Nhà sản xuất nhạc kịch Hoàng Hường: Nghệ thuật là cầu nối hạnh phúc

03/11/2019 14:00 GMT+7

Là nhà sản xuất hai vở nhạc kịch cháy vé 2 năm liền: Matilda, Không gia đình , Hoàng Hường nhìn thấy sức mạnh nghệ thuật từ cộng đồng và muốn khơi gợi nó.

“Dựng nhạc kịch mà nghĩ đến tiền thì không làm nổi”

Đã có thời kỳ Nhà hát Tuổi Trẻ dựng nhạc kịch. Khi đó Câu chuyện tình (Love Story) còn được quảng cáo cả trên truyền hình hằng ngày. Lúc chị làm diễn viên ở Nhà hát Tuổi Trẻ, mọi người có nói nhiều đến việc dựng nhạc kịch?
Không, thời điểm đó, tôi không biết nhạc kịch là gì. Ngay cả thời kỳ bắt đầu làm sản xuất nhạc kịch Matilda, tôi cũng còn không biết sản xuất nhạc kịch là gì. Chỉ là một người bạn ở trung tâm Anh ngữ muốn tôi cùng dựng nhạc kịch, rồi tôi rủ thêm bạn đạo diễn, rồi lại rủ thêm người khác. Chúng tôi dựng Matilda lần đầu tiên trong tâm thế vui vẻ hồn nhiên không toan tính. Nhưng có duyên là làm được và thành công.
Vậy chị đã học cách tổ chức sản xuất nhạc kịch như thế nào?
Khi bắt đầu, tôi thậm chí còn không biết phải có tiền mới làm được nhạc kịch (cười). Lúc đấy cả nhóm cùng làm Matilda phải xoay xở đủ thứ. Rồi một phụ huynh đứng lên nói tôi ủng hộ các cô. Rồi mỗi người góp một chút. Chúng tôi rất may vì có nhóm cộng sự khá ăn ý. Thực sự, nghĩ lại thì đúng là vì hồn nhiên nên mới dựng được Matilda lần đầu tiên đó. Nếu chúng tôi dựng nhạc kịch mà nghĩ đến tiền đầu tiên thì không thể làm nổi.
Sau vở diễn đầu thành công, chúng tôi tự tin làm tiếp. Sau đó, tôi mở rộng công việc, tổ chức dàn hợp xướng Đa dạng với nhiều thành phần khác nhau như người cao tuổi, thiếu nhi, người khuyết tật, LGBT… Chúng tôi đưa ra những sản phẩm cho người không chuyên, chính xác hơn là tổ chức các dự án nghệ thuật cho cộng đồng. Tôi may mắn trải nghiệm nhiều công việc khác nhau: từ làm diễn viên tại Nhà hát Tuổi Trẻ, làm báo VietnamNet và sau này là làm quản lý tại Viện Nghiên cứu kinh tế xã hội môi trường (iSEE) nên đã tích lũy nhiều kỹ năng, khá thuận lợi cho việc vận hành dự án. Tôi được sự hỗ trợ đồng hành của nhiều cá nhân và tổ chức. Trên cả, tôi có một mục tiêu tạo động lực mạnh mẽ: mang nghệ thuật về cộng đồng, tạo ra cuộc sống tinh thần lành mạnh và sự kết nối mạnh mẽ.
Nhà sản xuất nhạc kịch Hoàng Hường: Nghệ thuật là cầu nối hạnh phúc1

