Dịch Covid-19 khiến nhiều người phải làm việc ở nhà trong thời gian dài. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để giữ gìn sức khỏe thể chất và tinh thần thoải mái nhất có thể?
"Ham chơi hơn làm"
Tiến sĩ xã hội học - chuyên gia tham vấn tâm lý Phạm Thị Thúy - chia sẻ tình trạng làm việc ở nhà quá lâu làm gia tăng nguy cơ mắc các vấn đề về tâm lý: “Có rất nhiều vấn đề tâm lý ngoài chuyện 'ham chơi hơn làm', nhiều người rơi vào trạng thái mất phương hướng, không biết làm để làm gì. Thậm chí còn có suy nghĩ 'cuối cùng kiếm tiền để làm gì' khi dịch bệnh diễn biến phức tạp…”.
|
Trong thời điểm này, tiến sĩ Thúy nghe nhiều tâm sự: “Tự nhiên họ mất động lực làm việc. Họ cảm thấy mệt mỏi và nhìn tương lai vô định, thành ra động lực, mục tiêu làm việc không có, nhiều người bị chao đảo”.
Một vấn đề có thể gặp trong thời gian này là bị trầm cảm. Chuyên gia cảnh báo: “Nhiều bạn trẻ trong giai đoạn này dễ rơi vào trầm cảm, tự nhiên mất hết hứng thú, ăn ngủ không điều độ, thành ra dẫn đến con người ù lì, nhất là những bạn không chịu vận động, tập luyện thể thao... thì cả thân và tâm đều không có năng lượng”.
Tiến sĩ Thúy khẳng định, một trong những biểu hiện của trầm cảm chính là mất hứng thú vào niềm vui trước đây từng có. “Mình cảm thấy hứng thú với chuyện này chuyện kia, tràn đầy mục tiêu khát vọng. Bây giờ mình mất hết”, đây chính là dấu hiệu của việc trầm cảm, tiến sĩ Thúy nói.
Tiến sĩ Thúy cho biết thêm, giai đoạn này, chị tư vấn khá nhiều người bị trầm cảm. “Tất nhiên những người đó gặp phải nhiều vấn đề khác trước đó rồi chứ không phải vì ở nhà mà họ trầm cảm...”, chị Thúy chia sẻ.
5 việc cần làm để cải thiện tâm lý, sức khỏe
Trước các vấn đề trên, chuyên gia tham vấn tâm lý Phạm Thị Thúy có một số gợi ý cụ thể.
Đầu tiên, luôn giữ được mục tiêu của mình. Mình phải biết mình muốn gì, mình phải có mục tiêu, thì dù làm việc ở nhà hay ở đâu, mình mới hướng vào mục tiêu đó mà không bị chệch. Có thể có những lúc mình chán, mình muốn chơi, nhưng sau đó mình quay lại được vì có mục tiêu.
Thứ hai, phải duy trì được sự cân bằng giữa “chơi với làm”. Tiến sĩ Thúy nói duy trì bằng cách tập thể dục, thư giãn một cách kỷ luật, có kế hoạch. “Tôi rất thích một thông điệp trong cuốn sách là kỷ luật bằng tự do. Khi mình có kỷ luật mình mới tự do được chứ nếu mình để chạy theo thói quen là ngủ vùi, xem tivi hay lướt mạng hay xem phim thì tự nhiên mình bị mất rất nhiều thời gian mà nó phân tán việc làm của mình”, tiến sĩ Thúy chia sẻ.
|
Thứ ba, thiết kế góc làm việc ở nhà như một văn phòng nhỏ, có bàn làm việc, có chỗ ngồi đàng hoàng, thậm chí mình mặc một cái áo tử tế. “Nếu mình nằm ra giường hay làm việc trong không gian quá luộm thuộm thì rất dễ chơi, không làm đâu. Nhất là thời buổi dịch Covid-19 đã thế này thì chẳng biết mình phải làm việc online đến bao giờ đâu. Cho nên lời khuyên là bạn thiết kế một góc làm việc rất nghiêm túc”, tiến sĩ Thúy đánh giá đây là kỹ thuật ngắt không gian chơi và làm, ngắt tâm trạng chơi và làm ra.
