Ngăn hiểm họa 'từ trên trời': Nhắc nhở thôi, chưa đủ !

Kim Lan
Kim Lan
02/09/2019 05:00 GMT+7

Bài viết Nỗi lo hiểm họa 'từ trên trời' thu hút sự quan tâm đặc biệt của bạn đọc, bởi chung cư cao tầng liên tục mọc lên ở địa phương và thực tế không ít nơi đã xảy ra 'hiểm họa'.

Căn hộ chung cư cao tầng đang là một lựa chọn hợp lý với nhiều người dân ở các đô thị. Chính vì vậy, nhiều bạn đọc đã nhanh chóng chia sẻ các bức xúc, lo lắng, đóng góp ý kiến... sau khi đọc bài Nỗi lo hiểm họa “từ trên trời” trên Thanh Niên.
Bài viết Nỗi lo hiểm họa “từ trên trời”  thu hút sự quan tâm đặc biệt của bạn đọc (BĐ), bởi chung cư cao tầng liên tục mọc lên ở nhiều địa phương, đặc biệt là các đô thị và thực tế không ít nơi đã xảy ra “hiểm họa”.

Bủn rủn vì ý thức cư dân

Theo nhiều BĐ, dù đã có những quy định pháp luật sẽ xử lý nếu người nào bất cẩn làm vật rơi trúng người ở dưới, ném các đồ vật làm hư hỏng tài sản hoặc gây chết người…, nhưng dường như không phải ai cũng biết.
BĐ Hien Bui (Bà Rịa-Vũng Tàu) kể lại câu chuyện trực tiếp chứng kiến: “Một hôm đứng hóng gió ở ban công lầu 10 chung cư, vô tình liếc sang ban công nhà bên cạnh thấy bủn rủn tay chân vì một cái thớt để chênh vênh trên cái rổ úp ngược ở bệ ban công rộng chưa đầy gang tay. Không kịp báo bảo vệ, tôi phải chạy ngay sang quát ầm lên để họ cất ngay đi. Khủng khiếp thật! Vậy mà họ bình thản như không, hôm sau lại thấy để một quả bí đỏ…”.

- Có tiền mua căn hộ chung cư nhưng chưa trang bị ý thức văn hóa của lối sống chung cư. Thật tiếc.

Nguyễn Minh Đức (TP.HCM)

BĐ Hoàng LC (Hà Nội) góp thêm một câu chuyện khác: “Ở nhiều chung cư cũ xây từ những năm 1980 - 1990 tình hình còn đáng sợ hơn, thường xuyên vứt rác, các đồ vật xuống sân, đường ở phía dưới gây nguy hiểm. Chưa hết, trên nóc nhà đã cũ nát, hàng trăm bể nước inox 2 - 3 m3 như những “quả bom” lúc nào cũng chực rơi xuống. Thật nguy hiểm!”.
Trước những tình cảnh mà ai ở chung cư mới thấu hiểu này, có BĐ hài hước đưa giải pháp: “Nên đội mũ bảo hiểm khi đi bộ bên dưới, như thế thì yên tâm hơn” (BĐ Ngô Ngọc Danh - Đồng Tháp). BĐ Nguyên Phương (TP.HCM) thì viết: “Nên làm lưới che tất cả cửa sổ. Không còn cách nào khác!”.

Phạt nặng những trường hợp vi phạm

Bên cạnh tuyên truyền nâng cao ý thức của cư dân chung cư, nhiều BĐ cho rằng cần tăng cường vai trò của ban quản lý chung cư.
Theo BĐ, có những trường hợp vô ý của người dân, để đồ vật ở ban công, bị gió cuốn; hoặc trẻ nhỏ ném đồ; có cả trường hợp vợ chồng cãi nhau, dùng đồ vật ném nhau rồi… bay xuống dưới, nhưng ban quản lý chung cư hầu như chỉ nhắc nhở, khi họp cư dân thì tuyên truyền chứ “hiếm khi xử lý mạnh tay”.

- Ở Singapore từng có tình trạng tương tự và chính phủ họ đã làm rất gắt gao, phạt rất nặng, tuyên truyền giáo dục bằng hình ảnh hoạt hình rất dễ thương. Không phải tự nhiên mà người dân có ý thức đâu.

Chí Thanh (TP.HCM)

Từ thực tế này, BĐ ở Hà Nội cho rằng các ban quản lý chung cư “cần nghiên cứu quản lý và sử dụng chung cư cho an toàn, khoa học” và nhận xét rằng hiện nay tại các chung cư “tuy có một số quy định, nhưng sơ sài, đôi lúc gây trở ngại, khó khăn cho cư dân”.
Đồng quan điểm, BĐ Nguyễn Viết Hiếu (TP.HCM) góp ý: “Các chung cư nên có quy định và hình thức phạt chế tài riêng”. Trong khi đó, BĐ ở Đồng Nai đề nghị cứ ra quy định chế tài cụ thể, nặng, làm nghiêm, để ai cũng phải xót ruột khi móc hầu bao nộp phạt, tất sẽ giảm bớt hiểm họa "từ trên trời" này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.