Đã đúng 1 tháng kể từ ngày Na Uy thông báo đóng cửa trường học để phòng dịch Covid-19. Khi ấy, đầu cầu Na Uy là bạn Phan Thị Kim Dung - du học sinh Việt Nam ở Trondheim còn khá hoang mang lo lắng - tâm trạng chung của nhiều người Việt sống ở nước ngoài.
Trổ tài làm đầu bếp món... Việt
Chỉ là bỡ ngỡ ban đầu sau khi phải chuẩn bị cho những ngày phong tỏa, "trú ẩn" trong nhà, đến nay Kim Dung và 3 bạn sinh viên đến từ các nước khác đã quen với nhịp độ sống chậm dù trong lòng vẫn mong mỏi sẽ được đến trường. Ngày 13.4 này, Dung và các bạn sinh viên sẽ nhận được thông báo mới.
Kể về 1 tháng sống - học - vui chơi trong nhà, Kim Dung cho biết cô và 3 bạn sống chung nhà tuân thủ đúng một phong cách là chỉ ra ngoài mua đồ còn lại thì: "Ở nhà, học xong thì nấu ăn, làm bánh, rồi bật nhạc dance cùng nhảy".
|
"Lúc đầu thì em cũng hơi sợ nhưng nghĩ lại thì em chỉ cần tuân thủ giãn cách xã hội thật tốt, tự cách ly tại nhà, hạn chế tiếp xúc thì mọi thứ đều ổn", Kim Dung cho biết. "Và ở nhà, em có nhiều thời gian để học hơn" - cũng là cách để Dung và các bạn vượt qua mùa dịch Covid-19.
|
Vì toàn thời gian ở nhà nên Kim Dung đã tranh thủ "trổ tài" nấu món Việt Nam đãi các bạn sinh viên. Giữa trời tuyết lạnh ở Trondheim, các món ăn Việt, dù đơn giản, đã giúp Dung đỡ nhớ nhà, bớt nhớ cha nhớ mẹ và bớt lo âu vì dịch. Còn các bạn cùng nhà thì lại có cơ hội được thưởng thức món ngon Việt Nam.
|
|
Những kết nối đầu tiên
“Việt Nam hay thật, từ cuối tháng 1 đến nay mới chỉ có 39 ca. Na Uy mới hơn 10 ngày mà đã gần 700 ca” - đoạn chat giữa giữa bạn Kim Dung và PV Thanh Niên khoảng 6 giờ chiều ngày 12.3 ngay tức khắc đã… lạc hậu về thông tin.
Cảm giác ngày đầu kết nối cách đây 1 tháng vẫn còn nguyên vẹn. “Đầu cầu” Việt Nam cập nhật đã thêm 5 ca còn bên Na Uy cũng thông báo số ca nhiễm lại… tăng, hơn 710 ca. Những con số liên quan đến Covid-19 thay đổi liên tục với mỗi lần bấm F5 trang worldometers.info.
Có người nói hẳn phải liên tục dán mắt vào màn hình máy tính thì mới không thể bỏ sót được thông tin. Có người lại bảo tin tức sao cứ từ đâu ập đến, không chống đỡ được.
Những câu chuyện xuyên lục địa giữa PV với người Việt khắp nơi trên thế giới cứ diễn ra “bất chấp” trái múi giờ để chia sẻ suy nghĩ, để trấn an nhau, để truyền đi thông điệp “bình tĩnh mùa dịch”. Bởi chuyện gì cũng có thể xảy ra, kịch bản xấu không chừa một nơi nào. Mọi chuyện đều có thể đảo chiều.
|
Như câu chuyện online dang dở với bạn Kim Dung, chỉ mới có 8 tháng sống ở Na Uy. Bởi Dung phải ra ngoài để mua thực phẩm khi thông báo “đóng cửa trường học” vừa được phát đi trước đó, lúc khoảng 3 giờ 30 cùng ngày.
Một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Khi Dung nhận được thông báo “trường NTNU (Đại học Khoa học - Công nghệ đóng cửa từ bây giờ. Các sinh viên không được phép vào trường từ nay cho đến ngày 20.3. Lưu ý rằng thời gian này có thể sẽ kéo dài thêm”, cũng là lúc tuyết bắt đầu rơi.
“Bữa giờ trời nắng đẹp, dù lạnh. Vậy mà nay lại có tuyết. Mọi người bảo mọi thứ tồi tệ xảy ra cùng lúc”, Kim Dung tâm sự. Sống ở Làng sinh viên Trondheim – nơi tập trung của các sinh viên quốc tế, Kim Dung - đang theo học chương trình thạc sĩ ngành Ngôn ngữ Anh và Tiếp thu ngôn ngữ (English Linguistics and Language Acquisition) chứng kiến những “đảo chiều” trong cộng đồng sinh viên quốc tế ở đây… vì dịch.
