Phóng hỏa giết người yêu vì ghen tuông: Tình yêu thời nay sao mà man rợ quá

09/12/2022 09:15 GMT+7

Báo Thanh Niên đã đưa tin về vụ việc một nam thanh niên do ghen tuông đã dùng xăng phóng hỏa khiến người yêu tử vong. Câu chuyện trên khiến nhiều người ngán ngẩm: “Tình yêu thời nay sao mà man rợ quá”.

Ngày 8.12, Công an Q.12, TP.HCM đang phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương làm rõ vụ 1 người chết, một người bị thương nặng trong vụ cháy phòng trọ diễn ra trên địa bàn, Người tử vong là chị D.T.H. (22 tuổi, quê Bình Phước). Còn anh D.T.X. (30 tuổi) bị bỏng nặng, sốc bỏng và bỏng hô hấp, hiện đang cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy với thương tích bỏng 98%, tiên lượng xấu. Nghi phạm trong vụ việc này là nam thanh niên T.D.T. (28 tuổi, quê Cà Mau) khai nhận động cơ gây án là do ghen tuông.

Theo khai báo, T. và chị H. yêu nhau và từng sống chung tại căn phòng trọ xảy ra vụ cháy. Và gần đây do xảy ra mâu thuẫn nên T. đã dọn ra ngoài sống. Biết chị H. có mối quan hệ tình cảm với anh X. nên T. nảy sinh ý định phóng hỏa. Tối 7.12, khi chị H. không có ở nhà, T. mua xăng lẻn vào phòng trọ núp, chờ thời cơ gây án. Khi chị H. và anh X. về phòng trọ, đã ngủ say, nghi phạm tưới xăng phóng hỏa. Do không tẩu thoát kịp, nghi phạm trốn trên nóc nhà đến khi bị bắt giữ.

Hiện trường vụ cháy phòng trọ ở Q.12 làm 1 người chết:

C.T.V

Tình yêu thời nay sao mà phức tạp, đáng sợ?

Vụ việc đã khiến dư luận phẫn nộ vì hành vi man rợ, mất nhân tính mà T. đã gây ra với người mình từng yêu thương. Từ đó, nhiều người tỏ ra ngán ngẩm, lo sợ vì chuyện yêu đương ngày nay quá phức tạp.

Nguyễn Thị Cẩm Tiên, 25 tuổi, làm việc tại 35 Lê Thánh Tôn, P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM bày tỏ: “Thông tin trên làm mình mất hết niềm tin vào tình yêu, tại sao chỉ vì sự ghen tuông, đố kỵ mà họ lại nhẫn tâm cướp đi tính mạng của một con người. Đây là sự là một hành động thiếu suy nghĩ và tôi cũng không hiểu được sau khi gây án thì nhân vật T. sẽ được gì hay chỉ là một sự hối hận muộn màng, tiếc nuối cho tương lai phía trước. Và liệu rằng gia đình của cả hung thủ và bị hại sẽ đối mặt với nỗi đau này như thế nào”.

Cảm thấy chán nản và sợ hãi khi nghe được thông tin trên, Vũ Thúy Quỳnh, sinh viên Trường ĐH Văn Lang cho biết hiện tại cô “ngại yêu” vì sợ gặp phải thành phần tiêu cực. Quỳnh cho biết nếu đã không còn tình cảm thì nên ngồi lại nói chuyện, chia sẻ và giải quyết trong êm đẹp. Nữ sinh viên cho biết đôi khi một người hết yêu nhưng người còn lại vẫn chưa thể cam tâm sẽ dẫn đến trạng thái u uất, khó kiểm soát lời nói và hành động.

“Bản thân mình cũng từng bị bỏ rơi trong khi vẫn còn rất nhiều tình cảm với người yêu. Tuy nhiên, thay vì tiêu cực tìm cách chống phá người yêu cũ thì mình học cách chấp nhận, tự chữa lành bản thân và chăm chỉ làm việc để lấp đầy những khoảng trống trong tâm hồn. Suy cho cùng thời gian sẽ chữa lành tất cả và ai rồi cũng sẽ tìm được cho mình người phù hợp nên đừng bao giờ chọn cách hành xử tiêu cực, gây ra những hậu quả đáng tiếc về sau”, Thúy Quỳnh chia sẻ.

