Theo đó, Quốc hội yêu cầu tập trung ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát lạm phát; đồng thời, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế; hoàn thiện thể chế, khơi thông nguồn lực; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng…
Đối với mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6,8%, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chỉ tiêu này được xây dựng trên cơ sở kết quả ước thực hiện của năm 2019, dự báo về bối cảnh, tình hình của năm 2020 còn nhiều biến động khó lường, tính toán, cân đối các nguồn lực cũng như tham khảo đánh giá của một số tổ chức quốc tế.
Do đó, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ báo cáo Quốc hội mục tiêu tăng GDP năm 2020 khoảng 6,8% là mức tăng hợp lý, bảo đảm sự hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, duy trì nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô và giải quyết các vấn đề xã hội.
|
Về một số mục tiêu cụ thể, Nghị quyết nêu rõ cần tiếp tục triển khai cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, quyết liệt xử lý các ngân hàng yếu kém; tăng cường sự phối hợp của các cơ quan hữu quan trong quá trình xử lý nợ xấu. Tăng cường hiệu quả, hiệu lực hoạt động thanh tra, giám sát tổ chức tín dụng. Phát triển công nghệ ngân hàng hiện đại và thanh toán điện tử.
Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện việc cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, tập trung tháo gỡ vướng mắc trong cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước theo lộ trình, bảo đảm công khai, minh bạch và nâng cao hiệu quả hoạt động các doanh nghiệp sau cổ phần hóa, tối đa hóa lợi ích nhà nước. Đồng thời, xử lý kiên quyết, dứt điểm các dự án, doanh nghiệp thua lỗ, kém hiệu quả.
Trong công tác đối ngoại, bảo vệ quốc phòng an ninh, Quốc hội quyết nghị cần kiên định đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; tiếp tục củng cố và làm sâu sắc hơn quan hệ với các nước, đối tác. Kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, lợi ích quốc gia và lợi ích của người dân trên biển. Tuyên truyền và triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương và đa phương. Thực hiện tốt công tác người Việt Nam ở nước ngoài và bảo hộ công dân; quản lý người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và quản lý lao động người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
12 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội 2020
1. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,8%;
2. Tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân (CPI) dưới 4%;
3. Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7%;
4. Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%;
5. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33-34% GDP;
6. Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) giảm 1-1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%;
7. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị dưới 4%;
8. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 65%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 25%;
9. Số giường bệnh trên một vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) đạt 28 giường bệnh;
10. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,7%;
11. Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 90%;
12. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%.
|
Bình luận (0)