Theo quan sát của Kim Dung, “từ khi có thông tin Covid-19 thì mọi thứ vẫn diễn ra bình thường, ra đường không ai mang khẩu trang, mọi người dường như không quan tâm nhiều. Bạn ở trường của em bảo là virus cũng nguy hiểm nhưng không đến nỗi làm căng thẳng như vậy. Một bạn khác thì cho rằng có hệ thống y tế miễn phí ở Na Uy nên không thấy lo lắng lắm”.
|
Nhưng, đã là dịch và nay đã là đại dịch theo công bố của WHO, tình thế xoay chuyển rất nhanh. “Đến hôm 12.3 khi số ca nhiễm tăng chóng mặt chỉ trong 2 ngày từ hơn 200 ca lên gần 700 ca dương tính với Covid-19 thì mọi người dường như mới thật sự quan tâm”, Dung chia sẻ.
Rồi Dung cũng cảm nhận được phần nào sự căng thẳng khi có thông báo đóng cửa trường thì sinh viên bắt đầu đi sắm và dự trữ thực phẩm.
“Các mặt hàng như khẩu trang hay nước rửa tay thì không có để mua. Ở Na Uy, bình thường cũng không có bán khẩu trang hoặc rất ít vì nhu cầu thấp”, Dung cho biết. Trước đó thì trường NTNU cũng khuyến cáo trên trang web của trường và gởi tin nhắn đều đặn nhắc nhở các biện pháp bảo vệ sức khỏe chống dịch Covid-19.
|
Chiều 12.3, khi ra đường để “mua vài thứ bỏ tủ lạnh vì mấy ngày tới chỉ ở trong nhà học chứ không ra ngoài”, Dung cũng bất ngờ khi thấy mọi người đi mua sắm đông hơn bình thường và ai cũng mua nhiều còn xe buýt vắng khách nhưng chẳng ai mang khẩu trang bởi “ở đây ai mà mang khẩu trang ra đường thì sẽ bị coi như là có virus”.
Giữa thời tiết ban ngày chừng 0-2oC còn ban đêm có lúc -2-4oC, tình hình dịch Covid-19 lại nóng lên từng giờ. Các sinh viên quốc tế cứ thế gọi điện về quê nhà để thông báo tình hình 2 bên rồi tình hình lại có vẻ… rối lên khi một sinh viên đồng hương đang lo bị nhiễm Covid-19 nhưng vẫn không quên nhắc nhở bạn bè phải cẩn thận khi đi lại bằng phương tiện công cộng.
Với Kim Dung, cô gái trẻ cũng lo lắng gọi điện về cho gia đình ở Hưng Yên, Nghệ An nhưng bình tĩnh chuẩn bị cho những ngày nghỉ học và hơn thế còn đem lại niềm vui giữa thời dịch cho các bạn cùng nhà là 2 bạn người Ý và 1 bạn người Malawi bằng cách… chia sẻ khẩu trang. “Mấy bạn ấy mừng kinh khủng ạ”, Kim Dung kể lại.
|
Và các bạn trong nhà cùng Kim Dung sau khi đã “yên tâm” với ít đồ dự trữ thay phiên nhau kể chuyện tiếu lâm để chọc cười. Câu chuyện kỳ thị với người châu Á, với Kim Dung, chỉ là... nghe đã xảy ra với với bạn ở phòng tập gym. Cũng chỉ là nghe... ai nói mong vậy để gánh nặng Covid-19 bớt đi phần nào.
Sau Đan Mạch, Na Uy, rồi Ireland, Pháp, Tây Ban Nha, Bỉ… đã thông báo đóng của trường học. Thông báo như thế hẳn sẽ tiếp tục “pop up” chứ chưa dừng lại. Tất cả là để ngăn chặn cơn càn quét của dịch Covid-19.
Nhưng, ngày tuyết rơi thì cũng có ngày nắng lên. Ai đó đã nói: “Đừng từ bỏ. Hôm nay khó khăn. Ngày mai sẽ tệ hơn nhưng ngày kia sẽ tỏa nắng”.
Kim Dung dự đoán có lẽ thời gian ở nhà sẽ còn kéo dài hơn nữa với sinh viên. Ai nấy đều hy vọng những con số sẽ bớt nhảy, đường cong sẽ bị làm phẳng để mọi người được đi làm, được đi học và được quay trở lại ngày xưa.
Tính đến thời điểm này 13.4 (giờ Việt Nam), Na Uy có 6.525 ca nhiễm Covid-19, 125 ca tử vong.
|
Bình luận (0)