Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 23.9: Nỗi lo từ tình trạng tập trung đông người

23/09/2021 19:30 GMT+7

Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay của Báo Thanh Niên trực tiếp lúc 20 giờ ngày 23.9.2021 tại địa chỉ thanhnien.vn, YouTube, Facebook của Báo Thanh Niên , trang Báo Thanh Niên trên 2 mạng xã hội Lotus và TikTok.

Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 23.9 của Báo Thanh Niên gồm có những nội dung sau:  

Cả nước ghi nhận 9.472 ca Covid-19 mới, 6.226 ca khỏi bệnh

Bản tin Bộ Y tế tối 23.9 cho biết tính từ 17 giờ ngày 22.9 đến 17 giờ ngày 23.9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 9.472 ca nhiễm mới, 6.226 ca khỏi bệnh.
Trong ngày, tổng hợp số liệu tử vong do các Sở Y tế công bố trên cdc.kcb.vn ghi nhận 236 ca tử vong tại 10 tỉnh, thành phố nâng tổng số bệnh nhân Covid-19 tử vong lên 18.017 ca.

Ngày 23.9: Cả nước 9.472 ca Covid-19, 6.226 ca khỏi | TP.HCM 5.052 ca

Thông tin về 9.472 ca nhiễm mới được công bố trong ngày 23.9 như sau:
- 7 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
- 9.465 ca ghi nhận trong nước (giảm 2.060 ca so với ngày trước đó) tại 33 tỉnh, thành phố (có 5.344 ca trong cộng đồng). Gồm: TP.HCM (5.052), Bình Dương (2.764), Đồng Nai (760), Long An (190), Kiên Giang (163), An Giang (109), Tây Ninh (86), Tiền Giang (67), Cần Thơ (53), Đắk Nông (33), Đắk Lắk (25), Khánh Hòa (20), Quảng Bình (20), Đồng Tháp (19), Hà Nam (14), Ninh Thuận (9), Thừa Thiên - Huế (9), Bình Định (9), Bình Phước (8 ), Bạc Liêu (7), Cà Mau (7), Bình Thuận (7), Phú Yên (6), Quảng Nam (5), Hà Nội (5), Quảng Ngãi (4), Bà Rịa - Vũng Tàu (3), Đà Nẵng (3), Gia Lai (2), Trà Vinh (2), Quảng Trị (2), Hải Dương (1), Thanh Hóa (1).
- Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Bình Dương (giảm 1.415), TP.HCM (giảm 383), Đồng Nai (giảm 170).
- Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Tây Ninh (38), Kiên Giang (26), Đắk Lắk (25).
- Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 10.319 ca/ngày.
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 728.435 ca nhiễm, đứng thứ 46/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 155/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 7.402 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27.4.2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 723.962 ca, trong đó có 488.309 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Có 16/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hòa Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Phú Thọ, Ninh Bình, Nam Định, Bắc Giang, Thái Bình, Lạng Sơn.
+ Có 5 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Quảng Ninh, Lào Cai, Hà Tĩnh, Kon Tum, Hải Dương.
+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (358.707), Bình Dương (190.257), Đồng Nai (43.122), Long An (31.231), Tiền Giang (13.531).
- Tổng số ca được điều trị khỏi:  493.488
Theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 4.696 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 2.964
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 798
- Thở máy không xâm lấn: 178
- Thở máy xâm lấn: 725
ECMO: 31

Ngày 23.9: Thông báo 236 ca Covid-19 tử vong tại 10 tỉnh thành

Trong ngày, tổng hợp số liệu tử vong do các Sở Y tế công bố trên cdc.kcb.vn ghi nhận 236 ca tử vong tại 10 tỉnh, thành phố. Gồm: TP.HCM (175), Bình Dương (37), Long An (7), Đồng Nai (6), Bà Rịa - Vũng Tàu (3), Bình Thuận (2), Tây Ninh (2), Tiền Giang (1), Hà Nội (2), Bình Định (1).
- Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 227 ca.
- Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 18.017 ca, chiếm tỉ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn so với tỉ lệ tử vong 2,1% trên thế giới.
- Trong 24 giờ qua, cả nước đã thực hiện 227.791 xét nghiệm cho 569.083 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện 17.439.589 mẫu cho 50.304.379 lượt người.
- Trong ngày 22.9 có 463.597 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 36.152.556 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 29.094.447 liều, tiêm mũi 2 là 7.058.109 liều.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an xử lý nghiêm tụ tập đông người nơi công cộng

