Sức bật kỳ diệu của doanh nghiệp Việt

13/10/2022 06:37 GMT+7

Đó là nhận xét của TS Trần Du Lịch trong cuộc trao đổi với chúng tôi khi nhìn lại gần 1 năm cộng đồng doanh nghiệp Việt chống chịu cơn bão giá lớn nhất từ trước đến nay.

Đã có thời điểm, trong một tháng có tới hơn chục ngàn doanh nghiệp (DN) phải rời cuộc chơi. Thế nhưng, sau gần 1 năm nhìn lại, nền kinh tế có thêm hàng trăm ngàn công ty mới.

Nhiều doanh nghiệp VN đã nhanh chóng bật dậy, phát triển sau những khó khăn của đại dịch Covid-19

PHẠM HÙNG - KHẢ HÒA

Mạnh mẽ hồi sinh

Một năm trước, sau những tháng thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, hàng ngàn công ty đã phải đóng cửa hoặc sản xuất cầm chừng. GDP giảm sâu nhất lịch sử kinh tế VN kể từ khi tính GDP theo quý. Vậy mà, ngay sau khi Chính phủ “tháo chốt”, chuyển từ trạng thái “Zero Covid-19” sang chiến lược “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, khối DN đã lập tức hồi sinh.

Khu vực sản xuất nhanh chóng vực dậy mạnh mẽ

CTV

Tháng 4, suýt soát nửa năm sau khi mở cửa kinh tế, đã đánh dấu kỷ lục khi trở thành tháng có số lượng DN thành lập mới cao nhất từ trước đến nay, với 15.001 DN. Con số này cao hơn mức trung bình 13.043 DN thành lập mới trong thời điểm tháng 4 của giai đoạn 2017 - 2021. Trong tháng, VN cũng ghi nhận 7.034 DN quay trở lại hoạt động, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm 2021. Số lượng DN thành lập mới, quay trở lại hoạt động tăng vọt đã kéo theo nền kinh tế hồi phục mạnh mẽ. GDP quý 2 của VN ước tính tăng 7,72% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất kể từ năm 2011.

Tính đến tháng 9, cả nước có thêm 112.800 DN đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.272,3 ngàn tỉ đồng, tăng 31,9% về số DN và tăng 6,4% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, còn có 50.500 DN quay trở lại hoạt động, tăng 56,1% so với 9 tháng năm 2021, nâng tổng số DN thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động trong 9 tháng lên 163.300 DN, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm trước.

“Thời điểm sau khi TP.HCM hết giãn cách, các mặt bằng kinh doanh bỏ trống rất nhiều. Ai cũng bảo khó khăn còn kéo dài nhưng với tôi, đó lại là cơ hội tốt để mở rộng quy mô. Bình thường, các vị trí thuận lợi chắc chắn bị tranh giành, giá thuê đẩy lên rất cao. Trong khi lúc đó làm gì có ai cạnh tranh, thoải mái lựa chọn”, chị Đoàn Thị Thoa, một hộ kinh doanh ngành thực phẩm tại Q.11 (TP.HCM), nhớ lại những ngày đi săn lùng vị trí thuận lợi để mở thêm địa điểm phân phối hồi đầu năm.

Tương tự, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Phúc Sinh Group, cũng vui mừng thông báo từ đầu năm đến nay DN này tăng trưởng doanh thu khoảng 40% so với năm 2021. Mức tăng này vẫn ước tính duy trì cho cả năm 2022. Nhận định sau đại dịch, mức tiêu thụ toàn cầu nhìn chung vẫn chưa hồi phục, song ông Thông vẫn mạnh tay mở rộng hệ thống chuỗi cà phê tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Phúc Sinh Group đặt mục tiêu đạt con số 20 cửa hàng vào cuối năm nay và tiếp tục kế hoạch mở rộng tiêu thụ sản phẩm cà phê rang xay đến tận tay người tiêu dùng trong nước. Bởi, theo ông: “Tín hiệu tăng trưởng kinh tế lạc quan từ đầu năm đã mang lại nhiều cơ hội cho các công ty lớn khi nhiều đối tác tìm đến. Bên cạnh đó, với việc xuất khẩu các nông sản của VN như cà phê, tiêu… thì nguyên liệu đều hoàn toàn trong nước nên không rơi vào tình trạng được đầu này, mất đầu kia như một số ngành phải nhập khẩu nguyên phụ liệu. Ngoài việc lượng xuất khẩu gia tăng thì đồng USD tăng giá cũng giúp công ty càng tăng lợi nhuận”.

