Niêm yết giấy phép xây dựng tại công trình

Đình Sơn
Đình Sơn
23/10/2019 06:37 GMT+7

Đó là một trong những giải pháp để ngăn chặn tình trạng lừa đảo, rao bán đất nền “ma”, bán “lúa non” trong lĩnh vực bất động sản mà TP.HCM đã yêu cầu chủ đầu tư và đơn vị thi công thực hiện.

Trước đó, một loạt quy định như công khai các dự án đang thế chấp ngân hàng, nợ tiền sử dụng đất cũng được đề xuất.

Công khai dự án thế chấp ngân hàng

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết thời gian qua tại một số địa phương đã xảy ra tình trạng chuyển nhượng đất đai, thực hiện quy hoạch và dự án kinh doanh bất động sản (BĐS) trái quy định pháp luật. Không những vậy, tình trạng phân lô, bán nền trên đất nông nghiệp; thực hiện giao dịch mua bán, chuyển nhượng nhà, đất khi chưa đáp ứng đầy đủ điều kiện… gây ảnh hưởng tới tình hình phát triển kinh tế - xã hội và sự phát triển lành mạnh của thị trường BĐS. Chính vì vậy Bộ Xây dựng đã yêu cầu các địa phương xem các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo thì cần chuyển cơ quan điều tra để làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Đồng thời thông tin các chủ đầu tư dự án đủ điều kiện huy động vốn nhằm bảo đảm minh bạch thông tin thị trường, ngăn chặn các hiện tượng lừa đảo, đầu cơ thổi giá BĐS để thu lợi bất chính.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà cũng cho biết sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra và công bố công khai các dự án BĐS đang thế chấp ngân hàng, các dự án không thực hiện bảo lãnh, các dự án chưa nộp tiền sử dụng đất (SDĐ), các dự án chậm tiến độ, các dự án chưa nghiệm thu chất lượng công trình, chưa nghiệm thu phòng cháy chữa cháy đã đưa vào sử dụng. Các chủ đầu tư chậm trễ trong việc làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (sổ đỏ) cho người dân cũng sẽ được công khai.
Mạnh tay hơn, UBND TP.HCM đã kiến nghị Chính phủ quy định việc mua bán nhà ở hình thành trong tương lai phải tiến hành công chứng. Ngoài ra, UBND TP cũng yêu cầu Sở Xây dựng buộc các chủ đầu tư phải niêm yết giấy phép xây dựng tại tất cả công trình xây dựng trên địa bàn TP để người dân và các cơ quan chức năng có thể kiểm tra, giám sát dễ dàng, xử lý kịp thời các sai phạm. Nếu công trình xây dựng không niêm yết giấy phép xây dựng thì không được thi công.

Thanh tra cả cơ quan ngâm hồ sơ, làm khó doanh nghiệp

Thực tế, không ít doanh nghiệp (DN) nợ tiền SDĐ nhưng lỗi từ cơ quan chức năng. Lãnh đạo một công ty BĐS (ở Q.7, TP.HCM) đang nợ tiền SDĐ phân trần, dự án của ông đã 2 năm nay vẫn chưa có thông báo đóng tiền SDĐ dù ông đã nhiều lần làm công văn gửi các sở ngành “xin” được đóng tiền SDĐ. “Khi chúng tôi xin được đóng tiền SDĐ thì các nơi cứ đùn đẩy nhau không đưa ra được con số cụ thể. Trong khi đó, tiền mua đất bỏ ra khá lớn, càng ngâm lâu thì càng phát sinh chi phí vốn, kéo theo đó là rất nhiều khó khăn cho DN. Hầu hết các chủ đầu tư đều mong muốn được sớm đóng tiền SDĐ để đưa dự án vào kinh doanh. Nay cơ quan chức năng công bố vấn đề này lại gây thêm khó khăn cho DN, trong khi lỗi không phải do chúng tôi”, vị này nói.
Đồng cảnh ngộ, chủ đầu tư một dự án BĐS tại Q.2 mới đây bị bêu tên nợ tiền SDĐ hàng trăm tỉ đồng đã lên tiếng phản đối bởi việc nợ tiền SDĐ không phải lỗi của DN mà từ phía các cơ quan chức năng. Việc bêu tên sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu, hình ảnh và có thể gây thiệt hại về kinh tế cho các DN làm ăn chân chính.
Khẳng định nếu các địa phương làm được điều này sẽ rất tốt cho khách hàng khi họ biết được tình trạng pháp lý của từng dự án, từ đó sẽ đưa ra quyết định nên chọn mua nhà tại dự án nào, tuy nhiên theo ông Đoàn Chí Thanh, Tổng giám đốc Công ty Hoàng Anh Sài Gòn, các cơ quan quản lý nhà nước phải đẩy nhanh tiến độ cấp phép cho chủ đầu tư chứ như hiện nay để triển khai một dự án mất 3 - 5 năm thì không DN nào chịu nổi tiền mua đất, xây dựng dự án là từ vốn vay. Nếu không đẩy nhanh tiến độ phê duyệt hồ sơ sẽ rất khó cấm được DN bán lúa non, cũng không thể hạn chế được DN đem dự án cầm cố ngân hàng để vay tiền và việc nợ tiền SDĐ là khó tránh khỏi.
Ở một góc độ khác, ông Trần Văn Dũng, Tổng giám đốc Công ty Trường Phát, cho rằng cơ quan chức năng cũng cần phải thanh tra 2 chiều. Bên cạnh việc thanh, kiểm tra hoạt động của DN để minh bạch thị trường cũng phải thanh tra cơ quan chức năng "ngâm" hay không duyệt hồ sơ dù các dự án đã làm đúng; công khai sai phạm của các cơ quan thực thi pháp luật để tạo công bằng cho thị trường.
Ông Dũng đề xuất: “Đã thanh tra thì phải thanh tra 2 chiều. Nơi nào cố tình làm khó DN, vòi vĩnh, ngâm hồ sơ cũng cần phải xử lý nghiêm. Làm sao giúp DN đẩy nhanh tiến độ dự án, nhanh chóng đưa sản phẩm ra ngoài thị trường, đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân chứ không chỉ thanh tra một chiều DN”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.