Nhà sản xuất Hoàng Hường

Ảnh: Đoàn Bảo Châu

Sau những Matilda, Không gia đình, chị chắc cảm nhận được sự thiếu thốn của các sân chơi nhạc kịch, sân chơi âm nhạc cho trẻ em?
Thực sự, sân chơi cho trẻ em ở Hà Nội quá thiếu. Các em cần những dự án có tính chuyên nghiệp để hiểu về việc tổ chức, tập luyện, sản xuất một chương trình nghệ thuật đúng nghĩa. Chẳng hạn, chúng tôi dạy các em cách làm việc chuyên nghiệp, đi đúng giờ, đến quần áo để chỗ nào cho bài bản. Phối hợp ra sao, hát với nhau như thế nào. Đấy là một quá trình học hỏi và trưởng thành. Những điều đó không chỉ gói trong việc ra mắt vở kịch. Nó đòi hỏi sân chơi bài bản. Đấy là lý do mỗi lần làm dự án đều phải nửa năm mới đủ độ ngấm.
Các diễn viên nhí hẳn cũng có lúc bất hợp tác, chị đã làm thế nào với điều đó để có sự ăn ý bài bản?
Cứ tưởng tượng cảnh bạn trong phòng với khoảng 35 - 70 đứa trẻ nhiều lứa tuổi và nhiều phụ huynh ngồi xung quanh. Để sáng tạo trong môi trường đó thì chỉ có cách là làm sao thật hấp dẫn, thật sáng tạo để thu hút và làm sao để các bạn nhỏ thấy sự quan trọng của việc mình làm. Nếu không, chỉ 3 buổi tập là chán, đừng nói đến 6 tháng.

Nghệ thuật là cầu nối hạnh phúc chứ không phải đặc quyền của riêng những người có năng khiếu hay làm chuyên nghiệp 

Chúng tôi nhấn đi nhấn lại việc không có vai chính hay vai phụ mà mỗi người có vị trí của mình. Bạn đóng Matilda có vai trò của Matilda. Vũ công có vai trò vũ công. Vì Matilda đứng một mình thì vở nhạc kịch có gọi là nhạc kịch nữa không…
Nhưng tất cả chúng ta đều biết trong một vở diễn có vai chính, vai phụ…
Thực ra không có cái gì tuyệt đối cả. Khi tuyển mỗi kíp diễn 35 bạn, tháng đầu không có phân vai. Các em cùng tập bài cơ bản. Việc phân vai thực hiện sau đó 1 tháng. Buổi phân vai nào cũng kịch tính, cũng có em khóc, hầu hết các bạn đều mong được đóng vai Matilda.
Nhưng kể cả sự thất vọng của các em cũng có ý nghĩa, vì nó là bài học. Sau đó, các em biết mình giỏi gì nhất, điều gì phù hợp với mình nhất. Học được thực tế cũng là một bài học. Thay vì mặc cái áo không vừa, em làm tốt nhất ở vị trí vừa sức của mình. Vở kịch của tôi là một bước đệm để các em học hỏi các kỹ năng khác nhau, trải nghiệm không gian sáng tạo, làm việc nhóm…; những điều đó không nhất thiết phải là vai chính hay phụ.
Hiệu quả có thể nhìn rõ ngay: Có em buổi đầu đi thử vai khóc om sòm, ôm chặt mẹ, không dám casting. Sau mấy tháng, em tự tin lên sân khấu diễn trước hàng ngàn người. Đó mới là cái mọi người thu được nhiều nhất. Đó mới là điều cần hướng tới.
Tôi nhớ, khi chia tay sau dự án, có lá thư viết: “Sau khi con diễn Không gia đình, con yêu mẹ con hơn rất nhiều. Con thương Remi vô cùng vì Remi không có mẹ, nên con thấy mình hạnh phúc và con cũng yêu mẹ con hơn”.
Trước dự án của chị, ở Hà Nội chỉ có học sinh Trường Hà Nội Amsterdam và trường quốc tế có nhạc kịch thường niên?
Đúng là trước chúng tôi đã có nhiều nhóm làm dự án nghệ thuật và nhạc kịch. Nhưng đến nay chúng tôi là nhóm sáng tác mới hoàn toàn. Chúng tôi chuyển thể các tác phẩm văn học thành kịch bản sân khấu, sáng tác các bài hát và âm nhạc, chuyển tải thông điệp và câu chuyện từ văn học sang sân khấu. Đấy là điều hiện chỉ nhóm HAY làm được.
Nhà sản xuất nhạc kịch Hoàng Hường: Nghệ thuật là cầu nối hạnh phúc2

