Bản tin Covid-19 ngày 20.10: Nhiều chỉ tiêu kinh tế năm 2021 bị ảnh hưởng vì dịch bệnh
Bản tin Covid-19 của Báo Thanh Niên trực tiếp lúc 20 giờ ngày 20.10.2021 tại địa chỉ thanhnien.vn, YouTube, Facebook của Báo Thanh Niên, trang Báo Thanh Niên trên 2 mạng xã hội Lotus và TikTok.
Tự động phát
Bản tin Covid-19 ngày 20.10.2021 của Báo Thanh Niên sẽ có những thông tin đáng chú ý sau:
Cả nước ghi nhận 3.646 ca Covid-19 mới, 1.737 ca khỏi bệnh
Bản tin Covid-19 ngày 20.10 cho biết tính từ 17 giờ ngày 19.10 đến 17 giờ ngày 20.10, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 3.646 ca nhiễm mới, 1.737 ca khỏi bệnh.
Trong ngày, cả nước ghi nhận 72 ca tử vong tại 10 tỉnh, thành phố nâng tổng số ca tử vong lên 21.416 ca.
Thông tin về 3.646 ca nhiễm mới được công bố ngày 20.10 như sau:
- 11 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
- 3.635 ca ghi nhận trong nước (tăng 608 ca so với ngày trước đó) tại 50 tỉnh, thành phố (có 1.810 ca trong cộng đồng). Gồm TP.HCM (1.347), Bình Dương (492), Đồng Nai (305), An Giang (194), Sóc Trăng (100), Bạc Liêu (99), Gia Lai (93), Kiên Giang (87), Đắk Lắk (77), Long An (72), Tiền Giang (65), Tây Ninh (52), Phú Thọ (50), Bình Thuận (50), Cà Mau (46), Cần Thơ (44), Hà Giang (40), Khánh Hòa (39), Trà Vinh (38), Nghệ An (33), Thanh Hóa (25), Quảng Nam (24), Đồng Tháp (24), Hậu Giang (23), Quảng Trị (23), Hà Nam (19), Bến Tre (18), Quảng Ngãi (17), Bình Định (16), Vĩnh Long (14), Bắc Ninh (13), Bình Phước (13), Bà Rịa - Vũng Tàu (13), Kon Tum (12), Thừa Thiên Huế (11), Hà Nội (10), Đà Nẵng (8 ), Ninh Thuận (5), Đắk Nông (4), Quảng Bình (3), Nam Định (3), Lào Cai (3), Hải Dương (2), Yên Bái (2), Sơn La (2), Phú Yên (1), Hà Tĩnh (1), Vĩnh Phúc (1), Điện Biên (1), Tuyên Quang (1).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Sóc Trăng (giảm 100), Đồng Nai (giảm 66), Tây Ninh (giảm 52).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: TP.HCM (tăng 440), Đắk Lắk (tăng 77), An Giang (tăng 60).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 3.298 ca/ngày.
Ngày 20.10: Cả nước 3.646 ca Covid-19, 1.737 ca khỏi | TP.HCM 1.347 ca |
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 873.901 ca nhiễm, đứng thứ 40/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 154/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 8.875 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):
- Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 869.193 ca, trong đó có 793.766 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
- Có 2/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Hòa Bình.
- Có 16 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Ninh Bình, Lạng Sơn, Sơn La, Yên Bái, Hà Giang, Lai Châu, Hải Phòng, Tuyên Quang, Thái Bình, Kon Tum, Hưng Yên, Điện Biên, Thái Nguyên.
- Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (420.946), Bình Dương (226.845), Đồng Nai (59.691), Long An (33.929), Tiền Giang (15.249).
Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:
- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 1.737
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 796.583
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.879 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 2.824
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 468
- Thở máy không xâm lấn: 90
- Thở máy xâm lấn: 477
- ECMO: 20
Trong ngày, cả nước ghi nhận 72 ca tử vong tại 10 tỉnh, thành phố. Gồm: TP.HCM (43), Bình Dương (8 ), An Giang (7), Tiền Giang (4), Long An (3), Kiên Giang (2), Đắk Lắk (2), Đồng Tháp (1), Bạc Liêu (1), Đồng Nai (1).
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 78 ca.
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 21.416 ca, chiếm tỉ lệ 2,5% so với tổng số ca nhiễm.
Ngày 20.10: Thông báo 72 ca Covid-19 tử vong tại 10 tỉnh thành |
So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 133/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với Châu Á, tổng số ca tử vong, Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 28/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trong 24 giờ qua, cả nước đã thực hiện 108.019 xét nghiệm cho 188.790 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện 21.245.373 mẫu cho 58.342.779 lượt người.
Trong ngày 19.10 đã có 1.990.538 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 67.083.557 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 47.997.541 liều, tiêm mũi 2 là 19.086.016 liều.
Chính phủ đặt mục tiêu đẩy lùi dịch bệnh, tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 6 - 6,5%
Sáng 20.10.2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thay mặt Chính phủ báo cáo kết quả thực hiện tình hình kinh tế - xã hội năm 2021 và dự kiến kế hoạch năm 2022 trước kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.
Báo cáo trước Quốc hội, đồng bào và cử tri cả nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, năm 2021, trong bối cảnh đất nước gặp nhiều khó khăn, thách thức nhất là đợt dịch covid-19 lần thứ tư với biến chủng delta có tốc độ lây lan rất nhanh, nguy hiểm hơn nhiều so với chủng gốc trước đây, buộc cả nước phải áp dụng nhiều biện pháp phòng, chống dịch, mạnh mẽ, quyết liệt, chưa có tiền lệ để thực hiện mục tiêu ưu tiên trước hết, trên hết là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân.
Kết quả như trung ương đã đánh giá: “Các chủ trương, chính sách, biện pháp được triển khai trong thời gian qua là đúng đắn, kịp thời và chỉ đạo, tổ chức thực hiện khẩn trương, quyết liệt, đạt được những kết quả quan trọng. Đến nay dịch bệnh cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc và đang thực hiện lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh tại nhiều địa phương”.
Tăng trưởng GDP cả nước năm 2021 không đạt vì ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 |
Điều nổi bật là trong những thời điểm khó khăn, thử thách gay gắt nhất của dịch bệnh, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc được phát huy mạnh mẽ, đã xuất hiện rất nhiều tấm gương, nghĩa cử cao đẹp, lay động lòng người. Hàng chục ngàn y, bác sĩ, nhân viên y tế, những “chiến sĩ áo trắng”, phải xa gia đình trong thời gian dài, chấp nhận hy sinh, kiên cường bám trụ, bất chấp hiểm nguy, “chiến đấu” quên mình vì sức khỏe, tính mạng của người dân.
Hàng trăm nghìn cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an, tổ Covid cộng đồng bám sát địa bàn, tận tâm, tận lực, không ngại gian khổ, khó khăn ngày đêm, hỗ trợ các địa phương.
Về kết quả kinh tế, Thủ tướng báo cáo dự kiến có 4/12 chỉ tiêu chủ yếu chưa đạt mục tiêu đề ra. Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 5,64%, tuy nhiên quý 3 giảm 6,17% do ảnh hưởng nghiêm trọng của đợt dịch bùng phát lần thứ tư nên tính chung 9 tháng GDP chỉ tăng 1,42%. Kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro; sức ép lạm phát tăng; xuất khẩu giảm tốc, tiếp tục xu hướng nhập siêu; xuất nhập khẩu phụ thuộc vào khu vực FDI và một số ít thị trường; xuất hiện tình trạng đứt gãy một số chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động…
Dự kiến, các mục tiêu không đạt, gồm: tốc độ tăng trưởng GDP ước đạt khoảng 3 - 3,5% so với mục tiêu khoảng 6%; GDP bình quân đầu người ước đạt 3.660 - 3.680 USD, thấp hơn so với mục tiêu khoảng 3.700 USD; tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng ước đạt khoảng 32%, thấp hơn so với mục tiêu khoảng 44 - 47%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều ước giảm 0,5 - 1 điểm phần trăm, thấp hơn so với mục tiêu 1 - 1,5 điểm phần trăm.
