Ngày 26.8: 'Chóng cả mặt' vẫn chưa biết đơn vị sẽ cấp giấy đi đường cho mình

Nguyên Nga
Nguyên Nga
26/08/2021 17:20 GMT+7

Sau 4 ngày quy định nhân viên các công ty xuất nhập khẩu, logistics… phải có giấy đi đường , đến nay, nhiều doanh nghiệp cho biết vẫn chưa có giấy, thậm chí có doanh nghiệp còn không biết phải nộp hồ sơ cho đơn vị nào.

Rối rắm mỗi nơi hiểu một kiểu

Sáng 26.8, một doanh nghiệp xuất khẩu tại Q.1 (TP.HCM) phản ánh: Sau khi Sở Công thương hướng dẫn về UBND các quận huyện để được cấp giấy đi đường cho nhân viên, doanh nghiệp gọi điện lên Công an Q.1, ở đây cho số yêu cầu gọi cho bên Đội Cảnh sát giao thông trật tự để được giải quyết. Gọi sang Đội Cảnh sát giao thông trật tự, được hướng dẫn liên lạc với Phòng Kinh tế của UBND quận. Trong thư gửi về cho Thanh Niên, công ty này bức xúc, có mỗi giấy đi đường nhưng các hướng dẫn, thay đổi, chuyển đơn vị cấp đến chóng cả mặt, đến nay cũng chưa biết ai cấp cho mình.

Bản tin Covid-19 ngày 26.8: Cả nước 11.575 ca nhiễm | Tiếp nhận thêm nhiều vắc xin giữa lúc dịch bệnh căng thẳng

Cũng tới chiều 26.8, Công ty giao nhận vận tải T.A.M (Q.Bình Thạnh) cập nhật, công ty gửi hồ sơ xin cấp từ chiều 22.8, đến sáng hôm qua, sau khi có hướng dẫn mới cho biết giấy đi đường của nhân viên phải do Công an TP cấp, công ty đã gửi lại mẫu đơn xin cấp giấy đi đường đến Sở Công thương lúc 8 giờ 20 sáng 25.8, đến 23 giờ 30 cùng ngày, công ty nhận được mail phản hồi từ Sở Công thương nội dung: Hiện nay tất cả doanh nghiệp đều phải thực hiện nguyên tắc “3 tại chỗ”, Sở Công thương không cấp “giấy đi làm”, chỉ giải quyết trường hợp cấp thiết, cần di chuyển từ trụ sở doanh nghiệp đến cảng. Đại diện Công ty T.A.M cho hay, sau 4 ngày quy định phải có giấy đi đường, doanh nghiệp chạy theo các thủ tục đến “chóng cả mặt”, nhưng đến hôm nay, nhân viên vẫn chưa ra đường được để đến cảng làm thủ tục nhận hàng, buộc phải lưu bãi thêm 4 ngày rồi, sản xuất cũng theo đó bị ngưng trệ theo.

Ngày 25.8, 8 hiệp hội ngành hàng đã có thư cầu cứu gửi Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành liên quan về việc đẩy nhanh cấp giấy đi đường cho nhân viên các doanh nghiệp

Ảnh: Độc Lập

Cùng hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ logistics, nhưng tại TP.Thủ Đức, doanh nghiệp lại được hướng dẫn theo một… quy định khác. Công ty chuyên dịch vụ xuất nhập khẩu A. cho biết đang hoạt động “3 tại chỗ” tại Khu công nghiệp Cát Lái (TP.Thủ Đức), xin giấy đi đường cho nhân viên đi từ địa chỉ của công ty. Ngày 25.8, UBND TP.Thủ Đức từ chối cấp, trả về vì cho biết TP không cấp giấy đi đường cho doanh nghiệp “3 tại chỗ”. Đại diện công ty này thông tin, doanh nghiệp trong khu vực khai cho nhân viên đi từ địa chỉ nhà lại được xét cấp. "Mỗi nơi hiểu một kiểu, chỉ có doanh nghiệp cứ chạy theo thủ tục mệt nghỉ", đại diện doanh nghiệp này than thở.

