Nỗi niềm cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn

Lê Vân
Lê Vân
24/04/2022 06:47 GMT+7

Ly hôn là chuyện chẳng đặng đừng giữa cha mẹ, nhưng phía sau nó còn liên quan rất lớn quyền lợi của con cái, và đặc biệt là sự tổn thương của những đứa bé khi rơi vào hoàn cảnh ấy…

Mỗi cảnh mỗi nỗi niềm

Những ngày đầu tháng 4.2022, chị Ngọc Quyên ấm ức rơi nước mắt khi tham gia phiên thỏa thuận ly hôn với chồng. Chồng chị yêu cầu được “đền” tổng số tiền đã chi cho con trong dịch Covid-19 là 70 triệu đồng thì mới chịu ký đơn ly hôn. Trong khi đó, nghĩa vụ cấp dưỡng cho con hằng tháng của mình thì anh lại… lúc nhớ lúc quên.

Minh họa: DAD

Sau ly hôn, nhiều phụ nữ không dám hoặc chán ngán đến mức không muốn lên tiếng về chuyện cấp dưỡng của chồng cũ khi các chị trực tiếp nuôi dưỡng con chung. Chị M.T ở Q.10 (TP.HCM), kể: “Sau ly hôn, chồng chỉ đồng ý cấp dưỡng nuôi con 1 triệu đồng/tháng. Trong khi anh ta ở nhà mẹ đẻ, có công việc ổn định, còn tôi thì phải thuê nhà, công việc bấp bênh”. Vậy là trong nhiều năm, chị M.T phải tự nuôi con với số tiền trợ cấp vốn đã ít ỏi lại còn lúc có lúc không của chồng cũ. Nhưng chuyện của chị M.T còn chưa “bi thảm” bằng T.T, vì sau ly hôn chị nuôi 2 con, lại còn phải trả nợ chung, mà chồng cũ thì biệt tăm.

Chị N. (ngụ Q.Tân Phú, TP.HCM) thậm chí phải gửi bảng kê chi tiết các chi phí như ăn, ở, học phí chính, phụ đạo, nâng cao thể chất của con… cho chồng cũ để được cấp dưỡng đúng thực tế.

“Ở TP.HCM, một đứa trẻ độ tuổi từ sơ sinh đến trước 6 tuổi thì chi phí ăn uống, sức khỏe... ở mức đảm bảo thường lên tới 10 triệu đồng/tháng. Từ 6 tuổi trở lên bắt đầu đi học, thêm hoạt động ngoại khóa, thể chất, tiếng Anh… thì còn cao hơn nữa. Chưa kể lúc con ốm đau hay cần bồi dưỡng, chi phí thêm cho các bé hoạt động vui chơi, giải trí, ăn uống”, chị N. trải lòng.

Anh Q.T (ngụ Q.Tân Phú, TP.HCM), hiện chu cấp cho con 5 triệu/tháng, cũng đồng tình: “Do thu nhập có hạn nên tôi chỉ có thể chu cấp cho vợ cũ 10 triệu đồng/tháng cho 2 đứa con. Biết là không đủ nên tôi chia ra thứ hai - tư - sáu hoặc ba - năm - bảy hai con sẽ qua tôi ăn uống để giảm gánh nặng cho mẹ nó, mà cũng là cho con mình được như con người ta…”.

“Thưa ra tòa đi !”

Chị Lan Anh (ngụ Q.3, TP.HCM) cũng cực chẳng đã mới phải làm một bảng kê chi phí gọi là “công nợ nuôi con” gửi chồng cũ khi anh này tự động cắt giảm tiền cấp dưỡng cho con mà không một lời giải thích. Chị sắp đưa đơn ra tòa dân sự yêu cầu tăng trợ cấp cho con. “Tôi ly hôn 5 năm. Chồng chỉ chu cấp cho con có 3 triệu đồng/tháng trong suốt 4 năm sau ly hôn, dù biết tôi phải thuê nhà, thuê người chăm sóc con để có thể vừa đi làm vừa nuôi con vì chỉ có một mình ở thành phố”, chị chia sẻ.