Văn phòng Chính phủ sáng nay, 23.9, vừa phát đi công điện truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an; Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long; Bí thư tỉnh ủy, thành ủy, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng và các tỉnh Hà Nam, Kiên Giang về việc tiếp tục thực hiện nghiêm, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Công điện nêu rõ, trong mấy ngày vừa qua, sau khi thực hiện nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, tại một số địa phương đã có hiện tượng chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong phòng, chống dịch, một số nơi xuất hiện các ổ dịch mới. Để kịp thời chấn chỉnh, tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định, biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, giữ vững thành quả chống dịch trong thời gian qua, Thủ tướng yêu cầu:
Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Tiểu ban An ninh trật tự xã hội thuộc Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, chỉ đạo các địa phương kịp thời chấn chỉnh, tăng cường kiểm tra không để tụ tập đông người nơi công cộng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm cộng đồng.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an xử lý nghiêm tụ tập đông người nơi công cộng

 
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Trưởng Tiểu ban Y tế thuộc Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, chỉ đạo các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư: Hà Nam, Đà Nẵng, Kiên Giang thực hiện ngay các biện pháp khoanh vùng, cách ly, xét nghiệm thần tốc để bóc tách F0, có biện pháp quản lý F1 hiệu quả đối với các khu vực phát sinh ổ dịch mới trong cộng đồng, kiên quyết không để lây lan rộng.
Thủ tướng yêu cầu các Bí thư tỉnh ủy, thành ủy, Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư: Hà Nam, Đà Nẵng, Kiên Giang tổ chức thực hiện nghiêm các chỉ đạo, quy định, giải pháp phòng, chống dịch của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và hướng dẫn của Bộ Y tế, bảo đảm mục tiêu nhanh nhất, sớm nhất kiểm soát dịch, sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường.

TP.HCM chính thức thông qua gói hỗ trợ đợt 3 với 5 nhóm đối tượng thụ hưởng 

HĐND TP.HCM vừa thông qua nghị quyết về chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 (gói hỗ trợ đợt 3) trên địa bàn thành phố với 5 đối tượng.
Cụ thể, 5 nhóm đối tượng được hưởng gói hỗ trợ đợt này, bao gồm:
+ Thành viên trong hộ nghèo, hộ cận nghèo; người thuộc diện hưởng chế độ trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng đang gặp khó khăn.
+ Người lao động có hoàn cảnh thật sự khó khăn do bị mất việc làm, không có thu nhập trong thời gian thành phố thực hiện giãn cách xã hội kéo dài, đang thực tế có mặt trên địa bàn xã, phường, thị trấn.
+ Người phụ thuộc của đối tượng nêu trên gồm: cha, mẹ, vợ hoặc chồng và các con ở nhà nội trợ hoặc không có khả năng làm việc, sống phụ thuộc, sống chung trong một hộ đang có mặt trên địa bàn xã, phường, thị trấn tại thời điểm khảo sát và lập danh sách.
+ Cha, mẹ, vợ hoặc chồng và các con ở nhà nội trợ hoặc không có khả năng làm việc, sống phụ thuộc, sống chung trong một hộ của người đang hưởng lương hưu, người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động, người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội, người lao động được doanh nghiệp trả lương của tháng 8.2021 có hoàn cảnh thật sự khó khăn, đang có mặt trên địa bàn xã, phường, thị trấn tại thời điểm khảo sát và lập danh sách.
Người lưu trú trong các khu nhà trọ, khu lưu trú, khu dân cư nghèo có hoàn cảnh thật sự khó khăn, trong thời gian thành phố thực hiện giãn cách và đang có mặt tại địa bàn xã, phường, thị trấn.
Gói hỗ trợ của thành phố bao gồm những trường hợp đang cách ly, đang điều trị bệnh tại các cơ sở y tế không có mặt tại địa phương.

