Tính toán mở 'luồng xanh' vùng Đông Nam bộ

01/10/2021 06:34 GMT+7

TP.HCM gửi dự thảo phương án tổ chức giao thông cho một số trường hợp có nhu cầu thường xuyên lưu thông giữa TP.HCM và vùng Đông Nam bộ.

Ngày 30.9, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình gửi dự thảo phương án tổ chức giao thông cho một số trường hợp có nhu cầu thường xuyên lưu thông giữa TP.HCM và 5 tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tây Ninh và Bà Rịa-Vũng Tàu để các địa phương góp ý.

TP.HCM: Tổng cộng 288.718 ca Covid-19 cộng đồng, 206.980 bệnh nhân hồi phục

5 nhóm lưu thông

Theo dự thảo phương án, có 5 nhóm thường xuyên lưu thông gồm: vận tải hàng hóa; đưa đón công nhân, chuyên gia; hoạt động công vụ; khám chữa bệnh và đưa đón đến sân bay Tân Sơn Nhất.
Cụ thể, các phương tiện vận tải hàng hóa lưu thông đến và lưu thông ngang qua TP.HCM phải có giấy nhận diện (có mã QR). Đối với phương tiện có lộ trình quá cảnh qua thành phố thì không được dừng, đỗ trong suốt quá trình lưu thông qua thành phố, trừ trường hợp bất khả kháng như: phương tiện bị hư hỏng, sự cố kỹ thuật, về sức khỏe của người trên xe.
Các phương tiện đưa đón công nhân, chuyên gia do doanh nghiệp (DN) tổ chức đưa đón từ các tỉnh, thành đến trụ sở sản xuất đóng trên địa bàn TP.HCM và ngược lại phải đáp ứng 2 điều kiện: đã tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi thứ nhất đủ 14 ngày hoặc đã khỏi bệnh Covid-19; và kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 còn hiệu lực. Xe đưa rước công nhân phải là ô tô khách từ 10 chỗ trở lên; xe vận chuyển chuyên gia là ô tô đến 9 chỗ thuộc sở hữu của đơn vị, xe cá nhân của chuyên gia hoặc thuê đơn vị kinh doanh vận tải.
Về tổ chức đi lại, các DN xây dựng phương án vận chuyển công nhân, chuyên gia cụ thể, thông qua đơn vị đầu mối là ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp, ban quản lý khu công nghệ cao, UBND các quận, huyện và TP.Thủ Đức, các hiệp hội để đăng ký phương tiện, lộ trình, thời gian hoạt động gửi đến Sở GTVT làm thủ tục cấp giấy nhận diện.
Đối với chiều ngược lại, sở GTVT tỉnh, thành cấp giấy nhận diện cho phương tiện của các đơn vị đưa đón công nhân, chuyên gia từ TP.HCM đến làm việc tại địa phương mình sau khi thống nhất phương án. Tài xế phải thực hiện nghiêm nguyên tắc “một cung đường, hai điểm đến”; không được dừng, đỗ dọc đường, trừ trường hợp khẩn cấp; mang theo danh sách và kiểm soát chặt chẽ người di xe.
Đối với công chức, viên chức của các tổ chức chính trị xã hội, các sở ban ngành của các tỉnh, thành tham gia hoạt động công vụ trên địa bàn TP.HCM và ngược lại di chuyển bằng ô tô phải đáp ứng 3 điều kiện: tiêm vắc xin mũi 1 đủ 14 ngày hoặc đã khỏi bệnh Covid-19, kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 và giấy tờ liên quan đến hoạt động công vụ như: thư mời, giấy giới thiệu của cơ quan.
Người dân từ các tỉnh đến TP.HCM để khám chữa bệnh (ngoại trừ trường hợp cấp cứu) phải có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 còn hiệu lực (trong vòng 72 giờ kể từ thời điểm lấy mẫu) và đảm bảo một trong 2 điều kiện sau: giấy chuyển viện hoặc giấy hẹn tái khám của bệnh viện tại TP.HCM; hoặc xác nhận của chính quyền địa phương (cấp phường, xã) cho phép di chuyển đến TP.HCM để khám chữa bệnh. Giấy xác nhận cần thể hiện đầy đủ thông tin về: người đi khám bệnh, người điều khiển phương tiện và phương tiện.
Người dân đi đến sân bay Tây Sơn Nhất thực hiện theo hướng dẫn của Bộ GTVT về tiếp tục hỗ trợ đưa người có vé máy bay đi nước ngoài đến cảng hàng không quốc tế để thực hiện chuyến bay; trong đó, phải đảm bảo tối đa 4 người đi một xe gồm: 1 hoặc 2 lái xe và 2 người có vé máy bay ra nước ngoài cùng chuyến bay.
Việc kiểm soát phương tiện thông qua các chốt kiểm soát giữa các địa bàn giáp ranh, lực lượng chức năng sẽ kiểm tra giấy nhận diện có mã QR khai báo trên địa chỉ vantai.drvn.gov.vn, mã QR di chuyển nội địa trên địa chỉ suckhoe.dancuquocgia.gov.vn (hoặc ứng dụng VNEID).

