‘đậm chất hoàng gia’ gây bão: Giản dị hay tôn trọng sự khác biệt?

Thúy Hằng
Thúy Hằng
01/08/2022 14:48 GMT+7

Mạng xã hội vẫn tiếp tục tranh luận về những hình ảnh trong lễ nhận bằng tốt nghiệp Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội ) khi thầy hiệu trưởng cầm quyền trượng, mặc áo nhung, choàng quanh cổ chuỗi dây hình xích 'đậm chất hoàng gia'.

Hình ảnh trong lễ tốt nghiệp "đậm chất hoàng gia" của Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội)
facebook nhà trường

Vậy nghi thức trong lễ tốt nghiệp nhận bằng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ ở trường ĐH nên như thế nào thì phù hợp? Lễ phục của thầy hiệu trưởng và các sinh viên "đậm chất hoàng gia" được không? Những bạn trẻ chia sẻ với Báo Thanh Niên những quan điểm về việc này.

“Nhân vật chính vẫn là các sinh viên”

Anh Lê Hải Đoàn, giáo viên tiếng Anh tại Hà Nội, cho biết: “Là một người khá truyền thống nên tôi vẫn đánh giá cao tính trang nghiêm và tiết kiệm của lễ tốt nghiệp. Trong những buổi lễ tốt nghiệp từ trước đến nay, các thầy cô của tôi cũng mặc quần áo chỉnh tề như bình thường. Thầy cô trao bằng cử nhân cũng sẽ mặc áo đội mũ như sinh viên, học viên để trao bằng bởi mục đích chính là ghi nhận kết quả học tập nên tôi nghĩ nhân vật chính vẫn là sinh viên”.

Chuyên gia nói gì về bộ lễ phục "tràng hạt, quyền trượng" gây tranh cãi?

Bày tỏ quan điểm về việc lễ phục trong lễ tốt nghiệp tại Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) “đậm chất hoàng gia” khi thầy hiệu trưởng cầm quyền trượng, choàng quanh cổ chuỗi dây hình dây xích, mặc áo nhung đỏ, anh Đoàn cho hay người thì thấy nó không ảnh hưởng gì nhiều, người thì nói điều này không phù hợp.

Cây quyền trượng được thầy hiệu trưởng cầm
CHỤP MÀN HÌNH facebook nhà trường

“Tôi cho rằng về hình thức, nó quá khác biệt, thiên về hình thức có phần xa hoa, vật chất. Thứ nữa là sự trang nghiêm. Tôi nhớ có lần trường THCS của tôi tổ chức thi lớp đẹp, chúng tôi từng nghĩ phải làm lớp thật đẹp bằng cách mua hoa hoét rồi dán ảnh poster ca sĩ lên tường nhưng cô giáo nói "lớp đẹp chỉ cần các em quét dọn sạch sẽ lớp, kê bàn ghế ngay ngắn, ăn mặc gọn gàng vệ sinh sạch sẽ, quét mạng nhện, như vậy đã là đẹp rồi”, anh Đoàn chia sẻ.

Theo giáo viên tiếng Anh tại Hà Nội này, nghi thức trong lễ tốt nghiệp trường ĐH chỉ cần “trang trí khánh tiết cơ bản, nhưng sinh viên cảm nhận được tinh thần của buổi lễ. Cái mà sinh viên nhận được là sự trân trọng và ghi nhận từ giáo viên, là tình cảm thầy trò trong những giờ phút chia tay hơn là những thứ phù phiếm”.

Quyền tự do của nhà trường

Anh Lê Hoàng Phong (học giả chính sách, chương trình Future Leaders Connect 2021, tổ chức bởi British Council và Moller Institute, Churchill College, University of Cambridge - Vương quốc Anh) cho biết quyền trượng hay “mace” trong tiếng Anh từ lâu đã được sử dụng như biểu tượng của nhiều trường ĐH trên thế giới. Chúng tượng trưng cho cơ quan quản lý của trường ĐH và chỉ xuất hiện khi người đứng đầu của trường có mặt.

"Truyền thống của quyền trượng bắt nguồn từ thời trung cổ ở Anh. Còn quyền trượng của trường ĐH được nhìn thấy tại các buổi lễ trao bằng tốt nghiệp, khai giảng là biểu tượng cổ xưa nhắc nhở chúng ta rằng trường ĐH là những người bảo vệ truyền thống học tập lâu dài. Nó cũng là một lời nhắc nhở rằng quá trình học tập không phải lúc nào cũng thoải mái và dễ dàng", anh Phong chia sẻ.