Từng là nạn nhân của bạo lực gia đình, chị N.T.N.B. (34 tuổi, quê ở huyện Phong Điền, TP.Cần Thơ) cho biết: “Thời gian quen nhau chồng tôi không có biểu hiện gì của bạo lực, tuy nhiên sau khi về sống chung thì anh hay cộc tính, thường xuyên đánh đập vợ. Thời gian đầu chỉ là những cái bạt tai nhưng càng về sau anh không thương tiếc mà đánh tôi như kẻ thù. Ngay cả lúc tôi mang thai đứa con đầu lòng anh vẫn vô tâm mà hành hạ. Thời gian đầu tôi cứ nghĩ rằng do áp lực cuộc sống, anh phải lao động vất vả để vun vén gia đình nên mới không kìm chế được bản thân. Tuy nhiên, tần suất anh hành hung tôi ngày càng nhiều nên tôi đã quyết định ẵm con trai đi trốn”, chị B. chia sẻ.

Thời gian đó chị B. cùng con trai mới 2 tuổi trốn lên TP.HCM để thoát khỏi cảnh bị “Thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”. Những tưởng không có vợ con bên cạnh chồng chị B. sẽ có thời gian suy ngẫm về việc làm sai trái của bản thân nhưng điều chị B. mong muốn đã không xảy ra khi anh này thường xuyên gọi điện dọa giết nếu như không mang con về. Theo lời chị B. kể, sau vài tháng trốn ở nhà người quen, chồng chị đã tìm đến để bắt con trai về quê cho ông bà nội nuôi dưỡng, còn người phụ nữ đáng thương này vì không chịu nổi cảnh bị bạo hành mà chấp nhận phải “đứt ruột” xa con. Đã 12 năm trôi qua, hiện tại chị B. và chồng cũ đều đã có gia đình mới, tuy nhiên nỗi ám ảnh từng bị bạo hành trong quá khứ vẫn đeo bám chị trong tiềm thức.

“Là phụ nữ tôi khuyên các bạn nữ hãy thật sự tỉnh táo, tìm hiểu kỹ người bạn trai của mình từ những ngày đầu để không phải rơi vào trường hợp như tôi, nó đau đớn lắm”, chị B. nhắn nhủ.

Học cách chia tay văn minh, êm đẹp

Chuyên viên tâm lý Đào Lê Tâm An, nghiên cứu sinh ngành tâm lý học (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) cho biết bạo lực không chỉ là tác động về mặt vật lý mà còn là những lời nói tổn thương về mặt tinh thần. Để giảm bớt nguy cơ bạo hành thể chất và tinh thần sau chia tay cả hai nên có ý thức chia tay có văn hóa, lịch sự và tôn trọng lẫn nhau. Cùng nhau trao đổi, nói chuyện thẳng thắn để cùng giải quyết những khúc mắc và dành thời gian để cả hai chấp nhận sự kết thúc của mối quan hệ. Không nên trốn tránh trong việc giải quyết các vấn đề tồn đọng, đổ lỗi cho đối phương cũng như hạn chế bắt đầu một mối quan hệ mới khi chưa thật sự giải quyết những vấn đề còn sót lại.

Người trẻ cần cân nhắc, tìm hiểu kỹ về người yêu của mình để không phải rơi vào cảnh bị bạo lực, đe dọa ảnh hưởng đến sức khỏe và cả tính mạng.

ẢNH MINH HỌA: NGUYỄN THANH VŨ

Theo chuyên viên Tâm An một trong những dấu hiệu dễ nhận biết nhất của một người bạo lực trong tình yêu là việc kiểm soát ghen tuông thái quá. Đối phương có thể yêu cầu cung cấp mật khẩu các tài khoản xã hội, định vị… đi đâu làm gì cũng phải khai báo và xin ý kiến của họ.

Ông An cho biết thêm khi bị đe dọa và có dấu hiệu mất an toàn về mặt thân thể và tinh thần thì cần phát ra những tín hiệu cầu cứu đến bạn bè, gia đình, hoặc cơ quan chức năng. Đặc biệt, nên lưu ý các tín hiệu cầu cứu phải được đảm bảo về địa điểm, thời gian và bằng chứng mô tả lại hành vi bạo lực, ví dụ như ảnh chụp màn hình tin nhắn đe dọa, bản ghi âm để làm bằng chứng trước cơ quan chức năng

“Đối với những người có tư tưởng bạo lực, ghen tuông thì không nên bày tỏ thái độ chống đối, phản kháng trước mặt họ thay vào đó là hãy tạo ra cảm giác thấu hiểu, thỏa hiệp. Khi đối phương đã bình tĩnh lại thì chúng ta cần tìm cách rời khỏi khu vực nguy hiểm, đến những nơi đảm bảo an toàn và phát đi tín hiệu cầu cứu đến bạn bè, gia đình. Trong thời gian này phải hết sức cẩn thận để ý xem bản thân có đang bị theo dõi, có tin nhắn đe dọa hay không… nếu có, thì hãy tìm đến những cơ quan chức năng để được sự bảo vệ”, chuyên viên Tâm An lưu ý.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.