Cảnh trong vở nhạc kịch Không gia đình

Ảnh: NVCC

Đưa nghệ thuật về cộng đồng để gắn kết cộng đồng

Bên cạnh hai vở nhạc kịch Matilda và Không gia đình, công chúng còn thấy chị trong vai trò nhà sản xuất của dàn hợp xướng Đa dạng. Ở đó có người cao tuổi, trẻ em, cộng đồng LGBT, người khuyết tật, tức là các nhóm yếu thế...
Trong dàn hợp xướng Đa dạng có nhiều LGBT. Hợp xướng là một cách để đưa cộng đồng yếu thế vào hoạt động nghệ thuật, kết nối với xã hội. Có những nhóm người già không biết LGBT là gì, và chắc chắn là có kỳ thị. Trước khi tham gia hợp xướng, giữa họ có những ranh giới. Nhưng khi kết thúc, chúng tôi phỏng vấn thì thấy các cô nói miễn các cháu vui là được. Đấy là thay đổi lớn lao. Và như thế, hợp xướng không chỉ là câu chuyện đi hát mà là câu chuyện kết nối, chia sẻ giữa các cộng đồng.
Một dàn hợp xướng với thành viên từ 7 - 70 tuổi. Cũng là một câu chuyện khó hòa hợp?
Tôi đã thấy các bà đeo kính lão chăm chỉ xem cậu bé Chung 8 tuổi dạy tiếng Anh. Cậu bé hướng dẫn đọc Hello và các bà ngoan ngoãn chăm chỉ Hello theo. Vì bài hát tiếng Anh mà các bà lại không rành thứ tiếng đó. Những lúc như thế, tôi chỉ thấy cuộc sống rất đẹp theo nghĩa khác nhau. Tôi cũng thấy trong buổi tập, các cô lớn tuổi làm bánh mang đến. Thanh niên dạy các cô tiếng Anh, công nghệ. Phát huy sở trường. Các cô cũng học được nhiều điều.
Nhà sản xuất nhạc kịch Hoàng Hường: Nghệ thuật là cầu nối hạnh phúc3

Đại sứ Anh tại VN Gareth Ward đã dành những lời chúc mừng cho dự án nhạc kịch Matilda và nhà sản xuất Hoàng Hường (bìa trái)

Chị từng chia sẻ, việc tuyển người vào dàn hợp xướng, cũng như diễn nhạc kịch đều không quan trọng việc phải hát hay múa giỏi. Điều này nghe có vẻ vô lý?
Thật ra chúng tôi không có tiêu chí gì hết, nếu có thì duy nhất là đam mê. Còn không đam mê thì không có cách nào dựng được nhạc kịch hay tập được hợp xướng. Làm thế nào bạn có thể có mặt được các cuối tuần, thay vì đi chơi đâu đó, thì đến tập hát múa nếu bạn không đam mê.
Chị đến với sản xuất nhạc kịch vì tình cờ, đi theo vì có những niềm vui trên chặng đường. Chị có mong muốn gì xa hơn không?
Bên cạnh việc muốn mọi người có cơ hội làm nghệ thuật, tôi cũng muốn nghệ thuật có cơ hội với tất cả mọi người.
Trước đây, nghệ thuật chỉ có cơ hội trong một vài môi trường nhất định. Nhưng với hợp xướng, với nhạc kịch, chúng tôi muốn ai cũng có cơ hội lên sân khấu. Chúng tôi diễn tiết mục Huyền thoại châu Phi thì khi casting có gia đình 4 người cùng dự tuyển, và sau đó cả nhà cùng lên sân khấu. Nó như hoạt động chung của gia đình họ. Như thế, nghệ thuật là cầu nối hạnh phúc chứ không phải đặc quyền của riêng những người có năng khiếu hay làm chuyên nghiệp.
Chị học diễn xuất chuyên nghiệp, làm ở nhà hát chuyên nghiệp. Rồi giờ chị lại ủng hộ người không chuyên, quay lưng với hàn lâm như vậy?
Trong những năm làm báo, tôi đi một vòng, và tôi thấy nhiều người trong đó phần nào có tôi, có đời sống quá tẻ nhạt. Sự sáng tạo xanh tươi trong tâm hồn của người VN thực sự nghèo nàn. Rồi khi nghèo nàn như vậy, nó sinh ra cáu giận cộc cằn với nhau do thiếu sự hồn nhiên trong sáng thuần khiết. Kết quả, nghệ thuật bị co rúm vào một góc.
Vì thế, tôi muốn làm sao để các em bé có thể đến tập hát với nhau, gia đình bế nhau nhảy múa. Chúng tôi tuyển diễn viên, có ông chồng địu con bé tẹo, vợ và con lớn nhảy múa. Cả nhà trúng tuyển. Một người đàn ông có thể bỏ bia rượu làm cho vợ con vui thì đáng giá lắm chứ. Rồi từ gia đình này lan sang gia đình khác. Khi yêu cái đẹp, người ta cũng tránh xa cái xấu. Tôi tin là như thế. Trong quá trình làm báo, tôi nhìn ra lỗ hổng ấy. Một cộng đồng gồm nhiều cộng đồng không có chia sẻ kết nối thì tiềm ẩn nhiều mâu thuẫn. Nghệ thuật là cách kết nối niềm vui và tình cảm.
Tôi nghĩ tôi sẽ tiếp tục đi theo con đường này - đưa nghệ thuật về cộng đồng để gắn kết cộng đồng. Ở đây, chỉ là những cộng đồng đã có sức mạnh tiềm ẩn rồi, thì chỉ cần khơi gợi và kết nối họ với nhau.
Hoàng Hường (Hoàng Thị Thu Hường) có 9 năm học và làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn. Hoàng Hường về làm diễn viên Nhà hát Tuổi Trẻ khi hài kịch Đời cười đang vào thời điểm ăn khách nhất, các vở chính kịch im ắng. Cảm thấy không phù hợp với hài kịch, Hoàng Hường rời nhà hát, bắt đầu học tiếng Anh nhiều hơn và trở thành nhà báo. Tờ báo cuối cùng cô làm việc là VietnamNet.
Năm 2017, cô là sáng lập viên và nhà sản xuất nhóm Nghệ thuật Hanoi Arts for Youth. Năm 2018, rời VietnamNet, Hoàng Hường trở thành Phó viện trưởng của Viện Nghiên cứu kinh tế xã hội môi trường ISEE. Hai năm liên tiếp 2018 và 2019, Hoàng Hường là nhà sản xuất của các vở nhạc kịch Matilda, Không gia đình. Chị cũng là Giám đốc dàn hợp xướng Đa dạng với nhiều thành phần, trong đó có các nhóm yếu thế như người khuyết tật, LGBT, người cao tuổi.
NSƯT Sĩ Tiến, Phó giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ

Ảnh: NVCC

       
Một nhà sản xuất nhanh nhạy
Đấy là một nhà sản xuất nhanh nhạy. Các vở nhạc kịch bằng tiếng Anh sẽ thu hút những học sinh được đào tạo bài bản, có điều kiện gia đình tương đối tốt. Các chương trình biểu diễn hấp dẫn, kín khách. Lịch biểu diễn, khối lượng biểu diễn cho thấy đó là những buổi diễn có khách xem ổn định hằng năm. Rõ ràng có một nhu cầu như vậy, và Hường đã đón đúng nhu cầu, làm được những sản phẩm đáp ứng nhu cầu đó của cả diễn viên và người xem.
(NSƯT Sĩ Tiến, Phó giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ)
Những ngày xúc động triền miên
Nguyễn Thu Trang, thành viên hợp xướng Đa dạng

Ảnh: NVCC

       
Chúng tôi gặp nhau và cảm nhận được sự kết nối giữa các cá nhân với nhau. Mỗi cá nhân đều vô tư và nhiệt tình. Nếu trước đây có sự e ngại với những cộng đồng khác nhau thì khi làm việc với nhau chỉ còn một cảm giác thương yêu vô cùng. Thấy người khuyết tật hay LGBT đều rất dễ thương. Họ có thể có những lúc nóng tính, bộc lộ cá tính mạnh, nhưng điều tôi thích nhất là sự lạc quan của họ. Có những người khuyết tật khi tham gia dàn hợp xướng, cứ mỗi lần nhìn thấy là tôi chùng lòng xuống, lúc nào cũng cảm thấy xúc động vì tình cảm của họ. Những ngày tập hát cùng nhau, với tôi là những ngày xúc động triền miên. Tôi nghĩ đến những người trong dàn hợp xướng, có người ngồi xe lăn, không nhìn thấy đường, nhưng sẵn sàng tập. Tôi cũng thấy quý cuộc sống của mình hơn bao nhiêu lần.
(Nguyễn Thu Trang, thành viên hợp xướng Đa dạng)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.