Nơi hỏa tốc dừng học trực tiếp, nơi kiên trì mở cửa trường

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
21/02/2022 06:03 GMT+7

Sau 2 tuần đồng loạt cho học sinh trở lại trường trên cả nước, hầu hết các địa phương đều có số F0 trong trường học tăng. Tuy nhiên, mỗi tỉnh, thành lại có cách xử lý khác nhau.

Nơi hỏa tốc dừng học trực tiếp...

Thông tin gây nhiều tranh luận cuối tuần qua là việc Hà Nội hoãn tổ chức dạy học trực tiếp với học sinh (HS) từ lớp 1 đến lớp 6 ở 12 quận nội thành (theo kế hoạch là ngày 21.2) với lý do dịch bệnh diễn biến phức tạp và thời tiết rét đậm, rét hại ở các tỉnh phía bắc. Nhiều phụ huynh bày tỏ đồng tình và cho biết họ “thở phào nhẹ nhõm” vì quyết định này. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng việc “quay đầu” của UBND TP.Hà Nội là không cần thiết vì chúng ta phải học cách thích ứng với dịch bệnh, không thể kỳ vọng “zero Covid” mới cho HS trở lại trường.

Hà Nội cũng chưa ra thông báo về việc khi nào thì HS từ lớp 1 đến lớp 6 ở khu vực nội thành sẽ được đến trường. Như vậy, HS lớp 1 của thủ đô từ khi khai giảng năm học đến nay vẫn chưa được biết trường lớp của mình ra sao, thầy cô bè bạn thế nào…

Ngoài học sinh các khối đã đến trường từ 7.2, Hà Nội lại tiếp tục hoãn dạy học trực tiếp với học sinh từ lớp 1 - 6 ở các quận nội thành

đậu tiến đạt

Sau Hà Nội, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng ra văn bản hỏa tốc dừng dạy học trực tiếp với HS tiểu học và THCS, chuyển sang học trực tuyến từ ngày 21.2 đến khi có thông báo mới. Tuy nhiên, khác với Hà Nội, Vĩnh Phúc cho phép các trường mầm non tiếp tục mở cửa. Các trường THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên duy trì dạy học trực tiếp, đồng thời tổ chức dạy học trực tuyến đối với HS là F0, F1, kể cả HS có bệnh nền nếu phụ huynh có yêu cầu.

Sáng 20.2, UBND TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) đã có công văn hỏa tốc về việc cho HS từ bậc mầm non đến lớp 6 tạm dừng học trực tiếp, trở lại học trực tuyến cho đến khi có thông báo mới. Nguyên nhân được lý giải là sau tết số ca Covid-19 toàn tỉnh nói chung và của TP tăng đột biến.

Sở GD-ĐT Hưng Yên vừa có văn bản hoãn việc cho trẻ mầm non, HS từ lớp 2 đến lớp 6 trở lại trường (theo dự kiến trước đó là 21.2); HS lớp 1 cũng sẽ chuyển sang học trực tuyến từ ngày 21.2. Như vậy, HS lớp 1 của tỉnh này mới trở lại trường tròn 1 tuần (từ 14.2) nay phải tiếp tục ở nhà. Đây là quyết định được xem là “quá thận trọng” của Hưng Yên khi địa phương này không thuộc địa phương ghi nhận nhiều ca mắc mới so với các tỉnh, thành khác. UBND tỉnh Lào Cai cũng có văn bản tạm dừng việc tổ chức dạy và học trực tiếp đối với tất cả các cấp học (từ mầm non đến THPT, GDTX- GDNN) trên địa bàn TP.Lào Cai, kể từ ngày 19.2 cho đến khi có thông báo mới.

...nơi kiên trì mở cửa

Sở GD-ĐT tỉnh Bắc Giang thì cho rằng tỷ lệ tiêm vắc xin trong giáo viên và HS cấp THCS và THPT đạt cao. Hiện đã có 97,1% giáo viên tiêm mũi 2 và 87,95% đã tiêm mũi 3; 99,3% HS từ 12 - 17 tuổi được tiêm 2 mũi. Đây là những điều kiện thuận lợi để đảm bảo thích ứng an toàn trong các trường học trên địa bàn tỉnh.

Do vậy, Bắc Giang vẫn chủ trương mở cửa trường và yêu cầu các cơ sở giáo dục đánh giá diễn biến dịch bệnh tại đơn vị; làm rõ nguyên nhân gia tăng số người mắc, đề xuất giải pháp ngăn ngừa dịch bệnh xâm nhập trường học.

Tương tự, tại Hải Phòng, Sở GD-ĐT cho hay đến thời điểm này tỷ lệ nhiễm Covid-19 trong trường học đối với giáo viên là khoảng gần 6%, HS là gần 6,4%, không có ca chuyển nặng và tử vong.

