Lo cách nào thắng được đội Trung Quốc, lo cả ông trọng tài và VAR

31/01/2022 06:30 GMT+7

Trong trận đấu đầu tiên của năm mới diễn ra đúng vào ngày mùng 1 Tết Nhâm Dần, gặp đối thủ Trung Quốc , đội tuyển Việt Nam hy vọng không chỉ có kết quả tốt mà còn được trọng tài đối xử một cách công bằng.

vòng loại thứ 3 World Cup 2022, tuyển Việt Nam chịu nhiều quyết định tranh cãi từ trọng tài và VAR trong 4 trận đầu tiên. Trong chuyến làm khách tại Ả Rập Xê Út, trọng tài Ilgiz Tantashev đã rút liên tục 2 thẻ vàng với trung vệ Đỗ Duy Mạnh sau tình huống để bóng chạm tay trong vòng cấm, đồng thời cho đại diện Tây Á được hưởng quả phạt đền.

Quyết định của ông Tantashev sau khi tham khảo VAR đã đảo ngược cục diện trận đấu, khiến tuyển Việt Nam từ thế dẫn trước, sau cùng phải chịu thua chung cuộc 1-3 khi chỉ còn chơi với 10 người.

Trọng tài chính trận tuyển Việt Nam gặp Trung Quốc - ông Shukralla cùng các giám sát và trợ lý, chụp ảnh tại sân Hàng Đẫy ngày 30.1.2022. Trọng tài VAR - ông Taqi (đứng, bìa trái)

HOÀNG QUÂN

Lần thứ hai tuyển Việt Nam chịu bất lợi từ VAR là trận gặp tuyển Úc. Đây cũng là trận đầu tiên, VAR được áp dụng tại một sân vận động ở Việt Nam. Giữa hiệp 1, Nguyễn Phong Hồng Duy dứt điểm đưa bóng chạm tay Rhyan Grant. Sau khi nghe tham vấn từ VAR, trọng tài Abdulrahman Al-Jassim xem lại tình huống quay chậm, rồi quyết định không thổi phạt đền cho tuyển Việt Nam.

Đến trận gặp Việt Nam gặp Oman, trọng tài và VAR lại gây bão. Ở bàn mở tỷ số của Nguyễn Tiến Linh, VAR đưa ra tới hai giả định để từ chối pha lập công này, song trọng tài Makhadmeh công nhận bàn thắng sau 2 phút tham khảo video.

Đầu hiệp 2, VAR công nhận bàn thắng cho Oman dù ở tình huống này, thủ môn Nguyễn Văn Toản đã bị đối thủ cản trở hướng di chuyển và đẩy vào trong cầu môn trước khi bóng đi vào lưới. Ở tình huống Duy Mạnh vung tay vào mặt tiền đạo Oman, ban đầu trọng tài Makhadmeh cho trận đấu tiếp tục, dù vậy, VAR lên tiếng và sau khi xem lại tình huống, ông vua áo đen người Jordan cho Oman hưởng phạt đền.

Trọng tài đôi khi là 1 vấn đề lớn của tuyển Việt Nam

VFF

Tuy nhiên, ở cả 3 trận gần nhất của tuyển Việt Nam ở vòng loại thứ 3, VAR đều mang tới quyết định có lợi cho thầy trò HLV Park Hang-seo. Ở trận gặp Nhật Bản, VAR từ chối bàn thắng của Junya Ito do một cầu thủ Nhật Bản đã chắn mặt thủ môn Bùi Tấn Trường khi đứng ở thế việt vị. Đến trận đấu Ả Rập Xê Út (lượt về), VAR nói không với bàn thắng của Fahad Al Muwallad do trước đó cầu thủ Ả Rập Xê Út phạm lỗi với Nguyễn Thành Chung. Ở trận thua 0-4 vừa qua trước Úc, VAR cũng từ chối bàn thắng ở giây 20 của Tom Rogic, do nhận định tiền vệ Jackson Irvine đã việt vị và có tham gia vào pha bóng.

Ở trận gặp Trung Quốc lượt đi, tuyển Việt Nam không gặp sự cố trọng tài hay VAR. Hy vọng điều này sẽ lặp lại ở trận đấu vào 19 giờ ngày 1.2 (tức mùng 1 Tết Âm lịch). Trọng tài chính Shukralla Nawaf Ghayyath (Bahrain) có kinh nghiệm cầm còi gần 20 năm, từng làm nhiệm vụ ở World Cup 2014, U.17 World Cup 2011 hay FIFA World Cup Club 2012. Ông cũng từng điều khiển trận tuyển Việt Nam và Thái Lan tại vòng loại World Cup 2018 tại sân Mỹ Đình.

Hai trợ lý của ông Shukralla vào tối mai là trọng tài Salman Mohamed Jaafar và Abdullah Mohsen (người Bahrain). Trọng tài thứ 4 là ông Saray Mohammad Qasim Esse (Iraq) và trọng tài VAR là ông Bin Jahari Muhammad Taqi. Ông Taqi từng điều khiển trận U.23 Việt Nam gặp U.23 Qatar ở bán kết U.23 châu Á 2018 và gây tranh cãi khi cho Qatar được hưởng phạt đền.

Một quan chức VFF cho biết: “Tại vòng loại thứ 3 World Cup, sau trận gặp Úc lượt đi và tại AFF Cup 2020, chúng ta đã từng phải kiến nghị lên FIFA và AFC về chất lượng trọng tài. Thậm chí đã có quyết định không chính xác của trọng tài làm thay đổi kết quả trận đấu. Chúng ta mong chờ ở trận đấu giữa tuyển Việt Nam và Trung Quốc, tổ trọng tài sẽ điều hành công tâm, không thiên vị bên nào và sử dụng VAR 1 cách có hiệu quả”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.