Những đứa trẻ 'xuất sắc toàn diện tiêu biểu' hay nạn nhân của bệnh thành tích?

24/05/2019 11:31 GMT+7

Khi được gọi là học sinh 'xuất sắc toàn diện tiêu biểu', những cô cậu bé lớp 1 sẽ dễ ảo tưởng về bản thân, mà đôi khi quên mất đó chỉ là sản phẩm của căn bệnh thành tích.

Không riêng gì tôi mà nhiều phụ huynh có con học lớp 1 dự bế giảng năm học đều “chột dạ” với danh xưng “Học sinh xuất sắc toàn diện tiêu biểu”. Bởi bên cạnh những nhân tố xuất sắc, tiêu biểu thật sự, cũng khó có thể không nhận ra căn bệnh thành tích đã trở thành căn bệnh nan y, khó chữa trị.
Ngày bế giảng, mỗi trường có cả nghìn đứa trẻ hân hoan nhận thưởng và ôm phần thưởng về nhà. Liệu có bao nhiêu trong số cả nghìn đứa trẻ thắc mắc danh xưng “Học sinh xuất sắc toàn diện tiêu biểu” mà nó nhận được kèm theo phần thưởng? Bao nhiêu đứa trẻ trong số đó hiểu thế nào là “xuất sắc toàn diện tiêu biểu” và bao nhiêu đứa thỏa mãn với điều đó, thậm chí cả phụ huynh cũngcó nhiều người không giấu được vẻ tự hào...
Kết thúc năm học lớp 1, bài học mà con tôi suýt “học” được chính là sự tự mãn, kiêu ngạo và bệnh thành tích, nếu không ngăn chặn kịp thời. Bởi đầu óc non nớt của đứa trẻ 7 tuổi sẽ không thể hiểu được đường học còn dài lắm, học tập là suốt đời, thậm chí sẽ phải tự trả học phí, trả giá rất đắt… Nó sẽ nghĩ mình như thế này đã là “xuất sắc toàn diện tiêu biểu” rồi đây.
Vậy học cái kiểu gì mà nhìn đâu cũng thấy "Học sinh xuất sắc toàn diện tiêu biểu " ? Vì mới lớp 1, đến đọc, viết còn chưa tròn vành rõ chữ mà đã đắc chí với cái danh xưng "xuất sắc toàn diện tiêu biểu" thì chỉ cần “sống ảo” thôi chứ cần gì phải nỗ lực học tập rèn luyện?
Trong lớp có 47 học sinh đều là học sinh xuất sắc ấy có những em thường xuyên bắt nạt bạn bè, thỉnh thoảng lấy đồ dùng học tập của bạn giấu làm của riêng, mới lớp 1 đã biết đem chức danh lớp trưởng, lớp phó đi dọa bạn bắt lỗi, ghi tên lên bảng để "xi nhan" bạn nộp 5 ngàn đồng rồi xóa…
Những học sinh xuất sắc toàn diện đó thấy cánh cửa lớp học bị mưa gió ầm ầm quật vào tường mà không bạn nào biết tự giác đứng dậy đóng cánh cửa, trời giông gió khiến lớp tối hù cũng không bạn nào biết đứng dậy bật đèn, ra về cũng không ai tắt điện, tắt quạt và đóng của lớp phòng giông lốc.
Học sinh xuất sắc toàn diện nhưng đi vệ sinh không chịu dội vì sợ bẩn tay và “nhường” lại cái bẩn cho cô lao công; hút xong hộp sữa tiện tay vất thẳng ra sân trường để tí có đội trực dọn; đến giờ ăn bán trú không biết tự đứng dậy lấy thức ăn và dọn bàn sau khi ăn mà phải chờ cô quản sinh, vì ở nhà bố mẹ làm cho hết; ăn nói đốp chát với người lớn không thưa gửi; không biết cảm ơn và xin lỗi...
Thay vì tự hào con “xuất sắc toàn diện tiêu biểu” thì xin các bố, mẹ hãy định nghĩa cho đứa trẻ lớp 1 còn non nớt ấy hiểu rằng thế nào là “xuất sắc”, làm gì để “toàn diện”, và nỗ lực đến thế nào mới có thể “tiêu biểu”.
Con trai tôi ôm phần thưởng về và hỏi, con giỏi nhất mẹ có thấy vui không? Tôi bảo rằng chỉ vui một tí thôi vì thấy con vui với sự cố gắng của mình. Tôi cũng không quên bảo con rằng con chỉ mới bắt đầu trên con đường học thôi chứ chưa thể tự hào. Vì con sẽ còn học suốt đời theo đúng nghĩa của nó. Sẽ đến lúc con phải hiểu rằng, học giỏi nhất cũng chẳng là gì nếu thể lực không tốt, sức khỏe không đảm bảo, nếu gặp người lớn không lễ phép chào, nếu không biết đỡ đần bố mẹ, ông bà và mọi người xung quanh khi họ cần giúp, nếu ko biết chia sẻ bớt đồ chơi, sách vở, quần áo với những bạn khó khăn hơn, ko biết truyền cảm hứng sống sạch, sống khỏe, sống giản dị và lương thiện đến mọi người...
Nhớ ngày xưa, mỗi lớp 40 học sinh thì chỉ có chừng 5 em giỏi, khoảng 25 em khá, và tầm 10 em trung bình. Vậy mà hay, dễ hiểu và cũng đỡ khiến chúng ảo tưởng bản thân quá sớm.
Ấy vậy mà bạn tôi, những đứa thực giỏi, là niềm tự hào của cha mẹ, thầy cô, là tấm gương khiến các bạn ngưỡng mộ, bây giờ cũng chật vật, bươn bả trong muôn trùng cơm áo; trong khi đó những không hiếm những bạn học lực khá và trung bình đã nỗ lực không ngừng suốt chặng đường dài trên con đường học vấn để bây giờ vẫn có thể “ngẩng” mặt giữa đời.
Căn bệnh thành tích có lẽ nên cần có thuốc chữa trị, dù cho có đang là bệnh nan y.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.