Bản tin Covid-19 ngày 6.10: TP.HCM đang lấy lại sức sống

06/10/2021 20:00 GMT+7

Bản tin Covid-19 của Báo Thanh Niên trực tiếp lúc 20 giờ ngày 6.10.2021 tại địa chỉ thanhnien.vn, YouTube, Facebook của Báo Thanh Niên, trang Báo Thanh Niên trên 2 mạng xã hội Lotus và TikTok. Biên tập viên Trúc Huỳnh sẽ đồng hành cùng quý vị trong bản tin hôm nay.

Bản tin Covid-19 ngày 6.10.2021 của Báo Thanh Niên sẽ có những thông tin đáng chú ý sau:

Cả nước thêm 4.363 ca nhiễm mới

Bản tin Bộ Y tế tối 6.10 cho biết tính từ 17h ngày 5.10 đến 17h ngày 6.10, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 4.363 ca nhiễm mới, 10.033 ca khỏi bệnh.Trong ngày, cả nước ghi nhận 119 ca tử vong tại 11 tỉnh, thành phố; nâng tổng số bệnh nhân tử vong lên 20.098 ca.

Ngày 6.10: Cả nước 4.363 ca Covid-19, 10.033 ca khỏi | TP.HCM 1.960 ca

Thông tin về 4.363 ca nhiễm mới được công bố tối 6.10 như sau:

  • 7 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
  • 4.356 ca ghi nhận trong nước (giảm 4 ca so với ngày trước đó) tại 40 tỉnh, thành phố (có 2.223 ca trong cộng đồng). Gồm: TP.HCM (1.960), Bình Dương (852), Đồng Nai (534), An Giang (180), Kiên Giang (79), Long An (74), Tiền Giang (72), Bình Thuận (60), Đắk Lắk (58), Trà Vinh (52), Khánh Hòa (47), Đồng Tháp (47), Cần Thơ (44), Tây Ninh (41), Bạc Liêu (32), Hà Nam (25), Cà Mau (22), Bến Tre (21), Vĩnh Long (20), Gia Lai (20), Bình Định (18), Bà Rịa-Vũng Tàu (17), Ninh Thuận (14), Hà Nội (9), Quảng Nam (8 ), Đắk Nông (7), Quảng Ngãi (7), Quảng Bình (7), Bình Phước (5), Thừa Thiên-Huế (5), Nghệ An (5), Kon Tum (4), Thanh Hóa (2), Nam Định (2), Lạng Sơn (1), Sơn La (1), Ninh Bình (1), Hà Tĩnh (1), Phú Yên (1), Đà Nẵng (1).

- Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Bình Dương (-255), Đồng Nai (-119), Bình Thuận (-89).

- Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: TP.HCM (469), Đắk Lắk (50), Trà Vinh (42).

- Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 5.689 ca/ngày.

- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 822.687 ca nhiễm, đứng thứ 43/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 155/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 8.357 ca nhiễm).

- Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):

  • Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 818.091 ca, trong đó có 751.907 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
  • Có 11/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hòa Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Phòng, Thái Bình, Lào Cai.
  • Có 7 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Phú Thọ, Ninh Bình, Bắc Ninh, Lạng Sơn.
  • Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (403.454), Bình Dương (218.812), Đồng Nai (52.551), Long An (33.015), Tiền Giang (14.303).
Ngày 6.10: Thông báo 119 ca Covid-19 tử vong tại 11 tỉnh thành

Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh thuộc Bộ Y tế:

  • Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 10.033
  • Tổng số ca được điều trị khỏi: 757.086

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 5.743 ca, trong đó:

  • Thở ô xy qua mặt nạ: 3.897
  • Thở ô xy dòng cao HFNC: 907
  • Thở máy không xâm lấn: 169
  • Thở máy xâm lấn: 747
  • ECMO: 23

Trong ngày, cả nước ghi nhận 119 ca tử vong tại 11 tỉnh, thành phố. Gồm: TP.HCM (88), Bình Dương (16), Tiền Giang (2), Long An (2), Đồng Nai (2), Đồng Tháp (2), Tây Ninh (2), An Giang (2), Bình Định (1), Cần Thơ (1), Kiên Giang (1).

  • Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 136 ca.
  • Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 20.098 ca, chiếm tỉ lệ 2,4% so với tổng số ca nhiễm
  • So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 135/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với Châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 30/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.
  • Trong 24 giờ qua, cả nước đã thực hiện 174.422 xét nghiệm cho 302.319 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 19.498.155 mẫu cho 54.921.059 lượt người.
  • Trong ngày 5.10 có 1.148.557 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 48.155.037 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 35.933.360 liều, tiêm mũi 2 là 12.221.677 liều.

Lãnh đạo TP.HCM tri ân tuyến đầu chống dịch

Sáng 6.10, UBND TP.HCM tổ chức lễ tuyên dương các đoàn công tác đã tăng cường và tham gia hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM gửi lời tri ân sâu sắc đến các lực lượng y tế, công an, quân đội, giảng viên, sinh viên đã tích cực tham gia hỗ trợ TP.HCM trong đợt cao điểm vừa qua. Suốt 2 tháng qua, thành phố đã được đón nhận các đoàn công tác đến với thành phố trong chuyến công tác đầy hy sinh vất vả mà không chút do dự. Nhiều người phải xa con thơ, cha già mẹ yếu, thậm chí không thể về vĩnh biệt người thân.

Đến nay, tình hình dịch bệnh tại TP.HCM bước đầu được kiểm soát, tạo điều kiện từng bước mở lại các hoạt động để ổn định xã hội, khôi phục và phát triển kinh tế. Những ngày gần đây, thành phố đang lấy lại sức sống và nhịp đập trái tim của một cơ thể đang hồi sinh. Người đứng đầu chính quyền TP.HCM nhấn mạnh thành quả này là nhờ vào sự chỉ đạo của Trung ương, thành phố, ý thức và sự kiên trì của mọi tầng lớp nhân dân; đặc biệt là sự đóng góp to lớn của lực lượng chi viện từ mọi miền đất nước.

Thời gian tới, dịch bệnh có thể sẽ còn những diễn biến phức tạp, khó lường, những khó khăn và thách thức chưa phải đã hết; nhưng TP.HCM tin rằng khi có sự chung sức, chung lòng và sự đoàn kết toàn dân tộc thì thành phố sẽ chiến thắng đại dịch và sớm trở lại cuộc sống bình thường mới.

Chủ tịch TP.HCM tri ân tuyến đầu chống Covid-19 ngày thành phố “lấy lại sức sống”

Theo báo cáo từ Sở Y tế TP.HCM, tính đến ngày 30.9, tổng lực lượng tham gia phòng chống dịch trên địa bàn TPHCM là 187.275 người. Trong đó, tổng số nhân lực của các bộ, ngành trung ương hỗ trợ TPHCM là gần 29.000 người.

Bộ Y tế đã thành lập 4 trung tâm hồi sức tích cực cho người bệnh Covid-19 để hỗ trợ điều trị tại TPHCM với hơn 2.600 nhân sự.

Bộ Công an tăng cường 1.749 chiến sĩ, làm nhiệm vụ tại 41 chốt cấp thành phố. Bên cạnh đó, 4.031 người được tăng cường từ trường đại học, cao đẳng, cơ sở đào tạo chuyên ngành y.

Bộ Quốc phòng tăng cường hơn 16.600 người tham gia thực hiện nhiệm vụ ở trạm y tế lưu động chăm sóc F0 tại nhà; lấy mẫu xét nghiệm diện rộng; phối hợp với Công an TP.HCM triển khai tuần tra, kiểm soát.

