Rồng năm móng và "ông khổng lồ"
TS Trần Hậu Yên Thế, Trường đại học Mỹ thuật VN, đã sững sờ về sự xuất hiện của hình rồng năm móng trên áo của vị sư trong bức họa dát vàng và ngọc trai. Đây là bức chân dung cổ quý hiếm vẽ vị quốc sư Nguyễn Minh Không với thủ pháp tranh Mật tông Thangka. Đó cũng là bức tranh cổ của VN đầu tiên có kỹ thuật thếp vàng lên lụa và dát ngọc, làm tôn lên vị trí quan trọng của người trong tranh. “Rồng năm móng liên quan đến hoàng gia. Việc khoác cho vị đại sư này một tấm áo rồng năm móng, người nghệ sĩ xưa muốn ngầm ám chỉ đây là vị quốc sư danh tiếng bậc nhất thời Lý, là người đã từng cứu sống vua Lý Thần Tông”, ông Thế cho biết.
Tại hội thảo khoa học “Thân thế, sự nghiệp thiền sư Nguyễn Minh Không” tổ chức tại Ninh Bình ngày 6.9, có nhiều câu chuyện nói lên tầm vóc của thiền sư Nguyễn Minh Không. Ẩn giấu dưới những câu chuyện đó là các quan niệm về giá trị của thời đại ông.
PGS-TS Trần Thị An, Đại học Quốc gia Hà Nội, phân tích những thần thoại về ông khổng lồ khai sơn phá thạch vùng Ninh Bình. Ông có thể xếp đặt lại vị trí các quả núi, sớm đi tu và khi đắc đạo thì lấy hiệu là Minh Không. Công trạng ông gắn với một số địa danh ở H.Gia Viễn và một số địa phương khác của Ninh Bình như núi Đồng Cân (H.Hoa Lư), hòn Nẹ (H.Kim Sơn)… Như vậy, với cảm thức huyền thoại, người dân đã nhập Nguyễn Minh Không vào vị thần tối cổ, vị thần thần thoại để tạo nên hình tượng thần nhân. “Ý nghĩa sâu xa của nhân vật thần thoại này là những cống hiến mang tính khởi thủy cho vùng đất Ninh Bình như sắp đặt giang sơn, dạy dân chinh phục thiên nhiên bằng trồng cấy và đánh cá, khởi nguồn tu tập. Rồi từ đó, lan tỏa không gian huyền thoại ra vùng đồng bằng châu thổ Bắc bộ”, bà An nói.
Theo bà An, truyện kể về Nguyễn Minh Không còn cho thấy ông là một vị tổ chức đại tài. Truyện kể đã hình tượng hóa cách thết đãi ấn tượng của Nguyễn Minh Không - chỉ thổi một nồi cơm nhỏ mà đủ cho hàng trăm quân sĩ. Truyện cũng ly kỳ hóa cách tổ chức chuyến đi thần tốc cho quân sĩ - chỉ ngủ một đêm là đến kinh thành.
Cũng theo bà An, có thể thấy diễn ngôn Phật giáo ở hình tượng thiền sư Nguyễn Minh Không. “Nó cho thấy ngụ ý sâu xa về sức mạnh của một nhóm tinh hoa trí thức có đủ tài, đủ đức để gây dựng một triều đại, củng cố sức mạnh của triều đại đó. Nhóm tinh hoa này còn có vai trò đối với sự trường tồn của triều đại đó. Đây mới là thông điệp mà diễn ngôn Phật giáo muốn thể hiện qua câu chuyện về một đại diện ưu tú nhất của họ là quốc sư Nguyễn Minh Không”, bà An cho biết.
|
Vùng văn hóa, du lịch di sản
Thiền sư Nguyễn Minh Không cũng được xây dựng là ông tổ của nghề đúc đồng. Truyền thuyết dân gian ven Hồ Tây (Hà Nội), thần tích một số làng nghề đúc đồng ở Nam Định, Thanh Hóa và Bắc Ninh cho thấy việc dân gian tôn ông làm tổ nghề đúc đồng. Truyện có mạch thiền sư Minh Không sang phương Bắc, thu hết đồng đen của vua Trung Quốc vào túi, dùng nón làm thuyền chở về Đại Việt, vua nhà Lý đúc tứ đại khí, chuông vang lên, trâu vàng phương Bắc nghe tiếng mẹ chạy về Đại Việt.
Tuy nhiên, điều quan trọng, theo PGS-TS Trần Thị An, truyền thuyết tổ nghề này thu hút vào nhiều nhánh truyện khác như thần thoại về trâu vàng, về địa danh Kim Ngưu, sự kiện về An Nam tứ đại khí. “Điều này càng thể hiện tầm vóc và ảnh hưởng lớn của Nguyễn Minh Không trong đời sống dân gian khiến cho truyện kể về ông ở thể loại nào cũng có khả năng hút các nhánh truyện khác vào mình”, bà An nói.
Theo tác giả Lê Viết Nga, Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh, tại tỉnh Bắc Ninh - quê mẹ của Nguyễn Minh Không, có 3/8 huyện có di tích thờ thiền sư Nguyễn Minh Không. Các loại hình di tích thờ Nguyễn Minh Không khá đa dạng gồm cả chùa, đình, đền và cụm đền chùa, tại một số nơi có lễ hội gắn liền với Nguyễn Minh Không.
TS Nguyễn Hữu Mùi, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm, cho biết chỉ riêng tại đền Thánh Nguyễn (Ninh Bình) đã có 50 đạo sắc liên quan đến Nguyễn Minh Không. Trong đó, đạo sắc có niên đại sớm nhất là thế kỷ 17, đạo sắc có niên đại muộn nhất là thế kỷ 20 cùng với văn bia và 2 cuốn tư liệu chữ Hán liên quan đến Nguyễn Minh Không.
TS Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Ninh Bình, đề xuất: “Cần lồng ghép các giá trị di sản liên quan đến thiền sư Nguyễn Minh Không trong kế hoạch phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình. Tiến hành kết nối các di sản liên quan đến thiền sư trong cả nước”, ông nói.
Thiền sư Nguyễn Minh Không người Gia Viễn, Ninh Bình. Ông có nhiều công lao với đời sống chính trị, tư tưởng văn hóa của Đại Việt thời Lý. Ông là một trong số ít thiền sư được Đại Việt sử ký toàn thư chép các sự kiện liên quan. Năm 1131, triều đình nhà Lý dựng nhà cho Đại sư Minh Không; năm 1136, sư chữa khỏi bệnh cho vua Lý Thần Tông; năm 1141 ông qua đời.
|
Bình luận (0)