Sáng ra đường và mãi mãi không trở về - Kỳ 2: Nước mắt phòng cấp cứu

16/03/2016 15:24 GMT+7

Có mặt ở phòng cấp cứu mới thấu hiểu sinh mạng con người rất mong manh trong tai nạn giao thông (TNGT). Phía trước tay lái là mạng sống của chính mình và bao người vô tội xung quanh.

Có mặt ở phòng cấp cứu mới thấu hiểu sinh mạng con người rất mong manh trong tai nạn giao thông (TNGT). Phía trước tay lái là mạng sống của chính mình và bao người vô tội xung quanh. 

Bệnh nhi được lọc máu liên tục tại Bệnh viện Nhi đồng 1 để điều trị chấn thương do TNGT - Ảnh: do bác sĩ cung cấpBệnh nhi được lọc máu liên tục tại Bệnh viện Nhi đồng 1 để điều trị chấn thương do TNGT - Ảnh: do bác sĩ cung cấp
Vụ TNGT khủng khiếp mới đây ở Hà Nội vẫn làm rùng mình những ai xem lại video clip ghi cảnh ô tô tông thẳng 2 ông cháu đi xe máy cùng một phụ nữ đi bộ. Ở khoảnh khắc đó, mọi sinh linh đều bé nhỏ và mỏng manh. TNGT đơn giản chỉ cần một chút lạc tay, nhấn ga bất cẩn của tài xế mà nhiều người mãi mãi không trở về.
VIDEO: Những thói quen giết người bạn nên tránh khi đi ra đường - Thực hiện: Thùy Dương
Sự sống sau 3 lần ngưng tim
Trong căn phòng vô trùng, cách biệt với bên ngoài qua hai lớp cửa, cô bé N.K.V. (mới 9 tuổi, ngụ Trảng Bàng, Tây Ninh) nằm lặng yên với xung quay là đủ thứ máy móc, các chỉ số đo các chức năng sinh tồn đều đặn chạy trên những màn hình, được bác sĩ theo dõi sát sao. Còn chiếc máy lọc máu thì đang đều đặn chạy.
Từ khi được phẫu thuật cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Khu vực Củ Chi (TP.HCM) đến khi được điều trị hồi sức tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), bé đã 3 lần bị ngưng tim.
Các bác sĩ phải cho bệnh nhi thở máy, truyền máu, sử dụng thuốc an thần, kháng sinh và dùng thuốc vận mạch liều cao mới giữ được huyết áp.
Bé bị đa chấn thương do TNGT, các cơ quan hô hấp, tim mạch, huyết học, gan, thận, chuyển hóa bị tổn thương. Trong đó, khi vỡ gan, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Củ Chi đã phẫu thuật khâu vết rách gan cho bé.

Còn nước còn tát, còn được chút nước nào là chúng tôi tát chút đó và trong trường hợp này gần như đã cạn nước. Lọc máu là biện pháp cuối cùng khi hầu như bệnh nhân đã không còn hi vọng 

