Sài Gòn khởi động dịch vụ

Nguyên Nga
Nguyên Nga
12/09/2020 06:50 GMT+7

Sau 4 ngày TP.HCM có công văn khẩn cho phép các cơ sở quán bar, vũ trường, hội họp hoạt động trở lại , nhiều nơi vẫn cho biết đang khởi động dè dặt, bởi... chưa có khách hàng.

Theo Công văn 3432 của UBND TP.HCM ban hành tối 7.9 vừa qua, nhiều hoạt động kinh doanh dịch vụ từ bar, vũ trường đến những sự kiện có tập trung đông người như hội chợ, triển lãm, hội thảo… được phép tổ chức bình thường trở lại. Tuy nhiên, công văn cũng nhấn mạnh, mọi hoạt động phải đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch như đeo khẩu trang, sát khuẩn, khai báo y tế, giữ khoảng cách an toàn…
Trước đó, ngày 30.7, UBND TP.HCM đã có lệnh tạm thời đóng cửa các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu như quán bar, vũ trường, tạm dừng các sự kiện có tập trung đông người như lễ hội, hội chợ, xúc tiến đầu tư… khi chưa cấp thiết.

Karaoke chật vật “kéo” khách đi hát

Trưa 11.9, anh Châu Nguyên, quản lý quán karaoke gia đình trên đường Sư Vạn Hạnh (Q.10, TP.HCM), tỏ ra sốt ruột khi đang ngồi nói chuyện với khách, lại đứng dậy đi ra ngoài cửa ngó nghiêng, gọi điện, nhìn đồng hồ rồi quay vào. “Có nhóm đặt phòng VIP 15 khách từ hôm kia, tổ chức mừng sinh nhật, báo sẽ đến chơi lúc 12 giờ, mình không yêu cầu cọc gì cả và cũng không có bất kỳ ràng buộc nào, nhưng nay đã hơn 1,5 tiếng, vẫn chưa thấy. Gọi điện lần 1 báo sẽ đến, lần 2 và lần 3 không nghe máy. Trong khi một số đồ ăn họ đặt đã chuẩn bị, quán mới khởi động chương trình hát miễn phí, chỉ thu tiền thức ăn và nước uống, nếu hôm nay bể “sô”, cũng mệt lắm…”. Chuỗi quán karaoke M. mà anh Châu Nguyên đang quản lý có 3 cơ sở, hai điểm tại Q.10 và một ở Q.Phú Nhuận. Trong đó, chỉ có điểm trên đường Sư Vạn Hạnh này hoạt động 15 phòng là đang có khách lai rai.
Nhiều tuyến đường từng được phong “con đường karaoke” đã thưa thớt hẳn, đặc biệt các điểm kinh doanh karaoke lẻ, không theo chuỗi, vốn đã đóng cửa, trả mặt bằng ngay từ trong đợt dịch lần 1. Chẳng hạn, tuyến đường karaoke Sư Vạn Hạnh (Q.10) có ít nhất 3 điểm tạm ngưng hoạt động cho dù đã được hoạt động trở lại, tuyến đường karaoke Phan Xích Long (Q.Phú Nhuận) cũng có 2 điểm trả mặt bằng, khu vực ngã năm Chuồng Chó (Q.Gò Vấp) cũng có vài điểm “cửa đóng then cài”.
Quản lý cơ sở kinh doanh karaoke K. (Phạm Viết Chánh, Q.1, TP.HCM) cho biết, khách đến được hát miễn phí từ 10 giờ sáng đến 7 giờ tối, sau 7 giờ tối mới thu tiền hát. Chỉ tính tiền thức ăn và nước uống cho khách theo giá cũ, thậm chí nhiều loại thức uống đang được khuyến mãi, giảm mạnh kiểu uống bao nhiêu được tặng thêm… Tuy nhiên, lượng khách đến hát giảm 50% và tiền hóa đơn tính trung bình giảm 60%.
Hoạt động kinh doanh nhà hàng thì đã trở về trạng thái bình thường sớm hơn. Tối 10.9, đưa con đi ăn tại quán gà rán Jolibee trên đường Âu Cơ (Q.Tân Bình, TP.HCM), hai vợ chồng chị Thanh Nhân cho biết không ngờ khách đi ăn ngoài trong mùa dịch lại đông đến vậy. Đến quán lúc 6 giờ 45 phút, chị phải chờ 4 khách để được đặt món và chờ 20 phút sau mới có thức ăn. Chị Nhân kể, lúc đầu chọn quán Don Chicken trên cùng tuyến đường, nhưng khách đông quá, chạy sang Jolibee cũng đông nghẹt. Trước đó, tối chủ nhật (6.9), nhà hàng Phổ Đình trên đường 3 Tháng 2, Q.10, cũng đông nghẹt khách. Từ 6 - 8 giờ tối, theo quan sát của PV Thanh Niên, khách đến luôn phải ngồi chờ để có bàn trống.
Với dịch vụ tổ chức các sự kiện, Nguyễn Minh Vi, quản lý công ty chuyên tổ chức hội nghị, xúc tiến thương mại, cho biết công ty đang tái khởi động để tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại cho các khách hàng đã từng lên lịch từ đầu năm nay, nhưng không tổ chức được. Trong đó, có doanh nghiệp trong hiệp hội dệt may của Ấn Độ và xúc tiến thương mại ngành gỗ tại TP.HCM.