TP.HCM chính thức thông qua gói hỗ trợ đợt 3 với 5 nhóm đối tượng thụ hưởng

 
Trong gói hỗ trợ đợt 3, TP.HCM không hỗ trợ đối với 4 trường hợp: người đang hưởng lương hưu; người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động; người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội; người lao động được doanh nghiệp trả lương của tháng 8.2021.
HĐND TP.HCM yêu cầu chi đủ, chi đúng, không bỏ sót, không trùng lắp, không phân biệt thường trú, tạm trú, lưu trú; trừ những đối tượng tự nguyện không nhận hỗ trợ; việc hỗ trợ phải công khai, minh bạch, thuận lợi về thủ tục cho người thụ hưởng nhưng không lợi dụng chính sách để trục lợi cá nhân.
Mức hỗ trợ một lần là 1 triệu đồng/người từ ngân sách thành phố. HĐND TP.HCM cũng đề nghị UBND TP.HCM rà soát nguồn và đảm bảo khả năng cân đối ngân sách theo đúng thẩm quyền quyết định của HĐND TP.HCM để thực hiện chính sách.
Theo tờ trình của UBND TP.HCM, dự kiến có hơn 7,3 triệu người dân đang gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19 và cần được hỗ trợ.

Những ai ở TP.HCM phải xét nghiệm Covid-19 thường xuyên trong giai đoạn mới?

Ngày 23.9, Sở Y tế TP.HCM cho biết đã có công văn gửi các Sở, ban ngành, UBND quận, huyện, TP.Thủ Đức; Trung tâm kiểm soát bệnh tật (HCDC); Trung tâm y tế và phòng y tế các quận, huyện, TP.Thủ Đức về triển khai công tác xét nghiệm Covid-19 giám sát thường xuyên.
Sở Y tế cho biết, theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM về việc tiếp tục triển khai xét nghiệm Covid-9 tại địa bàn dân cư đến 30.9 và đề nghị của bộ phận thường trực đặc biệt về phòng, chống Covid-19 về công tác xét nghiệm sau 15.9, Sở Y tế đề nghị các đơn vị tổ chức thuộc thẩm quyền quản lý thực hiện việc xét nghiệm giám sát định kỳ trong giai đoạn bình thường mới.
Cụ thể quy định có 8 nhóm địa điểm, 10 nhóm đối tượng hoạt động, tần suất và phương pháp xét nghiệm như sau:
1. Chợ đầu mối, chợ dân sinh, siêu thị, cửa hàng tiện lợi:
- Toàn bộ nhân viên, tiểu thương : Xét nghiệm 3 ngày/lần bằng phương pháp test nhanh kháng nguyên (mẫu gộp nếu có thể).
- Lái xe, phụ xe hàng: Xét nghiệm 1 ngày/ lần bằng phương pháp test nhanh kháng nguyên (mẫu gộp/toàn bộ người theo xe).
2. Trường học: Toàn bộ học sinh, giáo viên, cán bộ nhân viên: Xét nghiệm 7 ngày/ lần, phương pháp Realtime RT-PCR mẫu gộp.
3. Sân bay, bến xe, bến tàu, ga, đường sắt: Nhân viên, người phục vụ: Xét nghiệm 3 ngày/lần bằng phương pháp test nhanh kháng nguyên (mẫu gộp nếu có thể).
4. Bệnh viện:
- Nhân viên y tế và bệnh nhân điều trị nội trú: Xét nghiệm 7 ngày/ lần, phương pháp Realtime RT-PCR mẫu gộp.
- Bệnh nhân đến khám lần đầu: Thực hiện 1 lần xét nghiệm trước khi vào khám, phương pháp test nhanh kháng nguyên mẫu đơn.
5. Các đơn vị thường xuyên lưu trú đông người (doanh trại quân đội, công an, trại giam…): Toàn bộ cán bộ công nhân viên, lưu trú tại cơ sở: Xét nghiệm 7 ngày/ lần, phương pháp Realtime RT-PCR mẫu gộp.
6. Các lực lượng thường trực tại các chốt giao thông, lực lượng giao hàng (shipper): Toàn bộ xét nghiệm từ 1 đến 3 ngày/lần tùy theo đặc điểm dịch tễ khu vực, phương pháp test nhanh kháng nguyên (mẫu gộp nếu có thể).
7. Khối cơ quan hành chính sự nghiệp: Toàn bộ công nhân viên: Xét nghiệm 7 ngày/ lần, phương pháp test nhanh kháng nguyên (mẫu gộp nếu có thể).
8. Khu công nghiệp, các đơn vị sản xuất kinh doanh…: Toàn bộ công nhân viên: Xét nghiệm 7 ngày/ lần, test nhanh kháng nguyên (mẫu gộp nếu có thể).

TP.HCM: Ai phải xét nghiệm giám sát Covid-19 thường xuyên trong giai đoạn bình thường mới?

