Nâng tầm cho sản phẩm OCOP

10/09/2022 06:58 GMT+7

Xây dựng đề án từ cách đây gần 10 năm, chính thức triển khai 4 năm, chương trình “mỗi làng một sản phẩm” (OCOP) đang dần lan tỏa mạnh tại các địa phương và không ít sản phẩm chế biến từ nông sản đã được nâng tầm để phát triển.

Đó là nội dung Hội nghị Triển khai Chương trình OCOP và Chương trình Phát triển du lịch nông thôn trong giai đoạn 2021 - 2025. Bộ trưởng

Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã chủ trì hội nghị trực tuyến và trực tiếp với 15 điểm cầu tỉnh, thành trên cả nước.

Dây chuyền sản xuất rượu vang Bạch Mã từ nguyên liệu trái vả Huế - một sản phẩm được chứng nhận OCOP 4 sao

CTV

Tôn vinh nông sản địa phương

Ông Nguyễn Quốc Vũ, Giám đốc Công ty TNHH thương mại sản xuất PURE (H.Thủ Thừa, Long An), chia sẻ: “Trong một lần đi thực tế tại địa phương, tôi nhận thấy Long An có rất nhiều cây tràm, loài cây dược liệu chính để chiết xuất ra tinh dầu tràm nên quyết định chọn nơi đây để đặt cơ sở sản xuất thứ 2 của công ty, sau tỉnh Quảng Trị. Ở đây, nguyên liệu sẵn có nên dễ dàng đạt chuẩn về y tế, từ đó giúp sản phẩm được nhiều khách hàng tin tưởng hơn”.

Sau hơn 4 năm triển khai, Chương trình OCOP đã tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, được triển khai đồng bộ, rộng khắp, các địa phương chủ động triển khai. Đến hết tháng 8.2022, toàn quốc có 8.478 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên của 4.351 chủ thể.

Bộ NN-PTNT

Tận dụng tài nguyên bản địa, Công ty TNHH thương mại sản xuất PURE đã cho ra đời sản phẩm dầu tràm “Con Yêu”, với tinh dầu nguyên chất của cây tràm gió tại đất Long An. Mỗi năm, công ty cho ra thị trường khoảng 10.000 chai dầu tràm, loại 100 ml/chai. Trải qua nhiều năm, sản phẩm đã được thị trường đón nhận và UBND tỉnh Long An công nhận và xếp hạng 4 sao OCOP.

Ông Mai Quốc Bảo, Giám đốc Công ty TNHH Lộc Mai (Thừa Thiên-Huế), cũng rất tự hào khi sản phẩm của mình được chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Đây là sản phẩm rượu vang Bạch Mã sử dụng nguyên liệu trái vả đặc trưng của tỉnh Thừa Thiên-Huế, được ủ trên đỉnh núi Bạch Mã. Sau nhiều năm xây dựng thương hiệu, sản phẩm của công ty đã được tỉnh đưa vào sản phẩm tiêu biểu đặc trưng của địa phương, được địa phương dùng làm quà tặng và quảng bá trong các chương trình xúc tiến thương mại. Đó là sự hỗ trợ rất lớn giúp sản phẩm rượu vang trái vả được lan tỏa nhiều hơn.

Ông Lê Văn Lộc, Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Đồng Nai, cho biết Sở đã tập trung hỗ trợ các chủ thể OCOP trong tất cả hoạt động xúc tiến thương mại. Kết quả, đã có nhiều chủ thể OCOP ký kết hợp đồng với các siêu thị, trung tâm thương mại; thông qua hoạt động quảng bá sản phẩm, hầu hết doanh nghiệp đều có doanh thu tăng trưởng tốt. Ngoài ra, tỉnh Đồng Nai còn đẩy mạnh chương trình hỗ trợ các chủ thể OCOP tham gia kênh tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử.

Tại tỉnh Thanh Hóa, sau 4 năm triển khai, thực hiện, toàn tỉnh đã có 236 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Trong đó, có 1 sản phẩm 5 sao, 51 sản phẩm 4 sao và 184 sản phẩm 3 sao của 158 chủ thể thuộc 139 xã, phường ở 27 huyện, thị xã, thành phố.

Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, cho biết: “Để hỗ trợ các sản phẩm OCOP phát triển, công tác xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm được các cấp, ngành, đơn vị liên quan chú trọng thực hiện. Các sản phẩm OCOP của tỉnh đã có mặt tại nhiều sự kiện như: Hội chợ OCOP toàn cầu tại TP.HCM, Hội chợ giới thiệu sản phẩm OCOP tại các tỉnh Nghệ An, Nam Định, Yên Bái... Nhiều gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP được tổ chức tại siêu thị và các sự kiện chính trị - xã hội của tỉnh. Thông qua hoạt động xúc tiến thương mại, nhiều sản phẩm OCOP đã mở rộng thị trường trong và ngoài nước, như: mắm tôm, mắm tép Lê Gia xuất khẩu sang thị trường Nga, Hàn Quốc, Đài Loan và Nam Phi; ống hút tre xuất khẩu sang Thuỵ Sĩ, Thuỵ Điển và Mỹ; ghế tre thư giãn của Công ty TNHH sản xuất và thương mại BamBoo Vina xuất khẩu đi các thị trường châu Âu, Đức, Mỹ… Cùng với đó, các sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa đã được tiêu thụ rộng rãi trên cả nước bằng hình thức trực tiếp và qua thương mại điện tử.