Nhìn bánh... đoán mức chi tiêu cho dịch vụ ?

Ông Tạ Quang Hùng, Giám đốc quản lý chuỗi quán Kingdom karaoke, Kingdom Beer, Cheer House, Yolo Pub & Café..., cho biết nhìn vào tình hình kinh doanh bánh trung thu năm nay, có thể đoán được thị trường chi tiêu dịch vụ năm nay thế nào. Thực tế, chi tiêu dành cho dịch vụ giải trí sau đợt tái dịch đã trở nên khó khăn, dè dặt hơn rất nhiều. Khách đi chơi đã ít, số tiền chi tiêu càng ít hơn. Trong vài ngày tái hoạt động trở lại, ông Tạ Quang Hùng cho biết, tần suất khách đi bar giảm một nửa, số tiền tính trên một hóa đơn cũng giảm đến… 60%. Trước hóa đơn khách nhóm vào bar có thể 10 triệu đồng thì nay chỉ 4 triệu đồng là tối đa. Trong khi hằng tháng, nhà đầu tư vẫn phải chi trả mặt bằng và lương nhân viên đến hàng tỉ đồng cho một điểm kinh doanh.

Vietnam Airlines khôi phục các chuyến bay quốc tế thường lệ

Vietnam Airlines cho biết sẽ chính thức khai thác trở lại các chuyến bay quốc tế thường lệ đầu tiên sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Theo đó, Vietnam Airlines sẽ thực hiện những chuyến bay một chiều từ Việt Nam đi Nhật Bản, nhằm phục vụ nhu cầu của hành khách từ Việt Nam đến Nhật Bản. Cụ thể, trong tháng 9, các chuyến bay từ Hà Nội đi sân bay Narita (Tokyo, Nhật Bản) khởi hành lúc 23 giờ 45 các ngày 18.9, 25.9, 30.9 và từ TP.HCM đi Narita khởi hành lúc 0 giờ ngày 30.9.
Các chuyến bay chở khách chiều ngược lại từ Nhật Bản về Việt Nam sẽ được thực hiện sau khi có quyết định chính thức của các nhà chức trách. Toàn bộ phi hành đoàn được kiểm tra sức khỏe và tổ chức cách ly theo quy định sau khi về Việt Nam.
Máy bay được phun khử khuẩn toàn bộ khoang hành khách, buồng lái bằng hóa chất theo tiêu chuẩn quốc tế. Mức giá đã bao gồm thuế, phí là từ 10,19 triệu đồng/chiều (giá vé có thể thay đổi tại thời điểm mua tùy theo tình trạng chỗ trên chuyến bay và biến động tỷ giá). Bên cạnh đó, Vietnam Airlines cũng đang xây dựng phương án khôi phục các đường bay đến Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Lào, Campuchia trong thời gian tới.
Mai Hà
“6 điểm kinh doanh của chúng tôi, riêng tiền thuê mặt bằng và lượng nhân viên mỗi tháng đã chi hàng tỉ đồng. Cầm cự được nửa năm, nếu kéo dài, rất khó khăn. Đặc biệt, trong đợt dịch này, các điểm kinh doanh nhỏ lẻ có cách “chết” của nhỏ lẻ, kinh doanh chuỗi lại có kiểu khó khăn khác. Đó là số tiền chi ra hằng tháng rất lớn”, ông Hùng nói và dự báo hết năm nay, kinh doanh bar, karaoke, vũ trường vẫn khó khăn. Sang năm 2021, khi dịch bệnh được khống chế hoàn toàn, hy vọng trở lại bình thường, nhưng chắc cũng đến mùa hè sang năm mới bình thường nổi.
