Ngâm mình trong nước lạnh hay nước nóng: Cái nào có nhiều lợi ích hơn?

Như Quyên
Như Quyên
04/12/2024 19:15 GMT+7

Một nghiên cứu nhỏ mới đây chỉ ra, nước nóng có thể giúp cơ tự phục hồi và trở nên khỏe hơn. Do đó, ngâm mình trong nước nóng được khuyến khích sau các hoạt động thể chất.

Lý do nước nóng được các chuyên gia “ưu ái”

Mặc dù việc tắm nước lạnh hay ngâm mình trong bồn nước đá sau khi vận động rất được người tập luyện thể thao ưa chuộng, nhưng sẽ tốt cho cơ thể hơn nếu ngâm mình trong bồn nước nóng, đặc biệt là với các vận động viên thể thao, theo thông tin được đăng tải trên NBC News (Mỹ).

Mamoru Tsuyuki, tác giả chính của nghiên cứu, học viên cao học về Khoa học Thể thao và sức khỏe tại Đại học Ritsumeikan (Nhật Bản) cho biết: “Khi bạn tập thể dục với cường độ mạnh mẽ, các sợi cơ bị tổn thương và nước nóng có thể làm tăng lưu lượng máu, giúp các cơ tự phục hồi nhanh hơn. Việc tăng nhiệt độ cơ bắp khi ngâm cũng sẽ giúp cải thiện hiệu quả tập luyện. Khi cần thi đấu 2 lần trong cùng một ngày, chẳng hạn như trong các môn thể thao có giờ nghỉ giải lao, nếu ngâm mình trong nước nóng 15-20 phút, bạn có thể thi đấu tốt hơn trong hiệp thứ 2”.

Ngâm mình trong nước lạnh hay nước nóng: Cái nào có nhiều lợi ích hơn?- Ảnh 1.

Khi vận động mạnh, cơ bắp bị rách và nước nóng giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi cơ

ẢNH: PEXELS

Aimee Layton, phó giáo sư khoa Sinh lý học ứng dụng tại Đại học Columbia (Mỹ), cho biết: “Tắm nước đá đang là xu hướng cực kỳ thịnh hành vì khi bạn bị thương do nhiệt và viêm, cảm giác lạnh sẽ khiến bạn dễ chịu. Tuy nhiên, nếu không bị thương mà chỉ tập luyện vất vả, cảm giác lạnh có thể gây hại, nó làm co mạch máu và có thể khiến các cơ bị căng cứng. Do vậy, lúc này ngâm nước nóng có thể làm tăng tuần hoàn máu và thúc đẩy quá trình phục hồi cơ bắp”.

Dù vậy, Tsuyuki cho biết điều đó không có nghĩa là việc ngâm mình trong nước đá không có giá trị, bởi trước đây đã có các nghiên cứu chỉ ra rằng nước đá có thể làm giảm đau nhức cơ, phát huy công dụng tốt nếu người vận động bị thương.

Nhiệt độ và thời gian ngâm nước thích hợp

Để xem xét kỹ hơn tác động của việc ngâm mình trong nước nóng và nước lạnh, Tsuyuki và các đồng nghiệp đã tuyển chọn 10 thanh niên để thực hiện một nghiên cứu gồm 3 phần.

Những người tham gia nghiên cứu được yêu cầu chạy với cường độ cao trong 50 phút, sau đó ngâm mình trong bồn nước 20 phút với nhiệt độ là 15 độ C, 40 độ C hoặc ngồi mà không ngâm mình trong nước. Cả 10 người đều trải qua cả 3 thử nghiệm trên. Sau khi chạy xong, họ được yêu cầu nhảy cao nhất có thể từ 2 tư thế đứng và ngồi xổm.

ngâm mình

Chuyên gia khuyên rằng nên ngâm từ 10 đến 20 phút ở nhiệt độ nước từ 36-40 độ C để mang lại hiệu quả tốt cho cơ thể

ẢNH: PEXELS

Kết quả nghiên cứu cho thấy, sau khi ngâm mình trong nước lạnh (15 độ C), chiều cao mà những người tham gia đạt được khi nhảy thấp hơn sau khi ngâm mình trong nước nóng (40 độ C).

Theo ông David Putrino, phụ trách phục hồi chức năng tại Hệ thống Y tế Mount Sinai (Mỹ), nhiệt độ nước nào phù hợp nhất với người tập thể thao hay hoạt động thể chất còn phụ thuộc vào một số yếu tố khác. Điều quan trọng là phải biết lắng nghe cơ thể chứ đừng quá phụ thuộc vào các lý thuyết rập khuôn.

Ông Putrino cũng đưa ra lời khuyên rằng nên ngâm từ 10 đến 20 phút ở nhiệt độ nước từ 36-40 độ C (nước nóng), và 10 đến 15 phút ở nhiệt độ từ 10-15 độ C (nước lạnh). Đối với những người lần đầu thử ngâm nước lạnh, tốt nhất chỉ nên ngâm 5 phút. “Dù bạn thích nước lạnh hay nước nóng, trước nhất hãy thử và theo dõi xem nhiệt độ ngâm ở mức nào có thể giúp bạn phục hồi nhanh nhất”, chuyên gia Putrino nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.