Bản tin Covid-19 ngày 8.10: 2,6 triệu người ở TP.HCM đã nhận tiền hỗ trợ đợt 3

08/10/2021 20:00 GMT+7

Bản tin Covid-19 của Báo Thanh Niên trực tiếp lúc 20 giờ ngày 8.10.2021 tại địa chỉ thanhnien.vn, YouTube, Facebook của Báo Thanh Niên, trang Báo Thanh Niên trên 2 mạng xã hội Lotus và TikTok.

Bản tin Covid-19 hôm nay 8.10 của Báo Thanh Niên gồm có những nội dung sau:

Cả nước ghi nhận 4.806 ca Covid-19, 994 ca khỏi bệnh

Bản tin Bộ Y tếtối 8.10 cho biết tính từ 17h ngày 7.10 đến 17h ngày 7.10, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 4.806 ca nhiễm mới, 994 ca khỏi bệnh.

Trong ngày, cả nước ghi nhận 114 ca tử vong tại 11 tỉnh, thành phố; nâng tổng số bệnh nhân tử vong lên 20.337 ca.

Thông tin về 4.806 ca nhiễm mới được công bố tối 8.10 như sau:

  • 11 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
  • 4.795 ca ghi nhận trong nước (tăng 648 ca so với ngày trước đó) tại 42 tỉnh, thành phố (có 2.451 ca trong cộng đồng). Gồm: TP.HCM (2.215), Bình Dương (828), Đồng Nai (612), An Giang (182), Tây Ninh (92), Kiên Giang (89), Tiền Giang (74), Long An (66), Ninh Thuận (64), Khánh Hòa (55), Đồng Tháp (51), Cà Mau (49), Cần Thơ (48), Hà Nam (44), Hậu Giang (39), Gia Lai (39), Lâm Đồng (29), Bà Rịa - Vũng Tàu (19), Bình Định (18), Nghệ An (17), Trà Vinh (16), Thanh Hóa (15), Đắk Nông (15), Bến Tre (14), Vĩnh Long (14), Bình Phước (13), Quảng Ngãi (13), Bạc Liêu (10), Quảng Trị (8 ), Hà Tĩnh (7), Phú Yên (7), Kon Tum (6), Hà Nội (5), Quảng Bình (4), Lào Cai (3), Hải Dương (3), Sơn La (3), Quảng Nam (3), Ninh Bình (3), Nam Định (1), Phú Thọ (1), Yên Bái (1).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Đắk Lắk (giảm 36), Bình Thuận (giảm 32), Long An (giảm 18).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: TP.HCM (485), Ninh Thuận (53), Sơn La (29).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 4.841 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 831.643 ca nhiễm, đứng thứ 43/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 155/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 8.448 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):

  • Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 827.033 ca, trong đó có 754.303 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
  • Có 10/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hòa Bình, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Phòng, Thái Bình, Lào Cai.
  • Có 9 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Phú Thọ, Ninh Bình, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Sơn La, Yên Bái.
  • Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (407.399), Bình Dương (220.480), Đồng Nai (53.752), Long An (33.165), Tiền Giang (14.433).

Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh thuộc Bộ Y tế:

Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 994

Tổng số ca được điều trị khỏi: 759.482

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 5.361 ca, trong đó:

  • Thở ô xy qua mặt nạ: 3.594
  • Thở ô xy dòng cao HFNC: 848
  • Thở máy không xâm lấn: 156
  • Thở máy xâm lấn: 741
  • ECMO: 22
Ngày 8.10: Thông báo 114 ca Covid-19 tử vong tại 11 tỉnh thành

Trong ngày ghi nhận 114 ca tử vong tại TP.HCM (78), Bình Dương (17), An Giang (7), Đồng Nai (3), Long An (3), Đồng Tháp (1), Ninh Thuận (1), Kiên Giang (1), Bạc Liêu (1), Tây Ninh (1), Cần Thơ (1).

  • Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 128 ca.
  • Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 20.337 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca nhiễm.
  • So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 135/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với Châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 30/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trong 24 giờ qua đã thực hiện 181.202 xét nghiệm cho 308.169 lượt người.

Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện 19.806.777 mẫu cho 55.416.974 lượt người.

TP.HCM chỉ còn Q.Bình Tân chưa kiểm soát được dịch Covid-19

Ngày 8.10, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức, Trưởng đoàn kiểm tra công tác kiểm soát dịch Covid-19 TP.HCM số 18 đề nghị Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM tạm thời chưa công nhận Q.Bình Tân kiểm soát được dịch bệnh.

Tuần trước, vào ngày 30.9, Đoàn kiểm tra số 18 đã làm việc với UBND Q.Bình Tân, ghi nhận những kết quả tích cực của quận trong thời gian qua. Q.Bình Tân là một trong những địa bàn phức tạp nhất của TP.HCM về dịch bệnh Covid-19 trong 4 tháng qua với chuỗi lây nhiễm khu dân cư Ehome 3 (P.An Lạc).

Đối chiếu với bộ tiêu chí theo Quyết định 3979/2021 của Bộ Y tế, Q.Bình Tân đạt về chỉ số kéo giảm 50% số ca nhiễm mắc mới so với tuần cao nhất của đợt dịch, nhưng tính theo chu kỳ 7 ngày, số ca nhiễm từ ngày 22.9 đến 27.9 lại tăng, vẫn còn ghi nhận nhiều ca dương tính.

TP.HCM chỉ còn quận Bình Tân chưa kiểm soát được dịch Covid-19

Q.Bình Tân đã đạt chỉ số về tỷ lệ số mẫu xét nghiệm dương tính trên số người lấy mẫu xét nghiệm giảm liên tục trong vòng 14 ngày và không ghi nhận chuỗi, chùm ca bệnh lây nhiễm mới trong 7 ngày.

Về nhóm chỉ số nguy cơ lây nhiễm, tiêu chí này yêu cầu đánh giá mức độ nguy cơ theo cấp phường nhưng Q.Bình Tân lại đánh giá theo khu phố, tổ dân phố là chưa phù hợp.

Tại buổi họp báo định kỳ hôm qua (ngày 7.10), ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 cho biết tính đến ngày 6.10, đã có 19 quận, huyện và TP.Thủ Đức được đề nghị công nhận kiểm soát dịch; riêng Q.Bình Tân và H.Bình Chánh chưa được đề nghị công nhận kiểm soát dịch.

Cũng trong ngày 8.10, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình có văn bản đề nghị Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM công nhận H.Bình Chánh đạt 6/6 tiêu chí kiểm soát dịch theo quy định của Bộ Y tế.

Như vậy, đến nay, TP.HCM đã có 20 quận, huyện và TP.Thủ Đức được đề nghị công bố kiểm soát dịch, chỉ còn Q.Bình Tân chưa được đề nghị công bố kiểm soát dịch Covid-19.

Khoảng 2,6 triệu người dân TP.HCM đã nhận gói hỗ trợ đợt 3

Ngày 8.10, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho biết, thực hiện Nghị quyết 97/2021 của HĐND TP.HCM và Công văn 3181/2021 của UBND TP.HCM về việc triển khai gói hỗ trợ Covid-19 đợt 3, các quận, huyện và TP.Thủ Đức đã thẩm định, phê duyệt danh sách cho gần 5,7 triệu người khó khăn vì Covid-19 trên địa bàn, mức hỗ trợ một lần 1 triệu đồng/người.

Theo ông Lê Minh Tấn, con số này thấp hơn dự kiến ban đầu (7,3 triệu người) do loại trừ 4 diện không được nhận hỗ trợ; diện người có hoàn cảnh không thật sự khó khăn và số người tự nguyện không nhận.

Tiến hành chi trả từ ngày 30.9 đến nay, các địa phương đã hỗ trợ cho khoảng 2,6 triệu người, đạt tỷ lệ 46,7%. Ông Tấn cho hay, TP.HCM sẽ gấp rút hoàn thành chi hỗ trợ trước 15.10.