Nhiệm vụ từ nay đến cuối năm, Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ tập trung nỗ lực cao nhất cho phòng, chống dịch Covid-19; khẩn trương xây dựng và tổ chức thực hiện các phương án, kịch bản cụ thể, sát hợp với tình hình thực tế; quyết liệt hành động với mục tiêu xuyên suốt là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết; thúc đẩy viện trợ, nhập khẩu vắc xin, nghiên cứu chuyển giao công nghệ và sản xuất trong nước, đẩy nhanh tiến độ bao phủ tiêm vắc xin, chuẩn bị thuốc điều trị cần thiết, nâng cao năng lực y tế, nhất là công tác điều trị và ở cơ sở; có lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, phấn đấu kiểm soát hiệu quả dịch bệnh trên phạm vi toàn quốc để tập trung khắc phục hậu quả của dịch bệnh và khôi phục, phát triển kinh tế.
Khẩn trương hoàn thiện, báo cáo cấp có thẩm quyền Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.Dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 202, Thủ tướng khẳng định mục tiêu thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân, cùng với tập trung tận dụng tốt cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế với các giải pháp tổng thể kích thích nền kinh tế, hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, không để suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chia sẻ với mất mát nặng nề của người dân trong dịch Covid-19 |
Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tếĐáng chú ý nhất là đó tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt khoảng 6 - 6,5%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; bội chi ngân sách nhà nước so với GDP khoảng 4%.Thủ tướng nhìn nhận, trong bối cảnh nước ta còn nhiều khó khăn, thách thức với những diễn biến và tác động khó lường của đại dịch Covid-19, nhiệm vụ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và thời gian tới là rất nặng nề.
Với tinh thần, ý chí quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, với sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của nhà nước, nhất định chúng ta sẽ sớm đẩy lùi dịch bệnh để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, đưa đất nước vững bước tiến lên trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển.
TP.HCM tính toán dỡ toàn bộ chốt kiểm soát Covid-19 tại các cửa ngõ
Bên lề kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV vừa kết thúc trưa 20.10, tại điểm cầu TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, Trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM đã trao đổi với báo chí về việc các chốt kiểm soát khu vực cửa ngõ hiện vẫn yêu cầu người từ các tỉnh vào thành phố phải có giấy xét nghiệm âm tính.
Theo ông Mãi, trước hết phải thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ. Hôm qua (19.10), tại cuộc họp sơ kết tình hình kinh tế xã hội 9 tháng đầu năm, các ngành chức năng như y tế, giao thông, công an… đã trao đổi, phối hợp để thực hiện đúng Nghị quyết 128. Thành phố sẽ tính toán phương pháp, cách làm để vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch vừa phục hồi phát triển kinh tế.
Theo Nghị quyết 128 của Chính phủ, đối với tất cả cấp độ dịch, chỉ yêu cầu xét nghiệm một trong 2 trường hợp: có nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn cấp độ 3; hoặc từ địa bàn cấp độ 4, vùng phong tỏa.
TP.HCM tính toán dỡ toàn bộ chốt kiểm soát Covid-19 tại các cửa ngõ |
Riêng đối với người đã tiêm đủ liều vắc xin và người khỏi bệnh thì chỉ xét nghiệm khi có yêu cầu điều tra dịch tễ; hoặc đến từ địa bàn cấp độ 4, vùng phong tỏa.
