“Lập trình” mở cửa lại nền kinh tế
Mở cửa lại nền kinh tế sau Covid-19 thế nào tiếp tục là một trong những chủ đề được quan tâm nhất trong ngày thảo luận thứ 2 của Quốc hội (QH) về tình hình KT-XH (15.6). Đại biểu (ĐB) Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy TP.HCM, cho rằng “Việt Nam có thể và cần lập trình quá trình mở lại nền kinh tế”.
Theo đó, Việt Nam quan hệ kinh tế với nhiều nước, nhưng chỉ có 17 đối tác quan trọng, quyết định 90% đầu tư nước ngoài, 80% thương mại quốc tế và 80% khách du lịch đến Việt Nam. Vì vậy, việc “mở cửa” sau dịch chủ yếu là với 17 đối tác này. “Chúng ta cần lập trình mở cửa với 17 đối tác này theo thỏa thuận một cách thận trọng. Hiện nay, có cơ sở làm điều này”, ông Nhân nói và đề nghị Việt Nam có thể công bố hết dịch ở trong nước. Ngoài ra, ông Nhân cũng thảo ra 9 giải pháp và gửi đến các ĐBQH bằng văn bản.
Ngược lại, ĐB Nguyễn Lân Hiếu (An Giang), Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, lại cho rằng việc mở cửa phải hết sức cẩn trọng, vì “làn sóng thứ 2” của dịch đe dọa nhiều nước, trong đó có Việt Nam. “Chúng ta cần phải tiến hành các biện pháp để khẳng định nguy cơ bùng phát dịch ở Việt Nam không thể dữ dội như các nước khác. Các phương pháp này cần phải dựa vào khoa học do ngành y tham vấn”, ĐB Hiếu nói và khuyến nghị Việt Nam cần có một chiến lược đầu tư cho y tế để đối mặt với mọi dịch bệnh.
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đồng tình với ĐB Nguyễn Thiện Nhân khi cho rằng cần nắm chắc và phân tích chính xác tình hình dịch bệnh cũng như chủ trương, định hướng của từng quốc gia, từng thị trường, từng lĩnh vực, từng tập đoàn kinh tế để có đối sách và quyết sách kịp thời và phù hợp.
Dọn tổ đón đại bàng, đừng quên rắc thóc cho chào mào, chim sẻ
Cùng về vấn đề khôi phục kinh tế hậu Covid-19, các ĐBQH cũng cho rằng sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, dịch chuyển của các tập đoàn đa quốc gia khỏi Trung Quốc... là cơ hội vàng để Việt Nam vươn lên. Tuy nhiên, muốn chớp được thời cơ, đón được “đại bàng” cần “dọn ổ” thật kỹ. ĐB Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) tỏ ra sốt ruột khi các quốc gia như Ấn Độ, Indonesia có vẻ đang tận dụng được điều này và khuyến nghị Việt Nam “cần có chính sách và hỗ trợ kịp thời”.
Trong khi đó, ĐB Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) nhận định, nhiều địa phương đã trải thảm đỏ cho các tập đoàn, doanh nghiệp lớn về đầu tư. Tuy nhiên, các thủ tục đầu tư vẫn còn phức tạp và kéo dài.
Các văn bản hướng dẫn chưa thống nhất, gây nên sự lúng túng của các cơ quan chức năng trong thẩm định, xem xét, giải quyết. “Chúng ta đang “dọn tổ đón đại bàng” thì cũng nên “rắc thóc cho chào mào, chim sẻ” để có sự công bằng và tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp, phát huy nội lực của các doanh nghiệp trong nước”, ĐB Tùng nêu ý kiến.
Giải trình ý kiến các ĐB, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng thừa nhận để đón nhận làn sóng đầu tư mới, có “rất nhiều việc phải làm”, nhất là việc cải cách mạnh mẽ, thực chất hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, chuẩn bị tốt các điều kiện như về hạ tầng, đất đai, lao động, năng lượng, quy hoạch.
Hồ Duy Hải có oan hay không?Về vụ Hồ Duy Hải có oan hay không, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình, chủ tọa phiên giám đốc thẩm, cho biết: “Hải mô tả chính xác những đồ vật có tại đó, nếu không có mặt tại hiện trường thì không thể mô tả được, đặc biệt là phòng ngủ của nạn nhân Nguyễn Thị Ánh Hồng”.
Vết thương trên đỉnh đầu chị Hồng được pháp y khẳng định là “do tác động của vật cứng mặt phẳng”, phù hợp với lời khai của Hải rằng hung khí gây án là cái thớt. Về tài sản cướp được và nơi bán tài sản của được Hải khai phù hợp với các bằng chứng khác.
“Có một chi tiết rất đáng lưu ý, rất có giá trị chứng minh, là Hải khai lấy của cô Hồng 1 dây chuyền có mặt dây, của cô Vân không có mặt. Kết quả khám nghiệm hiện trường thì mặt dây chuyền của cô Vân có ở hiện trường, nằm trong ngực áo của cô Vân”, Chánh án nêu thêm.
Giải thích thêm về hung khí, ông Bình nêu: “mua dao, thớt, vật tương tự về để Hải và những người liên quan nhận diện xem có đúng là được sử dụng làm hung khí hay không. Khi để một loạt dao, Hải nhận diện đúng con dao dùng để gây án, dù khi khai thì lời khai không thống nhất”.
Ông Bình cũng nói thêm việc Hồ Duy Hải có 25 lời khai nhận tội, mà lời khai nhận tội đầu tiên là do Hải tự viết ra, chứ không phải là bản hỏi cung.
|
Uy tín của ngành tư pháp xuống thấp?Một cuộc tranh luận khác cũng không kém phần nóng bỏng là xung quanh các vụ án gây xôn xao dư luận như vụ Hồ Duy Hải (Long An), vụ ông Lương Hữu Phước (Bình Phước)… và cao hơn nữa là chất lượng của ngành tư pháp Việt Nam.
ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre), Phó trưởng ban Dân nguyện, cho biết đêm 14.6, ông nhận được rất nhiều tin nhắn, điện thoại của nhiều người, trong đó có cả lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước đã về hưu.
“Họ nói, chưa từng bao giờ thấy niềm tin tư pháp Việt Nam thấp như bây giờ. Họ nói thế này, đừng đi bào chữa. Những sai lầm của tố tụng, sai lầm tư pháp đừng đổ lỗi cho ĐBQH là làm rối”, ông Nhưỡng đặt vấn đề và đề nghị cần phải giám sát chặt chẽ hơn với công tác tư pháp, cần chuyên đề riêng về việc giải quyết các vụ án nghiêm trọng.
Trong khi đó, ĐB Nguyễn Văn Quyền (Cần Thơ), Chủ tịch Hội Luật gia, Ủy viên Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp T.Ư, thì cho rằng: “Hoạt động tư pháp thời gian qua, tuy có cái sai, có việc này việc kia làm chưa tốt nhưng đại thể trong mấy chục năm nay cải cách tư pháp, đến bây giờ tôi vẫn khẳng định nền tư pháp có thành tựu, góp phần cho ổn định trật tự xã hội”.
Giải trình trước QH, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định tổng kết các nghị quyết của Bộ Chính trị về công tác tư pháp đã khẳng định Việt Nam đã đạt được rất nhiều thành tựu quan trọng về cải cách tư pháp và xây dựng pháp luật.
|
Bình luận (0)