Nan giải xử lý xe ba gác chở cồng kềnh: 'Bị giữ chiếc này, mua chiếc khác'

Nan giải xử lý xe ba gác chở cồng kềnh: 'Bị giữ chiếc này, mua chiếc khác'

Nguyễn Anh
Nguyễn Anh
23/11/2023 19:38 GMT+7

'Những trường hợp (xe thô sơ, xe ba gác - PV) có khi bị xử lý, bị giữ, bị tịch thu sau đó lại mua. Bị giữ chiếc này thì mua chiếc khác. Họ chỉ chạy một vài chuyến chở hàng thì lại đủ tiền để mua lại', thượng tá Lê Mạnh Hà thông tin.


Có thể dễ dàng bắt gặp những xe ba gác hay xe thô sơ chở hàng cồng kềnh trên nhiều tuyến đường tại TP.HCM. Đã có những tai nạn thương tâm gây ám ảnh người dân mỗi khi gặp những phương tiện này.

Mặc dù CSGT đã nhiều lần ra quân, xử phạt nhưng vẫn không không thể xử lý dứt điểm tình trạng này.

Nan giải xử lý xe ba gác chở cồng kềnh: 'Bị giữ chiếc này, mua chiếc khác'

 Bị giữ chiếc này mua chiếc khác

Ngày 23.11.2023, tại cuộc họp báo định kỳ về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố, thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP.HCM đã thông tin liên quan đến vấn đề này.

Theo đại diện Công an TP.HCM thì ngay từ đầu năm 2023, đã tổ chức kế hoạch chuyên đề xử lý xe không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, trọng tâm là xe ba bánh, xe thô sơ, xe máy và xem đây là nhiệm vụ trọng tâm qua các năm.

Kết quả, trong 11 tháng đầu năm, các lực lượng thuộc Công an TP.HCM đã phát hiện hơn 17.800 xe máy chở hàng quá khổ giới hạn (còn gọi là cồng kềnh), hơn 3.600 xe máy thiết bị kỹ thuật không đảm bảo. Riêng xe 3 bánh, lực lượng CSGT đã phát hiện hơn 2.300 xe, trong đó có 922 trường hợp chở hàng quá khổ giới hạn.

Mặc dù vậy, vì nhiều nguyên nhân mà hiện nay vẫn không thể xử lý dứt điểm tình trạng xe ba bánh, xe thô sơ chở hàng cồng kềnh.

Cụ thể, theo thượng tá Lê Mạnh Hà, các loại xe này được đầu tư rẻ tiền, tải trọng lớn, dễ dàng di chuyển vào các hẻm nhỏ. Việc quản lý gặp nhiều khó khăn do loại xe này thường hoạt động ở vùng giáp ranh các tỉnh, chợ truyền thống, hẻm nhỏ.

Bên cạnh đó, người sử dụng xe ba bánh, xe thô sơ đa phần là người có thu nhập thấp, ý thức chấp hành giao thông còn hạn chế. Ngoài ra, do nhu cầu mưu sinh nên nhiều người vẫn cố tình sử dụng các phương tiện này để hoạt động, gây mất an toàn giao thông.

"Những trường hợp có khi bị xử lý, bị giữ, bị tịch thu sau đó lại mua. Bị giữ chiếc này thì mua chiếc khác. Họ chỉ chạy một vài chuyến chở hàng thì lại đủ tiền để mua lại nên việc kiểm tra, xử lý của lực lượng chức năng cũng có khó khăn", thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết thêm.

Khuyến cáo sau vụ nam sinh lớp 10 bị container cán tử vong ở TP.HCM

Áp lực dư luận từ chuyện "đụng chạm đến người khó khăn"

Theo đại diện Công an TP.HCM, khi kiểm tra, xử lý thì người vi phạm không chấp hành hợp tác, bỏ lại phương tiện gây khó khăn cho công tác tạm giữ. Quá trình tịch thu, tiêu hủy, thanh lý phương tiện mất nhiều thời gian dẫn tới các kho bãi bị quá tải.

"Lực lượng chức năng chúng tôi khi xử lý cũng có những áp lực, nhất là do dư luận. Nhiều người không đồng tình vì thấy đa số những người đang sử dụng những phương tiện này cũng là những người rất khó khăn. Nhiều khi người dân không chia sẻ với lực lượng CSGT. Có những trường hợp phản ứng là do CSGT hoặc lực lượng chức năng xử lý đụng chạm đến người dân và những người khó khăn", ông Lê Mạnh Hà chia sẻ.

Để giải quyết vấn đề này, thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết lực lượng CSGT sẽ tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát đặc biệt là vào dịp cuối năm, các dịp lễ tết, khi hoạt động của các phương tiện này tăng cao. 

Việc tuần tra kiểm soát sẽ tập trung tại các khu chợ đầu mối, chợ truyền thống, các cơ sở kinh doanh vật liệu. Công an sẽ kiên quyết xử phạt các trường hợp vi phạm theo đúng quy định pháp luật.

Bên cạnh đó, Công an TP.HCM sẽ phối hợp với các sở ban ngành đề đề ra các giải pháp đồng bộ. Trong đó, các cơ quan sẽ thực hiện các giải pháp thay đổi nghề nghiệp, bố trí phương tiện thay thế, tuyên truyền vận động tới người dân về pháp luật, sự nguy hiểm của loại phương tiện này.

Ngỡ ngàng nguyên nhân các vụ giết người: ‘Có trường hợp từ chuyện dắt thú cưng đi dạo’

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.