Theo Nghị quyết 97, gói đợt 3 sẽ hỗ trợ cho 5 nhóm, trong đó, đặc biệt mở rộng cho nhóm thành viên là người phụ thuộc sống chung hộ với người lao động khó khăn.

Đã có khoảng 2,6 triệu người dân TP.HCM nhận gói hỗ trợ Covid-19 đợt 3

Tương tự như hai gói đợt trước tại TP.HCM, chính quyền phường, xã, thị trấn đóng vai trò chủ chốt trong việc lập, xét duyệt danh sách và tiến hành chi trả sau khi có quyết định thẩm định, phê duyệt của UBND cấp quận, huyện. Đồng thời, danh sách hỗ trợ (gồm: họ và tên, địa chỉ cư trú) phải công khai với cộng đồng dân cư, niêm yết công khai tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn, khu dân cư, tổ dân phố (nếu có), trang thông tin điện tử của xã, phường, thị trấn (nếu có).

Gian nan về quê bằng xe máy, hàng trăm người gặp lũ lúc nửa đêm

Đoàn người từ phía nam về quê với hàng trăm người đã bị kẹt giữa dòng nước lũ chảy xiết lúc đêm 7.10 đến rạng sáng 8.10 khi đi qua địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Sáng 8.10.2021, mạng xã hội lan truyền video clip nàyvề dòng người kẹt giữa dòng nước lũ khiến gười xem không khỏi xót xa.

Nước lũ chảy xiết nên nhiều phương tiện như ô tô, xe máy phải đứng bánh ngay giữa dòng nước.

Ngay sau đó, lực lượng CSGT Quảng Nam đã đến hỗ trợ đoàn người vượt qua dòng nước lũ. Cùng với lực lượng CSGT Quảng Nam, các thành viên trong đoàn từ thiện đến từ TP.Đà Nẵng đã cùng chung tay hỗ trợ. Từ từ lần lượt các phương tiện xe máy được đưa ra khỏi dòng nước lũ an toàn.

Một số phương tiện bị hư hỏng được nhóm người trong đoàn từ thiện sửa chữa ngay trong đêm để người dân tiếp tục hành trình hồi hương.

Sáng 8.10, trung tá Nguyễn Hồng Sơn, Đội trưởng Đội CSGT số 2, thuộc Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an tỉnh Quảng Nam, cho biết video được ghi lại tại TT.Thạnh Mỹ, H.Nam Giang, tỉnh Quảng Nam.

Gian nan về quê, hàng trăm người gặp lũ lúc nửa đêm ở Quảng Nam

Theo trung tá Sơn, vào lúc 0 giờ 30 phút ngày 8.10, một đoàn khoảng 200 xe máy với 400 người đi từ các tỉnh phía nam về quê tránh dịch. Khi đến tại Km 68 đường Quốc lộ 14B thuộc TT.Thạnh Mỹ thì cũng là lúc dòng nước lũ tràn ra đường, khiến nhiều xe máy bị mắc kẹt lại nhưng sau đó đã được sự hỗ trợ đưa ra khỏi dòng nước lũ an toàn.

Theo trung tá Sơn, nguyên nhân khiến nước tràn ra đường là do mưa lớn nhiều ngày, khiến nước trên đồi núi đổ về nhanh. Trong khi đó, cống thoát nước quá nhỏ so với lưu lượng nước đổ về, cùng với đó cống lại bị nghẹt do bùn đất và rác thải khiến nước thoát không kịp và tràn ra đường.

Sau khi hỗ trợ bà con qua dòng nước lũ an toàn, khoảng 1 giờ sáng cùng ngày, lực lượng CSGT còn dùng xe chuyên dụng dẫn đoàn đưa người dân xuống bàn giao cho lực lượng chức năng TP.Đà Nẵng, để người dân tiếp tục hành trình về quê.

Công nhân tạm biệt Bình Dương về Phú Yên: “Mai mốt hết dịch em vào lại”

Chiều 7.10.2021, trên 1.200 công nhân có hoàn cảnh khó khăn ở Bình Dương đã được các địa phương phối hợp đưa về Phú Yên. Các công nhân này được tỉnh Phú Yên phối hợp với Bình Dương đưa về trên 30 xe khách giường nằm hoàn toàn miễn phí do Công ty cổ phần xe khách Phương Trang hỗ trợ.