Hứng chịu khó khăn kép từ đại dịch thế kỷ và bão giá toàn cầu nhưng trong “nguy” có “cơ”, không ít cá nhân đã tìm thấy con đường khởi nghiệp, đầu tư “xóa bàn” làm lại hoặc mạnh dạn mở rộng thị trường chiếm lĩnh cơ hội.

Tính đến tháng 9, cả nước có thêm 112.800 DN đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.272,3 ngàn tỉ đồng, tăng 31,9% về số DN và tăng 6,4% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, còn có 50.500 DN quay trở lại hoạt động, tăng 56,1% so với 9 tháng năm 2021, nâng tổng số DN thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động trong 9 tháng lên 163.300 DN, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính ra, bình quân 1 tháng có 18.100 DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Những “người khổng lồ” vươn vai

Theo chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch, DN Việt có độ chống chịu và sức sống đáng kinh ngạc. Trong khi ngành sản xuất vẫn có thể “túc tắc” duy trì trong đại dịch nên có nhiều lợi thế để nhanh chóng vực dậy thì sức sống của các DN ngành dịch vụ như lữ hành, hàng không mới thật sự đáng kinh ngạc.

Ông chủ của một trong những DN lữ hành lớn nhất VN hiện nay còn ví von “7 - 8 người khiêng chưa chắc đã ngồi dậy được” khi nói về tình trạng sức khỏe của các DN du lịch sau đại dịch. Thế nhưng, ngay khi rào cản đi lại được gỡ bỏ, chẳng cần ai “khiêng”, họ đã tự vực dậy mạnh mẽ. Tương tự, những khoản lỗ khổng lồ do ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch không làm giảm đi sức bật mạnh mẽ của hàng không VN, nhằm đón đầu nhu cầu di chuyển, giao thương, du lịch của khách. Các nước thận trọng chưa mở cửa, xung đột Nga - Ukraine ngày càng leo thang khiến thị trường du lịch quốc tế ì ạch chưa thể khởi sắc. Những chiếc máy bay chở lượng khách lèo tèo hễ cất cánh là lỗ, nhưng các hãng vẫn tiếp tục cố gắng duy trì đường bay, giữ cầu nối đón cả thế giới đến VN. Mặt khác, toàn bộ mạng bay nội địa của tất cả các DN đã lần lượt được mở bung, phục vụ nhu cầu du lịch như chiếc lò xo tháo chốt của người Việt.

Thành quả, chỉ 3 tháng sau khi chính thức mở cửa, VN đứng vị trí số 1 trong danh sách 25 nước có thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh nhất thế giới. Nếu xét riêng khu vực Đông Nam Á, VN bỏ khá xa các nước cùng có mặt trong danh sách, ngay cả các thị trường là đối thủ nặng ký về du lịch như: Indonesia đứng thứ 8, Malaysia thứ 9, Philippines thứ 13 và Thái Lan đứng thứ 24.

Hàng không phục hồi ấn tượng, hạ tầng ngành du lịch cũng hồi sinh nhanh chóng. Du lịch “ngủ đông” 2 năm, hàng loạt những khu resort, bất động sản nghỉ dưỡng trải dài từ Bắc qua Trung, vào Nam khốn khổ trong khung cảnh tiêu điều, không có sức sống. Thế nhưng, ngay khi du lịch rục rịch “cựa mình” thức dậy, các resort đẳng cấp, cao cấp cũng chính là đối tượng nhộn nhịp trở lại đầu tiên. Là một trong những nhà phát triển du lịch hàng đầu VN, chi phí chịu lỗ vận hành tất cả hệ sinh thái du lịch của Tập đoàn Sun Group lên tới hàng ngàn tỉ đồng, song ngay khi “lệnh mở cửa bầu trời” được phát ra, Sun Group đã cho ra mắt hàng loạt sản phẩm mới tại nhiều địa phương trên cả nước như Lào Cai, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Phú Quốc. Vốn đã có hấp lực từ trước, chuỗi sản phẩm mới đẳng cấp lại làm giàu thêm trải nghiệm của khách hàng, đón đầu đúng nhu cầu “khát đi” sau đại dịch.