Bác sĩ Đặng Thanh Tuấn

“Còn nước còn tát, còn được chút nước nào là chúng tôi tát chút đó và trong trường hợp này gần như đã cạn nước. Lọc máu là biện pháp cuối cùng khi hầu như bệnh nhân đã không còn hi vọng”, bác sĩ Đặng Thanh Tuấn, Trưởng Khoa Hồi sức ngoại, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), chia sẻ khi tiếp nhận điều trị bé V.
Sau hai lần lọc máu liên tục, bệnh nhân đã có dấu hiệu hi vọng sống. Sau 4 lần lọc máu, bệnh nhân đã vượt qua “cửa tử”.
Hơn 20 ngày điều trị tích cực, bệnh nhi đã tỉnh, ổn định sức khỏe. Tuy nhiên, chức năng thận còn yếu nên bé vẫn phải được chăm sóc, theo dõi sát sao. Dù tỉnh nhưng cô bé 9 tuổi vẫn trong tình trạng sợ hãi, hoang mang và được các bác sĩ điều trị tâm lý. Tuy nhiên, “cũng không biết là sau này khi đã qua stress do tai nạn thì bệnh nhân có thể phục hồi hoàn toàn được hay không về tri giác”, bác sĩ Tuấn đau lòng chia sẻ.
Tưởng chừng chỉ đi vài ba trăm mét loay quanh chúc tết, thế nhưng, ngày hôm đó (ngày 9.2, mùng 2 tết), cả gia đình 4 người cùng đi xe máy chúc tết thì bị trượt ngã, té ra đường. Bé V đau bụng, bị trầy xước da nhiều. Không ngờ cú ngã xe khiến bé chấn thương thập tử nhất sinh đến thế!
Nghỉ ở trạm dừng chân cũng bị tai nạn
Trong khi đó, ngày về quê ăn tết với gia đình anh Hoàng Đình Nam lại thành ngày nhập viện.
“Cả nhà đi xe đò từ Sài Gòn về quê hôm 7.2 (29 tết). Đến quán ăn ở Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang), xe dừng lại nghỉ cho khách xuống ăn. Tui với hai đứa nhỏ không ăn, ở trên xe. Ổng xuống ăn uống xong thì trở về xe. Không ngờ, ngay trong sân quán ăn trạm nghỉ chân mà cũng bị tai nạn giao thông. Chiếc xe 50 chỗ khác chở khách vào quán nghỉ chân. Xe đã dừng, thả khách xuống. Thế mà lúc ổng đi ngang qua đầu xe này thì bất ngờ tài xế làm xe lăn bánh, chạy tới, cuốn ổng vào gầm xe”, chị Lê Thị Ngọc Thu (vợ anh Nam) kể.
Anh Nam được đưa vào cấp cứu và điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) đến nay đã gần 1 tháng vẫn chưa thể xuất viện.
“Tui nghe mọi người chạy lại xe kêu chồng bị xe tông mà còn bàng hoàng, không tin nổi. Ai nghĩ ngay trong sân quán ăn mà còn bị xe tông. Lúc tui chạy xuống thấy ổng lết trong gầm xe ra, máu me bê bết, hai chân nát thịt, gẫy xương lòi cả ra. Tui thật kinh hoàng, chỉ muốn quỵ!”, chị Thu vẫn còn run run, tái mặt không khỏi kích động kể lại.
Đời sống ở quê khó khăn, hai vợ chồng lên thành phố mưu sinh, nhận gia công giày cho các đơn vị, công ty sản xuất tư nhân nuôi hai con đi học. Thu nhập hai vợ chồng khi có hàng cũng chỉ được tầm trên dưới 5 triệu đồng/tháng; ít hàng thì chỉ 1-2 triệu đồng/tháng đắp đổi qua ngày, cũng có tháng không có hàng thì chẳng có thu nhập gì.
“Ổng là lao động chính đi chở hàng may giày, giờ bị thế này, nhất là chấn thương nặng ở chân nên chẳng thể làm được nữa. Tui cũng chưa tính tới mai mốt làm gì vì từ tết giờ vẫn chỉ có lo nuôi chăm bệnh cho chồng, gần tháng nay trong đây, công việc cũng không còn”, chị Thu nói về tương lai còn mịt mù, mơ hồ sắp tới.
Ngay tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), năm nào cũng có ca cấp cứu tai nạn giao thông hàng loạt, còn tai nạn giao thông thì cấp cứu nhận mỗi ngày và nhiều nhất, gần như chiếm hơn 1/3 số ca cấp cứu tại bệnh viện, đặc biệt là trong các dịp lễ tết.
“Đối mặt, cấp cứu cho bệnh nhân nhập viện với nhiều loại bệnh, tai nạn nhưng với tai nạn giao thông là nhiều nhất, mới thấy đi đường giờ nguy hiểm quá! Nhiều TNGT xảy ra không ngờ mà hậu quả để lại thì quá lớn, không đong đếm được nếu người lái xe thiếu ý thức, không đảm bảo an toàn”, một bác sĩ Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy, chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.