Nhóm Thiện Tâm của những người tâm thiện

19/10/2024 15:00 GMT+7

Vào ngày 30.4.2015, nhóm thiện nguyện mang tên Thiện Tâm được thành lập, do anh Nguyễn Giang Sơn, lúc ấy 38 tuổi làm trưởng nhóm. "Quân số" chưa đến 10 người, đều là những hàng xóm ở cùng con hẻm số 10, đường 79, P.Phước Long B, TP.Thủ Đức, TP.HCM.

"Đội hình" gồm những người đam mê công tác xã hội ấy, đã nhanh chóng khẳng định "thương hiệu" bằng vô số việc làm nhân ái. Nhờ đó hiện nay đã có hơn 30 thành viên đồng tâm hiệp lực, đến từ khắp mọi nơi.

Nhóm Thiện Tâm bàn giao cây cầu cho chính quyền địa phương.

Nhóm Thiện Tâm bàn giao cây cầu cho chính quyền địa phương

Xây "nhịp cầu nối những bờ vui"

Nhiều lần đi tặng quà cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở các tỉnh miền Tây, anh Sơn và các cộng sự chứng kiến cảnh người dân phải qua lại trên một số cây cầu tạm, rất thiếu an toàn. Anh kể lại: "Tôi không bao giờ quên hình ảnh những cụ ông, cụ bà gần như phải khom người xuống, dò dẫm từng bước khi qua cầu. Điều đó đã thôi thúc chúng tôi quyết tâm xây cầu mới cho bằng được".

Quả nhiên, một khi cái "tâm" lên tiếng thì không điều gì là không thể. Anh Sơn chủ động bàn bạc với lãnh đạo địa phương, thuê đơn vị khảo sát, báo giá. Thủ tục pháp lý, bản vẽ thiết kế chính quyền xã đảm nhận. Riêng tổng vốn đầu tư trung bình 500 triệu đồng/cây cầu thì địa phương đối ứng một nửa, phần còn lại nhóm Thiện Tâm tài trợ.

Biết được chương trình đầy ý nghĩa nhân đạo này, nhiều người quen của anh Sơn nhiệt tình ủng hộ. "Góp gió thành bão", số tiền 250 triệu đồng quá lớn nhưng chỉ vài tuần đã hoàn toàn trong tầm tay, nhờ những tấm lòng thơm thảo. Từ chiếc cầu đầu tiên nối hai bờ vui, đến nay nhóm Thiện Tâm đã xây hàng chục cây cầu bê tông vững chãi.

Sáng 6.7.2023, trong niềm vui vô bờ bến của lễ khánh thành cầu kênh Năm Chăm, ấp Thạnh An, xã Thạnh Lộc, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang, ông Phan Văn Phú - Chủ tịch UBND xã Thạnh Lộc tâm sự: "Người dân nơi đây mãi biết ơn nhóm Thiện Tâm. Trong những cuộc họp ở các ấp, chúng tôi sẽ thường xuyên nhắc đến nghĩa cử cao đẹp này để động viên bà con sống tốt, xứng đáng với món quà vô cùng ý nghĩa hôm nay".

Với người dân bản địa, cây cầu giờ đây không chỉ có giá trị về mặt giao thông, bởi nó còn mang nặng nghĩa tình sẻ chia ấm áp. Đặt chân lên chiếc cầu còn mùi xi măng, cụ bà Nguyễn Thị Kim, 71 tuổi, ngụ ấp Thạnh An, xã Thạnh Lộc, đôi mắt đỏ hoe nghẹn ngào nói: "Từ hôm nay, người già và trẻ em không còn phải lo lắng mỗi khi qua cầu. Chúng tôi xem cây cầu này là ân tình của những anh chị từ TP.HCM để lại, nên sẽ ghi nhớ mãi trong lòng".

Một trong những cây cầu được nhóm Thiện Tâm xây dựng, ảnh trên là cầu cũ

Một trong những cây cầu được nhóm Thiện Tâm xây dựng (ảnh dưới), ảnh trên là cầu cũ

ẢNH: T.T


Những mái ấm chan chứa tình người

Trao quà từ thiện tận nhà người dân, nhóm Thiện Tâm càng hiểu sâu sắc hoàn cảnh từng gia đình. Một số ngôi nhà lá xiêu vẹo, trống huơ trống hoác, trở nên mong manh trước gió mưa, đã khiến chị Đậu Thị Hà, 47 tuổi, sống tại P.Phú Hữu, TP. Thủ Đức, TP.HCM - một trong những thành viên của nhóm trăn trở: "Quà tặng chỉ giúp bà con được vài ngày, chúng tôi đồng lòng xây nhà mới để người dân an cư lạc nghiệp".

Thế là chương trình xây "Cầu nhân ái - Nhà tình thương" chính thức ra đời. Kinh phí xây dựng trung bình mỗi căn nhà 50 triệu đồng, đến nay đã có gần 20 ngôi nhà được nhóm trao tặng. Làm cầu cho dân đi, xây nhà cho dân ở, những trái tim nhân hậu của nhóm Thiện Tâm mang tình người tâm thiện, chia ngọt sẻ bùi với bao phận đời khó nhọc.

