Trao đổi với Thanh Niên ngày 11.12, trung tướng Tô Văn Huệ, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06 - Bộ Công an), cho biết việc cấp đổi căn cước công dân (CCCD) gắn chip đang bước vào giai đoạn 2 với mục tiêu cấp đổi 30 triệu thẻ. Cùng với 50 triệu thẻ đã cấp giai đoạn 1, thì giai đoạn 2 đến thời điểm này công an toàn quốc thu nhận thêm hơn 12 triệu hồ sơ. “Chúng tôi phấn đấu sang đầu năm tới toàn bộ công dân đủ điều kiện sẽ được cấp CCCD gắn chip”, tướng Huệ nói.
Công an Q.3, TP.HCM làm thủ tục cấp CCCD gắn chip cho công dân ngày 11.12.2021. Để đẩy nhanh tiến độ, việc làm thủ tục được tiến hành từ 6 - 22 giờ hằng ngày |
Đào Ngọc Thạch |
Trước đó đầu năm 2021, cùng với việc triển khai dự án sản xuất, cấp và quản lý CCCD gắn chip, Bộ Công an đặt ra mục tiêu cấp 50 triệu thẻ và đẩy lên thành cấp độ “chiến dịch” trên toàn quốc. Do dịch bệnh Covid-19, nhiều địa phương áp dụng biện pháp giãn cách xã hội, cùng với đó là việc nhập khẩu con chip điện tử bị gián đoạn, đã ảnh hưởng đến tiến độ thu nhận hồ sơ công dân tại các địa phương cũng như việc in ấn, cấp phát thẻ. Mặc dù vậy, đến ngày 28.10, C06 đã tổ chức lễ trao thẻ CCCD gắn chip thứ 50 triệu cho một công dân tại Hà Nội, đánh dấu hoàn thành một trong những mục tiêu lớn của Bộ Công an trong năm 2021.
Vì sao chậm nhận được thẻ?
Đối với mục tiêu cấp đổi 30 triệu thẻ CCCD gắn chip trong giai đoạn 2, thượng tá Vũ Văn Tấn, Giám đốc Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư (thuộc C06 - Bộ Công an), cho biết Bộ Công an dự kiến sẽ hoàn thành vào quý 1/2022. Hiện nay, dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng công an các địa phương vẫn triển khai thu nhận hồ sơ bình thường, nhiều nơi còn làm thêm ngoài giờ, đến tận khu dân cư để hỗ trợ người dân...
Công an Q.3, TP.HCM làm thủ tục cấp căn cước công dân gắn chip cho người dân, ngày 11.12.2021 |
ĐÀO NGỌC THẠCH |
Việc cấp đổi thẻ CCCD gắn chip được đánh giá là khẩn trương và tích cực, nhưng bên cạnh đó còn có không ít trường hợp người dân phải chờ rất lâu, thậm chí nhiều tháng mới nhận được thẻ. Trả lời về vấn đề này, thượng tá Vũ Văn Tấn cho biết có 3 nguyên nhân.
“Trong quá trình thực hiện thủ tục, thu thập dữ liệu thì thông tin do người dân cung cấp sai, ví dụ họ cấp đổi lại nhưng khai là cấp mới. Thứ hai, việc mô tả đặc điểm nhận dạng bị lỗi chính tả, lỗi này thuộc cán bộ thu thập dữ liệu. Thứ ba là do quá trình vận chuyển của nhà thầu bàn giao thẻ đến tỉnh, huyện và giao cho người dân có trục trặc vì giãn cách thời gian qua. Cả 3 vấn đề này đều được C06 nhìn nhận rà soát rất nghiêm túc. Chúng tôi đã lập ra các kênh trên mạng xã hội để thu nhận ý kiến của người dân và tìm giải pháp khắc phục”, thượng tá Vũ Văn Tấn nói, đồng thời cho biết đến thời điểm này các trường hợp bị chậm trả thẻ CCCD gắn chip có tỷ lệ rất nhỏ, chủ yếu là do sai sót về lỗi chính tả, nhận dạng. Các trường hợp này phải trả lại về cơ sở để thu thập, chỉnh sửa lại mới tiếp tục cấp.
“Trong câu chuyện chậm trễ trả kết quả, chúng tôi mong muốn nhận được sự cảm thông, chia sẻ của người dân ở một số khía cạnh. Thứ nhất, trong thời gian qua, lực lượng công an đã nỗ lực, chủ động lấy thông tin từ người dân để cấp thẻ CCCD gắn chip. Thứ hai, theo quy định pháp luật, thẻ CCCD cũ còn hạn thì người dân vẫn sử dụng bình thường, đồng thời Bộ Công an cũng đã cấp 100% mã số định danh cho công dân để khi cần họ có thể giao dịch như bình thường”, thượng tá Tấn nói thêm.
Đến thời điểm hiện tại, toàn TP.Hà Nội đã đạt hơn 90% chỉ tiêu cấp CCCD gắn chip. Nói về nguyên nhân chậm nhận được thẻ, hoặc thẻ bị sai thông tin, đại tá Ngô Duy Thắng, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06 - Công an TP.Hà Nội), cho biết thời điểm mới triển khai, lực lượng tiếp nhận hồ sơ của người dân bằng cách đối chiếu qua giấy tờ tùy thân, chưa kết nối với cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư; hoặc nhiều người khai thông tin sai, nên khi gửi hồ sơ lên trên thì bị trả lại (vì đối chiếu không có thông tin trong CSDL). Ngoài ra, cũng có trường hợp lực lượng chức năng nhập bị lỗi trong quá trình đánh máy, do phần mềm, kỹ thuật… dẫn đến hồ sơ sai.