Hiện trung bình mỗi tháng, riêng Yolo Pub & Café đặt ở vị trí đắc địa số 1 Bùi Viện (Q.1, TP.HCM), ngay trong lòng phố Tây, nhà đầu tư phải chi hàng tỉ đồng và chấp nhận không có doanh thu trong mùa dịch. Khách Tây đến với Yolo Pub ngày thường trước dịch cũng chỉ chiếm 20 - 30%, còn lại là khách Việt. Trong đại dịch, khách Tây không có đã đành, khách Việt cũng đìu hiu trong “ngày trở lại”. Trong khi các điểm mặt bằng thuê kinh doanh dịch vụ của chuỗi này đều trên 100 triệu đồng mỗi tháng.
Ngay trong đợt 1 ngưng hoạt động 3 tháng, Kingdom karaoke đã tổ chức bán thức ăn online mà theo ông Hùng, "đó chỉ là giải pháp tình thế, tìm việc làm cho lượng nhân viên còn bám trụ với công ty, trang trải phần nào chứ không thể mang lại lợi nhuận". Trước dịch, chuỗi kinh doanh karaoke, bar của Kingdom và Yolo khoảng 700 nhân viên, nay còn một nửa. Ông Hùng cho rằng, việc có thể cầm cự chuỗi kinh doanh dịch vụ này đến sang năm là thách thức cực lớn cho nhà đầu tư.

Giải trí còn đợi khách tây

Dịch vụ là loại hình kinh doanh mang tính “bản sắc” của TP.HCM. Khách du lịch đến với thành phố được mệnh danh đầu tàu kinh tế thương mại của cả nước này thường quan tâm đến hoạt động giải trí, “ăn chơi nhảy múa” về đêm. Trong đó, đi bar, hát, nhảy hay cà phê là hoạt động không thể thiếu. Thế nhưng, dịch Covid-19 khiến khách quốc tế gần như không còn khiến các "phố Tây" như Bùi Viện, Phạm Ngũ Lão... vắng hẳn. Dù khá hào hứng ngày mở lại nhưng theo nhiều chủ quán bar, cà phê, nhà hàng trên các con phố này, họ vẫn đang kỳ vọng việc "mở cửa bầu trời" trở lại.
Thông tin mới nhất, với 6 đường bay quốc tế được mở trong tháng 9, dự kiến mỗi tháng có 20.000 người nhập cảnh Việt Nam qua sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất và Cần Thơ. Đây là thông tin được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đưa ra tại cuộc họp Chính phủ trực tuyến về công tác phòng chống Covid-19, sáng 11.9, khi báo cáo phương án đưa các chuyên gia, nhà đầu tư nhập cảnh Việt Nam. Cụ thể, ngày 15.9 Việt Nam mở 4 đường bay đến Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan; ngày 22.9 sẽ mở đường bay đến Campuchia và Lào. Tổng cộng, khoảng 20.000 người nhập cảnh vào Việt Nam mỗi tháng.
Điều này không chỉ khiến các hãng hàng không, các công ty lữ hành mà cả các ngành dịch vụ ăn theo du lịch đang tràn ngập hy vọng sau gần 1 năm đóng cửa bởi dịch bệnh. Bởi khách nước ngoài chiếm tỷ trọng khá lớn trong hoạt động kinh doanh của các ngành này trước khi có dịch.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.