Cũng tại cuộc họp chiều qua (19.10), Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình cho biết thành phố đang tính toán phương án để không còn chốt kiểm soát ở các địa bàn giáp ranh, tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông hàng hóa và cung ứng lao động.
Chủ tịch Phan Văn Mãi cũng cho biết việc này đang được cân nhắc trên tinh thần "kiểm soát được dịch nhưng không gây cản trở, khó khăn cho doanh nghiệp và người dân”.
Từ ngày 1.10, thực hiện theo Chỉ thị 18, TPHCM đã gỡ tất cả chốt kiểm soát trong nội thành nhưng vẫn duy trì 51 chốt kiểm soát, bao gồm 12 chốt chính và 39 chốt phụ ở các quận, huyện giáp ranh các tỉnh để kiểm soát người và phương tiện ra vào.
Xã đảo ở TP.HCM rộn rã ngày đầu học sinh đến trường
Ngay từ sáng sớm, không khí xã đảo Thạnh An trở nên sôi động hơn những ngày qua. Học sinh dậy thật sớm, được cha mẹ chuẩn bị đồ đạc, dụng cụ học tập để đến trường. Đây là nơi đầu tiên ở TP.HCM có học sinh trở lại trường học trực tiếp sau hơn 4 tháng phải ở nhà.
Xã đảo ở TP.HCM rộn rã ngày đầu học sinh đến trường sau 4 tháng ở nhà |
Lúc 6 giờ 15, chuyến đò chở học sinh từ ấp đảo Thiềng Liềng cũng cập bến xã Thạnh An sau 4 tháng tạm ngưng. Còn dọc hai bên đường, những học sinh cũng tự đạp xe hay được cha mẹ chở đến trường trong không khí háo hức. Đến 7 giờ, hầu hết học sinh đã vào lớp.
Chuyến tàu đầu tiên chở học sinh từ ấp Thiềng Liềng sau xã Thạnh An sau hơn 4 tháng thực hiện giãn cách |
Các học sinh ở ấp Thiềng Liềng cho biết đã dậy thật sớm, chuẩn bị đồ đạc chờ tới giờ đến trường |
Tại hai trường tiểu học và THCS – THPT Thạnh An, mỗi học sinh đến sẽ được phát phiếu khai báo y tế, đo thân nhiệt và buộc phải đeo khẩu trang trong suốt buổi học. Giờ ra chơi, học sinh từng khối sẽ được ra khỏi lớp xen kẽ với nhau.
Một nhóm học sinh đến trường rất sớm, mang theo thức ăn ra kè biển để ăn sáng chờ đến giờ vào trường |
Trước đó, chiều 19.10, Sở Y tế và Sở GD-ĐT TP.HCM đã thống nhất với đề xuất của UBND huyện Cần Giờ về việc thí điểm mở cửa trường học vào ngày 20.10. Khoảng 250 học sinh cùng với 67 giáo viên, nhân viên của Trường tiểu học Thạnh An cùng Trường THCS-THPT Thạnh An là những học sinh, giáo viên đầu tiên của TP.HCM trở lại trường học trực tiếp sau thời gian ngừng đến trường vì dịch Covid-19.
Vừa mở lại, khách đã ngồi lại kín chợ ẩm thực Hồ Thị Kỷ tới khuya
Ghi nhận lúc 21 giờ tại chợ ẩm thực Hồ Thị Kỷ (quận 10) tối 19.10.2021, mặc dù được hoạt động trở lại nhưng theo quy định của TP.HCM, dịch vụ ăn uống vẫn chỉ cho phép bán mang về. Tuy nhiên, rất nhiều khách hàng đã ngồi ăn lại tại chỗ ngay đầu phố ẩm thực nổi tiếng này.
