Điều này là một thực tế hiện nay khi sự quan tâm đến điểm số, kết quả học tập quan trọng hơn sức khỏe của học sinh (HS).
Trong nhà trường, số tiết học để rèn luyện thể thao khá khiêm tốn, cơ sở vật chất cũng chưa đủ. Đó là chưa kể, trong những trường hợp cần thiết thì thể dục sẽ là môn “ưu tiên” giảm trước để nhường cho các môn “chính”. Rèn luyện thể lực ít được giáo viên lưu ý nhắc nhở HS thực hiện. Với gia đình thì ngoài giờ học, thời gian còn lại phần lớn cha mẹ cho con học thêm các môn văn hóa, quan tâm lắm thì là môn năng khiếu (vẽ, nhạc…), còn rèn luyện thể lực thì được chăng hay chớ.
Nhưng quan niệm này không phù hợp cho “cuộc đua đường trường” vì ai cũng biết rằng một trí tuệ minh mẫn chỉ có trong một cơ thể cường tráng. Tình trạng thừa cân - béo phì trong HS, theo các nhà chuyên môn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tâm lý, giảm thành công trong học tập. Vì vậy, muốn HS có chất lượng học tập tốt, bền vững thì phải nghĩ xa hơn, phải cho các em một cơ thể khỏe mạnh, nhanh nhẹn. Do đó, thay vì cứ chăm chăm nhắm vào điểm số trước mắt, nhà trường, gia đình cần tạo một nền tảng để HS có sức khỏe vượt hành trình tiếp thu tri thức.
Trong khi chờ đợi những thay đổi từ chính sách hoặc cần sự đầu tư lớn về cơ sở vật chất để việc học thể dục hiệu quả hơn, nhà trường có thể làm được những việc trong khả năng của mình nhằm nâng cao thể chất, giảm tình trạng thừa cân - béo phì trong HS.
Với thời lượng học thể dục hiện nay khoảng 2 tiết/tuần, theo các chuyên gia, không thể “gánh” hết phần rèn luyện thể chất cho HS. Có thể kết nối với các trung tâm, đơn vị hoạt động về thể dục thể thao ngoài nhà trường giúp HS có nhiều hoạt động tập luyện đa dạng hơn. Ngoài việc nhắc nhở HS làm bài tập, học tốt, giáo viên nên tạo cơ hội cho HS được hoạt động giữa các tiết học, duy trì thể dục giữa giờ, nâng cao ý thức tập luyện thể chất cho HS…
Nếu nhà trường tổ chức ăn bán trú thì cũng nên có chế độ ăn riêng cho những HS thừa cân - béo phì hay suy dinh dưỡng. Hẳn nhiên không thể yêu cầu quá cao về điều này ở các trường công lập, nhưng chỉ cần cho khẩu phần ăn của HS thừa cân nhiều rau xanh, ít tinh bột hơn các bạn khác cũng đã mang lại ít nhiều hiệu quả. Căn tin các nhà trường cũng hạn chế bán thức uống, đồ ăn gây hại cho sức khỏe lâu dài.
Những điều chỉnh này cũng cần được thực hiện từ gia đình. Ngày nay HS có quá nhiều thời gian sử dụng điện thoại, máy tính, xem ti vi… thì cha mẹ cần tạo nhiều cơ hội vận động cho con từ những việc nhỏ như phụ giúp việc nhà, đi bộ… thay vì yêu cầu con suốt ngày chỉ tập trung cho việc học để đạt điểm cao.
Quan điểm giáo dục mới không còn đặt nặng vào kiến thức hàn lâm mà tập trung vào năng lực tư duy, giao tiếp, diễn đạt, ứng phó với những hoạt động hằng ngày và biết chăm sóc bản thân… Để thực hiện điều này chắc hẳn một HS khỏe mạnh sẽ có cơ hội đi xa và bền vững hơn HS thể lực yếu.
Bình luận (0)