Nghỉ học vì dịch bệnh, nữ sinh vào Bệnh viện hồi sức Covid-19 chăm sóc F0

Hơn một tháng qua, Trần Thị Hà Châu, sinh viên năm thứ tư chuyên ngành Điều dưỡng của trường Đại học Nguyễn Tất Thành đã gắn bó với các F0 nặng và nguy kịch ở Bệnh viện Hồi sức Covid-19 đặt tại Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 ở TP.Thủ Đức, TP.HCM.
Hằng ngày, Hà Châu đến từng phòng bệnh làm vệ sinh cá nhân cho những bệnh nhân đang phải thở máy, thay ga giường, chích thuốc, thăm hỏi, trò chuyện với các bệnh nhân còn tỉnh táo để họ bớt lo lắng, cô đơn.
Vào tháng 5.2021, do dịch bệnh Covid-19 nên trường cho sinh viên nghỉ học. Lúc đó, Hà Châu về nhà phụ mẹ việc nội trợ một thời gian nhưng cảm thấy không giúp ích gì được cho cộng đồng, nên từ tháng 6, cô đi làm tình nguyện viên lấy mẫu xét nghiệm ngoài cộng đồng.
Đến tháng 7, khi hay tin Bệnh viện Chợ Rẫy kêu gọi tình nguyện viên tham gia chăm sóc bệnh nhân, Hà Châu lập tức đăng ký và chính thức tham gia chăm sóc bệnh nhân Covid-19 từ tháng đầu tháng 8 đến nay.

Nghỉ học vì dịch bệnh, nữ sinh vào Bệnh viện hồi sức Covid-19 chăm sóc F0

Những ngày đầu mới vào Bệnh viện Hồi sức Covid-19, Hà Châu cũng có đôi chút lo lắng vì số lượng bệnh nhân quá đông, môi trường làm việc có nguy cơ cao nhưng được sự hướng dẫn của các nhân viên y tế nhiều kinh nghiệm, chị đã yên tâm hơn và biết cách tự bảo vệ bản thân.
"Sợ thì chắc chắn ai cũng sợ vì con vi rút này cực kỳ nguy hiểm. Em lúc nào cũng tự bảo vệ bản thân bằng cách mọi người tự bảo nhau thôi, đeo khẩu trang rồi vệ sinh cơ thể. Em lúc nào cũng có suy nghĩ là đi thì đi nhưng em sẽ không bị nhiễm, em lúc nào cũng suy nghĩ như vậy, em sẽ khỏe mạnh để đỡ lo sợ hơn. Em nghĩ khi nào mà ổn dịch thì em mới về, nếu phụ được ngày nào thì em phụ ngày đó chứ em cũng không biết ngày nào em về" sinh viên Trần Thị Hà Châu chia sẻ.
Theo BSCK2 Trần Thanh Linh, Trưởng khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Chợ Rẫy, kiêm Phó giám đốc phụ trách chuyên môn Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP.HCM, bệnh viện nhân được sự hỗ trợ rất lớn từ lực lượng sinh viên y khoa năm cuối cũng như lực lượng tình nguyện viên tôn giáo, sinh viên các trường đại học, bác sĩ đang học sau đại học.
Theo bác sĩ Trần Thanh Linh, lực lượng tình nguyện viên tham gia hỗ trợ nhân viên y tế trong việc chăm sóc vệ sinh cho bệnh nhân, dọn vệ sinh, khử khuẩn buồng bệnh, dọn rác cũng như các công việc hành chính.
Với sự giúp đỡ của tình nguyện viên, các nhân viên y tế được giảm áp lực công việc, có nhiều thời gian để tập trung chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân hơn.

Cậu bé mồ côi thảng thốt trong nỗi đau mất cha vì Covid-19

Từ ngày cha mất, em Lê Hoàng Hóa, học sinh lớp 9 Trường THCS Cửu Long ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM vẫn chưa thể thắp nén nhang ở bàn thờ của cha.
Hóa cùng anh trai được cha và cô ruột đưa về quê tránh dịch Covid-19 sau khi nghỉ hè. Định chờ ngày tựu trường thì đón lên lại TP.HCM đi học, không ngờ đó cũng là lần cuối cha con được gặp nhau.
Hơn chục năm trước mẹ của Hóa cũng mất vì bệnh ung thư máu. Cha của em sau đó đi thêm bước nữa với bà Nguyễn Thị Ánh Nguyên và có với nhau thêm một người con trai là Lê Hoàng Minh.
Để tiết kiệm chi phí, gia đình của Hóa cùng cô ruột là bà Lê Thị Kim Sa cùng thuê một căn nhà ở quận Bình Thạnh để ở.
Ông Lê Hoàng Đơn, cha của Hóa làm nghề lái xe container. Khi đợt dịch Covid-19 thứ tư vừa ập đến, ông Đơn ở lại công ty để đảm bảo an toàn cho cả gia đình.
Biết Hóa là cậu bé sống tình cảm, nên khi cha mất vì Covid-19, cả nhà đều giấu. Cô ruột và mẹ kế của em nuốt nước mắt, chờ tới ngày nhận tro cốt mới báo tin cho Hóa.

