'Phép màu' xe đạp phong trào

22/01/2023 12:03 GMT+7

Thú chơi xe đạp phong trào nở rộ tạo không khí thể thao vui khỏe, tràn đầy niềm vui, sự hứng khởi. Thật diệu kỳ khi chúng tôi được mắt thấy, tai nghe chuyện những người chiến thắng được bệnh tật nhờ chơi môn thể thao này…

Một buổi sáng tinh mơ đầu xuân đẹp trời, chúng tôi có mặt tại khu đô thị Sala (Thành phố Thủ Đức), nhưng... "nó lạ lắm". Hằn sâu trong ký ức, khu Sala là nơi tôi thường hay lui tới cùng chúng bạn để tụ tập, đi dạo vào ban đêm vì ở đó vắng xe, yên tĩnh. Tuy nhiên, trong lần đầu tiên đặt chân đến nơi đây khi mặt trời vừa ló dạng, chúng tôi bị bất ngờ với khung cảnh trước mắt bởi nơi này y như một làng vận động viên vậy.

Phong trào đạp xe thể thao nở rộ ở TP.HCM và trên cả toàn quốc

DƯ HẢI

Hàng trăm người mặc đồ thể thao bó sát, mang giày đang chạy bộ. Nhiều người "ngầu" hơn khi đeo kính, đội mũ bảo hiểm, ngồi trên chiếc xe đạp hệt như cưỡi một con chiến mã, đôi chân đạp lia lịa với tư thế đầu cúi thấp đang xé gió lao về phía trước như một mũi tên. Nhìn thấy trang phục, thiết bị cùng những pha vào cua rất "ngọt" ở tốc độ cao, ít ai nghĩ rằng họ là những người chỉ đang đạp xe để... tập thể dục.

Bị ung thư, mổ tim bỗng khỏe re nhờ... đạp xe

Khi mặt trời vừa ló dạng cũng là lúc các “vận động viên” chuẩn bị hoàn tất buổi tập, dần di tản ra về để bắt đầu ngày làm việc mới, trả lại “sự bình yên” cho khu phố. Vợ chồng anh Nguyễn Ngọc Linh và chị Nguyễn Thị Lệ Thúy (cùng 57 tuổi, ngụ quận 1, TP.HCM) bước xuống, dựng chiếc xe đạp một cách cẩn thận rồi đi về hướng của chúng tôi với âm thanh lộp cộp phát ra từ những đôi giày đinh chuyên dụng cho xe đạp mà họ đang mang.

Anh Ngọc Linh cùng bà xã Lệ Thúy tìm thấy niềm vui khi chơi xe đạp và cả chiến thắng bệnh tật

DƯ HẢI

Nhìn vợ chồng anh Linh, chị Thúy chẳng khác gì những tay đua xe đạp chuyên nghiệp mà mọi người thường theo dõi trên tivi đâu chứ. Với thần thái tự tin, anh Linh đi tới và nói tỉnh queo: "Sáng nay đạp gần 60 km rồi đó". Nhìn dáng vóc khỏe mạnh và sắc mặt tươi tỉnh của anh Linh, không thể tin nổi anh là một người mắc bệnh ung thư và từng trải qua 8 lần hóa trị.

Không có một chút kiêng dè nào, anh Linh nhắc đến căn bệnh mang trong người một cách dõng dạc: "Tôi bị ung thư đại tràng. Người ta cắt hết 1/3 khúc ruột của tôi rồi. Sau đó, tôi vô thuốc thêm 8 lần nữa”. Hỏi tường tận hơn mới biết, anh Linh từng phát hiện mình bị mắc bệnh ung thư vào năm 2016. Sau đó, anh lên bàn phẫu thuật vào tháng 8.2016. 1 tháng sau khi phẫu thuật, anh Linh bắt đầu quá trình hóa trị và đây cũng chính là cơ duyên đưa người đàn ông 57 tuổi này đến với đạp xe.

Chị Ngọc Thúy đam mê xe đạp phong trào, luôn đồng hành với chồng ra đường tập mỗi sáng

DƯ HẢI

Anh Linh nhớ lại: "Theo phác đồ điều trị, tôi phải vô thuốc 8 lần, 3 tuần/1 lần. Trong những lần đầu vô thuốc, tôi cảm thấy rất mệt mỏi và nằm li bì ở nhà, tinh thần cũng suy sụp lắm. Thấy vậy, bà xã khuyên tôi nên đi ra ngoài để vận động cho khỏe người, nhìn có sức sống. Và sau khi vô thuốc lần thứ 2 thì tôi mua xe để đạp".

Ngồi bên cạnh nghe anh Linh kể chuyện, chị Lệ Thúy cười rồi tiếp lời chồng: "Lúc phát hiện, bệnh anh Linh đã ở giai đoạn 3. Trong gia đình cũng nghĩ là tiêu rồi. Tôi mới nghĩ trong đầu không lẽ mình góa chồng sớm vậy sao. Sau khi hóa trị mấy lần đầu, nhìn ảnh như một cái xác biết đi vậy, móng tay thì đen, chân thì lột da".

Anh Linh kể tiếp: "Mới đầu, tôi chỉ đạp ở quanh bờ kè, tập thể dục cho cơ thể cứng cáp hơn. Với người bị ung thư, trước khi vô thuốc phải kiểm tra sức khỏe, nếu đủ sức khỏe mới cho vô. Từ đó, tôi mới đạp xe cho cơ thể được vận động, để mình ăn được và đủ sức khỏe để vô thuốc ở những lần tiếp theo. Tôi đạp nhiều thấy sức khỏe tốt hẳn lên, rồi đâm ra ghiền khi nào không biết. Hiện tại, tôi lắng nghe cơ thể và thấy rất ổn. Kết quả tái khám đều mang lại các chỉ số lạc quan".