Phòng CSGT Công an tỉnh Phú Yên cũng điều động 2 xe ô tô chuyên dụng của CSGT vào tận bến xe khách Bình Dương để dẫn và hộ tống cho đoàn xe đưa rước công nhân về quê Phú Yên. Ngoài ra, hỗ trợ cho đoàn còn có các xe ô tô khác đi theo hỗ trợ về y tế, hậu cần…

"Mình vô đây từ sau tết đến giờ, làm công nhân trong khu công nghiệp VSIP 1 ở Thuận Giao, Thuận An. Sau khi dịch nhiều quá công ty không có việc, thất nghiệp. Mình đăng ký với tỉnh để mà xin về quê. Mai mốt dịch hết thì mình sẽ vào lại", anh Nguyễn Thành Trường - công nhân ở Bình Dương chia sẻ.

Ông Nguyễn Tấn Hoàng Cương, thuộc Hội đồng hương Phú Yên tại phía Nam, cho biết trong số trên 1.200 người dân được đưa về quê đợt này có người già, trẻ em, phụ nữ mang thai và công nhân lao động. Trước đó, Phú Yên cũng đã rước 630 người từ Bình Dương về quê.

Công nhân tạm biệt Bình Dương về Phú Yên: “Mai mốt hết dịch em vào lại”

Tính đến nay, Bình Dương đã ghi nhận hơn 200.000 ca Covid-19, trong đó đa số đã được điều trị khỏi bệnh, xuất viện và hơn 2.100 người tử vong.

Hiện toàn tỉnh Bình Dương đã không còn xã, phường vùng đỏ mà chỉ còn các điểm đỏ ở các khu phố, ấp. UBND tỉnh Bình Dương cũng đã chấp thuận phương án cho người dân tiêm đủ liều vắc xin, F0 khỏi bệnh lưu thông bằng ô tô trong 4 tỉnh, thành (Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM và Long An). Riêng người đi xe máy đủ điều kiện được lưu thông trong phạm vi thành phố Thủ Đức (thuộc TP.HCM) cùng với hai thành phố Thuận An và Dĩ An (thuộc Bình Dương).

Vượt ngàn cây số đưa tro cốt nạn nhân Covid-19 về đất mẹ Đà Nẵng

Ngày 8.10.2021, thông tin từ Bộ Chỉ huy quân sự thành phố Đà Nẵng cho biết trong ngày 7.10, cơ quan này đã phối hợp với Quân khu 5 tổ chức lễ tưởng niệm, nhận và bàn giao 2 bộ tro cốt của người tử vong vì Covid-19 có quê quán tại Đà Nẵng.

Ngay khi tiếp nhận tro cốt của các nạn nhân từ TP.HCM, đoàn công tác của Cục Chính trị Quân khu 5 đã vận chuyển và bàn giao cho Bộ Chỉ huy Quân sự TP.Đà Nẵng để trao lại cho các gia đình nạn nhân lo hậu sự.

Lễ tưởng niệm các nạn nhân diễn ra chu đáo, trang nghiêm, đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19

Vượt ngàn cây số đưa tro cốt nạn nhân Covid-19 về đất mẹ Đà Nẵng

Theo Bộ Tư lệnh Quân khu 5, trước sự mất mát to lớn của người dân trong đại dịch, đơn vị đã chủ động phối hợp Bộ Tư lệnh Quân khu 7 để cử tổ công tác vào TP.HCM. Đoàn này gồm hai cán bộ, hai lái xe do thượng tá Huỳnh Thanh Hải - phó trưởng phòng chính sách, Cục Chính trị Quân khu 5 - làm trưởng đoàn.

