Nhạc sĩ An Hiếu: Đã vượt qua áp lực trước ‘cái bóng’ của nhạc sĩ An thuyên

22/12/2021 17:06 GMT+7

Nhạc sĩ An Hiếu đã tiếp nối con đường của cha - nhạc sĩ An Thuyên - để trở thành người nhạc sĩ mặc áo lính. Anh là tác giả của chùm ca khúc về người lính với ngôn ngữ âm nhạc hiện đại, trẻ trung.

Nhạc sĩ An Hiếu đã trò chuyện với Thanh Niên về quan điểm sáng tác cho người lính hiện nay cũng như cách anh đang bước tiếp con đường mà cha mình đã đi.

Người lính bây giờ cũng có mưu cầu thưởng thức tác phẩm âm nhạc mang ngôn ngữ hiện đại

Từ khi nào anh bắt đầu nghĩ đến việc sáng tác chùm ca khúc về người lính?

- Nhạc sĩ An Hiếu: Năm 2016, tôi viết ca khúc đầu tiên là Thư nhà. Lúc đầu, tôi chỉ nghĩ rằng mình viết một ca khúc vậy thôi. Nhưng khi đến thăm những đơn vị bộ đội khác nhau, hay được nghe kể về những câu chuyện của người lính, tôi lại cảm nhận rõ hơn những lát cắt trong cuộc sống của họ và thấy có nhiều cảm hứng để viết.

Nhạc sĩ An Hiếu

Nhạc sĩ cung cấp

Tôi tìm tòi giai điệu và cứ thế viết thôi. Đến bây giờ, tôi đã viết khoảng gần 20 bài, ngoài Thư nhà, còn có thêm Tết của lính, Phiên gác đêm, Guitar lính, Chiến sĩ thật đáng yêu… Mỗi ca khúc là một câu chuyện đời thường của lính. Đó có thể là buổi đá bóng vào buổi chiều, buổi tập thể dục buổi sáng, một phiên gác đêm, những khoảnh khắc ngồi chờ thư nhà, ngồi đợi tin của người yêu nơi phương xa, hay những buổi tối ngồi quây quần sinh hoạt bên đại đội với cây đàn guitar.

Tôi không nghĩ là mình sẽ dừng ở con số 20 ca khúc. Tôi chỉ dừng khi mình không còn tìm được giai điệu, ca từ hay cấu tứ mới cho ca khúc của mình thôi.

Nghe những ca khúc của anh viết cho người lính thấy bị “cuốn” như khi nghe ca khúc nhạc pop - rock thông thường. Quan điểm sáng tác của anh cho người lính là như thế nào?

Từ trước đến nay, mọi người thường quen với suy nghĩ những sáng tác về đề tài người lính là những bản hành khúc mạnh mẽ, mang lời ca hào hùng và mang tính chính trị. Thực tế, nhiều những ca khúc như vậy đã có vị trí vững chắc trong lòng công chúng cũng như những người lính rồi. Còn tôi muốn mình cung cấp góc nhìn khác về những người lính ở góc độ trẻ trung trong thời bình.

Tôi nghĩ, những người lính bây giờ cũng có mưu cầu thưởng thức những tác phẩm âm nhạc gần gũi, mang ngôn ngữ của tuổi trẻ, của thế hệ họ. Bởi vậy, tôi sử dụng những chất liệu âm nhạc cập nhật, gần gũi với giới trẻ hiện nay như pop, rock, chứ không thể hiện theo lối cũ nữa.

Nhạc sĩ An Hiếu đã thực hiện chùm ca khúc gần 20 ca khúc về người lính từ năm 2016

Nhạc sĩ cung cấp

Anh có thể tiết lộ về lý do mời Erik tham gia dự án với những ca khúc về người lính?

Trong thời gian Erik học tại Trường đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội, tôi và em có nhiều dịp làm việc, hiểu và rất tôn trọng nhau. Tôi có bàn với Erik để thực hiện dự án ca khúc về người lính, trong đó, tôi lựa chọn một số ca khúc trong chùm sáng tác của mình phù hợp với chất giọng của Erik. Nhưng trong thời gian vừa rồi, do dịch bệnh Covid-19, Erik lại ở TP.HCM nên chúng tôi phải tạm hoãn lại. Dù vậy, năm ngoái, chúng tôi đã kịp có một tác phẩm làm chung là Thư nhà, Erik hát ca khúc trên nền nhạc acoustic mà tôi rất ưng ý.

