Ngày mới với tin tức sức khỏe: Những điều không ngờ có thể gây ung thư

04/11/2021 00:14 GMT+7

Những điều không ai ngờ lại làm bạn dễ bị ung thư hơn; Nếu bạn gặp trục trặc 'chuyện ấy', thủ phạm có thể là do hút thuốc ... là những thông tin bạn đọc có thể xem khi bắt đầu ngày mới với tin tức sức khỏe .

"Khi tham gia các phương tiện giao thông công cộng, mọi người sẽ ngồi hoặc đứng gần với người khác trong thời gian dài, đồng thời sẽ chạm vào các bề mặt thường xuyên tiếp xúc. Chính điều này sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm Covid-19". Hãy bắt đầu ngày mới 4.11 với tin tức sức khỏe để xem thêm nội dung này!

Những điều không ai ngờ lại làm bạn dễ bị ung thư hơn

Các nghiên cứu mới liên tục cảnh báo về việc ngăn ngừa và phát hiện sớm ung thư - khi bệnh dễ chữa khỏi nhất. Muốn vậy, mọi người cần biết tất cả những yếu tố rủi ro có thể dẫn đến căn bệnh chết người này.

Và ngoài những nguyên nhân gây ung thư nhiều người đã biết, như hút thuốc, uống nhiều rượu, ăn nhiều thịt chế biến và thịt đỏ, hay không tầm soát ung thư đại trực tràng … Có những điều đáng ngạc nhiên có thể là thủ phạm gây ra căn bệnh đáng sợ này mà có thể bạn không biết.

Ăn thịt nướng cháy có nguy cơ gây ung thư

SHUTTERSTOCK

Uống nước quá nóng. Tiến sĩ Thomas Horowitz, bác sĩ từ Trung tâm Y tế Hollywood Presbyterian (Mỹ), cho biết ăn thức ăn và đồ uống quá nóng có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư vòm họng và ung thư thực quản, do các chất kích thích và nhiệt độ cao có thể làm tổn thương tế bào.

Dậy thì quá sớm hoặc mãn kinh quá trễ. Bác sĩ Nancy Elliott, từ Phòng khám Montclair Breast Center (Mỹ), cho biết hành kinh sớm - trước 12 tuổi - và mãn kinh sau 55 tuổi khiến thời gian tiếp xúc với hoóc môn của phụ nữ kéo dài hơn, làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú.

Ngồi quá nhiều. Nghiên cứu cho thấy, dành hơn 2 giờ ngồi và xem TV làm tăng 70% nguy cơ phát triển ung thư đại trực tràng.

Nếu bạn làm công việc bàn giấy, hãy tìm cách vận động nhiều hơn trong ngày, chỉ cần đứng lên và đi tới lui nhiều hơn. Thiếu ngủ, ăn thịt cháy, làm việc ca đêm... là những thủ phạm tiếp theo gây ra căn bệnh đáng sợ này. Bạn đọc có thể xem thêm trên trang sức khỏe ngày 4.11.

Nếu bạn gặp trục trặc 'chuyện ấy', thủ phạm có thể là do hút thuốc

Ai cũng biết hút thuốc có hại cho sức khỏe, từ ung thư phổi cho đến bệnh tim. Nhưng còn một tác hại rất hệ trọng nữa - đó là có thể khiến bạn gặp trục trặc trong 'chuyện ấy'.

Khoa học đã có bằng chứng rõ ràng cho thấy hút thuốc có thể có tác hại nghiêm trọng đến đời sống tình dục - từ làm giảm ham muốn đến bất lực.

Tiến sĩ Luke Pratsides, bác sĩ đa khoa tại phòng khám nam khoa Numan, và Hussain Abdeh, giám đốc lâm sàng tại Medicine Direct (Anh), giải thích hút thuốc phá hủy đời sống tình dục như thế nào.

Nếu bạn gặp trục trặc 'chuyện ấy', thủ phạm có thể là do hút thuốc - ảnh 1

Nếu bạn gặp trục trặc “chuyện ấy”, thủ phạm có thể là do hút thuốc

SHUTTERSTOCK

"Các hóa chất trong khói thuốc lá có tác hại rất lớn đến một loạt chức năng của cơ thể và đời sống tình dục. Từ gây rối loạn chức năng tình dục, như rối loạn cương ở nam giới và làm 'khô hạn' ở phụ nữ mà còn làm giảm ham muốn", tiến sĩ Pratsides giải thích.

Chuyên gia Abdeh giải thích, hút thuốc có thể tác hại đến nồng độ testosterone ở cả nam và nữ. Bạn đọc có thể xem thêm nội dung bài viết này trên trang sức khỏe ngày 4.11.

Để tránh nhiễm Covid-19 khi dùng giao thông công cộng

Ở nhiều quốc gia, khi biện pháp chống dịch Covid-19 được nới lỏng thì số lượng người sử dụng giao thông công cộng cũng tăng lên. Khi đó, làm sao để hạn chế lây nhiễm trên các phương tiện này là vấn đề cần phải quan tâm.

Khi tham gia các phương tiện giao thông công cộng, mọi người sẽ ngồi hoặc đứng gần với người khác trong thời gian dài, đồng thời sẽ chạm vào các bề mặt thường xuyên tiếp xúc. Chính điều này sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm Covid-19, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC Mỹ) lưu ý.

Mang khẩu trang và giữ khoảng cách có thể giúp giảm nguy cơ lây lan virus SARS-CoV-2 trên các phương tiện giao thông công cộng

SHUTTERSTOCK

Virus không chỉ lây qua không khí, mà còn các bề mặt xung quanh. Do đó, cách phòng bệnh tốt nhất khi đi trên các phương tiện giao thông công cộng là phải đeo khẩu trang, sát khuẩn tay thường xuyên và giữ khoảng cách.

Ngoài ra, thay vì đóng kín cửa và bật máy lạnh, các phương tiện giao thông công cộng cần phải mở cửa sổ để không khí lưu thông tốt. Cách này có thể làm giảm mật độ virus trong không khí nếu không may có người nhiễm Covid-19. Hãy bắt đầu ngày mới với tin tức sức khỏe để xem thêm nội dung này bạn nhé!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.