Bên cạnh đó, lực lượng quân đội cũng thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 tại 6 cơ sở của Bệnh viện Quân y 175, Bệnh viện quân dân y Miền Đông, Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 5, 5C, 5D, 5G.

Phân bổ 20 triệu liều vắc xin Vero Cell ngừa Covid-19

Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương vừa có quyết định phân bổ 20 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19 Vero Cell do Tập đoàn Sinopharm sản xuất cho 60 tỉnh, thành phố.

Trong số các địa phương được phân bổ vắc xin Vero Cell đợt này, Bình Dương và An Giang là 2 địa phương được nhận nhiều nhất với một triệu liều mỗi tỉnh. TP.HCM được nhận 997.000 liều; Đồng Nai và Kiên Giang đứng thứ tư với 800.000 liều/tỉnh.

11 tỉnh, thành phố (Cần Thơ, Đồng Tháp, Bến Tre, Sóc Trăng, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cà Mau, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Phước) được phân bổ 500.000 liều/địa phương. Lâm Đồng được phân bổ 450.000 liều.

Các địa phương được phân bổ 400.000 liều gồm Bạc Liêu, Hậu Giang, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Đắk Lắk.

Các địa phương còn lại được phân bổ từ 50.000 liều đến 350.000 liều, trong đó 4 tỉnh là Lai Châu, Cao Bằng, Bắc Kạn và Điện Biên được phân bổ 50.000 liều. Hà Nội nhận 139.000 liều…

20 triệu liều vắc xin Vero Cell ngừa Covid-19 được phân bổ ra sao?

Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương yêu cầu các đơn vị tiếp nhận và tổ chức tiêm ngay số vắc xin Covid-19 được phân bổ, đảm bảo sử dụng hiệu quả, đúng mục đích, đối tượng. Lưu ý bố trí trả mũi 2 và tiêm đủ 2 mũi với số vắc xin còn lại, hoàn thành trong thời gian sớm nhất.

Trước đó, ngày 3.10, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng phân bổ gần một triệu liều vắc xin Covid-19 Pfizer. Đây là đợt phân bổ thứ 55.

Đến 5.10, cả nước đã tiêm được 47.489.979 liều vắc xin Covid-19, tăng 1.091.212 liều so với ngày trước đó. Trong đó, 23.961.967 người tiêm 1 liều vắc xin và 11.764.006 người tiêm đủ 2 liều. Tỷ lệ tiêm ít nhất một liều vắc xin tại nước ta là 49,7% và tỷ lệ tiêm đủ 2 liều là 16,4%.

Tỷ lệ bao phủ ít nhất một liều vắc xin cho dân số từ 18 tuổi trở lên của khu vực miền Bắc là 45,4%; miền Trung là 41,3%; Tây Nguyên là 15,2% và miền Nam là 58%.

Đồng Nai: Vắc xin đầy kho, nhưng kim tiêm đang thiếu

Sáng 6.10, báo cáo tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Đồng Nai, bác sĩ Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế cho biết hiện Đồng Nai có trong kho khoảng 1,3 triệu liều vắc xin các loại.

Cụ thể, Đồng Nai hiện có 400.000 liều Sinopharm dùng để tiêm mũi 2; 100.000 liều Pfizer dùng để tiêm mũi 2 cho người đã tiêm mũi 1 Pfizer và Moderna. Số còn lại là AstraZeneca, trong đó có 500.000 liều dùng để tiêm mũi 1. Nếu tiêm hết số vắc xin này thì Đồng Nai hoàn thành việc phủ mũi 1 cho người 18 tuổi trở lên với tỷ lệ 100% dân số cần tiêm.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Vũ, hiện công tác tiêm chủng có một số trở ngại là kim tiêm đang thiếu.

Nguyên nhân thiếu kim tiêm là do Bộ Y tế phân bổ chưa về kịp Đồng Nai.

