Cứ nói đến tiền lại lảng ra
Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ VH-TT-DL), cho biết các nguồn lực đầu tư cho điện ảnh đang thiếu. Ông nói tóm lược: “Mình đang thiếu nguồn lực và thiếu nhà đầu tư, kể cả đầu tư nhà nước hay tư nhân, đều thiếu cả. Đặc biệt ta thiếu nhà đầu tư có chủ trương đầu tư lâu dài vì nhà đầu tư hiện chỉ muốn thu vốn, thu lãi nhanh. Nguồn tiền từ nhà nước đã hạn chế rồi còn tư nhân cũng đầu tư kiểu trước mắt”.
Năm qua, việc thông qua luật Điện ảnh là một bước tiến về chính sách, tuy nhiên theo ông đoạn đường tới đây, cụ thể hóa các hỗ trợ điện ảnh vẫn còn rất khó. “Về chủ trương, điện ảnh rất được quan tâm nhưng vẫn là quan tâm trên lý thuyết nhiều hơn. Ví dụ như ai cũng thấy là cần Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh. Nhưng khi xác định nguồn nào thu cho quỹ thì lại gần như từ chối hoặc không đồng ý trích lập quỹ, góp quỹ. Quy định về quỹ bây giờ phải đưa vào nghị định, thu bao nhiêu phần trăm, thu nguồn nào. Nhưng cứ đưa ra thu nguồn nào lại rầm rầm văn bản phản đối. Thế thì quan tâm điện ảnh kiểu gì”, ông Thành nói.
Một không gian văn hóa cho trẻ em tại khu sáng tạo Complex 1 (Hà Nội) |
Complex 1 |
Nguồn đầu tư cho các di sản văn hóa cũng thiếu khi chúng ta có quá nhiều di tích cần được tu bổ. Các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh cũng trong tình trạng thiếu đầu tư từ địa phương. Mới đây, khi nhìn lại di sản thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, có thể thấy rất rõ chưa mấy địa phương có chiến lược riêng để phát huy bảo tồn di sản này. PGS-TS Nguyễn Thị Hiền, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho biết mỗi chiến lược đó cần khoảng 10 hợp phần nhỏ, mỗi hợp phần khi thực hiện khoảng từ 300 - 800 triệu đồng. “Số tiền như thế thì các địa phương họ thiếu, cũng khó mà ưu tiên cho di sản được vì tiền ngân sách cho văn hóa vốn ít”, bà Hiền nói.
PGS-TS Bùi Hoài Sơn, ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Quốc hội, cho biết trong những năm qua đầu tư văn hóa của nhà nước đã giúp văn hóa có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, xét trong nhu cầu và mong muốn để văn hóa phát triển ngang hàng với kinh tế xã hội thì đầu tư cho văn hóa chưa đạt được. “Năm 2019, Thủ tướng phát biểu trước Quốc hội là đầu tư cho văn hóa mới đạt 1,72% so với chỉ tiêu 1,8% chi cho văn hóa. Điều này chứng tỏ chi tiêu cho văn hóa chưa đạt mốc mà ta đã đặt ra cách đó cả hơn chục năm rồi”, ông Sơn phân tích.
Tăng quyền tự chủ
Một trong những điểm “thắt nút cổ chai” về nguồn lực hiện nay là quyền tự chủ của các chủ thể văn hóa chưa nhiều.
PGS-TS Bùi Hoài Sơn cho rằng: “Ở ta, chúng ta có quán tính từ bao cấp, các tổ chức văn hóa nghệ thuật bao cấp hoàn toàn. Nên tổ chức không nghĩ đến phát triển khán giả, chỉ làm theo kiểu mở cửa đóng cửa. Người dân thì ở cảnh đi đâu cũng phải bỏ tiền, từ vào bảo tàng đến thư viện và cả công viên. Trong khi đó ở Anh, các thiết chế đó là miễn phí cho người dân, các công trình văn hóa công cộng đều miễn phí cả”.