Tiếng lành đồn xa, nhà hảo tâm Đặng Chí Kiến (60 tuổi) - Giám đốc Công ty TNHH vận tải Kiến Cường (đường Hoàng Diệu 2, TP.Thủ Đức, TP.HCM), luôn chung tay với nhóm. Lời đồng cảm của ông Kiến thật xúc động: "Nhiễu điều phủ lấy giá gương. Mình may mắn được như thế này trong khi vẫn còn những người rất cần sự giúp đỡ. Thấy các bạn trẻ làm chuyện nghĩa hiệp, tôi không thể đứng ngoài".

Đứng trước ngôi nhà mới, chị Nguyễn Thị Ngọc Diễm, 43 tuổi, ngụ ấp Mỹ Thạnh, xã Thanh Mỹ, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp mừng rơi nước mắt: "Tôi cứ ngỡ mình nằm mơ. Đây đúng là ngôi nhà mơ ước của gia đình tôi".

Chọn mặt gửi vàng, những người bạn của anh Sơn vừa giới thiệu cho nhóm trường hợp của bé Ngô Văn Lực, mới 5 tháng tuổi nhưng đã bị u ác võng mạc. Mẹ của bé Lực là người khiếm thị, ba của bé cũng đã phải mổ võng mạc cả hai mắt. Nghèo khó và bệnh tật đang bủa vây hai vợ chồng lao động tự do, ở trọ tại P. An Bình, TP.Dĩ An (Bình Dương). Cả nhóm đang chạy đua với thời gian để vận động số tiền 20 triệu đồng mổ mắt cho bé, bởi theo bác sĩ nếu chậm trễ đôi mắt của bé Lực sẽ phải giống mẹ.

Từ thiện phải bắt đầu từ tâm

"Chỉ huy trưởng" Nguyễn Giang Sơn hay quán triệt cho các thành viên trong nhóm Thiện Tâm như vậy. Anh Sơn cũng luôn nhắn nhủ rằng "của cho không bằng cách cho". Chính vì vậy, món quà đôi khi thật giản dị nhưng nhóm vẫn đóng gói, bảo quản cẩn thận. Nhiều lần trên đường vận chuyển, trời đổ mưa to, những thành viên của nhóm đều chấp nhận "mình chịu ướt chứ không để quà ướt".

Những ngày cuối tháng 9, nhóm Thiện Tâm xuất phát từ TP.HCM, vượt hơn 2.000 km, miệt mài trên nhiều cung đường hiểm trở, tại các huyện: Bát Xát, Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, trao hơn 400 phần quà gồm: thực phẩm khô, thuốc chữa bệnh, quần áo, chia sẻ với bà con đang khắc phục hậu quả nặng nề bởi thiên tai.

Nhóm Thiện Tâm tài trợ xây nhà tình thương

Nhóm Thiện Tâm tài trợ xây nhà tình thương

ẢNH: T.T

Bão lũ đi qua, tình người luôn ở lại. Sức mạnh từ tinh thần đoàn kết, tấm lòng thương người như thể thương thân đã tạo nên sợi dây bền chặt, một khối "bê tông đặc biệt", được "đúc" bằng tình yêu thương không gì lay chuyển nổi.

Đồng hành với nhóm Thiện Tâm trên các nẻo đường từ thiện, sư thầy Thích Tâm Lượng trải lòng: "Càng đi nhiều càng thấy những việc mình làm còn quá nhỏ bé, chưa thấm vào đâu so với hàng vạn phận đời đáng thương. Chúng tôi nguyện làm tất cả những gì có thể, mong bà con mình sớm vượt qua mất mát".

Cũng nhờ làm từ thiện bắt đầu từ tâm, nên hầu như anh Sơn và cả nhóm Thiện Tâm không phải "sao kê". Nhìn vào món quà và số lượng trao đi ai cũng tính được giá thành. Các thành viên của nhóm không nhớ hết đã bao nhiêu lần, số người đến nhận quà vượt quá danh sách ban đầu, dù không ai bảo ai, tất cả đều tự nguyện góp thêm để đáp ứng đủ con số phát sinh. Những chi tiết này, dẫu "sao kê" cũng không thể tính hết.

Tình người trong hoạn nạn khiến cho mọi giới hạn của không gian và thời gian trở nên nhỏ bé. Sau chuyến đi dài ra miền Bắc thân yêu, các thành viên trở lại với công việc mưu sinh thường nhật. Anh Sơn - trưởng nhóm, tiếp tục làm nhiệm vụ của một nhân viên bảo vệ Khu Công nghệ cao TP.HCM, chị Nguyễn Thị Định, người bạn đời của anh cần mẫn với quán giải khát nhỏ ven đường. Dẫu vậy, chỉ vài tuần sau họ sẽ lại khởi hành trên chuyến xe thiện nguyện. Điểm đến vẫn là những địa chỉ có nhiều mảnh đời đang cần được tiếp sức.

Vạn vật trên đời này thường xuất hiện rồi tự biến mất. Vậy nhưng, tôi tin rằng những việc làm nhân nghĩa của nhóm Thiện Tâm sẽ mãi tỏa hương thơm. Cả nhóm đang quyết tâm thực hiện mục tiêu xây ít nhất 2 cây cầu nhân ái, 2 ngôi nhà tình thương để chào mừng sinh nhật nhóm lần thứ 10 vào năm sau, cũng là dịp kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước.

Nhóm Thiện Tâm của những người tâm thiện- Ảnh 4.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.