Buổi sáng cuối tuần, nhiều bạn trẻ đã tham gia buổi đối thoại cùng nhà báo Lâm Hân (Báo Sinh viên Việt Nam) và biên tập viên Hoài Nam với chủ đề “Sống ảo, ảo bao nhiêu cho vừa?” diễn ra tại đường sách Nguyễn Văn Bình (Q.1, TP.HCM).
Không thể sống thiếu Facebook
Mở đầu cuộc trò chuyện, nhà báo Lâm Hân đưa ra câu hỏi: “Các bạn dùng bao nhiêu mạng xã hội? Và đã bao giờ các bạn nhận thấy bản thân đang dành quá nhiều thời gian cho thế giới ảo này chưa?”. Rất nhiều bạn trẻ đã thẳng thắn thừa nhận bản thân không thể sống thiếu Facebook, thậm chí có những bạn sở hữu hơn 20 tài khoản mạng xã hội. Nguyễn Đức Huy, 21 tuổi, sinh viên Trường ĐH Sài Gòn, chia sẻ: “Mình cũng nhận ra đã dành nhiều thời gian cho Facebook, dù đã thử khóa tài khoản Facebook nhiều lần nhưng rồi cũng mở lại. Thậm chí, có lần mình lỡ tay bấm xóa tài khoản nhưng không lâu sau đó mình lập lại tài khoản mới vì nhận ra bản thân không thể sống thiếu Facebook”.
Biên tập viên Hoài Nam nhận định, thế hệ trẻ hiện nay đang coi trọng con người ảo trên mạng xã hội hơn con người thật ngoài đời. “Mang tiếng là thế giới ảo nhưng mọi thứ trên mạng mang đến là thật, đó là danh tiếng, tiền bạc và cảm xúc cũng là thật. Giữa hai thế giới thực và ảo có một ranh giới mờ. Việc xác định được ranh giới này rất quan trọng. Mỗi người cần tự xác định lại, đâu là thứ quan trọng hơn và đâu là nơi mà bản thân thật sự thuộc về”.
Nhà báo Lâm Hân cho biết tác động của thế giới mạng đối với con người là rất lớn. Nhiều khi ngay chính chúng ta cũng không nhận ra là bản thân đã thay đổi nhiều như thế nào. Đây không phải là vấn đề riêng của cá nhân mà là vấn đề của cả thế hệ, của con người nói chung.
Biên tập viên Hoài Nam đã chỉ ra nhiều tác động tiêu cực của mạng xã hội tới cuộc sống con người: “Bạn hay so sánh bản thân với người khác. Bởi vì trên thế giới mạng tất cả mọi người đều hoàn hảo và khi chứng kiến những con người như vậy, tự khắc bản thân chúng ta sẽ nảy sinh những so sánh ngầm và cảm thấy tự ti về bản thân. Đáng báo động nhất hiện nay là tình trạng nhiều bạn trẻ xa lánh, cách ly thế giới thực”.
|
Bên cạnh đó, biên tập viên Hoài Nam cũng nhấn mạnh mạng xã hội không hề miễn phí. “Theo tôi, bạn phải trả giá cho việc dùng mạng xã hội bằng việc có thể bị ăn cắp thông tin cá nhân, thời gian, mà thời gian có thể quy ra thành tiền bạc. Mỗi ngày mình tự nhủ là chỉ lướt mạng xã hội 15 phút thôi nhưng khi kết thúc thì đã 1, 2 tiếng đồng hồ. Với bằng đó thời gian mỗi ngày, bạn đã từ bỏ rất nhiều cơ hội phát triển bản thân và kiếm tiền”, anh Nam nói.
Mỗi người là một biên tập viên cảm xúc
Khi chúng ta thể hiện bản thân trên mạng xã hội thì ngoài chuyện muốn bày tỏ cảm xúc, ai cũng mong chờ nhận được những nút like, những bình luận thể hiện sự quan tâm của mọi người dành tặng cho thông điệp của mình. Chính vì ham muốn này mà vô tình bạn đã tác động, điều chỉnh cảm xúc của mình.
“Mỗi người là một biên tập viên cho đời sống trên mạng. Trước khi cập nhật một trạng thái, chắc chắn bạn sẽ suy tính trước xem mình nên chụp tấm hình như thế nào và nên viết những gì để nhận về nhiều tương tác. Không ai lại đưa lên mạng tấm hình mình đang khóc xấu xí. Cũng không ai lại chọn thể hiện cảm xúc bằng những câu chữ thô thiển cả. Như vậy, những gì mà bạn gửi gắm trên mạng xã hội không còn là tự nhiên nữa và bạn đã vô tình trở thành một biên tập viên cảm xúc bất đắc dĩ”, nhà báo Lâm Hân chia sẻ.
|
Cân bằng cuộc sống thực - ảo
Thực tế cho thấy, con người không thể gạt bỏ hoàn toàn mạng xã hội vì nó là cầu nối để chúng ta liên kết với thế giới. Nhưng điều quan trọng là mỗi người phải tự cân bằng giữa lối sống thực và ảo. Nhà báo Lâm Hân cho biết có 2 dấu hiệu nhận biết bản thân có đang phụ thuộc quá nhiều vào mạng xã hội hay không. Đó là sức khỏe và mối quan hệ với những người thân. “Nếu bạn dành quá nhiều thời gian trên mạng xã hội thì chắc chắn sức khỏe sẽ bị sa sút. Bên cạnh đó, khi những mối quan hệ với người thân bạn bè dần ‘mỏng’ đi, đã lâu rồi bạn không gọi điện thoại nói chuyện với gia đình, lâu rồi chưa có một cuộc hẹn với người bạn thân thì bạn cũng cần xem xét lại”, chị Hân nói.
Cho dù là cuộc sống thực hay ảo thì điều quan trọng nhất là việc bạn chủ động hay bị động. Nếu có cách tiếp cận chủ động thì chúng ta có thể tiếp nhận được rất nhiều tiện ích từ mạng xã hội. “Chúng ta không cần phải từ chối thế giới mạng. Nhưng mỗi người phải tự biết biến bản thân trở thành một chiếc lưới lọc. Nếu bạn muốn nhận được không khí tích cực để có hứng khởi bắt đầu một ngày mới thì trước hết bạn phải biết cách lọc thông tin tích cực trên mạng xã hội trước đã”
Theo biên tập viên Hoài Nam, quỹ thời gian của mỗi người là có hạn, muốn giảm thời gian sử dụng mạng xã hội thì trước hết phải kiếm một việc làm khác bù vào khoảng thời gian rảnh. “Thời gian không lướt mạng xã hội, chúng ta có thể tìm sách đọc, chỉ cần mỗi ngày đọc 15 phút sách thôi thì mỗi năm ta sẽ nhận về rất nhiều kiến thức bổ ích”
Anh cho biết thêm chúng ta không thể bỏ mạng xã hội một cách đột ngột. Đó là quá trình đòi hỏi sự kiên trì. “Khi gặp chuyện, thay vì lên mạng xã hội than thở và nhận về những nút quan tâm sáo rỗng thì bạn nên suy nghĩ xem bạn có thể nói chuyện được với ai. Khi sở hữu hơn 1.000 người bạn ảo nhưng không có ai lắng nghe thì điều bạn cần nhất chính là một người bạn thật, hẹn gặp thật để cùng tâm sự những vấn đề thật”, anh Hoài Nam phân tích.
Bình luận (0)