Những người 'đổi đời' nhờ Đường lên đỉnh Olympia

19/09/2019 14:29 GMT+7

Đường lên đỉnh Olympia đã thay đổi cuộc sống của không chỉ của các quán quân, mà còn với nhiều thí sinh đã từng tham gia.

Chương trình chung kết năm Đường lên đỉnh Olympia 2019 đã khép lại với chiến thắng của thí sinh Trần Thế Trung đến từ Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An, song dư âm của nó vẫn còn để lại. 19 năm qua, những thí từng tham gia chương trình này đã thay đổi như thế nào?

Nguồn cảm hứng thay đổi cuộc sống

Bùi Hữu Đăng, 23 tuổi, đang du học tại Nga, tham gia Đường lên đỉnh Olympia và dừng lại tại vòng đấu tuần, nhưng đạt kỷ lục phần thi Vượt chướng ngại vật nhanh nhất trong 3 giây, chia sẻ: "Mặc dù không đạt thành tích cao trong mùa thi năm đó nhưng những thứ tôi nhận được là rất nhiều. Từ sống trầm lặng, khép kín tôi trở thành một người năng nổ, biết cách giao tiếp với xã hội hơn và tích cực tham gia vào nhiều hoạt động cộng đồng. Tôi đang du học tại Nga, đạt được ước mơ của mình cũng nhờ lấy cuộc thi năm đó làm động lực. Nó đã giúp tôi quyết tâm hơn, 'hiếu thắng' hơn để đạt được nhiều điều mình muốn".

Trần Ngọc Bách (bìa trái) cùng kỷ niệm Đường lên đỉnh Olympia

Ảnh nhân vật cung cấp

Cộng đồng những cựu thí sinh Olympia luôn trẻ trung

Ảnh nhân vật cung cấp

Luyến tiếc vì không thể một lần được đội vòng nguyệt quế, nhưng không vì thế mà tình yêu với chương trình của Trần Ngọc Bách, 21 tuổi, giải ba quý 2 năm 2016 giảm bớt đi. Hiện Bách vừa tốt nghiệp Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, khoa Công nghệ vật liệu, còn nhiều hoài bão ấp ủ, song Đường lên đỉnh Olympia vẫn luôn là nguồn cảm hứng để anh làm mọi chuyện.
"Tham gia chương trình là trải nghiệm lớn nhất thời học sinh mà tôi tin chắc sau này mình sẽ không bao giờ quên được. Những người bạn tốt, những câu chuyện truyền cảm hứng, những mảnh đời vươn lên để quyết tâm đạt ngôi vị cao nhất là những bài học giúp tôi luôn theo dõi và học hỏi theo…”.
Trong khi đó, Nguyễn Phi Học, 23 tuổi, giải nhì quý 4 năm 2014, đang là một kỹ sư chế tạo máy tại một doanh nghiệp cơ khí ở Hà Nội. Học cho hay, sau khi tham gia chương trình Đường lên đỉnh Olympia, anh đã được các anh chị cựu thí sinh giúp đỡ và truyền cảm hứng về việc học tiếng Anh nên trình độ Anh ngữ tiến bộ hơn. Học bộc bạch, nếu không có Đường lên đỉnh Olympia, anh sẽ không bao giờ biết được mình giỏi nhất và đam mê nhất ở mảng gì”.

Đại gia đình Olympia

Fanpage về cộng đồng các thí sinh đã từng tham gia Đường lên đỉnh Olympia được tạo ra trên Facebook và sau mỗi năm, cộng đồng này lại càng lớn mạnh hơn. Các thí sinh không phân biệt ngôi vị và giải thường giúp đỡ lẫn nhau, chia sẻ kinh nghiệm, tạo ra một cộng đồng vô cùng bổ ích và nhiều kiến thức.