Tôi thấy mình may mắn vì được dạy nhiều thế hệ học trò, nhiều người trong đó đã trở thành những giọng ca nổi tiếng. Chúng tôi có thời gian làm việc lâu dài, chứ không chỉ gặp nhau một chốc, mộc lát, nên tôi hiểu giọng hát, cá tính, tình cảm của họ. Bởi vậy, khi thấy có bài hát phù hợp, tôi thấy mình dễ dàng hơn trong việc tìm được giọng ca phù hợp để giao cho họ ca khúc của mình.

Ca khúc do những giọng ca trẻ thể hiện và quan trọng hơn là có chất liệu, ngôn ngữ âm nhạc cập nhật sẽ dễ dàng tiếp cận hơn với những bạn trẻ không chỉ là những người lính. Tôi hy vọng trong số những bạn trẻ nghe những ca khúc của mình sẽ có những người thích màu xanh áo lính, đăng ký nhập ngũ, hay đơn giản là hiểu và yêu người lính hơn.

Anh có thấy mình “thiệt thòi” hơn so với những đồng nghiệp khác vì họ dễ dàng được biết tới hơn khi hoạt động trong môi trường âm nhạc giải trí?

Điều đó cũng là bình thường thôi. Tôi nghĩ, bản chất của những người lính thường có gì đó giản dị và đôi chút là ít nói về mình. Do vậy, không chỉ tôi mà nhiều nhạc sĩ trong môi trường quân đội có chuyên môn tốt, nhưng nói thật để bước ra thị trường, để khán giả biết tên thì không phải ai cũng làm được điều đó. Một có thể là do thói quen, hai là do cũng có quy định nhất định.

Nhưng dù được nhiều người biết hay ít người biết đến thì điều đó không ảnh hưởng đến sức sáng tạo cũng như lòng nhiệt huyết, tình yêu âm nhạc của mỗi người.

Với nhạc sĩ An Hiếu, môi trường quân đội đã có những ảnh hưởng tích cực đến cá tính và công việc của anh

Nhạc sĩ cung cấp

Nghệ sĩ mặc áo lính “tự do trong khuôn khổ”

Là nhạc sĩ mặc áo lính chắc hẳn anh cũng phải chỉn chu hơn?

Điều đó là đương nhiên trong môi trường quân đội. Chúng tôi có những ảnh hưởng tích cực trong môi trường này như làm việc nghiêm túc, cách nghĩ và cách làm cũng phải chỉn chu.

Có những quy tắc, điều lệnh riêng cũng ảnh hưởng phần nào đến cá tính và công việc. Bởi vậy, dù có bay bổng, dù có lãng mạn đến đâu, tính cách nghệ sĩ nhiều thế nào thì cũng vẫn là người nghệ sĩ mặc áo lính “tự do trong khuôn khổ”.

Như vừa chia sẻ, anh phải tuân theo những kỷ luật và sự nghiêm túc trong quân đôi. Vậy, còn trong gia đình anh có không khí của môi trường quân ngũ?

Gia đình tôi khá đặc biệt vì cả nhà tôi bố mẹ, tôi và em gái tôi đều là sĩ quan quân đội nên đương nhiên trong gia đình có đôi chút cái khuôn phép của quân đội. Nhưng dù vậy, không khí gia đình vẫn rất dân chủ. Mọi người luôn thoải mái chia sẻ quan điểm riêng cũng như quan tâm đến những khoảnh khắc riêng tư của nhau. Và hơn hết, nói gì thì nói, “máu” nghệ sĩ không thế mất đi.

Nhạc sĩ An Thuyên đã có ảnh hưởng thế nào tới anh?

Tôi nghĩ là so với nhiều người khác, tôi có nhiều thuận lợi hơn. Ba tôi trước đây vừa là cấp trên, vừa là đồng nghiệp và hơn hết là người thầy trong âm nhạc của tôi.

Tôi được trau dồi chuyên môn, được hỏi ý kiến những về những tác phẩm của mình, cho đến những công việc quản lý, giảng dạy. Có điều gì khúc mắc thì tôi đều có thể hỏi ba. Ba tôi không đơn thuần chỉ dạy cho tôi những kinh nghiệm chuyên môn mà cả lối sống, cách nghĩ đến những điều tích cực nữa.

Ba anh là một tên tuổi lớn. Để vượt qua “cái bóng” của ông có phải là áp lực cho anh?

Hồi xưa, tôi từng cho là vậy. Nhưng qua thời gian, tôi tích lũy được chuyên môn tốt hơn, dần dần mình tạo nên con đường riêng để đi, ngày càng chững chạc hơn. Nên tôi nghĩ, đôi khi biết đâu theo thời gian, những áp lực đó lại thành những động lực tích cực để mình phấn đấu mỗi ngày, có những cái đích để mình hướng tới. Mà điều đó không phải ai cũng dễ dàng có.

LÍNH HÁT DÂN CA- An Hiếu- 「Official Lyrics Video」
NSCC
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.