Thứ tư, luôn chú ý đến việc ăn uống. “Nếu bạn có kế hoạch làm việc, đang có công việc phải làm thì bạn không nên ăn. Bạn chỉ nên ăn khi bạn xong việc thôi. Hầu hết những người làm việc về đầu óc họ cũng thấy câu ‘căng da bụng thì chùng da mắt’ rất đúng. Cùng lắm ăn nhẹ thôi rồi làm việc đi, làm xong việc rồi bạn quay ra thỏa mãn cho bạn bằng đồ ăn gì đấy”, tiến sĩ Thúy khuyên.
Cuối cùng, luôn phải kết nối với bạn bè và đồng nghiệp. “Đôi khi chính họ cùng mình tạo ra nhóm làm việc, cùng trao đổi để nhắc nhau làm, chứ không rất dễ quên việc hoặc để công việc đó trì hoãn”, tiến sĩ Thúy bộc bạch.
Chạy bộ mỗi sángPhạm Minh Trí (25 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) nhân viên truyền thông một công ty ở Q.10, TP.HCM, cho biết bắt đầu từ một tháng nay, Trí đã được công ty cho làm việc tại nhà tuần 2 buổi để phòng dịch Covid-19.
Trí chia sẻ: “Mình luôn giữ chế độ sinh hoạt đều đặn như duy trì chạy bộ mỗi ngày vào buổi sáng hoặc chiều, ăn thì cứ đúng giờ: 8 giờ 30 - 12 giờ - 19 giờ. Cơm luôn đủ tinh bột, thịt, rau, trái cây”. Để duy trì thói quen này, Trí mất tầm 2 tháng hoạt động liên tục. “Thời gian đầu khá là khó khăn chủ yếu là phải có ý chí, cơ bản là mình có mục tiêu”. Trí cho biết giai đoạn đầu gặp khó khăn trong việc thức dậy sớm. “Mình đặt mục tiêu mỗi ngày dậy sớm hơn 5 phút cho đến khi đạt được 5 giờ 30. Giờ thì cứ đều đặn 10 giờ 30 phút mình ngủ, 5 giờ 30 mình thức và bắt đầu buổi sáng”, Trí nói.
Ăn uống đúng giờ, không bỏ bữaTrong khi đó, Nguyễn Anh Tuấn (29 tuổi, ngụ Q.5, TP.HCM) làm công việc desinger tại nhà đã gần 1 năm nay chia sẻ: “Mình dậy lúc 6 giờ tập thể dục, mỗi ngày uống 1 ly nước cam, 1 viên vitamin tổng hợp, ăn uống đúng giờ, không bỏ cữ, ăn trái cây nữa. Cố gắng dành 1 giờ đi ra ngoài đường hít thở không khí”.
Là cơ hội để tái lập chế độ ăn uống, thư giãnBạn Nguyễn Ngọc Mai (28 tuổi, ngụ quận Q.1, TP.HCM) có cách sống rất khoa học khi làm việc tại nhà: “Trước hết là mình tuân thủ giờ giấc làm việc như đi làm ở cơ quan. Bố trí một góc làm việc đủ thoáng, có ánh sáng tự nhiên và nếu được thì chăm chút cho nó có sức sống một chút (như đặt một chậu cây xanh chẳng hạn). Làm việc ở nhà dễ gây bí bách và muốn nằm lên giường nhưng nếu chăm chút góc làm việc tạo được sự thoải mái và hứng khởi thì sẽ đỡ chán hơn nhiều”.
Bí quyết để luôn giữ tinh thần tích cực của Nguyễn Ngọc Mai là tự tạo niềm vui cho mình ở những thời gian nghỉ bằng việc tự nấu ăn. “Để giữ gìn sức khỏe thì việc ăn uống lành mạnh và điều độ rất quan trọng. Hãy xem đây là cơ hội để mình tái lập chế độ ăn, thay vì ăn nhanh hay bỏ bữa như khi đi làm ở công sở. Mình cũng tranh thủ tập thể dục tại nhà, có thể chỉ bằng vài động tác giãn cơ sau khoảng 1 tiếng ngồi ở bàn làm việc cũng được. Lâu lâu nên thư giãn bằng những bản nhạc mình thích”.
|
|
Bình luận (0)