Chi hơn 3.200 tỉ đồng mua 20 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 Vero Cell

“Giải cứu” người mắc kẹt

Về việc phối hợp đi lại giữa TP.HCM và các tỉnh, thành lân cận, tại buổi livestream “Dân hỏi - Thành phố trả lời” vào tối 30.9, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết nếu người lao động, sản xuất đang kẹt ở các tỉnh, thì các DN tại TP và DN sẽ đón người dân trở lại TP để lao động, làm việc. Nếu người dân không thuộc DN thì TP và các tỉnh lân cận sẽ tổ chức các tuyến xe buýt liên tỉnh để đón lên.
Ngoài ra, ông Hoan cho hay 4 địa phương tại Công điện 1265 (TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An) được xem là “khu vực” tâm điểm của dịch phía nam, và là trung tâm sản xuất công nghiệp. Vì vậy, việc cá nhân đi bằng phương tiện xe 2 bánh giữa “khu vực” để làm việc sẽ được tạo điều kiện trên cơ sở vắc xin và đăng ký đi đường, tương tự như mã VNEID để qua chốt lưu thông (lao động đi xe 2 bánh). Còn xe chở công nhân, xe chở chuyên gia sẽ đảm bảo lưu thông bằng mã QR.
Cũng theo ông Võ Văn Hoan, hiện đang có một số đối tượng “mắc kẹt” tại TP trong đợt dịch như: người già lên thăm con, phụ nữ mang thai, người đi nghỉ hè,… nên TP đang tính toán để đưa những người này về quê. TP cũng sẽ kiến nghị với Chính phủ cho những người tiêm đủ 2 mũi, F0 khỏi bệnh… để các địa phương tạo thuận lợi cho người dân về về quê.

Tiếp tục kiểm soát người ra vào TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai

Hôm qua (30.9), Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký công điện của Thủ tướng yêu cầu tiếp tục kiểm soát người ra, vào TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An (gọi tắt là khu vực).
Thủ tướng cho rằng yêu cầu đi lại của người dân trong khu vực với các tỉnh, TP khác là rất lớn và chính đáng. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh trong khu vực dù đã từng bước được kiểm soát, nhưng vẫn còn phức tạp do dịch bệnh đã nhiễm sâu trong cộng đồng. Mặt khác, người dân trong khu vực đã được ưu tiên tiêm vắc xin mũi 1, nhưng vẫn có thể bị nhiễm vi rút và lây truyền cho người khác trong khi độ bao phủ vắc xin tại các địa phương khác còn thấp.
Trước tình hình đó, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm việc kiểm soát người ra vào khu vực. Việc đưa đón người ra, vào khu vực phải được chính quyền các tỉnh, TP trong khu vực và tỉnh, TP khác thống nhất, tổ chức an toàn, chu đáo. Chính quyền TP.HCM, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An chịu trách nhiệm trước Thủ tướng nếu để người dân tự phát ra khỏi địa phương mình về các tỉnh, TP khác ngoài khu vực.
Chí Hiếu

Người đã tiêm vắc xin đi lại liên tỉnh không cần xét nghiệm

Tối qua (30.9), Bộ GTVT đã ban hành quyết định hướng dẫn tạm thời việc tổ chức hoạt động vận tải cả 5 lĩnh vực (đường bộ, hàng không, đường sắt, hàng hải, đường thủy) từ 1.10.
Các địa phương/vùng có nguy cơ rất cao (Cấp 4 - màu đỏ): dừng hoạt động vận chuyển hành khách bằng phương tiện giao thông công cộng (trừ xe taxi, xe công nghệ dưới 9 chỗ có vách ngăn với khách, thanh toán điện tử). Trường hợp phương tiện vận tải hành khách có hành trình bắt buộc phải đi qua thì không được dừng, đỗ.
Các cảng hàng không, ga đường sắt được hoạt động để tiếp nhận hành khách và phải đảm bảo người làm việc tại cảng hàng không có tiếp xúc trực tiếp với tổ bay, hành khách. Người làm việc tại ga, trung tâm, trạm vận tải đường sắt có tiếp xúc trực tiếp với lái tàu, nhân viên phục vụ trên tàu, hành khách phải tuân thủ 5K, đã tiêm 1 mũi vắc xin sau 3 tuần và phải xét nghiệm SARS-CoV-2 hằng tuần (7 ngày/lần) bằng RT-PCR hoặc test kháng nguyên nhanh. Không yêu cầu xét nghiệm đối với người đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng.
Các địa phương, vùng có nguy cơ cao (Cấp 3 - màu cam): các phương tiện giao thông công cộng đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải được hoạt động dưới hoặc bằng 50% công suất (chuyến hoặc số chỗ trên phương tiện). Địa phương/vùng có nguy cơ thấp (Cấp 1 - màu xanh) và trung bình (Cấp 2 - màu vàng): các phương tiện giao thông được hoạt động bình thường.
Hành khách đi đường bộ, đường thủy nội địa, tuyến từ bờ ra đảo phải tuân thủ 5K, khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế. Đối với hành khách đi bằng hàng không, đường sắt, hàng hải (trừ tuyến từ bờ ra đảo) phải tuân thủ 5K, xét nghiệm âm tính trong 72 giờ bằng RT-PCR hoặc test kháng nguyên nhanh. Không yêu cầu xét nghiệm đối với người đã tiêm 1 mũi vắc xin sau 3 tuần hoặc đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng.
Vận tải đường bộ: lái xe và nhân viên phục vụ phải tuân thủ 5K, khai báo y tế. Tại địa phương/vùng có nguy cơ trung bình (Cấp 2) và nguy cơ cao (Cấp 3): phải xét nghiệm SARS-CoV-2 hằng tuần (7 ngày/lần). Tại địa phương/vùng có nguy cơ rất cao (Cấp 4): lái xe taxi, xe công nghệ dưới 9 chỗ phải được tiêm đủ liều vắc xin hoặc F0 đã khỏi bệnh trong 6 tháng và có xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ.
Vận tải hàng không: tổ bay, tiếp viên, nhân viên hàng không phục vụ mặt đất quy định tương tự ngành đường bộ.
Mai Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.