Những 'chiêu' giúp trẻ đỡ chán khi ở nhà tránh dịch Covid-19

Nguyễn Loan
Nguyễn Loan
20/02/2020 07:35 GMT+7

Tạo ra nhiều hoạt động, khuyến khích con làm thêm việc nhà, giải trí phù hợp... là những cách được nhiều phụ huynh áp dụng để con không bị nhàm chán khi nghỉ học kéo dài, lại bị hạn chế ra ngoài để phòng tránh dịch Covid-19.

Cha mẹ phải dành nhiều thời gian cho con

Dắt con đi chơi, chị Ngọc Nga (Q.9, TP.HCM), làm việc ở Tổ chức Giáo dục Tatuplay, chia sẻ: “Trẻ nghỉ học lâu, lại phải quanh quẩn ở nhà thì rất dễ nhàm chán”. Để giúp con có những ngày nghỉ vui vẻ, ngoài việc học online, chị Nga còn tạo ra rất nhiều hoạt động để tham gia cùng con.
Cụ thể, khi con trai được nghỉ học, chị Nga đã cùng con lên lịch hoạt động cho những ngày nghỉ. Đầu tiên, con trai chị sẽ được tham gia các hoạt động thực hành trong cuộc sống như làm bánh, làm nước ép, nấu ăn, sắp xếp nhà cửa, dọn lại tủ sách, trang trí phòng mới lạ hơn...
Theo chị Nga, các mẹ cũng nên cho con tham gia nhiều hoạt động vui chơi. Tùy vào lứa tuổi của bé mà mẹ xây dựng những chương trình phù hợp. Với bé nhỏ thì nên để các con chơi trò chơi vận động, tương tác; bé lớn có thể chơi các trò chơi như thí nghiệm khoa học... Việc vui chơi sẽ giúp bé vừa hứng thú với những ngày nghỉ vừa học thêm được nhiều điều.
“Với học sinh (HS), đặc biệt là trẻ nhỏ, cha mẹ cần phải chịu khó hơn, chúng ta nên sắp xếp công việc để có thể tạo ra các hoạt động cho bé trong ngày đỡ chán. Cha mẹ cũng nên khuyến khích con tham gia các hoạt động thể dục như đi bộ, đạp xe… để nâng cao sức khỏe trong mùa dịch”, chị Nga chia sẻ.

Tạo cơ hội để con được “phá”

Tương tự, thạc sĩ Bùi Thị Thu Vân, chuyên gia giáo dục mầm non, đồng thời là Giám đốc đào tạo Học viện Đào tạo Người Việt (TP.HCM), cũng cho rằng để HS đỡ nhàm chán trong thời gian này, cha mẹ nên tạo cơ hội để các em được “phá”.
Với lứa tuổi dưới 3, khi bé đang rất hiếu động thì cha mẹ có thể tạo ra một không gian riêng cho trẻ. Ví dụ, có thể cho em một phòng riêng với những vật dụng an toàn để các bé khám phá, như đồ chơi, giá vẽ, màu vẽ…; khi đầy đủ đồ dùng các em có thể tự chơi một mình.
Đối với những bé lớn hơn, bố mẹ có thể cung cấp những đồ chơi giúp phát triển kỹ năng như đồ chơi gia đình, búp bê, đồ chơi xây dựng... “Khuyến khích trẻ tham gia những công việc nhà cùng mẹ như nhặt rau, rửa chén, quét nhà, giặt quần áo…; thậm chí có thể tham gia chế biến một số món ăn cho cả gia đình cũng giúp các em hứng thú hơn với việc ở nhà”, chị Vân nói. Tuy nhiên, để duy trì trong một thời gian dài thì phụ huynh phải cùng với con lên kế hoạch, lịch hoạt động cụ thể từng ngày.
Đối với trẻ tiểu học, khi các bé đã lớn hơn thì việc nghỉ học kéo dài lại là cơ hội cha mẹ rèn các con tính tự lập. Trước tiên cha mẹ nên trò chuyện với con về cách phòng, chống dịch bệnh, tầm quan trọng của việc bảo vệ sức khỏe; để con cảm thấy không “ấm ức” khi bị hạn chế ra khỏi nhà trong thời gian này.
Sau đó, phụ huynh có thể cùng với con lên lịch hoạt động cho những ngày nghỉ, nhưng trước tiên cha mẹ phải tôn trọng sở thích và những công việc con mong muốn được làm trong thời gian này. Ngoài việc học, hãy để cho con có thời gian giải trí theo sở thích trong khuôn khổ cho phép.
Đối với những HS đã lớn, cha mẹ có thể giao việc nhà cho con. Ngoài ra, phụ huynh có thể hướng dẫn con sử dụng công nghệ, internet một cách hiệu quả. Thay vì dành thời gian chơi game, HS có quyền sử dụng internet để học bài, tìm hiểu thêm thông tin, giải trí bằng phim ảnh lành mạnh, học ngoại ngữ…
Đặc biệt, theo chị Vân, trong thời gian này, cha mẹ nên dành thời gian nhiều cho con, nhất là vào buổi tối… Đây là thời gian để cùng chơi với con, chia sẻ những khó khăn hoặc các vấn đề con gặp phải khi học online, hay những vấn đề khác trong cuộc sống. Khi làm được những điều này, việc ở nhà với các em sẽ dễ dàng hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.