Theo đại tá Ngô Duy Thắng, phần lớn các trường hợp bị lỗi đều được phát hiện và trả hồ sơ, sau đó mời công dân lên để hướng dẫn, tiếp nhận lại. Có công dân phối hợp, nhưng có công dân thì lại báo bận, không có mặt tại nhà hoặc không nhận được thông báo, dẫn tới việc chậm nhận CCCD, hoặc không biết và cứ chờ CCCD.
Khi nào người dân thụ hưởng trọn vẹn tiện ích?
Hệ thống CSDL quốc gia về dân cư và dự án sản xuất, cấp và quản lý CCCD gắn chip, do Bộ Công an chủ trì vận hành, là 2 dự án lớn về công nghệ số cấp quốc gia được đánh giá có những tác động lớn, tích cực đến tình hình kinh tế - xã hội và mang lại nhiều tiện ích cho người dân.
Thượng tá Vũ Văn Tấn cho biết đến thời điểm này Bộ Công an đã sẵn sàng về kỹ thuật, dữ liệu để liên thông, chia sẻ với các bộ, ngành, lĩnh vực; và nếu được Chính phủ phê duyệt thì ngay trong năm 2022, người dân hoàn toàn có thể hưởng lợi các tiện ích từ thẻ CCCD gắn chip.
Việc chia sẻ dữ liệu này một mặt giúp tiết kiệm ngân sách cho nhà nước khi các bộ, ngành không phải xây dựng các CSDL riêng, mặt khác tạo ra tính thống nhất, đồng bộ về dữ liệu trên toàn quốc. Đáng chú ý, kho dữ liệu dùng chung này đã được Bộ Công an thu thập đầy đủ nên người dân sẽ không phải khai báo nhiều lần mỗi khi đến các cơ quan, đơn vị để thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự… Khi toàn dân đã được cấp thẻ CCCD gắn chip, để thực hiện các giao dịch hay thủ tục hành chính, công dân chỉ cần mang theo CCCD gắn chip để thay thế các loại giấy tờ như trước đây.
“Theo dự kiến, trong quý 1 năm tới, Bộ Công an sẽ liên thông dữ liệu công dân với ngành giáo dục. Thông tin về học sinh, sinh viên, giáo viên sẽ quy tụ về một đầu mối để quản lý cũng như hoạch định chính sách. Đối với các em học sinh khi thi đại học, chỉ cần có thẻ CCCD đã tích hợp số báo danh, không cần phải khai báo thêm các thủ tục rườm rà, đồng thời chống được tình trạng thi giả”, thượng tá Vũ Văn Tấn cho hay.
Tương tự, dự án dữ liệu quốc gia về dân cư cũng dự kiến được chia sẻ kết nối dữ liệu với ngành thuế, BHYT, BHXH… Theo đó, các thông tin về công dân chỉ thu thập một lần. Khi giao dịch, công dân chỉ cần mang theo thẻ CCCD gắn chip để thực hiện giao dịch, bởi thẻ này đã được tích hợp thông tin về mã số thuế, mã số thẻ bảo hiểm.
“Người dân không cần mang nhiều loại giấy tờ, không cần phải nhiều lần kê khai, bởi thẻ CCCD gắn chip là chìa khóa để cán bộ ngành truy cập xác nhận các thông tin về công dân trên hệ thống”, thượng tá Vũ Văn Tấn nói thêm.
Không thu phí khi chỉnh sửa sai sót trên thẻ
An Giang là tỉnh có dân số đông nhất khu vực miền Tây với hơn 1,9 triệu người và đứng thứ 8 trong cả nước. Qua triển khai làm CCCD gắn chip cũng đã phát sinh bất cập như việc cấp phát thẻ còn chậm so với giấy hẹn, thông tin CCCD gắn chip bị sai sót so với giấy CMND (cũ) gây phiền hà cho người dân trong các giao dịch dân sự.
Mới đây, tại kỳ họp HĐND tỉnh An Giang, ông Lê Tuấn Khanh, Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh An Giang, phản ánh tình trạng việc cơ quan chức năng cấp CCCD gắn chip sai sót đã gây khó khăn cho công dân bị cấp sai. Nguyên nhân, có lỗi do quá trình thực hiện nhiệm vụ cấp CCCD gắn chip dẫn đến sai sót.
Đại tá Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công an tỉnh An Giang, nói: “Đối với việc làm CCCD sai thì lực lượng công an phải hướng dẫn cho người dân làm lại và không thu phí. Bởi việc làm sai là do lỗi kỹ thuật hoặc do cán bộ làm sai và một số nguyên nhân khác. Khi người dân đến làm CCCD đã nộp phí rồi mà làm sai, rồi buộc người dân đóng phí nữa, theo tôi là chưa đúng. Nếu người dân có phản ánh thì công an tỉnh sẽ thông báo, hướng dẫn để kiểm tra lại, nếu phát sinh thì công an sẽ tiến hành kiểm điểm cán bộ mắc sai sót và tiến hành hướng dẫn người dân làm CCCD lại đảm bảo đúng theo quy định”.
Bình luận (0)