Tương tự, hệ thống Vinpearl (Tập đoàn Vingroup) cũng nhanh chóng chuẩn bị sẵn sàng về cơ sở vật chất, sản phẩm và nhân sự để đón khách quốc tế. Ngay trong ngày đầu mở cửa du lịch, 45 cơ sở bao gồm 36 khách sạn, resort công suất trên 18.500 phòng khách sạn và biệt thự; 3 công viên chủ đề và 2 khu vui chơi giải trí, 2 công viên bảo tồn và chăm sóc động vật bán hoang dã, 4 sân golf, spa cùng các trung tâm hội nghị, ẩm thực... của Vinpearl tại những danh thắng du lịch nổi tiếng nhất đã đi vào hoạt động.

Những “người khổng lồ” SunGroup, Vingroup vươn vai đứng dậy, kéo theo cả hệ sinh thái các điểm đến, nhà hàng, khách sạn, DN lữ hành… đồng loạt hồi sinh. Sau liên tiếp 3 mùa cao điểm du lịch bùng nổ, tính đến hết tháng 9, tổng số khách du lịch nội địa của VN đã đạt 86,8 triệu lượt, cao hơn lượng khách của cả năm 2019 - thời điểm “hoàng kim” của du lịch VN trước khi xảy ra đại dịch. Dù chưa đạt kỳ vọng do nhiều yếu tố khách quan tác động nhưng thị trường quốc tế cũng bắt đầu đón tín hiệu khởi sắc. Trong 9 tháng, khách quốc tế đến VN đạt 1,65 triệu lượt và đang sẵn sàng đón mùa cao điểm với nhiều thị trường mới tiềm năng.

Sức vươn lên, vượt khó mạnh mẽ của DN Việt

Nhìn lại suốt quãng thời gian từ khi mở cửa kinh tế đến nay, TS Trần Du Lịch một lần nữa nhấn mạnh doanh nhân và DN Việt nói chung có một sức vươn lên, vượt khó rất mạnh mẽ. Đặc biệt là tính linh hoạt sáng tạo của DN Việt khi ứng phó với tình hình kinh tế trong nước và thế giới biến động không ngừng.

Chính từ thực tế hoạt động, các DN đã liên tục đề xuất ra các giải pháp phù hợp hơn với tình hình sống chung an toàn với dịch bệnh để đảm bảo hoạt động sản xuất, công ăn việc làm cho người lao động. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát tốt thì các DN cũng từng bước hồi phục và phát triển mạnh. Đặc biệt, việc phục hồi của các DN trong nước chủ yếu xuất phát tự bản thân là chính mà không thụ động ngồi chờ sự hỗ trợ của Chính phủ. Đơn cử, chính sách hỗ trợ lãi suất 2% đến nay vẫn chưa giải ngân được nhiều nhưng các DN vẫn phải tự xoay xở, tự hoạt động. Không vì những khó khăn mà ngồi im “bó tay bó chân”.

“Tôi cho rằng nhà nước cần tiếp tục có những chính sách cải cách, đồng hành để tạo niềm tin mạnh mẽ cho cộng đồng DN và doanh nhân. Song song, các chính sách cũng cần khuyến khích thúc đẩy DN sáng tạo, linh hoạt hơn nữa trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động khôn lường”, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch nhấn mạnh.

Đồng tình, chuyên gia kinh tế Vũ Quốc Chinh nhận định Covid-19 như một phép thử, một cuộc “thanh lọc” mà sau đó, những DN còn tồn tại thật sự là những tế bào mạnh nhất, khỏe nhất của một cơ thể. Cũng nhờ vượt qua cơn bão lớn, DN Việt vốn đã linh động, thích ứng nhanh, nay càng xác định được hướng đi đúng đắn và tôi rèn thêm khả năng chống chịu phi thường. Đây là những nền tảng quan trọng để kinh tế VN giai đoạn tới phát triển chắc chắn.

Tuy vậy, ông Vũ Quốc Chinh lưu ý “một cơ thể sau khi trải qua cơn bạo bệnh thì sức đề kháng cũng chịu nhiều thử thách”. Trước mắt là giai đoạn phục hồi vô cùng nhạy cảm, đòi hỏi cần một “môi trường sống” thật sự thuận lợi. Trong trường hợp này, môi trường sống chính là chính sách.