Vừa mở cửa, khách đã ngồi lại kín chợ ẩm thực Hồ Thị Kỷ tới khuya |
Ngày thường, khu phố ẩm thực này hấp dẫn thực khách với hơn 100 gian hàng khác nhau. Trong ngày hoạt động trở lại, các quầy hàng mới chỉ hoạt động được 60-70%, nhiều chủ hàng vẫn đang rục rịch dọn dẹp hàng quán để chuẩn bị mở lại trong vài ngày tới.
Khách ngồi ăn uống nhộn nhịp tại phố ẩm thực Hồ Thị Kỷ những ngày đầu mở lại |
TN |
Một số tiệm thịt xiên nướng, trà dâu… khách xếp hàng đông nghịt để chờ mua. Khu chợ thân quen với giới trẻ ngay khi vừa hoạt động lại đã thu hút đông đảo tín đồ ẩm thực.
Tiệm thịt xiên nướng đông nghịt khách |
TN |
Đến 22 giờ khuya, các bàn của một số hàng quán ngay phía đầu phố ẩm thực Hồ Thị Kỷ vẫn chật kín người, khách vô tư ngồi thưởng thức đồ ăn, nước uống và trò chuyện vui vẻ tới khuya.
Trong ngày 19.10, Sở Công thương đã có văn bản đề xuất UBND TP.HCM cho phép hàng quán được tổ chức hoạt động cả hình thức bán mang đi và phục vụ tại chỗ; trừ các loại hình kinh doanh bán bia, rượu. Trong đó, khách hàng sử dụng loại hình phục vụ ăn uống tại chỗ phải được tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19.
Nhiều quán vô tư để khách ngồi lại mặc dù TP vẫn đang quy định hàng quán chỉ bán mang về |
TN |
Hàng quán kết thúc hoạt động trước 21 giờ hằng ngày, công suất không quá 50% năng lực phục vụ. Mật độ phục vụ tại chỗ đảm bảo không quá 2 người/bàn, khoảng cách giữa các bàn ăn tối thiểu 2m.
Đề xuất trên xuất phát từ các quy định của Chính phủ, Bộ Y tế, UBND TP.HCM và đề nghị của Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam về việc cho phép các cơ sở dịch vụ ăn uống trong địa bàn thành phố được mở cửa hoạt động bình thường.
Trước đó, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết thành phố sẽ tổ chức thí điểm cho hàng quán kinh doanh ăn uống phục vụ tại chỗ tại Q.7 hoặc địa bàn an toàn.
Tuy nhiên, một số hàng quán đã “cầm đèn chạy trước” khi cho khách ngồi ăn uống tại chỗ thoải mái mà không đảm bảo quy tắc 5K và các điều kiện giãn cách.
Đồng Nai lại thiếu kim tiêm vắc xin
Vấn đề thiếu kim tiêm vắc xin Covid-19 lại được Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai nhắc đến tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Đồng Nai vào sáng 20.10.
Báo cáo tại cuộc họp, bác sĩ Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai cho biết đến nay, toàn tỉnh đã tiêm mũi 1 cho 2.549.407 người (tỷ lệ 101,65%), mũi 2 được 982.387 người (tỷ lệ 39,17%).
Theo bác sĩ Vũ, sắp tới Đồng Nai sẽ tiếp nhận thêm 500.000 liều vắc xin AstraZeneca để tiêm mũi 2. Tuy nhiên, kim tiêm thì Bộ Y tế lại không cung cấp đủ dẫn đến tình trạng thiếu hụt. Do đó bác sĩ Vũ đề nghị các địa phương chủ động tính toán số lượng kim tiêm theo kế hoạch phân bổ vắc xin để kịp thời tiêm cho người dân theo đúng tiến độ.
Đồng Nai lại thiếu kim tiêm dù sắp nhận nửa triệu liều vắc xin Covid-19 |
Trao đổi với PV Thanh Niên, bác sĩ Vũ cho biết thêm, "do kim tiêm được Bộ Y tế cấp về sau". “Đồng Nai đang đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin, cụ thể là rút ngắn thời gian tiêm mũi 2 AstraZeneca từ 8 tuần xuống còn 6 tuần và sắp tới là 4 tuần để nhanh chóng phủ mũi 2 vắc xin toàn tỉnh. Do đó đây là lý do xảy ra tình trạng thiếu kim tiêm”, bác sĩ Vũ giải thích.
