Người Việt về từ vùng dịch quyết làm lại từ đầu, không muốn xuất ngoại nữa

Trần Kim Anh
Trần Kim Anh
17/07/2020 19:35 GMT+7

Với nhiều người Việt sống và làm việc ở nước ngoài , có được tấm vé máy bay về nước thời dịch là điều hết sức đáng quý nên họ chấp nhận bỏ việc để trở về và quyết tâm không bao giờ rời quê hương nữa.

Thiệt hại hơn trăm triệu vẫn quyết bỏ việc

Nhiều người Việt làm việc tại Ấn Độ bỏ tiền bạc và công sức cùng những hy vọng để ra nước ngoài làm việc nhưng không may gặp đại dịch và thiệt hại tính sơ lên đến hàng trăm triệu đồng.
Anh Dương Văn Biên (27 tuổi, quê ở Bắc Ninh) sang Ấn Độ làm việc từ đầu năm 2020. Từ khi tới Ấn Độ, thời gian anh Biên làm ít hơn rất nhiều so với thời gian nghỉ, anh tính sơ mình chỉ làm được khoảng 40 buổi, đồng nghĩa thu nhập của anh giảm đi rất nhiều so với dự tính ban đầu. May thay, doanh nghiệp hỗ trợ một phần nên anh đủ ăn, đủ sống qua ngày khi không có việc làm.

Chuyến bay về từ Ấn Độ về Việt Nam ngày 11.7 vừa qua chở theo nhiều công dân Việt

NVCC

Ấn Độ những ngày lệnh phong tỏa được ban hành

ẢNH: NVCC

Anh Biên chia sẻ: “Mình làm việc với công ty, dù chưa hết hợp đồng nhưng mình xin về nước trước, thực chất cuối tháng 8 này mới hết hợp đồng. Tính thiệt hại sơ khi mình tự túc về nước là khoảng 20 triệu đồng, còn thiệt hại từ khi nghỉ làm vì dịch đến bây giờ con số cũng lên đến hơn 130 triệu đồng. Nhưng dù sao mình vẫn thấy mình quá may mắn khi có chuyến bay để được về nước. Đó là cơ hội không dễ có được, dù số tiền mất bao nhiêu nhưng được về nước mình vui lắm rồi”.
Chuyến bay từ Ấn Độ về Việt Nam ngày 11.7 vừa qua đã chở theo nhiều công dân Việt, trong đó anh Biên may mắn có được tấm vé hồi hương. Hiện tại, anh đang thực hiện cách ly tại khu cách ly ở huyện Củ Chi (TP.HCM). Vừa qua anh đã nhận kết quả âm tính với virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2).

Anh Biên (áo trắng) tham gia các hoạt động thiện nguyện trước khi sang Ấn Độ

ẢNH:NVCC

Phần cơm tại khu cách ly mà anh Biên nhận được

ẢNH:NVCC

Là lần đầu tiên được ra nước ngoài làm việc, hơn nửa năm chưa một lần về thăm nhà và vì dịch bệnh nên lần về thăm nhà đầu tiên cũng là lần về hẳn.
“Thực sự mình thấy chuyến đi không tốt đẹp, mình không hài lòng vì qua chưa làm được gì nhiều đã phải về quê trong thiệt hại nhưng giờ biết sao được, dịch bệnh mà. Người nhà mình nghe tin dịch bệnh nơi mình sống cũng lo lắm, gia đình động viên mình về nước liên tục dù ai cũng tiếc nuối cho những dự định của mình”, anh tâm sự.

Làm lại từ đầu ngay khi bước chân khỏi khu cách ly

Anh Dương Biên đã đặt ra dự định sẽ tìm việc làm mới ngay, dù làm công việc tay chân gần nhà anh cũng quyết tâm làm lại từ đầu.
“Mình về nước và dự định sẽ không trở lại nữa, công trình ở Ấn Độ mình từng làm cũng gần hoàn thành rồi, còn dịch bệnh thì chưa biết khi nào mới chấm dứt. Sau khi cách ly mình sẽ về lại quê ngay và sẽ tìm công việc tại địa phương để làm cho qua thời gian này. Dù làm việc chân tay, làm cơ khí hay bất cứ nghề nào mình vẫn hết sức cố gắng để làm tốt, để gia đình không phải buồn, lo cho mình”, người đàn ông 27 tuổi nói.
Chị Trần Nguyệt Hằng (25 tuổi, quê Trà Vinh) cũng là một công dân Việt được về nước trong chuyến bay từ Ấn Độ về Việt Nam hôm 11.7. Tuy về vấn đề tài chính chị có phần khác với anh Biên nhưng ở họ đều có điểm chung là quyết tâm sẽ làm lại từ đầu tại quê nhà ngay sau khi rời khu cách ly.

Chị Hằng động viên học sinh của mình những ngày nghỉ học vì dịch

ẢNH: NVCC

Chị Hằng có 3 năm dạy học tại một trường quốc tế ở Ấn Độ, vì dịch Covid-19, trường đóng cửa đã 4 tháng nên chị phải ở nhà và dạy online thời gian qua. Với chị, bản thân gặp khó khăn khá nhiều vì phải ở nhà, tự lo mọi thứ, lo vé máy bay… Tuy nhiên, vì đã sống ở Ấn Độ 3 năm, chị Hằng hiểu nhiều về văn hóa, ngôn ngữ, con người nơi đây và chị cho rằng tài chính của bản thân đủ để vượt qua thời gian khó khăn này.
“Nghỉ làm, ở nhà dạy online, tôi chỉ có thể đóng cửa nhà lại, không dám đi đâu, mua đồ online, khi nhân viên giao hàng đến họ để đồ trước cửa phơi nắng, tôi sẽ rửa sạch hết trước khi bỏ tủ lạnh. Việc dạy học online của tôi bắt đầu từ 8 giờ sáng và kéo dài liên tục đến 16 giờ chiều”, chị nhớ lại.

Chị Hằng tham gia đêm tắt đèn, đốt nến để gửi lời tri ân và cảm ơn đến những y bác sĩ ở Ấn Độ

ẢNH: NVCC

Những ngày dạy online tại nhà, chị Hằng thường tập nấu món ăn Ấn Độ

ẢNH:NVCC

Chị Hằng tự tin nói rằng về Việt Nam, chị sẽ vẫn đi dạy, tổ chức những chương trình giáo dục cho học sinh, sinh viên. Nếu chị quay trở lại Ấn Độ thì chỉ với một mục đích là làm giấy tờ, thủ tục còn lại.
“Tôi sau khi thực hiện cách ly sẽ đến Đồng Nai ngay để làm về công tác giáo dục, đó không phải là trường học mà thuộc dạng tour giáo dục về thiên nhiên, tổ chức có tên là Hạt Cỏ Home. Bởi trường ở Ấn Độ chưa chắc đã mở lại, vì trường quốc tế có học sinh nhiều quốc gia, mở lại hay không còn phụ thuộc nhiều yếu tố nữa”, chị Hằng nói.

Ngày 17.7: Thêm 1 chuyên gia người Nga mắc Covid-19, Việt Nam có 382 bệnh nhân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.