Đồng Nai: Vắc xin Covid-19 đầy kho nhưng thiếu kim tiêm

Bác sĩ Vũ cho biết thêm, trong kho Đồng Nai chỉ còn khoảng 250.000 bộ kim tiêm, mới đây Sở Y tế Đồng Nai đã mượn của Viện Pasteur TP.HCM 50.000 kim tiêm. “Nếu trong những ngày tới kim tiêm chưa về kịp, các địa phương có thể sẽ phải mua để tiêm sớm cho người dân”, bác sĩ Vũ nói.

Trả lời PV Thanh Niên sau cuộc họp, bác sĩ Phan Huy Anh Vũ giải thích thêm số lượng kim tiêm Bộ Y tế đã phân bổ cùng với số lượng vắc xin nhưng do chưa về kịp. Hiện nay, thông tin mà bác sĩ Vũ nắm được là kim tiêm đang trên đường vào Đồng Nai, dự kiến thứ 7 tuần này sẽ nhận được.

Đường sách TP.HCM rục rịch dọn dẹp ngày trở lại

Sáng 6.10.2021, vài ngày trước khi mở cửa trở lại, đường sách Nguyễn Văn Bình (ở quận 1, TP.HCM) đang hoàn tất những bước cuối cùng để sẵn sàng đón du khách, bạn đọc.

Sau nhiều tháng đóng cửa, nhân viên các gian hàng phải mất nhiều thời gian để dọn rửa quán.

Tại tiệm sách “Mùa thu”, một trong những tiệm sách đặc biệt tại đường sách - nơi đây trưng bày và sưu tầm nhiều loại sách cũ, sách cổ có giá trị, sau 4 tháng đóng cửa, nhân viên đã quay trở lại dọn dẹp, quét bụi ở gian hàng. Còn tất cả các loại sách đều được bảo quản kỹ càng trước và sau dịch.

Trước giãn cách xã hội, công ty cây xanh TP.HCM đã vào đường sách để tỉa bớt các nhánh cây nhằm đảm bảo an toàn trong mùa mưa. Toàn bộ cây xanh cũng được bảo dưỡng khôi phục. Vì vậy, sau 4 tháng đóng cửa, cơ sở vật chất hầu như không bị hư hại, hỏng hóc.

Đường sách rục rịch dọn dẹp ngày trở lại: Lập tổ phản ứng nhanh đầu đường!

Dự kiến sáng thứ Bảy, ngày 9.10 này, đường sách Nguyễn Văn Bình sẽ mở cửa trở lại đón du khách và bạn đọc với nhiều quy định chặt chẽ về phòng chống dịch Covid-19.

Đặc biệt, đường sách TP.HCM cũng thành lập tổ phản ứng nhanh trong các trường hợp phát hiện F0 hoặc người có dấu hiệu sốt cao, thân nhiệt tăng sẽ được y tế kiểm tra và hỗ trợ kịp thời. Đây cũng là những nỗ lực đáng kể mà ban điều hành đường sách TP.HCM nỗ lực phòng dịch để người dân đến tham quan, trải nghiệm không gian văn hóa một cách an toàn.

4 người núp khoang xe chở lợn hòng “thông chốt” kiểm soát

Sáng 6.10, thông tin từ Đội Tuần tra kiểm tra giao thông đường bộ cao tốc số 2, Phòng Hướng dẫn tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ (Cục CSGT, Bộ Công an) cho biết, đơn vị này vừa phát hiện 4 người trốn trong thùng một xe tải chở lợn, đi từ Bắc Giang, hòng “thông chốt” phòng dịch Covid-19 tại Trạm thu phí cầu Bạch Đằng.

4 người trốn trong thùng xe chở lợn bị phát hiện

N.H

Trước đó, khoảng 21 giờ 30 ngày 5.10, từ nguồn tin quần chúng, tổ công tác Đội Tuần tra kiểm tra giao thông đường bộ cao tốc số 2 đã trinh sát theo xe tải chở lợn biển số 98H - 004.89, do anh Vi Văn Phong (40 tuổi, trú tại xã Tân Trung, H.Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) điều khiển, lưu thông trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, có biểu hiện nghi vấn.