Trước đó, vào đầu tháng 10, Đồng Nai cũng xảy ra tình trạng thiếu kim tiêm vắc xin Covid-19 do Bộ Y tế không cấp kịp thời. Thời điểm đó, Đồng Nai đã phải đi mượn nhiều nơi để tiêm cho người dân. Sau khi nhận được kim tiêm vắc xin từ Bộ Y tế chuyển vào, Sở Y tế Đồng Nai đã trả lại cho các đơn vị.
Hướng dẫn đăng ký tiêm mũi 2 vắc xin phòng Covid-19
Ngày 19.10.2021, Sở Y tế TP.HCM đã ban hành công văn khẩn gửi đến UBND thành phố Thủ Đức và quận huyện, về việc tăng cường tiêm vét vắc xin phòng Covid-19 cho tất cả người dân từ 18 tuổi trở lên.
Người dân có thể đăng ký tiêm vắc xin qua đầu số 8066. Những người chưa tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 1, tiếp tục đăng ký tiêm vắc xin phòng Covid-19 qua tổng đài 8066 theo cú pháp: MUI1 HoTen NamSinh QuanHuyen để đăng ký tiêm vắc xin mũi 1.
Những người chưa tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 2, đăng ký tiêm vắc xin phòng Covid-19 qua đầu số 8066 theo cú pháp: MUI2 HoTen NamSinh QuanHuyen PhuongXa. Thời gian bắt đầu nhận tin nhắn từ 12 giờ ngày 20.10.2021.
Hướng dẫn đăng ký tiêm mũi 2 vắc xin phòng Covid-19 |
Trong thời gian tới, TP.HCM sẽ tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho tất cả người dân từ 18 tuổi trở lên cư trú trên địa bàn thành phố chưa tiêm mũi 1 hoặc mũi 2 khi đã đến hạn, các địa phương cần truyền thông để người dân có thể dễ dàng tiếp cận điếm tiêm theo kế hoạch của địa phương; đảm bảo người dân được tiêm chủng đúng lịch, đủ liều và an toàn trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Các địa phương sẽ căn cứ danh sách người dân trên địa bàn đã tiêm mũi 1 trên hệ thống tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, chủ động thực hiện mời người dân đã đến hạn tiêm mũi 2 đến điểm tiêm theo kế hoạch của địa phương.
Các địa phương đã khẩn trương rà soát lại danh sách người trên 18 tuổi đang cư trú trên địa bàn, thống kê báo cáo các số liệu về số người đã tiêm mũi 1, số người đã tiêm mũi 2, số người chưa tiêm mũi 2. Đặc biệt trong nhóm chưa tiêm mũi 2 sẽ làm rõ số lượng người đã đến hạn cũng như các lý do mà họ chưa được tiêm như: đã nhiễm Covid-19 nên phải hoãn tiêm, không còn ở nơi cư trú, đã tiêm nơi khác, …
Trường hợp người dân không có giấy chứng nhận đã tiêm mũi 1 do thất lạc hoặc chưa được cấp thì địa phương hướng dẫn người dân có thể cung cấp các thông tin về việc đã tiêm vắc xin mũi 1 hoặc ký bản cam kết về việc đã tiêm mũi 1. Điểm tiêm phải có trách nhiệm cập nhật hoặc điều chỉnh lại thông tin trên Hệ thống và thực tiêm theo quy định.
Còn rất nhiều tin tức, phóng sự đáng chú ý khác trong Bản tin Covid-19 ngày 20.10 phát lúc 20 giờ trên các nền tảng của Báo Thanh Niên.
Bình luận (0)