Anh Quốc Cường tăng cân, hết bệnh tim nhờ đạp xe mỗi ngày

DƯ HẢI

Cùng nhóm với anh Linh, anh Quốc Cường (56 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) có hơn 10 năm đạp xe. Từ chỗ đạp xe với mục đích cải thiện sức khỏe sau ca phẫu thuật tim, anh Cường giờ đây cảm thấy bứt rứt trong người nếu ngày nào không được ra đường cùng "chiến mã" của mình: "Tôi phát hiện mình bị hẹp mạch vành tim và phải mổ hở bắc cầu vào năm 2008. Tới năm 2011, tôi tình cờ thấy nhiều người đạp xe vui quá nên cũng mua xe đạp thử vì thấy nó vừa sức mình. Ban đầu, tôi cứ đạp nhẹ nhàng thôi, cảm nhận sức mình tới đâu thì mình đạp chừng đó".

"Khi mới mổ xong, người tôi y như cọng bún vậy đó, còn có 58 kg. Sau khi mình đạp xe nhiều, thấy cơ thể khỏe hẳn lên, săn chắc và ăn ngủ được nên lên 66 kg. Mỗi tháng, tôi cũng đi gặp bác sĩ là giám đốc bệnh viện tim ngày xưa từng mổ cho mình để tái khám. Bác sĩ nói tim mạch huyết áp của tôi đều rất ổn. Từ đó, tôi mới nâng cấp xe lên, đạp nhanh hơn và nhiều hơn. Đến nay, tôi đã thử đạp từ Sài Gòn đi Vũng Tàu được 2 lần rồi ", anh Cường phấn khởi khoe.

Kết nối đam mê

Trò chuyện với anh Linh, chị Thúy và anh Cường, chúng tôi không có cảm giác rằng chủ đề đang nhắc đến là những căn bệnh hiểm nghèo mà chính bản thân họ đã và đang mang trong mình. Họ cười đùa, trao đổi hệt như một nhóm bạn thân đang xúm lại để "tám" với nhau nhiều chuyện trên trời dưới đất. Điều này đến từ một cơ thể khỏe mạnh, từ sự lạc quan, thoải mái trong tinh thần mà theo họ là nhờ lợi ích của đạp xe. Đối với họ, đạp xe lúc này đã không đơn giản chỉ để tập thể dục nâng cao sức khỏe mà còn là đam mê đã ăn sâu vào máu của mỗi người. Và đam mê là để kết nối, đạp xe chính là sợi dây vô hình đưa nhiều người lại gần với nhau hơn, gắn kết chính những thành viên trong gia đình, xã hội.

Hội chị em phụ nữ kết nối đam mê đạp xe mỗi sáng

dư hải

Anh Linh cầm trên tay chiếc điện thoại, mở một ứng dụng đã lưu lại quãng đường đi của tất cả thành viên trong nhóm, tự hào khoe với chúng tôi về chiến tích của bản thân và bà xã. 2 vợ chồng anh Linh là những người xếp ở top đầu. Anh Linh chia sẻ: "Mỗi ngày tôi đạp khoảng 50 km, tốc độ trung bình khoảng 30 km/h. Sáng nào cũng vậy, tầm 4 giờ 30 sáng là xách xe ra đạp, khoảng 6 giờ về. Tôi không nghỉ ngày nào, lễ hay tết gì cũng đạp, chỉ có mưa, đường trơn thì mới nghỉ thôi. Tuy nhiên, ngày nào nghỉ là tôi cảm thấy khó chịu trong người lắm, không đạp xe là ăn sáng không ngon".

Bên cạnh đó, anh Linh còn tiết lộ một điều thú vị rằng chính anh đã đưa vợ đến với đạp xe. "Sau khi đạp được 1 năm, tôi rủ vợ đi đạp chung. Mới đầu, vợ không chịu nhưng sau khi đạp thử mấy bữa cũng ghiền và giờ làm "bà trùm" ngoài khu Sala luôn. Giờ đi đâu là 2 vợ chồng đi chung", anh Linh nói. Chị Lệ Thúy cũng xác nhận: "Ban đầu, chồng rủ thì tôi không muốn. Tôi thường tập thể dục bên bờ kè, có mấy dụng cụ sẵn đó, nhưng ảnh cứ cằn nhằn hoài, nên tôi cũng mua xe về đi thử. Tôi đạp ngày thứ nhất, ngày thứ nhì, qua ngày thứ ba là mê và đạp tới giờ, bỏ bạn bỏ bè tập thể dục ở bờ kè luôn. Bây giờ tôi còn mê đạp xe hơn chồng mình nữa".

Trong khi đó, anh Quốc Cường thổ lộ ngoài lợi ích rõ rệt về mặt sức khỏe, tinh thần, đạp xe còn khiến bản thân trở nên hoạt bát, hòa đồng hơn. "Đạp xe giúp tôi được giao lưu với nhiều người trong xã hội dù trước đó không quen biết, không kể già, trẻ, sang, hèn gì hết, ai cũng có thể nói chuyện chung với nhau. Cứ đạp xe ngoài đường, người nào đạp cùng với mình vài buổi thì quen biết", anh Cường nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.