Vì sao vẫn chưa lan tỏa?

Theo Bộ NN-PTNT, sau hơn 4 năm triển khai, Chương trình OCOP đã tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, được triển khai đồng bộ, rộng khắp, các địa phương chủ động triển khai. Đến hết tháng 8.2022, toàn quốc có 8.478 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên của 4.351 chủ thể. Trong đó, có 65,4% sản phẩm 3 sao; 33,4% sản phẩm 4 sao; 1% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 0,2% sản phẩm 5 sao.

Chương trình đã có những tác động tích cực đậm nét đến sự phát triển kinh tế nông thôn. Thông qua chương trình, nhiều địa phương đã chủ động phát triển nhóm sản phẩm dịch vụ, du lịch nông thôn và điểm du lịch. Đến nay, cả nước đã có 65 sản phẩm OCOP thuộc nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch.

Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025 sẽ tập trung triển khai một cách linh hoạt, phù hợp theo hướng phát triển chuỗi giá trị sản phẩm OCOP gắn với vùng nguyên liệu địa phương. Trong đó, tập trung phát triển các đặc sản, sản phẩm truyền thống, phát huy giá trị văn hóa, hình thành sản phẩm tích hợp đa giá trị gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, giá trị văn hóa địa phương, đặc biệt là sản phẩm các làng nghề, nghề truyền thống, dịch vụ du lịch nông thôn; đẩy mạnh phát triển sản phẩm chế biến, chế biến sâu gắn với vùng nguyên liệu địa phương, văn hóa và tri thức bản địa. Đẩy mạnh hoạt động đào tạo, tập huấn, chú trọng các kỹ năng về tổ chức sản xuất; quản trị; đổi mới, sáng tạo về sản phẩm; quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm; kỹ năng về thiết kế bao bì, ghi nhãn và mẫu mã sản phẩm; sở hữu trí tuệ, truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị; tiếp thị và phát triển thị trường. Đặc biệt là đổi mới về phương pháp tập huấn, hướng dẫn theo hướng phát triển sản phẩm dựa vào nội lực cộng đồng.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được, việc thực hiện Chương trình OCOP của nhiều địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, một số người dân chưa nhận thức được lợi ích, ý nghĩa của chương trình, ngại làm các hồ sơ, thủ tục tham gia chương trình; một số địa phương chưa quan tâm đúng mức, chưa tạo điều kiện để người dân tham gia chương trình OCOP…

Ngoài ra, các cơ sở sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP, giá nguyên phụ liệu tăng dẫn đến chi phí sản xuất tăng, thiếu công nhân sản xuất.

Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND tỉnh Long An, chia sẻ: “Nông nghiệp và sản phẩm nông nghiệp luôn được Long An đưa vào chương trình trọng tâm. Sản phẩm thì nhiều nhưng sản phẩm tiêu biểu của Long An thì tìm chưa ra. Sản phẩm OCOP các địa phương thì tương tự nhau, Long An làm được thì các tỉnh khác cũng làm được. Sản phẩm thì nhiều, nhưng sản phẩm sạch, chất lượng cao cung cấp cho thị trường không nhiều, cung không đủ cầu. Long An hiện có 10.000 ha thanh long với hơn 1.000 ha ứng dụng công nghệ cao nhưng cũng chưa thật sự đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Kế hoạch của chúng tôi là hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản phẩm nước ép thanh long để tạo ra sản phẩm đặc biệt, đặc thù cho Long An”.

Các địa phương cho rằng khâu quảng bá đễ hỗ trợ cho tiêu thụ sản phẩm vẫn chưa thật sự hiệu quả, từ đó sức lan tỏa của các thương hiệu OCOP chưa mạnh mẽ. Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đề nghị từng cơ quan, đơn vị, địa phương tùy theo chức năng của mình xây dựng kế hoạch hành động tham gia chương trình một cách cụ thể, sáng tạo. Sắp xếp, tổ chức triển khai Chương trình OCOP và Chương trình Phát triển du lịch nông thôn giai đoạn 2021 - 2025 tinh gọn, hiệu quả, gắn kết chặt chẽ với Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; bố trí nguồn ngân sách địa phương lồng ghép các nguồn vốn về tổ chức triển khai thực hiện chương trình, hỗ trợ đầu tư hạ tầng, phát triển sản phẩm, điểm du lịch nông thôn, nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP, du lịch nông nghiệp, nông thôn phù hợp với định hướng và điều kiện thực tế của địa phương.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.