“Kinh tế giai đoạn tới có nhiều thách thức nhưng cũng hé lộ rất nhiều cơ hội. Chính sách phải có sự sáng tạo, nhanh nhạy để DN nắm bắt được những cơ hội đó. Môi trường thuận lợi thì cơ thể mới hồi phục nhanh chóng. Sau một liệu trình điều trị, nếu có thêm lực cản mới xuất hiện thì sức chống chọi sẽ trở nên khó khăn và quá trình vượt giông tố thời gian qua coi như sẽ không còn ý nghĩa”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Khó khăn nhất là khó khăn đã qua

Ảnh

Ngành du lịch VN đã phục hồi tương đối nhanh so với các nước trong khu vực, nhờ độ mở lớn và nhu cầu của người dân bùng nổ sau 2 năm dịch bệnh. Sau một mùa hè “vàng” được cọ xát thì dịch vụ tại các điểm đến đã tương đối ổn định, không còn tình trạng thiếu dịch vụ do thiếu nhân sự.

Ngoài ra, các đường bay quốc tế và tuyến điểm liên tục được bổ sung, các thị trường truyền thống dần mở cửa trở lại. Gần nhất, du lịch Việt đã nhận khách cho các tour đi Nhật Bản và Đài Loan vào quý 4/2022 cũng như dịp Tết Quý Mão. Tất cả những yếu tố này là thuận lợi lớn, làm bàn đạp cho ngành du lịch hồi phục giai đoạn tới.

Song, thách thức vẫn còn nhiều phía trước. 3 tháng cuối năm, theo tôi, tốc độ tăng trưởng sẽ chậm hơn so với 2 quý trước. Điều này nằm trong lộ trình chung của toàn thế giới. Thách thức lớn nhất trong giai đoạn tới là tình hình kinh tế đang suy thoái, cuộc xung đột Nga - Ukraine vẫn chưa hạ nhiệt, tình hình lạm phát và giá cả leo thang sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống nói chung cũng như nhu cầu du lịch nói riêng. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ cho DN du lịch cũng còn khó tiếp cận.

Tuy vậy, không khó khăn nào có thể so sánh với những gì mà chúng ta đã trải qua trong 2 năm qua. Chúng tôi đã có những kế hoạch dự trù cũng như kịch bản để tự tin vượt qua sóng gió. Với tốc độ tăng trưởng hiện tại, so với các nước trong khu vực, chính sách của nhà nước cũng như sự quan tâm của lãnh đạo ngành du lịch, cá nhân tôi lạc quan và tin tưởng vào sự phát triển của ngành du lịch VN năm 2023.

Phạm Phương Anh (Phó tổng giám đốc Công ty Du Lịch Việt)

Sự đóng góp của DN, doanh nhân ngày càng lớn

Ảnh

Cần ghi nhận sự nỗ lực của các DN, doanh nhân trong thời buổi kinh doanh đầy khó khăn như hiện nay. Từ khi đổi mới, lực lượng DN, doanh nhân Việt có sự phát triển nhanh, đặc biệt là khối DN tư nhân với sự linh hoạt và năng động. Sự đóng góp của họ đối với xã hội thể hiện rõ nét trong 3 năm vừa qua.

Trong đại dịch, các DN chắt chiu từng đồng, kể cả chủ DN không nhận lương để hỗ trợ DN, người lao động. Mặc dù bị ảnh hưởng lớn từ dịch nhưng khi có điều kiện, khối DN tư nhân trỗi dậy phục hồi rất nhanh. Chỉ trong 8 tháng đầu năm, số thu ngân sách nhà nước đã đi hơn 4/5 đoạn đường, cơ quan thuế thu hơn 1 triệu tỉ đồng tiền thuế, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó chủ yếu là thu nội địa, đạt 951.789 tỉ đồng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế quý sau cao hơn quý trước. Hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN đã trở lại trạng thái bình thường.

Đáng chú ý, một số ngành chịu tác động của dịch Covid-19 đã tăng trưởng mạnh trở lại như vận tải hành khách tăng gấp 4,4 lần và luân chuyển hành khách gấp 7,5 lần cùng kỳ năm trước; vận tải hàng hóa tăng 58,6% về sản lượng, tăng 68,8% về luân chuyển hàng hóa so cùng kỳ… Có thể thấy, DN, doanh nhân là lực lượng tham gia vào khôi phục kinh tế.