Khoảng 1 năm trước, chồng chị Lan Anh đồng ý tăng chu cấp lên 5 triệu đồng/tháng vì con vào bậc tiểu học, nhiều khoản chi phí hơn. Nhưng đến tháng 3.2022, anh lại tự giảm còn 3 triệu đồng/tháng. Chị Lan Anh hiện tại thu nhập chỉ hơn 10 triệu đồng/tháng, còn phải thuê nhà mất 5 triệu/tháng, điện nước sinh hoạt nữa là khoảng 7 triệu đồng/tháng.

“Tôi phải đi làm thêm để đắp đổi cho đủ chi phí, trong khi chồng cũ có nhà, xe hơi, chơi đồ công nghệ không tiếc tiền mà còn cắt chi phí cấp dưỡng cho con. Tôi thì không dám nghĩ tới chuyện mua nhà khi thu nhập phập phù, chỉ lo chắt chiu nuôi con”, chị Lan Anh nói. Trước đó, chị đã nhắn tin về chi phí nuôi con và đề nghị chồng cũ giữ mức chu cấp 5 triệu đồng/tháng, nhưng anh này hồi đáp: “Thưa ra tòa đi!”.

Chị N. may mắn hơn khi được chồng cấp dưỡng 10 triệu đồng/tháng cho 2 con, chia sẻ: “Khi thỏa thuận quyền nuôi con và cấp dưỡng, tòa cũng hỏi tôi có muốn yêu cầu nhiều hơn không? Nhưng thực tế đó là thỏa thuận, còn về luật thì chưa có sự ràng buộc nào để bảo vệ quyền lợi người nuôi trẻ sau ly hôn”. Chị N. cho rằng việc yêu cầu tiền cấp dưỡng nuôi con là quyền lợi cấp thiết của con, để các con vốn đã thiệt thòi, sẽ không phải chịu thêm phần khó khăn trong cuộc sống.

Theo luật sư Nguyễn Đình Thuận (Đoàn luật sư TP.HCM), tại điều 116 luật Hôn nhân gia đình 2014 quy định mức cấp dưỡng nuôi con có thể được thỏa thuận giữa người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó. Hiện nay chưa có văn bản quy định cụ thể mức cấp dưỡng nuôi con sau khi ly hôn nên để xác định mức cấp dưỡng, tòa án thường căn cứ vào chứng từ, hóa đơn có liên quan các chi phí hợp lý để nuôi dưỡng, chăm sóc con và thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng.

Ở các thành phố lớn, ngoài những nhu cầu thiết yếu về đời sống như ăn uống, quần áo, học tập, sách vở…, thì những sinh hoạt vui chơi, giải trí theo từng lứa tuổi của trẻ thường có chi phí rất cao.

“Trong quá trình hành nghề với tư cách là luật sư, chúng tôi gặp rất nhiều trường hợp nan giải về cấp dưỡng nuôi con trong các vụ ly hôn. Trong đại đa số các trường hợp không đồng thuận về vấn đề này thì người vợ thường chấp nhận thiệt thòi để được nuôi con mà không cần sự cấp dưỡng của người chồng, vì họ quá mệt mỏi khi phải tranh cãi về mức cấp dưỡng. Mặt khác họ cũng hiểu rằng việc cấp dưỡng mang tính tự giác cao, vì thế nếu người có nghĩa vụ cấp dưỡng không muốn làm thì họ cũng không thực hiện sau khi tòa tuyên xử”, luật sư Thuận chia sẻ.

“Theo kinh nghiệm thực tế cho thấy tòa án thường nhận định mức cấp dưỡng nuôi con được chia đều cho cha và mẹ theo tỷ lệ 50%. Như vậy khi nhận nuôi con thì bên nhận nuôi con cũng có nghĩa vụ phải bỏ ra mức cấp dưỡng nuôi con ngang với người cấp dưỡng. Thế nhưng bên nhận nuôi con còn phải dành ra rất nhiều thời gian để chăm sóc, giáo dục, hướng dẫn cho con mọi mặt trong đời sống cũng như trong học tập, đặc biệt khi ốm đau, bệnh tật. Trong khi đó bên cấp dưỡng thường không phải thực hiện nghĩa vụ này, nếu có thì cũng không tương xứng với công sức của bên nhận nuôi”, luật sư Thuận chia sẻ thêm và cho rằng tòa án cũng cần xem xét công sức và thời gian chăm sóc của người nhận nuôi dưỡng con.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.