Nguyễn Phi Học năng động, yêu thích khám phá

Ảnh nhân vật cung cấp

Nguyễn Phi Học, 23 tuổi, giải nhì quý 4 năm 2014, chia sẻ: "Sau khi tham gia Đường lên đỉnh Olympia, cái tôi nhận được là quen được rất nhiều các anh chị giỏi và vui tính. Qua tiếp xúc với họ, tôi học được nhiều điều, nhất là định hướng cho tương lai và cách tôi làm việc sau này. Cộng đồng thí sinh Olympia kết nối các thành viên lại như một gia đình. Đến đâu trên miền đất dải chữ S này, hay kể cả là trên thế giới, chỉ cần nhắc mình là thành viên của cộng đồng thì mọi người sẽ luôn dang tay giúp đỡ nhiệt tình".
Còn Trần Ngọc Bách, 21 tuổi, giải ba quý 2 năm 2016 cũng có những suy nghĩ tương tự: "Tôi đã có một đại gia đình các thành viên Đường lên đỉnh Olympia. Hiện tại tôi đã tham gia được một số hoạt động của cộng đồng, trong đó có Ôliu - một tổ chức do các anh chị cựu thí sinh thành lập ra. Tổ chức Ôliu có những hoạt động thiện nguyện, tạo ra sân chơi cho các bé thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn, phát quà cho các hộ gia đình chính sách. Cộng đồng đã cho mình hiểu được rằng những thí sinh Olympia không chỉ giỏi, mà còn luôn hướng về cộng đồng".

“Hành trình leo núi của tôi chưa dừng lại”

Thạc sĩ Phạm Vũ Lộc, thí sinh Olympia năm thứ 8, đang làm việc tại Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam bộc bạch cùng phóng viên Thanh Niên như thế.
Anh chia sẻ, trước khi tham dự chương trình, anh là một người rất nhút nhát: “Chưa nói tới việc đứng trước ống kính máy quay, riêng việc đứng trên một sân khấu nơi tập trung ánh mắt của hàng trăm người đã làm tôi run rồi. Nhưng khi cơ hội tham dự chương trình tới, tôi tự hỏi: Nếu không bây giờ thì sẽ chẳng bao giờ nữa. Tôi đăng ký và tham dự chương trình một cách rất tự nhiên. Tới khi kết thúc, nhìn lại thì tôi đã không thấy nỗi sợ kia đâu nữa. Tôi hiểu rằng khi mình thực sự có giá trị, bản lĩnh tự khắc sẽ sinh ra để dẫn dắt sự tự tin”.

Thạc sĩ Phạm Vũ Lộc chưa thể quên dấu ấn từ Đường lên đỉnh Olympia

Ảnh nhân vật cung cấp

“Tham dự chương trình khi chỉ là một cậu bé 18 tuổi, rồi sau cả chục năm tiếp tục gắn bó theo dõi, tôi thấy chương trình là một phép thử, một lát cắt chính xác về nền giáo dục Việt Nam. Những gì học sinh được học ở trường, và cả những gì cần biết ở ngoài học đường, hầu như đều xuất hiện trong các câu hỏi của chương trình.
Một nhà leo núi thành công không hẳn là một hình mẫu “con ngoan trò giỏi” trong khuôn khổ, mà lại là một học sinh luôn sẵn sàng đón tiếp và ghi nhận các thông tin mới nhất của thời đại. Trái lại, đôi khi có những tranh cãi về nội dung, những sự cố khi tổ chức chương trình, lại phản ánh đúng những điều bất cập trong chương trình giáo khoa lúc bấy giờ. Đó cũng là lý do vì sao nhiều người coi chương trình như một buổi học kéo dài chỉ một tiếng đồng hồ mỗi tuần, vì nó thực sự mang lại các thông tin, kiến thức và kỹ năng cần thiết cho học sinh thời đại này”, thạc sĩ Phạm Vũ Lộc nói.
Anh Lộc bộc bạch: “Một giá trị khác mà chương trình mang tới cho tôi cũng như rất nhiều nhà leo núi khác, Khi những kết quả nhanh chóng lùi xa, cuối cùng chỉ còn lại tình bạn. Vào cái tuổi 18 nhiều biến động bước ngoặt đó, biết được nhiều bạn bè từ khắp miền Tổ quốc thực sự là một món quà vô giá đối với tôi.
Tôi sớm được tiếp xúc với những người bạn có giọng nói khác, văn hóa khác, cách nghĩ khác, họ đã giúp tôi học cách bao dung, chan hòa, và nhất là mở rộng cái nhìn của mình ra cả nước. Sau chương trình, hơn 10 năm nay tôi đã đi chu du nhiều nơi, nơi nào cũng có những người bạn từng là thí sinh Đường lên đỉnh Olympia đón tiếp tôi, giúp tôi thêm hiểu và thêm yêu đất nước này. Tôi cảm thấy hành trình leo núi của mình chưa bao giờ dừng lại…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.