Ông Nguyễn Ngọc Tú (Giảng viên Trường đại học Kinh doanh - Công nghệ Hà Nội)

Kỳ vọng vào sự điều hành linh hoạt của Chính phủ

Ảnh

Là một DN tập trung hoàn toàn ở thị trường nội địa nên hoạt động kinh doanh khá ổn định. Trong 9 tháng năm nay, công ty tăng trưởng khoảng 30% và ước tính duy trì được mức tăng này cho cả năm 2022. Trước biến động giá nguyên vật liệu đầu vào, công ty luôn có kế hoạch dự trữ để đảm bảo sản xuất, cung ứng sản phẩm ra thị trường, nhất là vở tập học sinh và văn phòng phẩm. Công ty cũng luôn đặt ra kịch bản ứng biến, linh động theo thị trường. Chẳng hạn, năm trước khi đại dịch còn diễn biến phức tạp thì DN đẩy mạnh sản xuất khẩu trang. Còn năm nay thì giấy tập học sinh và văn phòng phẩm là chủ lực. Song song đó, công ty cũng tăng cường sản xuất bao bì các loại để đa dạng thêm sản phẩm.

Thị trường luôn luôn có biến động và ông cho rằng người đứng đầu DN cần bình tĩnh xử lý vì đều có đường thoát hiểm. Công ty vẫn kỳ vọng vào sự điều hành linh hoạt của Chính phủ, giữ ổn định kinh tế vĩ mô và từ đó các DN sẽ có điều kiện để duy trì hoạt động và có cơ hội phát triển.

Ông Lâm An Dậu (Chủ tịch HĐQT Công ty giấy Vĩnh Tiến)

Góp phần đưa kinh tế phục hồi trở lại

Ảnh

Con số hơn 110.000 DN đăng ký thành lập mới trong 9 tháng vừa qua là một biểu hiện của sự tự tin, sức sống của cộng đồng DN Việt. Đặc biệt, ngày càng nhiều DN có những sản phẩm chất lượng cạnh tranh với hàng hóa ngoại nhập, tạo ra nhiều hàng hóa xuất khẩu ra thế giới, mang lại niềm tự hào thương hiệu Việt, doanh nhân VN…

Chính sự mạnh dạn, năng động của khối DN đã góp phần đưa kinh tế VN hồi phục và tăng trưởng nhanh trở lại khi từ đầu năm đến nay kinh tế toàn cầu vẫn đối diện với quá nhiều khó khăn. Quốc hội và Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, tạo ra môi trường kinh doanh minh bạch, tạo điều kiện tốt nhất cho DN hoạt động. Vừa lo chống dịch, vừa lo sản xuất kinh doanh. Vừa lo cho người lao động, vừa lo chia sẻ với những khó khăn của nhân dân, tổ chức các chuyến thiện nguyện, làm tốt trách nhiệm xã hội… Xin cảm ơn doanh nhân VN.

TS Trần Hoàng Ngân (Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM)

Mong Chính phủ tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô

Ảnh

Xuất khẩu của các DN dệt may nhìn chung đều khó khăn trong quý 4/2022 khi đơn hàng sụt giảm tại nhiều thị trường nước ngoài. May mắn là riêng đối với May 10, hoạt động trong 9 tháng vừa qua vẫn tăng trưởng nên ước tính cả năm cũng sẽ hoàn thành kế hoạch. Dự báo quý 1/2023 tình hình thị trường vẫn chưa sáng sủa và dự kiến kéo dài sang quý 2/2023.

Tình hình kinh tế bất ổn nên các DN rất khó khăn trong dự báo dài hạn. Chính vì vậy, công ty vẫn tăng cường bám sát thị trường để đảm bảo hoạt động, đủ việc cho người lao động. Đồng thời thực hiện chính sách tiết kiệm các chi phí triệt để và tuyên truyền người lao động cùng chia sẻ khó khăn, thực hiện chính sách này của công ty.

Chúng tôi mong Chính phủ vẫn tiếp tục các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó có chính sách tài chính tiền tệ để các DN yên tâm phát triển.

Ông Thân Đức Việt (Tổng giám đốc Tổng công ty May 10)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.