Đáng chú ý, khi đi đến Km99 trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, tài xế Vi Văn Phong đã dừng xe và cho 4 người ở cabin vào trốn trong thùng.

Đến khoảng 22 giờ cùng ngày, khi xe đến Trạm thu phí cầu Bạch Đằng và khai báo y tế đủ điều kiện đi qua chốt kiểm dịch thì bị lực lượng chức năng yêu cầu dừng xe. Trong quá trình kiểm tra, do đã dùng kẹp nhựa ở các cửa thùng xe, tài xế Phong viện cớ là có kẹp nhựa nên không được mở thùng. Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng tháo kẹp nhựa trên thì phát hiện 4 người trốn bên trong thùng xe. Những người này đã trốn khai báo y tế và chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19.

Ngay trong tối 5.10, lực lượng chức năng đã lập biên bản đưa 6 người, gồm cả lái xe, phụ xe đi cách ly bắt buộc.

4 người trốn trong khoang xe chở lợn hòng “thông chốt” kiểm dịch Covid-19 ở Quảng Ninh

Hai mẹ con gặp tai nạn, tử vong trên đường về quê tránh dịch

Khoảng 13 giờ 30 ngày 4.10.2021, tại đèo Lò Xo (thuộc địa phận xã Phước Mỹ, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam) xảy ra vụ tai nạn giao thông khiến chị Hà Thị Vuông và con chị Vuông là cháu Nguyễn Văn Thành tử vong. Mẹ con chị Vuông quê ở xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Khi đang trên đường từ tỉnh Bình Dương về quê tránh dịch bằng xe máy thì gặp nạn.

Sáng 6.10.2021, ngôi nhà nhỏ nằm trong con hẻm ở thôn Hải, xã Quảng Nham, người thân và hàng xóm đang che bạt chắn mưa, lập bàn vong để chuẩn bị đón tro cốt chị Hà Thị Vuông và cháu Nguyễn Văn Thành trở về quê hương vào chiều cùng ngày.

Hiện trường vụ tai nạn khiến mẹ con chị Vuông tử vong

MẠNH CƯỜNG

Ngồi trong góc nhà, anh Nguyễn Văn Cảnh như người mất hồn sau khi nhận hung tin cùng lúc mất đi vợ và con trai.

Người thân trong gia đình cho biết, gia cảnh các nạn nhân rất khó khăn. Sau khi thua lỗ vì sắm thuyền và ngư lưới cụ đi đánh cá, vợ chồng anh Cảnh – chị Vuông mang nợ 250 triệu đồng.

Những năm gần đây, anh Cảnh lênh đênh trên biển đi làm thuê, còn chị Vuông, ngoài chăm sóc 4 đứa con, chị tần tảo không quản nắng mưa hết đi mổ cá thuê, buôn bán nước mắm, đến bán cá khô lên tận vùng cao biên giới của tỉnh Thanh Hóa, nhưng thu nhập của cả hai vợ chồng cũng chỉ đủ nuôi nấng con cái ăn học.

Ngôi nhà nhỏ đang chờ đón mẹ con chị Vuông trở về

MẠNH CƯỜNG

Bươn trải nhiều nghề ở quê cũng không có của để dành, tháng 2.2021, chị Vuông cùng cháu Thanh (bỏ học từ năm lớp 2) quyết định khăn gói vào tỉnh Bình Dương làm thuê cho xưởng gỗ, với mong mỏi được tiền công sẽ gom góp được để trả nợ dần. Còn anh Cảnh tiếp tục nghề đi biển lo cho 2 đứa con nhỏ, đứa 6 tuổi và đứa 12 tuổi, đang phải gửi bà nội chăm sóc. Đứa con gái đầu của vợ chồng anh Cảnh cũng nghỉ học sớm và đã lập gia đình riêng.

