Ngủ ít nhất 7 tiếng mỗi đêm để ngừa bệnh

28/10/2018 05:06 GMT+7

Bạn cần ngủ bao nhiêu tiếng mỗi đêm? Những con số này có thể khác nhau, có người 5 - 6 tiếng, có người 7 - 8 tiếng.

Nhiều người cho rằng ngủ 6 tiếng là đủ. Tuy nhiên, các nhà khoa học tại Đại học California, San Francisco (Mỹ) nói rằng ngủ 6 tiếng/ngày không tốt vì có thể dẫn đến thiếu ngủ mãn tính.
Hậu quả là bạn dễ cảm thấy chán nản, khó chú ý tập trung và giảm khả năng kiểm soát cơn thèm ăn.
Theo Hãng New Kerala dẫn nguồn từ Hiệp hội Giấc ngủ quốc gia Mỹ, người lớn nên ngủ từ 7 - 9 tiếng mỗi đêm để giúp các chức năng trong cơ thể hoạt động tốt nhất.
Ngoài ra, ngủ đủ giấc giúp kiểm soát cơn thèm ăn. Thói quen ngủ kém làm tăng nhu cầu năng lượng của cơ thể, kích hoạt bộ não giải phóng hóa chất để báo hiệu cơn đói, dẫn đến ăn nhiều hơn và tăng cân.
Trong một cuộc khảo sát, các nhà khoa học thấy rằng những người ngủ hơn 8 tiếng rưỡi có chỉ số khối cơ thể và lượng đường huyết cao hơn bình thường. Những người ngủ được 6 tiếng rưỡi có lượng đường huyết thấp nhất.
Hỗ trợ chức năng miễn dịch là lợi ích khác của việc ngủ đủ giấc. Trong thời gian ngủ, hệ miễn dịch giải phóng các hợp chất được gọi là cytokine có vai trò quan trọng trong việc truyền tín hiệu tế bào.
Một số cytokine này có tác dụng bảo vệ hệ miễn dịch bằng cách giúp chống lại tình trạng viêm và nhiều loại nhiễm trùng khác nhau. Nếu ngủ không đủ giấc, các tế bào miễn dịch không thể sản xuất đủ cytokine để bảo vệ bạn khỏi ngã bệnh.
Theo nghiên cứu, giấc ngủ kém làm tăng số lượng các hợp chất gây viêm trong cơ thể, từ đó kích hoạt hen suyễn và dị ứng. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện rằng những người ngủ 4 - 5 tiếng một đêm có hệ miễn dịch yếu.
Thực phẩm ảnh hưởng giấc ngủ
Theo nghiên cứu được công bố trên trang tin Science Daily, việc dễ ngủ hay không có thể bị ảnh hưởng một phần từ thực phẩm bạn ăn mỗi ngày.
Khảo sát ở các tình nguyện viên, các nhà khoa học thuộc Đại học Pennsylvania (Mỹ) nhận thấy có một số chất dinh dưỡng giúp ngủ ngon, nhanh và ngược lại. Nếu bổ sung quá ít vitamin C (thường có trong cam, quýt, bưởi), selen (từ các loại hạt, thịt, cua, tôm, sò, nghêu) và lutein/zeaxanthin (rau xanh nhiều lá), giấc ngủ có xu hướng bị rút ngắn lại. Còn những ai nạp ít chất theobromine (có trong chocolate và trà), choline (có trong trứng và thịt mỡ), carbohydrate (đường, tinh bột) thì có giấc ngủ sâu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.