Mất phòng học, mất học sinh
Trường tiểu học Na Mèo là một trong những nơi ảnh hưởng nặng nề nhất sau cơn bão số 3 vừa qua. Ông Chung Trường Thành, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết toàn bộ cơ sở vật chất của điểm trường khu Son - Sa Ná đã bị lũ cuốn, gồm 4 phòng học; 80 bộ bàn ghế học sinh (HS), 5 bộ bàn ghế giáo viên và 6 bảng chống lóa; 1 nhà ở giáo viên, 1 ti vi, 1 bộ máy tính, máy in, 1 máy lọc nước, sách giáo khoa, tài liệu, thiết bị dạy học và đồ dùng cá nhân của giáo viên, nhà vệ sinh. Nhiều HS không còn quần áo, sách vở.
Đặc biệt, mưa lũ đã cuốn đi 3 HS, trong đó có 2 HS Trường tiểu học Na Mèo, 1 HS Trường tiểu học Sơn Thủy. “Em Hà Văn Chấn, HS lớp 2 của trường, giờ vẫn chưa được tìm thấy. Con trai mới 3 tháng tuổi của cô Tiếm, giáo viên của trường, cũng bị lũ cuốn mất tích; chồng cô bị nước cuốn gãy xương sườn, dập thận, còn đang nằm bệnh viện”, thầy Thành nghẹn ngào nói.
|
UBND H.Quan Sơn ước tính thiệt hại do lũ với các trường trên địa bàn huyện gần 10 tỉ đồng. Những trường không bị lũ cuốn cũng thiệt hại nặng: 3 phòng học cấp 4 khu Sa Ná của Trường mầm non Na Mèo bị nứt không còn dùng được; 3 phòng học ở Trường mầm non Sơn Thủy bị bay mái tôn; điểm khu Muống của Trường tiểu học Sơn Thủy bị nước cuốn 50 m tường rào. Trường mầm non Sơn Lư cũng bị mất 40 m tường rào. Trường tiểu học và THCS thị trấn Quan Sơn bị tốc mái thư viện; nứt và thấm nước vào nhà hiệu bộ. Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Trung Tiến bay toàn bộ trần nhựa mái hiên và một số phòng khu nhà ở bán trú của HS. Trường mầm non Trung Tiến sập và hư hỏng toàn bộ 1 phòng học cùng đồ dùng, đồ chơi. Trường mầm non Sơn Hà sập nhà bếp. Trường tiểu học Sơn Điện bị sập tường chắn mái nhà phòng học; hư hỏng mái tôn thư viện...
Dựng phòng học tạm để đón năm học mới
Bà Lương Thị Hạnh, Phó chủ tịch UBND H.Quan Sơn, cho biết: “Để ổn định công tác dạy và học tại các điểm trường bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra, UBND huyện đã thành lập đoàn đi kiểm tra, chỉ đạo Phòng GD-ĐT và các trường học báo cáo với cấp ủy chính quyền địa phương và có phương án khắc phục kịp thời để đảm bảo các điều kiện dạy - học được ổn định ngay trước khi bước vào năm học mới”.
Nơi thiệt hại nặng nề nhất là điểm trường khu Son - Sa Ná, Trường tiểu học Na Mèo bị lũ cuốn trôi hoàn toàn, UBND huyện chỉ đạo Phòng GD-ĐT kêu gọi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp… hỗ trợ lắp ghép 4 phòng học trước ngày khai giảng. Nhà thầu đang thi công để bàn giao cho nhà trường trong thời gian sớm nhất; bàn ghế, thiết bị dạy học đã có một số đơn vị hỗ trợ.
|
Điểm trường khu Chè, Trường mầm non Trung Tiến bị sập hoàn toàn, không sử dụng được, bà Lương Thị Hạnh cho hay Phòng GD-ĐT chỉ đạo nhà trường dồn HS khu Chè về học tại khu Chính và khu Lốc. Sau khi có đầy đủ phòng học và cơ sở vật chất sẽ dồn HS của khu Cum và khu Chè học tại khu Chè. Điểm trường khu Sa Ná - Son, Trường mầm non Na Mèo phải tạm khắc phục việc thấm dột và cải tạo để có phòng học tạm.
Theo bà Hạnh, các điểm trường bị thiệt hại nhẹ phải khắc phục để dạy và học. Các giáo viên và gia đình HS bị thiệt hại nặng, huyện cùng các tổ chức, cá nhân đã thăm hỏi, động viên tinh thần và vật chất, giúp ổn định phần nào về tâm lý, sức khỏe để dạy và học.
Chỉ còn chưa đầy một tuần lễ nữa là đến ngày khai trường, bà Hạnh khẳng định quyết tâm của UBND huyện cùng với Phòng GD-ĐT và sự hỗ trợ của nhiều tổ chức, cá nhân, các trường học của huyện sẽ chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho năm học mới, để HS trên toàn huyện được dự lễ khai giảng năm học mới vào ngày 5.9 cùng HS cả nước.
Tuy nhiên, điều các thầy cô nơi đây lo lắng nhất là thông tin cơn bão số 4 tiếp tục có nguy cơ ảnh hưởng đến Thanh Hóa. “Chúng tôi chỉ mong trời tạnh ráo để khắc phục hậu quả của cơn bão số 3, còn nếu lại phải hứng chịu thêm một trận bão nữa thì quả thực không biết xoay xở thế nào”, lãnh đạo phòng GD-ĐT H.Quan Sơn nói khi chia tay chúng tôi.
Cô giáo mầm non leo mái nhà gia cố lớp học, tránh bão số 4
Chiều 29.8, Ban Giám hiệu Trường mầm non xã Kỳ Sơn (xã Kỳ Sơn, H.Kỳ Anh, Hà Tĩnh) huy động 27 nữ giáo viên có mặt tại điểm trường chính để phòng chống bão số 4 trong khuôn viên nhà trường.
Nhà trường cũng đề nghị Đoàn thanh niên xã Kỳ Sơn điều động 5 đoàn viên nam đến giúp. Các nữ giáo viên và đoàn viên xã Kỳ Sơn đã chằng buộc các cửa phòng học, nhà chức năng, nhà bếp và di chuyển trang thiết bị tại khu chơi ngoài sân vào trong nhà. Các cô giáo xúc cát vào bao tải rồi đội mưa đưa lên gia cố mái nhà, tránh bão làm tốc mái (ảnh).
Cô Lê Thị Thúy Hằng, Hiệu trưởng Trường mầm non xã Kỳ Sơn, cho biết điểm trường chính có 3 dãy nhà lợp bằng mái tôn nên đưa vật nặng lên để tránh gió bão làm tốc. Các dãy nhà này chỉ 1 tầng nên các cô giáo ôm bao cát leo lên mái nhà không quá khó khăn. Nhà trường cũng được Đoàn xã Kỳ Sơn hỗ trợ nên việc gia cố mái nhà hoàn thành lúc 15 giờ 30 cùng ngày. Theo cô Hằng, 3 điểm trường thuộc Trường mầm non Kỳ Sơn hiện có hơn 300 HS 4 và 5 tuổi. Để đảm bảo an toàn, sáng 29.8, nhà trường đã cho HS nghỉ học.
Phạm Đức
|
Bình luận (0)