Ngày 26.8: Cả nước 11.575 ca Covid-19, 18.567 ca khỏi; riêng TP.HCM 3.934 người nhiễm

Mới cấp được 56% giấy đi đường được phân bổ

Tại cuộc họp chiều 25.8, đại diện Sở Công thương TP.HCM cho biết, ngay từ ngày đầu tiên áp dụng nhân viên của các doanh nghiệp ra đường phải có giấy đi đường, ngày 23.8, Sở đã nỗ lực cấp được 80.000 giấy đi đường cho các hệ thống phân phối và các đối tượng liên quan, trong đó có cả kinh doanh gas, dịch vụ logistics, shipper… Thế nhưng, do lượng hồ sơ đăng ký quá lớn, khó có thể giải quyết kịp thời cho tất cả các loại hình trên theo quy định tại Công văn 2800 của UBND TP.HCM, Sở đã kiến nghị UBND TP.HCM. Ngay sau đó, UBND TP.HCM ban hành văn bản hướng dẫn các quận, huyện và TP.Thủ Đức cấp giấy đi đường cho các loại hình gas, xăng dầu, doanh nghiệp sản xuất, kể cả doanh nghiệp cung cấp nguyên vật liệu, phụ liệu phục vụ sản xuất trên địa bàn…
Thế nên, đến nay, Sở Công thương TP.HCM chỉ cấp giấy đi đường cho người lao động thuộc 3 loại hình: các hệ thống phân phối, doanh nghiệp có đơn hàng xuất nhập khẩu và đội ngũ lao động của cơ quan điện lực.
Tuy nhiên, quy định mới tại Công văn 2850 là từ ngày 25.8, tất cả giấy đi đường phải do cơ quan Công an TP.HCM cấp. Thế nên, tất cả những giấy đi đường đã được Sở cấp trước đó phải hủy hết, giải quyết lại từ đầu, cấp theo mẫu của Công an TP cung cấp.
Vấn đề là Sở Công thương đã nhận được khoảng 100.000 hồ sơ đề nghị cấp giấy đi đường của doanh nghiệp gửi về nhưng chỉ nhận được 40.000 mẫu giấy đi đường từ cơ quan Công an TP nên buộc phải cân nhắc, cắt giảm khoảng 60.000 hồ sơ. Riêng với doanh nghiệp lĩnh vực logistics, Sở Công thương nhận được hơn 4.100 hồ sơ. Trong ngày 25.8, Sở đã xử lý cấp giấy đi đường cho 831 hồ sơ và buộc phải từ chối 352 hồ sơ.

TP.HCM đã nhận 320.000 viên thuốc kháng vi rút Molnupiravir điều trị Covid-19

Cập nhật đến 15 giờ chiều 26.8, đại diện Sở Công thương TP.HCM cho biết, đơn vị đã cấp  21.271/40.000 giấy đi đường được phân bởi cơ quan công an, đạt 56%. Sở đang nỗ lực giải quyết các hồ sơ còn lại và nếu thiếu, sẽ có văn bản đề xuất cơ quan công an cấp thêm giấy đi đường để giải quyết cho doanh nghiệp.
Ngày 26.8, một số hệ thống siêu thị cho biết, việc “khan hiếm” giấy đi đường khiến nỗ lực giao các đơn hàng online của doanh nghiệp bị chậm lại. Sở Công thương chỉ cắt giảm tối đa 10% số hồ sơ xin cấp giấy đi đường của các nhà phân phối bán lẻ nhằm bảo đảm nhân sự cho các hệ thống siêu thị vận hành, cung ứng hàng hóa cho người dân. Thế nhưng, chuỗi siêu thị lớn như VinMart/VinMart+ cho hay chỉ 30% nhân viên có giấy đi đường. Một số chuỗi siêu thị khác cũng thông tin, lượng giấy đi đường được cấp thấp hơn 50% so nhu cầu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.