Người bị viêm xương khớp nên tập luyện như thế nào?

Ngọc Quý
Ngọc Quý
04/01/2020 08:25 GMT+7

Viêm xương khớp là một trong các bệnh viêm khớp phổ biến nhất. Bệnh gây đau đớn, khó khăn khi di chuyển. Kết hợp giữa thuốc và tập luyện đúng cách sẽ giúp cải thiện sức khỏe bệnh nhân.

Viêm xương khớp là tình trạng thoái hóa khớp thường xảy ra ở khớp tay, hông và đầu gối. Khi mắc bệnh, sụn khớp của bệnh nhân thường mỏng hơn so với bình thường, theo US News.
Qua thời gian, tình trạng này sẽ gây tổn thương xương, thậm chí dẫn đến gai xương, gây đau đớn và vận động khó khăn. Tại Mỹ, các số liệu cho thấy có đến 31 triệu người đang sống với viêm xương khớp.
Những triệu chứng điển hình của viêm xương khớp là đau, sưng, cứng khớp, suy giảm chức năng vận động. Người bệnh có thể gặp khó khăn khi thực hiện các công việc thường ngày như đi bộ, leo cầu thang, nâng hoặc giữ đồ vật. Thậm chí, một số người bị viêm xương khớp ở bàn tay còn không thể cầm bút.
Các yếu tố như di truyền, thừa cân, béo phì, tuổi già, chấn thương sẽ làm tăng nguy cơ bị viêm xương khớp. Cũng như nhiều loại viêm khớp khác, viêm xương khớp không thể trị dứt. Tuy nhiên, người mắc hoàn toàn có thể kiểm soát bệnh. Bác sĩ thường khống chế cơn đau bằng các loại thuốc giảm đau như ibuprofen hay paracetamol, theo US News.
Bên cạnh thuốc, hoạt động thể chất phù hợp là một trong những phương pháp giúp kiểm soát viêm xương khớp hiệu quả nhất. Tập luyện sẽ giúp các khớp được bôi trơn và co duỗi tốt, US News dẫn lời nhà vật lý trị liệu Jhankhana Jani tại Trung tâm Y tế Providence Saint John (Mỹ).
Khi bắt đầu tập luyện, người bị viêm xương khớp nên tập dưới sự hướng dẫn của bác sĩ hoặc nhà vật lý trị liệu. Cách này sẽ đảm bảo tập đúng động tác và cường độ phù hợp.
Trong trường hợp muốn thực hiện các bài tập rèn luyện sức mạnh, người bệnh phải tìm đến các huấn luyện viên cá nhân có chuyên môn, không nên tự tập một mình.
Những bài tập người bị viêm xương khớp có thể tập gồm:

Aerobic

Bệnh nhân viêm xương khớp nên tập aerobic ít nhất 2 giờ 30 phút mỗi tuần. Cường độ tập ở mức độ vừa phải và tuân theo các hướng dẫn của người có chuyên môn, theo khuyến cáo của Đại học Y khoa Thể thao Mỹ.
Khi tập aerobic, người tập không cần phải chạy marathon. Họ có thể chọn những cách tập ít gây áp lực lên khớp hơn như đi bộ nhanh, chạy bộ, đạp xe, bơi lội, chơi tennis, bóng đá hay bóng rổ, theo US News.

Squat cường độ nhẹ

Trước tiên, người tập hãy đứng ở tư thế mà 2 chân rộng bằng vai. Họ có thể tìm một nơi nào đó để giữ ổn định cơ thể như vịn vào lan can hay quầy bếp trước mặt.
Sau đó, giữ ổn định khớp hông, đầu gối từ từ uốn cong lại, hạ thấp mông đến khi đạt được tư thế như đang ngồi trên ghế. Tiếp đến, duỗi đầu gối trở về tư thế đứng thẳng và bắt đầu thực hiện lại một lần nữa.

Yoga

Một số hình thức yoga rất tốt cho bệnh xương khớp. Yoga có thể giúp tăng cường khả năng giữ thăng bằng, sức mạnh và độ linh hoạt của cơ thể.
Chỉ cần tránh những chấn thương do tập luyện thì yoga rất tốt cho cột sống, hông và đầu. Người tập cần tìm những chuyên gia yoga có kinh nghiệm, đặc biệt là những người chuyên hướng dẫn cho bệnh nhân viêm khớp, các chuyên gia khuyến cáo, theo US News.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.