Trên đường từ TP.HCM hướng ra miền Trung, đoàn đã ghé tổng cộng 7 điểm để bàn giao 31 hũ tro cốt cho các gia đình tại Ninh Thuận, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Đắk Nông, Phú Yên, Bình Định, Gia Lai, Quảng Ngãi, Quảng Nam. Lễ bàn giao tại Đà Nẵng chiều 7.10.2021 là nơi cuối cùng trên hành trình vận chuyển đặc biệt này.

Ô tô công nghệ chạy lại, bác tài phấn khởi: ‘Miễn đi làm là hạnh phúc rồi’

Ngày 7.10, Grab ra mắt dịch vụ GrabCar Protect tại TP.HCM – dịch vụ gọi xe ô tô đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn đối với hoạt động vận chuyển hành khách theo thông báo của Sở GTVT ban hành ngày 5.10.2021.

Ô tô công nghệ chạy lại, bác tài phấn khởi: ‘Miễn đi làm là hạnh phúc rồi’

Theo đó, để được hoạt động trở lại, toàn bộ đối tác tài xế tham gia dịch vụ này đều đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin ngừa Covid-19 và mũi 2 đủ 14 ngày sau khi tiêm. Các bác tài cũng phải thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên Covid-19 theo quy định của cơ quan y tế và có kết quả âm tính mới được phép hoạt động.

Toàn bộ xe được lắp vách ngăn giữa tài xế và hành khách để giảm thiểu các tiếp xúc không cần thiết. Đồng thời, xe được trang bị dung dịch rửa tay (ít nhất 70% nồng độ cồn) cho hành khách, dung dịch khử khuẩn và thùng rác có nắp đậy trên xe.

Toàn bộ xe được lắp vách ngăn giữa tài xế và hành khách để giảm thiểu các tiếp xúc không cần thiết

lê nam

Điều này sẽ giúp giảm thiểu tối đa nguy cơ lây nhiễm Covid-19, góp phần đảm bảo an toàn, sức khỏe cho cộng đồng trong bối cảnh dịch bệnh tại TP.HCM vẫn còn phức tạp.

Theo quy định của cơ quan chức năng, dịch vụ GrabCar Protect đảm bảo vận chuyển không quá 50% sức chứa của xe. Cụ thể, xe GrabCar Protect 4 chỗ sẽ chỉ chở 01 hành khách, xe GrabCar Protect 7 chỗ chỉ chở 2 hành khách.

Anh Lê Minh Tâm (31 tuổi) đang mở app để đón những cuốc xe GrabCar Protect đầu tiên sau nhiều tháng nghỉ dịch

lê nam

Hành khách cần phải sử dụng mã QR khai báo di chuyển của ứng dụng VNEID và mã QR thể hiện lịch sử tiêm chủng của ứng dụng Y tế HCM hoặc Sổ sức khỏe điện tử (đến khi ứng dụng PC-Covid chính thức đưa vào hoạt động).

Trong trường hợp không có mã QR, hành khách cần có một trong các giấy xác nhận là người mắc Covid-19 đã khỏi bệnh dưới 06 tháng hoặc đã tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 (ít nhất 01 mũi đối với loại vaccine tiêm 02 mũi và 14 ngày sau tiêm) khi được cơ quan chức năng yêu cầu.

Anh Đoàn Xuân Vinh - Tài xế GrabCar xịt khử khuẩn xe trước và sau khi đón khách

Lê nam

Trong 4 tháng giãn cách xã hội, nhiều bác tài cũng tình nguyện tham gia các chuyến xe nghĩa tình chở nhu yếu phẩm, lương thực cho bệnh viện dã chiến trong thành phố; hay các chuyến xe Grab Y tế chở y bác sĩ, các bệnh nhân F0 ra viện khi dịch Covid-19 căng thẳng.

Khi thành phố thực hiện nới lỏng giãn cách, xe được lăn bánh trở lại trong điều kiện bình thường mới, những bác tài ô tô công nghệ bình tâm hơn sau chiếc vô lăng với những cảm xúc đặc biệt.

Còn rất nhiều tin tức, phóng sự đáng chú ý khác trong Bản tin Covid-19 hôm nay 8.10 lúc 20 giờ trên các nền tảng của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.