Một loạt ngân hàng bị lục soát tại Pháp

29/03/2023 08:52 GMT+7

Nhà chức trách Pháp ngày 28.3 đã khám xét văn phòng của nhiều ngân hàng ở Paris để điều tra hành vi trốn thuế cổ tức.

Một loạt văn phòng ngân hàng bị lục soát tại Pháp - Ảnh 1.

Chi nhánh ngân hàng Societe Generale tại Paris, Pháp

REUTERS

Theo CNN, nhà chức trách Pháp ngày 28.3 đã khám xét văn phòng tại Paris của 5 ngân hàng, trong đó có Societe Generale, BNP Paribas và HSBC, vì nghi ngờ gian lận tài chính. Vụ lục soát nằm trong cuộc điều tra lớn hơn của châu Âu về âm mưu trốn thuế cổ tức.

Societe Generale (SCGLF) đã xác nhận cuộc lục soát nhưng từ chối bình luận thêm. BNP Paribas và HSBC chưa lên tiếng về thông tin này.

Đây là động thái mới nhất nhằm vào các ngân hàng toàn cầu liên quan đến âm mưu gian lận thuế cổ tức. Các cuộc điều tra tương tự đã được tiến hành ở Đức và các nước châu Âu khác.

Văn phòng truy tố tài chính của Pháp (PNF) cho biết trong một tuyên bố rằng cuộc điều tra có liên quan đến các giao dịch "cum-ex". Theo đó, các ngân hàng và nhà đầu tư chuyển đổi vòng tròn qua lại cổ phiếu được (cum) hưởng cổ tức hoặc không được (ex) hưởng cổ tức xung quanh ngày tuyên bố trả cổ tức. Hành động này nhằm khiến chủ sở hữu cổ phiếu trở nên không rõ ràng và giúp nhiều bên yêu cầu giảm thuế đối với cổ tức một cách bất hợp pháp.

PNF cho biết các cuộc lục soát ngày 28.3 cũng nhắm vào Exane thuộc BNP Paribas (BNPQF) và Natixis, ngân hàng đầu tư của tập đoàn ngân hàng Pháp BPCE.

Người phát ngôn của PNF cho biết họ không thể đưa ra con số chính xác về quy mô của vụ lừa đảo nhưng cho biết các ngân hàng có thể phải đối mặt với yêu cầu bồi thường tổng cộng hơn 1 tỉ USD, bao gồm tiền phạt và trả lãi chậm.

Các cuộc điều tra bắt đầu từ năm 2014 và chưa rõ khi nào hoạt động này sẽ kết thúc.

"Các hoạt động này đang được thực hiện bởi 16 thẩm phán điều tra và hơn 150 nhân viên điều tra", PNF cho biết trong tuyên bố, đồng thời nói thêm rằng 6 công tố viên Đức cũng đang hỗ trợ điều tra.

Vụ lục soát diễn ra trong bối cảnh lĩnh vực ngân hàng toàn cầu đang rơi vào tình trạng hỗn loạn sau sự sụp đổ của Ngân hàng Silicon Valley và Ngân hàng Signature ở Mỹ trong tháng này rồi đến việc Credit Suisse, ngân hàng lớn thứ hai Thụy Sĩ bị đối thủ UBS tiếp quản.

Theo Reuters, Thống đốc Ngân hàng Anh (BoE) Andrew Bailey ngày 28.3 trong một phiên chất vấn của Ủy ban Tài chính của quốc hội về những biến động trong ngành ngân hàng gần đây cho biết (BoE) đã cảnh giác, đồng thời nói thêm rằng các sự cố trên không gây ra áp lực cho hệ thống ngân hàng Anh.

Phó thống đốc BoE Dave Ramsden cũng nhấn mạnh BoE phải "cực kỳ cảnh giác" sau tình trạng hỗn loạn của hệ thống ngân hàng toàn cầu.

"Chúng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ chi phí các quỹ của ngân hàng, hậu quả của những chi phí đó có thể là gì đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp, đồng thời cũng xem xét các yếu tố rủi ro khác", ông Ramsden nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.