Thời điểm mẹ con chị Vuông gặp nạn ở tỉnh Quảng Nam, anh Nguyễn Văn Cảnh đang đi đánh bắt hải sản trên biển ở khu vực tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, nên không có sóng điện thoại, không biết được tại họa đã ập đến với anh. Sau khi vào bờ, nhận được hung tin, anh Cảnh như người mất hồn, không tin nổi vợ và con anh đã ra đi mãi mãi.

Cũng vì gia cảnh khó khăn, khi hay tin mẹ con chị Vuông mất, người thân trong gia đình đã phải gom góp tiền, và vay mượn thêm để có đủ số tiền khoảng 80 triệu đồng để vào trong tỉnh Quảng Nam lo hậu sự hỏa táng cho các nạn nhân, sau đó mới đưa về quê.

Bà Phạm Thị Hằng, Bí thư Chi bộ thôn Hải (xã Quảng Nham), cho biết gia đình chị Vuông thuộc hộ cận nghèo ở địa phương, do đó, Ban mặt trận thôn đang triển khai vận động người dân giúp đỡ gia đình trong lúc khó khăn này.

Những ngày qua, hàng ngàn người dân ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam đã tự túc, đi bằng xe máy về quê tránh dịch. Trên hành trình hồi hương dài hàng ngàn cây số, nhiều người dân đã gặp không ít khó khăn, thậm chí bị tai nạn giao thông.

Tâm sự của người mẹ ôm con 2 tháng tuổi về quê

0 giờ sáng 6.10, dưới cơn mưa nặng hạt trên đèo Hải Vân, từng đoàn người về quê tự phát bằng xe máy cà tàng vẫn lũ lượt ngang qua rồi dừng chân đỉnh đèo Hải Vân, ở địa phận Q.Liên Chiểu, kết thúc đoạn đường ngang qua TP.Đà Nẵng.

Hàng nghìn người điều khiển xe máy tự phát về quê được tiếp viện thức ăn, nước uống trên đỉnh đèo Hải Vân vào rạng sáng nay 6.10

HUY ĐẠT

Xe chuyên dụng của lực lượng công an kết thúc nhiệm vụ dẫn đường, họ quay đầu về lại cửa ngõ giáp ranh Quảng Nam ở phía nam thành phố, để lại tiếp tục nhiệm vụ dẫn đường, giám sát người dân ngang qua địa bàn TP.Đà Nẵng.

Theo Trạm CSGT cửa ô Hòa Nhơn (Công an TP.Đà Nẵng) ước tính trong đêm 5.10 đến sáng nay 6.10, có đến hơn 2.000 người điều khiển xe máy về quê ngang qua TP.

Ở đỉnh đèo Hải Vân lúc rạng sáng, trời mưa, nhiệt độ xuống thấp, từng cơn gió thổi buốt khiến người ta lạnh thấu xương. Run rẩy bưng bát súp nóng vừa nhận tiếp viện, với chiếc muỗng nhựa yếu ớt, người mẹ trẻ Vừ Thị Giống (22 tuổi, dân tộc H’Mông, quê tỉnh Điện Biên) cố ăn vài miếng để có sữa cho đứa con 2 tháng tuổi bú, sau chặng đường từ tỉnh Bình Dương về.

Vừ Thị Giống (22 tuổi, dân tộc H’Mông, quê tỉnh Điện Biên) bế con 2 tháng tuổi về quê bằng xe máy

HUY ĐẠT

Giống kể bằng tiếng Kinh chưa tròn, rằng cách đây 2 tháng, ngày cô sinh con ở tỉnh Bình Dương, diễn biến dịch bệnh rất căng thẳng. Cô đã tự sinh đứa con trai ở ngoài lề đường.

Sau khi sinh, người chồng chở cô về phòng trọ và sống lay lắt qua ngày. Vợ chồng trẻ cùng đứa con đỏ hỏn vừa lọt lòng mẹ chỉ mong dịch bệnh sớm qua đi để cha có thể đi làm, mua sữa cho đứa trẻ sơ sinh.