Nam Định là tỉnh hiếm hoi có chiến lược về bảo tồn di sản tín ngưỡng thờ Mẫu, một di sản đã được UNESCO ghi danh |
NVCC |
Ông Sơn đặt câu hỏi người Anh làm thế nào để được như vậy. Câu trả lời là người Anh tăng quyền tự chủ của các tổ chức văn hóa nghệ thuật. Các tổ chức này thường có bộ phận riêng để gây quỹ và xin tài trợ. Trong hệ thống quỹ có quỹ tín thác, theo đó người đóng góp đề nghị thiết chế này làm những hoạt động nhất định. “Chẳng hạn, tôi đến bảo tàng, thấy tranh Vincent van Gogh rất đẹp, tôi đóng tiền để yêu cầu bảo vệ tranh đó. Bảo tàng có nhiệm vụ báo cáo với tôi đã dùng tiền của tôi bảo vệ tranh đó thế nào. Khi tạo được quan tâm như thế của toàn xã hội, các tổ chức có thể nhận được nhiều tiền để thực hiện nhiệm vụ. Họ cũng trở nên năng động hơn, hình thành các kỹ năng để phát triển công chúng”, ông Sơn phân tích.
Xã hội hóa là tất yếu, hợp tác công tư thần kỳ
Với hiện trạng nguồn lực như vậy, theo PGS-TS Sơn việc huy động nguồn lực xã hội là tất yếu. “Các quốc gia trên thế giới, nhà nước đều không bao cấp 100% cho lĩnh vực văn hóa. Ở Anh, một tổ chức cũng chỉ được nhận tài trợ nhà nước tối đa 60% tiền hoạt động thôi. Mà ở Anh, chính phủ bảo trợ rất mạnh cho văn hóa”.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho rằng để huy động và phát huy tốt các nguồn lực cho phát triển văn hóa, cần phải hoàn thiện Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa với các khung nội dung chính sách cụ thể, rõ ràng. “Hiện nay, các hành lang pháp lý của chúng ta về đầu tư, thuế, tín dụng, đất đai hay các quy định về quản lý trong lĩnh vực văn hóa vẫn chưa thực sự hấp dẫn, rõ ràng nên nhiều nhà đầu tư vẫn chưa thực sự cảm thấy được khuyến khích để đầu tư vào lĩnh vực này. Tôi cho rằng đây là vấn đề cần phải được thảo luận, thống nhất về nhận thức từ đó đưa ra các giải pháp cụ thể để giải quyết”, ông Vinh chia sẻ.
PGS-TS Đoàn Minh Huấn, Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, kiến nghị hoàn thiện các chính sách thuế, đất đai có sức hấp dẫn thu hút đầu tư doanh nghiệp trong nước và đầu tư nước ngoài cho phát triển công nghiệp văn hóa, khuyến khích doanh nghiệp dịch chuyển nguồn lực đầu tư phát triển các sản phẩm và dịch vụ văn hóa hoạt động theo nguyên tắc phi lợi nhuận.
Ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Le Group of Companies, cho rằng hợp tác công tư là chìa khóa huy động nguồn lực tư nhân. Từ đó, ông nhìn nhận dù là các dự án hạ tầng công trình văn hóa, hay các sản phẩm sáng tạo văn hóa, nghệ thuật, hoặc đào tạo nhân lực, đều có thể áp dụng mô hình nhà nước chủ trì, tư nhân đầu tư, tham gia vận hành hoặc chuyển giao, với những lợi ích cụ thể làm lực hấp dẫn cho các nhà đầu tư.
Vẫn theo ông Vinh, đầu tư theo hình thức đối tác công tư trong lĩnh vực văn hóa không nhất thiết phải là những dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, sử dụng đất đai. Quản lý, khai thác di sản, hoặc bảo tồn văn hóa bản địa chẳng hạn, đều có thể thực hiện theo mô hình Hợp đồng kinh doanh - quản lý (O&M). Hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để kinh doanh một phần hoặc toàn bộ công trình trong một thời hạn nhất định.
“Tham vọng của Việt Nam là đến năm 2030, doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa sẽ đóng góp 7% vào GDP, tức là vào khoảng 25 tỉ USD. Đây là con số tham vọng và rất khó đạt được nếu không có giải pháp huy động nguồn lực xã hội, đặc biệt là trong khối tư nhân”, ông Vinh nói. (còn tiếp)
Kiến nghị hoàn thiện thể chế phát triển văn hóa
Ngày 17.12 tới, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục theo phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa tại tỉnh Bắc Ninh theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Hội thảo là diễn đàn để các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia trong và ngoài nước trao đổi, thảo luận nhằm phân tích cũng như đánh giá tình hình thực hiện hệ thống chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về phát triển văn hóa. Trên cở sở đó, kiến nghị hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy huy động, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực cho phát triển văn hóa.
Bình luận (0)