Cậu bé mồ côi thảng thốt trong nỗi đau mất cha vì Covid-19

Mẹ kế của Hóa - bà Nguyễn Thị Ánh Nguyên, cho biết gia đình có 3 người con, giờ ba của Hóa ra đi để lại cho bà gánh nặng của trụ cột gia đình.
"Qua dịch cũng cố gắng kiếm thêm việc để lo cho con ăn học. Tại vì mong ước của ảnh lúc còn khỏe là muốn cho con học tới nơi, tới chốn. Không thể để con ảnh thất học. Nên giờ theo nguyện vọng của chồng phải ráng làm để kiếm tiền nuôi con" bà Nguyên chia sẻ.
Sự ra đi đột ngột của ông Lê Hoàng Đơn là mất mát to lớn đối với những người thân trong gia đình. Từ ngày chồng mất, hôm nào bà Nguyễn Thị Ánh Nguyên, mẹ kế của Hóa, cũng mất ngủ vì nhớ chồng, thương con.
Là trụ cột trong gia đình, nên ông Đơn chịu khó làm việc để lo các khoản sinh hoạt, chi tiêu trong nhà, nuôi các con ăn học, lo cho ba mẹ già và thuốc thang cho người con đầu bị bệnh hen suyễn. Dù vậy, nhưng mỗi tuần ông Đơn đều tranh thủ ngày nghỉ để về đưa các con đi chơi, mua những thứ mà các con thích. Thế nhưng, bây giờ ông không còn nữa, bà Nguyên không cầm được mắt khi nghĩ tới những người con của mình.

Gia đình mẹ Việt Nam anh hùng tặng xe cứu thương cho bệnh viện chống dịch

Thực hiện di nguyện của Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Nâu, anh Nguyễn Tô Bảo Hoàng (cháu ngoại của mẹ Nâu) đã trao tặng chiếc xe cứu thương trị giá gần 1 tỉ đồng cho Bệnh viện Q.1 vào sáng 22.9.2021.

Gia đình mẹ Việt Nam anh hùng tặng xe cứu thương tiền tỉ cho bệnh viện chống dịch Covid-19

 
Chiếc xe cứu thương mới tinh tươm vừa được cháu ngoại của cố Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Nâu trao tặng Bệnh viện Q.1, TP.HCM theo đúng di nguyện của mẹ lúc sinh thời.
Bác sĩ Nguyễn Tô Bảo Hoàng (cháu ngoại của Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Nâu) đã thay mặt gia đình gửi tặng bệnh viện để sử dụng trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến căng thẳng nhất. 
"Trong chiếc xe này có 1 băng ca, 1 bình oxy, có đồng hồ oxy, có thể có nguồn điện 220V để kết nối với hệ thống oxy cao tầng và nội thất rộng, có thể chở được hai băng ca 1 lúc", bác sĩ Nguyễn Tô Bảo Hoàng - cháu ngoại Mẹ VNAH Nguyễn Thị Nâu cho hay. 

Bên trong chiếc xe cứu thương trị giá gần 1 tỉ đồng

Lê Nam

Bác sĩ Nguyễn Thành Tâm, giám đốc Bệnh viện Q.1 bày tỏ sự xúc động khi tiếp nhận chiếc xe từ gia đình mẹ Nguyễn Thị Nâu: "Trước đây, cơ sở 2 của bệnh viện chưa thực hiện được bộ phận cấp cứu, đây là một nhu cầu của người dân cho nên khi tiếp nhận xe này. Chúng ta vừa thực hiện công việc phòng chống dịch Covid-19 cũng như các hoạt động của bệnh viện sắp tới".
Còn rất nhiều tin tức, phóng sự đáng chú ý khác trong Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 23.9 lúc 20 giờ trên các nền tảng của Báo Thanh Niên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.