“Chồng chở em đi sinh nhưng bệnh viện mắc dịch bệnh, người ta làm thủ tục lâu quá… Lúc chờ đợi ngoài vỉa hè, em đã tự sinh con luôn. Chồng hoảng hốt chở em và con về trọ, vì lúc đó dịch bệnh không ai giúp được hết. Sau đó, may có chị hàng xóm ở dãy trọ chăm sóc giúp”, Giống nghẹn ngào kể.

Trên đường thiên lý, em bé 2 tháng tuổi phải cùng hứng chịu nỗi gian nan cùng bố mẹ. Vượt chặng đường từ Nam ra Bắc cả nghìn cây số, đội mưa nắng trên suốt đường đi...

Bế con nhỏ 2 tháng tuổi về quê tỉnh Điện Biên, Giống hy vọng hết dịch sẽ quay lại Bình Dương tiếp tục mưu sinh
HUY ĐẠT

Nhớ miền quê nghèo ở tỉnh Điện Biên, Giống kể những ngày tháng tuổi thơ cơ cực, khó khăn chồng chất. Chuỗi ngày vào miền Nam mưu sinh, kiếm được tiền từ sức lao động khiến chị cảm thấy vui vẻ. Tiếc là dịch bệnh Covid-19 bất ngờ bùng phát, khiến vợ chồng trẻ lâm cảnh khó khăn.

Cuối cùng, vợ chồng trẻ đành phải tạm rời vùng đất sôi động phía Nam và hy vọng sẽ quay lại mưu sinh để các con sau này đỡ khổ…

Mẹ đơn thân đẩy xe tự chế, đưa con đi bộ 250 km về quê

Trên dòng người đang từ các tỉnh thành Đông Nam Bộ đổ về miền Tây những ngày này, có 4 con người cùng đẩy theo một chiếc xe tự chế. Dịch bệnh đã khiến họ lâm vào đường cùng và cũng vì dịch bệnh mà họ gặp nhau trên chặng đường về quê gian nan, đầy thử thách.

Cứ như câu chuyện mà chị Nguyễn Thị Hường (37 tuổi, quê ở An Giang) đã kể với phóng viên Báo Thanh Niên này hình như đoạn đường đời những năm vừa qua của chị cũng gập ghềnh chẳng kém gì đoạn đường về quê. Ngày 5.10.2021, giữa cái nắng của trưa tháng 10, chị Hường cùng con gái nhỏ 6 tuổi là cháu Nguyễn Thị Mỹ Linh và vợ chồng chị Hà Ngọc Mến, anh Danh Quang (26 tuổi, quê ở Kiên Giang) vẫn đang hướng thẳng Quốc lộ 1 cố gắng đi về phía miền Tây.

Mẹ đơn thân đẩy xe tự chế, đưa con đi bộ 250 km về quê

Hành trình của chị Hường tưởng như chỉ đơn độc hai mẹ con thì tình cờ lại gặp được vợ chồng chị Hà Ngọc Mến và anh Danh Quang. Cái sự gian nan, nguy hiểm đã gắn những cuộc đời nghèo khó này lại. Họ khác quê quán, khác công việc, khác hoàn cảnh nhưng giống nhau ở chỗ đều muốn về quê nhưng phương tiện thì không có mà tiền nong cũng eo hẹp.

Hành trang của hai mẹ con chị Hường cùng 2 người bạn đồng hành được xếp lên chiếc xe tự chế. Chiếc xe vốn được chị Hường sử dụng để buôn bán trái cây trên TP.HCM. Hành trang cho tuyến đường về quê dài hơn 200 km là vài ký gạo, xoong nồi, bếp gas để nấu ăn dọc đường. Ngoài ra còn có chiếc va li quần áo cùng vài trăm ngàn còn lại để dằn túi đi dọc đường. Chiếc xe “cõng” cả những năm tháng dài bươn chải mưu sinh ở Sài Gòn của những con người chất phác.

