Lo lắng trước khủng hoảng khí đốt, nội bộ EU tranh cãi viện trợ cho Ukraine
Ngày 15.7, Bloomberg dẫn nhiều nguồn thân cận với vấn đề đưa tin các khoản viện trợ EU hứa cung cấp cho Ukraine đã bị hoãn do nhiều lo ngại về các rắc rối kinh tế trong khối và tranh cãi nội bộ ở Brussels.
Tự động phát
Hồi tháng 3.2022, Ủy ban châu Âu đã đề xuất cho Ukraine vay 9 tỉ euro với kế hoạch là các chính phủ thành viên EU sẽ bảo đảm khoản vay này. Tuy nhiên, đến nay khối chỉ mới đồng thuận đợt cho vay đầu tiên trị giá 1 tỉ euro, được công bố hôm 12.7.
Theo Bloomberg, việc trì hoãn là do Đức đã viện trợ không hoàn lại 1 tỉ euro cho Ukraine thông qua Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Một quan chức Đức cho biết Berlin không muốn chịu gánh nặng phải bảo lãnh các khoản vay của Ukraine và đã yêu cầu nhiều thành viên khác cung cấp các bảo đảm bổ sung.
Ngoài ra, khoản vay 1,5 tỉ euro của Ngân hàng Đầu tư châu Âu được cho là cũng bị chặn lại vì cần có thêm nguồn bảo lãnh đảm bảo. Một quan chức thuộc Ủy ban châu Âu cho hay EU cần đảm bảo có thể gánh thiệt hại trong trường hợp Ukraine vỡ nợ.
Gói trừng phạt Nga thứ 7 của EU sẽ nhắm vào lĩnh vực nào? |
Hồi tháng 5.2022, Ủy ban châu Âu cũng cam kết tài trợ phần lớn cho công cuộc tái thiết Ukraine. Theo ước tính của chính phủ Ukraine, khoản chi phí này có thể lên đến 750 tỉ USD. Cam kết này có thể gây ra cuộc tranh luận thậm chí còn gay gắt hơn vì không có bất cứ thỏa thuận nào về cách gây quỹ.
Tin tức này được công bố khi EU đang phải chật vật với mức lạm phát gia tăng. Đức đặc biệt lo ngại các lệnh trừng phạt và căng thẳng đối với Nga có thể khiến Moscow cắt nguồn khí đốt, gây tê liệt nền kinh tế Đức. Chính phủ Đức cũng nhiều lần cảnh báo viễn cảnh này sẽ làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp và nghèo đói.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck trả lời tạp chí Der Spiegel hồi tháng trước rằng điều này sẽ là "thảm họa" với nhiều ngành công nghiệp. Hôm 15.7, Thủ tướng Hungary Viktor Orban đưa ra quan điểm tương tự. Ông nói khi áp đặt các lệnh cấm vận Nga, "nền kinh tế châu Âu đã tự bắn vào phổi và giờ đang phải thở hổn hển".
Tác động từ hậu quả kinh tế của xung đột hiện đè nặng lên nhiều chính phủ EU khi họ bắt đầu lo lắng về nguy cơ suy giảm sự ủng hộ đối với Kyiv trong những tháng tới, đặc biệt là nếu năng lượng trở nên khan hiếm hơn và đắt đỏ hơn.
Theo Bloomberg, trong cuộc họp các bộ trưởng tài chính EU hôm 12.7, khoảng 1/3 trong số 27 nước thành viên đã cảnh báo cần hỗ trợ thêm cho các nhóm "dễ bị tổn thương nhất trong khối khi đang bị tác động bởi khủng hoảng hiện tại nhằm ngăn chặn sự bất mãn đối với Kyiv".
Một quan chức EU cho hay Ủy viên Kinh tế EU Paolo Gentiloni đã nói với các đồng nghiệp khi họp kín rằng chính phủ các quốc gia cần “tránh nguy cơ mệt mỏi cho người dân châu Âu”.
Nhiều nước phương Tây, trong đó có các thành viên EU, đã áp đặt nhiều lệnh cấm vận sâu rộng lên Nga khi nước này tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi cuối tháng 2. Tháng 6.2022, các nước G7, trong đó có Đức, đã cam kết hỗ trợ Kyiv "miễn là còn cần thiết".
Các lãnh đạo G7 đồng ý dốc sức trợ giúp Ukraine |
Bình luận (0)