Phim chiếu mạng 'làm khó' nhà quản lý

Ngọc An
Ngọc An
24/08/2019 06:20 GMT+7

Luật Điện ảnh được ban hành năm 2006, luật Điện ảnh sửa đổi vào năm 2009 đến nay đang cho thấy nhiều bất cập.

Những vấn đề về việc nhà nước đặt hàng phim, quản lý phim trên mạng, lập quỹ điện ảnh... đã được đưa ra trong hội nghị lấy ý kiến góp ý đề nghị xây dựng luật Điện ảnh (sửa đổi) diễn ra hôm qua tại Hà Nội.

Áp lực với phim trên mạng

Bà Ngô Phương Lan, nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến và phát triển điện ảnh VN, cho rằng luật cần được điều chỉnh để phù hợp với việc phát triển điện ảnh trong thời đại số. “Nếu chỉ sửa từng khoản trong luật thì không kịp với sự phát triển của điện ảnh, bởi điện ảnh trong nước không còn “cái ruột” của hơn 10 năm trước nữa”, bà Lan nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Thành Chung, Phó cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT-TT), cho hay mỗi năm có khoảng 300 - 400 bộ phim được trình chiếu, và khoảng 6.000 - 7.000 tập phim, bộ phim được phát trên truyền hình. “Nếu đáp ứng được việc chiếu trên mạng, mỗi năm có khoảng hàng chục nghìn tập phim, bộ phim được chiếu. Điều này là một áp lực với cơ quan quản lý trong công tác hậu kiểm. Bởi ngay như việc kiểm soát độ tuổi người xem trên mạng cũng khó khăn hơn so với ngoài rạp chiếu”, ông Chung nói. Tuy nhiên, theo ông Chung, cần phải nhìn nhận việc chiếu phim trên mạng không còn là xu thế nữa mà đang là thực tế. Ngoài ra, cũng cần nhìn nhận kinh doanh phim chiếu trên mạng mang lại nguồn lợi kinh tế lớn và không thể tách rời khỏi ngành công nghiệp điện ảnh. “Chúng ta cần nghiên cứu có chính sách khuyến khích để việc làm phim trên mạng phát triển nhưng cũng lại phải có chính sách quản lý, chẳng hạn như người đưa phim lên mạng phải có công cụ để giúp phụ huynh quản lý con em mình”, ông Chung nói.
Bà Ngô Phương Lan nhìn nhận, trong dự thảo luật Điện ảnh (sửa đổi), để hết trách nhiệm thẩm định phim phổ biến trên mạng cho Bộ TT-TT là chưa hợp lý. Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Tạ Quang Đông cũng thừa nhận, không chỉ phim mà nhiều sản phẩm của nghệ thuật biểu diễn đưa lên mạng cũng đang “làm khó” nhà quản lý. “Những quy định phải đưa ra chi tiết, phù hợp với thực tế và cần có sự phối hợp của nhiều cơ quan quản lý”, ông Đông nói.

Bỏ đấu thầu phim

Dự thảo đã bỏ quy định đấu thầu phim, tuy nhiên vẫn còn thiếu những quy định cụ thể để làm sao nhà nước đặt hàng làm phim có hiệu quả.
Theo bà Ngô Phương Lan, cần thay đổi cách thức đặt hàng. Bà Lan cho rằng, thay vì đặt hàng bằng khâu duyệt kịch bản văn học, duyệt tổng dự toán phim rồi cấp tiền sản xuất, nhà nước có thể tài trợ cho từng khâu trong một dự án phim như kịch bản, tiền kỳ, hoặc tất cả các khâu nhưng theo quy định cụ thể. Ngoài ra, bà Lan đưa ý kiến, nên khuyến khích các thành phần kinh tế, các nguồn vốn xã hội sản xuất những bộ phim theo mục tiêu nhà nước đặt ra, hoặc những dòng phim khó như phim lịch sử...; bù lại, nhà nước có cơ chế, chính sách ưu đãi cho các nhà sản xuất phim này.
Hơn 10 năm chưa có nổi quỹ điện ảnh Hiện nay, có khoảng dưới 50 doanh nghiệp (DN) VN làm công việc sản xuất phim, trong đó chưa có đến 15 DN sản xuất từ 2 bộ phim trở lên. Thị phần rạp chiếu phim tại VN cũng do các DN nước ngoài thu nắm phần lớn, nhiều nhất là CGV với 43%, Lotte với 20%, còn lại là BHD, Galaxy... Trong khi đó, tại nhiều quốc gia trong khu vực, tỷ lệ thị phần rạp chiếu phim nội địa chiếm đa số, Indonesia là 70%, Thái Lan là 80%.
Theo bà Ngô Thị Bích Hạnh (Phó tổng giám đốc BHD), nhà nước chưa có chính sách điều tiết về công nghiệp điện ảnh mới có chính sách về nội dung điện ảnh. “Nhà nước cần có những chính sách ưu đãi, chẳng hạn như vốn vay, hay thuế với những DN kinh doanh điện ảnh”, bà Hạnh bày tỏ.
Theo luật Điện ảnh 2006, có quy định về việc thành lập quỹ điện ảnh. Tuy nhiên sau hơn 10 năm, đến giờ vẫn chưa có quỹ điện ảnh của nhà nước hoặc tư nhân. Bà Ngô Phương Lan nhìn nhận, bên cạnh nguồn vốn lập quỹ thì hoạt động quỹ phải như thế nào cho hiệu quả. Theo ông Tạ Quang Đông, việc lập quỹ điện ảnh đang có nhiều cái vướng. “Chúng tôi rất muốn lập quỹ nhưng quy chế hiện nay của các bộ, ban, ngành có nhiều văn bản về việc huy động, quản lý quỹ với nội dung khác nhau nên rất khó thực hiện”, ông Đông nói.
Trẻ em dưới 16 tuổi không được quay cảnh nhạy cảm về tình dục
Trong dự thảo luật Điện ảnh (sửa đổi) có quy định liên quan đến sử dụng lao động trẻ em dưới 16 tuổi tham gia các bộ phim hoặc các cảnh quay nhạy cảm về tình dục, bạo lực, sử dụng các chất kích thích. Ông Hoàng Minh Thái, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ VH-TT-DL), lý giải quy định này vẫn cho phép trẻ em dưới 16 tuổi được đóng phim, chỉ không được tham gia các cảnh quay nhạy cảm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.