Mồ côi cả cha lẫn mẹ chỉ trong 6 giờ đồng hồ

Trong cơn mưa nặng hạt một ngày cuối tháng 9.2021, chúng tôi tìm về xã Thanh Bình, H.Trảng Bom (Đồng Nai), khi hay tin ở đây có 2 trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ vì Covid-19 chỉ trong vòng 6 giờ đồng hồ tại bệnh viện.

Trò chuyện với chúng tôi, em Lê Uyên Khánh Như (13 tuổi) không giấu được nỗi buồn.

Trò chuyện với chúng tôi, em Lê Uyên Khánh Như (13 tuổi) không giấu được nỗi buồn. Trong tiếng nấc nghẹn, Khánh Như kể: Vào giữa tháng 7, cả bố mẹ em (tạm trú Q.8, TP.HCM) không may dương tính với Covid-19, nhưng thời điểm này TP.HCM đang bùng phát dịch nên phải tự cách ly tại nhà. “Do bệnh trở nặng nên sáng 20.7, mẹ được đưa đi cách ly tại Bệnh viện Q.8. Lúc này ở nhà, ba em cũng than rất mệt, đau nhức toàn thân và cứ nằm rên trên giường, không ăn uống gì được. Thấy vậy, em và ông nội nhiều lần tìm cách liên lạc với bác sĩ cũng như bệnh viện. Đến 17 giờ cùng ngày, xe cứu thương tới đưa ba em vào Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch điều trị. Thời gian này, cả ba ông cháu ngồi ở nhà đợi tin người thân. Đến khoảng 20 giờ 30, có 1 xe cứu thương xuất hiện cùng với nhân viên y tế, họ thông báo rằng ba em đã mất, đồng thời đưa cả ba ông cháu đi cách ly tập trung”, em Như nghẹn ngào nói.

Sáng hôm sau, tại khu cách ly tập trung, Khánh Như rụng rời tay chân khi nghe bác sĩ thông báo mẹ em đã qua đời do Covid-19 lúc 2 giờ ngày 21.7. “Nghe đến đây đầu óc em như quay cuồng, có cảm giác như bầu trời đang đổ sụp xuống, chung quanh mình bao phủ toàn là màu đen xám xịt. Ngày hôm đó em cứ thẫn thờ như người mất hồn”, Như cho biết.

Xót xa cảnh 2 chị em mồ côi cha lẫn mẹ chỉ trong 6 giờ đồng hồ

Thế nhưng, bất hạnh vẫn chưa dừng lại đối với Khánh Như. “Cả ba ông cháu ở khu cách ly tập trung được 3 ngày, thì các bác sĩ thông báo em và ông nội dương tính, riêng em trai (Lê Đăng Huy, 7 tuổi) âm tính. Thời gian này, mọi việc diễn biến bình thường, nhưng đến ngày thứ 4 em tỉnh dậy, gọi ông nội chuẩn bị ăn sáng, uống thuốc, thì không nghe trả lời. Lại gần sờ tay, chân ông thì thấy người lạnh ngắt. Hoảng hốt, em chạy đi gọi bác sĩ, được mấy giờ đồng hồ sau đó thì ông cũng mất”, Như nói xong lại khóc.

Không còn người thân ở TP.HCM, nên sau khi điều trị khỏi Covid-19, đầu tháng 8 Khánh Như cùng với em trai được đưa về nhà bà ngoại Nguyễn Thị Hường (61 tuổi, ngụ xã Thanh Bình, H.Trảng Bom, Đồng Nai) để nương tựa.

Còn rất nhiều tin tức, phóng sự đáng chú ý khác trong Bản tin Covid-19 ngày 6.10 lúc 20 giờ trên các nền tảng của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.