So với trước đó, nơi đây hiện không khác biệt cơ bản gì vì vẫn là vùng được coi là tranh chấp lãnh thổ giữa Bhutan và Trung Quốc, cũng như Hiệp ước hữu nghị ký kết giữa Ấn Độ và Bhutan năm 2007 vẫn có hiệu lực thực tế của nó.
Với việc rút quân này, nguyên trạng trên cao nguyên được khôi phục, nhưng các cặp quan hệ song phương giữa 3 nước này đều không còn được như trước nữa.
Ấn Độ và Trung Quốc đã đồng ý rút quân khỏi vùng đối đầu tại cao nguyên Doklam, nơi căng thẳng kéo dài suốt hơn 2 tháng qua.
Hiệp ước hữu nghị nói trên là cơ sở pháp lý cho việc Ấn Độ đưa quân đội đến cao nguyên này. Ấn Độ và Trung Quốc không tranh chấp chủ quyền đối với Doklam. Nhưng Ấn Độ có cam kết bảo vệ an ninh, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ cho Bhutan nên không thể đứng ngoài cuộc.
Với thỏa thuận mới này, cả Trung Quốc lẫn Ấn Độ đều tỏ ra kiềm chế, chủ ý ngăn chặn chứ không xô đẩy nhau đến xung đột quân sự. Với họ, làm găng nhau trong hai tháng vừa qua là đủ và đi xa hơn nữa sẽ chỉ lợi bất cập hại.
Trung Quốc muốn dùng vụ việc để khẳng định chủ quyền. Ấn Độ dùng việc kiên quyết đối phó để khẳng định vai trò chính trị an ninh và cho Trung Quốc thấy động chạm Bhutan là động chạm lợi ích chiến lược của Ấn Độ.
Họ thỏa thuận lùi vì ý thức được rằng không thể giải quyết được chuyện này bằng quân sự. Họ lùi vì đã có chủ ý dùng cách khác chinh phục Bhutan. Trung Quốc mời chào Bhutan 10 tỉ USD để lôi kéo nước này ra khỏi quỹ đạo của Ấn Độ. Ấn Độ không muốn đẩy Bhutan vào tình thế khó xử phải lựa chọn giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Họ đều lùi mới được lợi vì thế.
Bình luận (0)