Mặc kệ không phải là thái độ

Vũ Hân
Vũ Hân
29/06/2021 04:49 GMT+7

Những ngày gần đây, Hà Nội bắt đầu tắc đường trở lại. Ngay khi TP nới lỏng giãn cách , Hà Nội lập tức có “ngày phở” - biểu thị cho sự nhung nhớ nhịp sống bình thường, khi người ta còn có quyền thảnh thơi hưởng các thú vui đặc trưng Hà Nội.

Thế nhưng, cũng ngay khi Hà Nội vừa nới lỏng giãn cách, thì có thêm 3 ca bệnh chưa rõ nguồn lây xuất hiện, như một lời cảnh tỉnh về thế giới chúng ta đang sống. Đó không phải là thế giới cho phép chúng ta cư xử một cách bình thường, theo nghĩa vẫn có thể tự do như cũ. Có thể, rất nhiều người đã quá chán nản với việc phải tự kìm kẹp mình trong nỗi lo lắng về một con vi rút mơ hồ; một số người đã cạn kiệt nguồn sống, nhưng mặc kệ không phải là một thái độ.
Ta phải nhớ rằng, trong vòng 2 tháng của đợt dịch thứ 4, số ca Covid-19 của Việt Nam cao gấp 4 lần cả 3 đợt dịch trước đó (vọt lên mốc 15.325 bệnh nhân vào hôm 27.6, trong khi hôm 27.4 mới chỉ có 3.051 bệnh nhân). Từ vị trí số 174, Việt Nam đã "bước lên" vị trí 142 trong các quốc gia có nhiều người nhiễm Covid-19 nhất - tuy vẫn rất thấp so với thế giới, nhưng là sự “thăng hạng” rất nhanh.
Điều này đồng nghĩa với nguy cơ quanh mỗi người cũng thăng hạng. Trong bối cảnh hệ thống y tế đã vắt kiệt sức mình hơn 1 năm rưỡi qua, trong bối cảnh vắc xin vẫn khan hiếm vô cùng, thì mỗi người nên trông đợi vào đâu để được bảo vệ? Có lẽ là vào chính mình trước hết. Hơn 1 năm rưỡi qua, người dân Việt Nam đã phải được trang bị đủ kiến thức để tự bảo vệ mình. Tuy vi rút có biến chủng liên tục, tuy nguy cơ vẫn luôn tăng, nhưng những nguyên tắc cốt lõi vẫn như vậy: khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập, khai báo y tế.
“Sống chung” với dịch - nhiều người kêu gọi cách hành xử này. Và nó hoàn toàn đúng. Vấn đề ở định nghĩa “sống chung”. Sống chung không có nghĩa là sống như chưa từng có dịch.
Số liệu và các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, Covid-19 không phải là cúm. Đúng là đa số người bị nhiễm SARS-CoV-2 có triệu chứng rất nhẹ, có thể tự khỏi, nhưng gần 4 triệu người chết trên toàn cầu vì Covid-19 là có thật; khủng hoảng y tế, khủng hoảng nhân đạo ở nhiều quốc gia cũng là có thật. Trái đất như đứng khựng lại từ ngày vi rút nguy hiểm này xuất hiện, có thể bịa được sao?
Khoa học chỉ ra rằng Covid-19 gây những hậu quả lâu dài do các tổn thương tim phổi, dẫn tới giảm sức lao động và chất lượng sống, trong một thứ gọi là “Hội chứng hậu Covid-19”. Vì vậy, “Covid-19 chỉ giống cúm khi chúng ta có vũ khí trong tay và biết cách dùng vũ khí đó thuần thục”, theo lời một chuyên gia dịch tễ.
Vũ khí đó, đương nhiên là vắc xin. Vũ khí đó cũng là ý thức của mỗi người nữa.
Một nguy cơ chết người có thể đột ngột xuất hiện bên cạnh bất cứ ai, không có ngoại lệ về trình độ, giàu nghèo, giới tính…, nhưng hành vi có thể làm nên ngoại lệ. Mà nữa, khi các nguồn lực khác đã cạn kiệt dần, thì ý thức buộc phải tăng lên. Không thì, còn biết dựa vào đâu nữa?

Bản tin Covid-19 ngày 28.6: TP.HCM "nước sôi lửa bỏng" với 218 ca bệnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.