Một số hình ảnh trong lễ tốt nghiệp của Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội)
CHỤP MÀN HÌNH Facebook nhà trường

Theo anh Phong, việc hiệu trưởng cầm quyền trượng trong lễ tốt nghiệp tại Trường ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội sở dĩ gây tranh cãi vì khác biệt với cách thực hiện lễ tốt nghiệp tại nhiều trường ĐH ở Việt Nam từ trước đến nay. Do đó, hiệu trưởng cầm quyền trượng, mặc màu áo nhung đỏ, đeo chuỗi vòng đeo cổ hình dây dễ gây hiểu lầm đây là một nghi thức tôn giáo.

“Việc lễ phục mặc trong lễ tốt nghiệp trường ĐH là quyền tự do của mỗi nhà trường. Tuy nhiên, mỗi trường ĐH cần có một quy định về lễ phục trong lễ tốt nghiệp (Dress Code for Graduation) hoặc bảo vệ luận văn, hoặc khai giảng và cần được công khai từ đầu năm học trên website của nhà trường để tất cả sinh viên, phụ huynh đều có thể nắm xem trang phục ra sao, yêu cầu giày, vớ (tất), màu tóc, màu móng tay… của sinh viên. Chẳng hạn, trên website trường Corpus Christi College, University of Cambridge (Vương quốc Anh), bạn có thể dễ dàng tìm thấy bài đăng về “Dress Code for Graduationvới tất cả các quy định rõ ràng”, anh Phong chia sẻ.

Anh Phong cho rằng cần khuyến khích nét văn hóa riêng của từng trường ĐH ở Việt Nam trong lễ tốt nghiệp, hay các lễ khai giảng, bảo vệ luận văn tốt nghiệp, luận án tiến sĩ… "Tuy nhiên, chúng ta phải làm bài bản, cần có một bộ phận nghiên cứu kỹ lưỡng tại sao lại mặc áo này, chiếc mũ cần như thế nào, chuỗi vòng đeo cổ có bao nhiêu đốt, nó tượng trưng cho điều gì… để tránh tạo ra phản cảm hay dư luận trái chiều", anh Phong nói thêm.

"Tôi thích sự giản dị"

một góc nhìn khác, chị Nguyễn Thị Thu (31 tuổi, cử nhân sư phạm ngữ văn, thạc sĩ lý luận và phương pháp dạy học Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng không bình luận về hình ảnh trong lễ tốt nghiệp “đậm chất hoàng gia” mới đây tại Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội). Tuy nhiên, cá nhân chị vẫn thích những nghi thức đơn giản.

“Trong ngày tốt nghiệp nhận bằng cử nhân hay nhận bằng thạc sĩ, chúng tôi hoặc đồng loạt mặc áo cử nhân hoặc áo dài, nam thì sơ mi quần tây hoặc áo vest lịch sự. Thầy hiệu trưởng cũng mặc trang phục áo thụng, đội mũ thường thấy trong các lễ tốt nghiệp và đọc tên các sinh viên, học viên lên sân khấu, trao bằng cho mọi người. Tôi thích sự giản dị, trang trọng như vậy và không thích sự màu mè, xa hoa”, chị Thu chia sẻ.

Hình ảnh trong lễ tốt nghiệp của Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội)
ảnh trong lễ tốt nghiệp của Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) facebook nhà trường

Quyền tự do của nhà trường, nhưng…

Nguyễn Di Yên (25 tuổi, trú TP.HCM) cho biết: “Trang phục của Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) trong lễ trao bằng tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân của trường đã ít nhiều mang đến cộng đồng nhiều ý kiến trái chiều. Theo tôi, đây là quyền tự lựa chọn của nhà trường trước sự hội nhập hiện đại và đồng phục trên cũng đã được mặc trong các buổi trao bằng ở các trường ĐH danh giá khác như Cambridge, Oxford (Vương quốc Anh)..."

Tuy nhiên, trong bối cảnh buổi lễ đang được tổ chức tại Việt Nam, hầu hết số người tham gia là người Việt, nhà trường nên xem xét kỹ lưỡng, thiết kế các trang phục phù hợp với những giá trị văn hóa của người Việt, theo Di Yên.

“Tôi cho rằng chúng ta cần thời gian để xem xét kỹ lưỡng trước khi thiết kế những bộ trang phục đậm giá trị văn hóa Việt nếu muốn. Còn ở các buổi lễ nhận bằng, các trường ĐH có thể sử dụng các bộ trang phục theo quy chuẩn trước nay như áo dài, áo vest, quần tây, áo sơ mi, đơn giản, không quá cầu kỳ, hào nhoáng”, chị Di Yên nêu quan điểm trước lễ phục tốt nghiệp “đậm chất hoàng gia” của trường ĐH đang gây tranh cãi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.