Bộ GD-ĐT: Cố gắng không còn cả trường phải dạy học trực tuyến

Ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng để triển khai học kỳ còn lại của năm học tốt hơn, mục tiêu số 1 và trước hết là đảm bảo an toàn khi HS trở lại trường học trực tiếp. Yêu cầu đơn vị chuyên môn sớm hoàn thiện, bổ sung sổ tay an toàn phòng chống dịch với đầy đủ các hướng dẫn cụ thể, dễ thực hiện. “Cố gắng chỉ có lớp học trực tuyến chứ không có trường học trực tuyến. Không chủ quan với dịch bệnh nhưng cũng không hoang mang, lo sợ”, ông Độ nói.

Đối với chủ trương “mở cửa trường học” của Chính phủ và Bộ GD-ĐT, tại cuộc họp ngày 17.2 do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì, lãnh đạo UBND TP.Hải Phòng khẳng định tiếp tục chỉ đạo nhất quán, quyết liệt với tinh thần không chủ quan, không sợ hãi. 100% số trường THCS, THPT, GDTX mở cửa đón HS trở lại học trực tiếp từ ngày 7.2; 100% số trường mầm non, tiểu học đón HS trở lại học trực tiếp từ 14.2. Các trường học kết hợp linh hoạt hình thức dạy học trực tiếp và trực tuyến, tỷ lệ HS đến trường học trực tiếp đạt 33,30%, ít hơn số học trực tuyến nhưng nhà trường vẫn kiên trì mở cửa để đón HS.

Học sinh lớp 1 TP.HCM đến trường học trực tiếp từ ngày 14.2

ngọc dương

Bà Mai Chang, Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), cho biết việc chuyển trạng thái học tập trực tiếp/trực tuyến cho HS diễn ra rất linh hoạt. Qua 2 tuần học tập trực tiếp, hiện nhà trường có 11/24 lớp chuyển sang học trực tuyến. Không có hiện tượng HS F0 lây chéo trong lớp mà 65% lây từ gia đình, 28% không xác định nguồn lây.

Vì đã tiêm vắc xin nên các trường hợp HS mắc Covid-19 có biểu hiện nhẹ như đau họng đến không có dấu hiệu. Các em thường hết triệu chứng sau 3 ngày và trở về sau 7 ngày cách ly tập trung. Theo bà Chang, điều mà nhà trường quan tâm nhất hiện nay là tác hại của dịch bệnh Covid-19 và việc học trực tuyến trong thời gian dài vừa qua để lại hệ quả lên sức khỏe tâm thần của học trò. Việc thiếu các hoạt động tập thể, hoạt động thể chất và phát triển toàn diện, khi đi học trở lại, rất nhiều em tìm đến phòng tâm lý học đường của nhà trường để chia sẻ các vấn đề rối loạn cảm xúc như: lo âu, trầm cảm, đau khổ, căng thẳng.

Đến thời điểm này, nhiều địa phương vẫn tiếp tục chờ đợi và kiến nghị cần có kế hoạch nhất quán hướng dẫn các địa phương triển khai thống nhất lộ trình đưa HS trở lại trường. Ngoài ra, Bộ Y tế sớm có hướng dẫn về việc thống kê, cách ly HS F0, F1 thống nhất để không ảnh hưởng trên diện rộng. Cần có hướng dẫn về tổ chức dạy học bán trú để các địa phương thực hiện đảm bảo an toàn, phù hợp; sớm công bố kế hoạch tiêm vắc xin cho HS từ 5 - 12 tuổi; có biện pháp truyền thông rộng rãi trên cơ sở khoa học, thực tiễn để tránh hoang mang trong người dân…

Đừng chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch

Cùng với niềm vui được đến trường học trực tiếp sau thời gian dài ngừng đến trường vì dịch là nỗi lo số lượng HS nhiễm F0 tăng cao.

Lãnh đạo các sở giáo dục đã nhắc nhở rất kỹ, thường xuyên về công tác phòng chống dịch trong các cuộc họp giao ban. Nhà trường cũng đã chuẩn bị rất tốt các biện pháp, phương tiện phòng chống dịch. Công tác tuyên truyền cũng được giáo viên chuyển tải xuống HS thường xuyên. Tuy nhiên vẫn còn nhiều chủ quan, lơ là, nhất là từ phía các em HS. Quan sát HS nhiều trường tại TP.HCM, chúng tôi thấy hầu hết các em đều tuân thủ các quy định như đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, đo thân nhiệt khi vào cổng trường. Tuy nhiên trong quá trình ngồi học ở lớp, giờ chơi, sinh hoạt trong trường các em vẫn chưa tuân thủ tuyệt đối. Nhiều em tháo khẩu trang khi ngồi học, tụ tập thành nhóm đông trong giờ chơi. Căng tin nhiều trường còn cảnh HS chen chúc mua đồ ăn, thức uống. Nếu có một trường hợp F0 trong HS thì khả năng lây nhiễm rất lớn, khó khoanh vùng để truy tìm F1.

Từ thực tế trên, thiết nghĩ nhà trường cần mạnh tay hơn nữa trong việc phòng chống dịch. Chỉ tuyên truyền thường xuyên thôi là chưa đủ, mà cần có biện pháp cụ thể, hiệu quả hơn, để đảm bảo giãn cách, khoanh vùng nhóm đối tượng HS.

Trần Nhân Trung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.